Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Di tích lịch sử văn hóa Khúc Thủy: Phá vỡ không gian chùa Việt

Linh Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau khi báo Kinh tế & Đô thị đăng bài Di tích lịch sử văn hóa Khúc Thủy: Chùa nghìn tuổi được xây mới (ngày 26/10/2017), nhiều chuyên gia bày tỏ bức xúc về việc thích phô trương của một bộ phận sư thầy.

Việc xây mới chùa Khúc Thủy (huyện Thanh Oai, Hà Nội) đã phá vỡ vẻ đẹp cổ kính, không gian kiến trúc trầm mặc của chùa Việt.
Chùa mới như “vườn tượng”

Đập vào mắt các Phật tử khi đến vãn cảnh chùa Khúc Thủy là 100 pho tượng Phật ngồi trên bệ sen được sơn son thếp vàng, chưa kể các pho tượng “khủng” được bày la liệt phía sau và bên phải tòa Tam Bảo. Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, GS Trần Lâm Biền cho rằng, chưa có chùa nào ở Việt Nam có số lượng tượng Phật “khủng” đến vậy, nhiều nhất cũng chỉ 60 - 70 tượng. Còn nhà nghiên cứu Trần Trọng Hiền đánh giá trong lịch sử, các pho tượng Phật ở chùa thường được bày trang trọng, ở những vị trí tôn nghiêm, không khoa trương. Suốt nhiều thế kỷ, chùa Việt là hình ảnh gắn với sự trầm mặc, lối sống khổ hạnh, lánh xa trần thế của các bậc chân tu, mang phong cách khiêm tốn, khoan hòa, gắn bó cùng thiên nhiên. Đến với chùa Khúc Thủy ngày này, là một hình ảnh khác hẳn sự khiêm nhường vốn có của nhà Phật. Tượng bày ồ ạt ra phơi nắng phơi mưa ngoài sân, mà như nhà nghiên cứu Trần Trọng Hiền gọi vui giống như “vườn tượng”. Những tòa nhà khóa, nhà chân tu… được xây dựng 2 - 3 tầng, màu sắc lòe loẹt. Bên trong khuôn viên di tích, bày đặt đậm đặc hiện vật, có cảm giác không có lối để chen chân.
 Ảnh: Linh Anh
Lý giải hiện tượng khoa trương này, nhà nghiên cứu Trần Trọng Hiền cho rằng, xuất phát từ thực tế người muốn cung tiến vì bản thân mình, không nghĩ và quan tâm tới nhu cầu có thật ở chùa. Thực tế, gần đây nhiều ngôi chùa được xây mới (hoặc trùng tu) thường sa vào xu hướng hoành tráng, đua theo những kỷ lục phù phiếm, lạm dụng trang thiết bị hiện đại. Điều này trước hết bắt nguồn từ việc một bộ phận rất lớn khách hành hương còn thích sự hoành tráng màu mè, dẫn tới việc còn những cơ sở tín ngưỡng chiều ý họ và tận dụng việc trùng tu để bỏ cũ thêm mới, tranh thủ tô vẽ chùa.

Vi phạm lớn hơn chùa Trăm Gian?

Sau khi báo Kinh tế & Đô thị phản ánh về tình trạng vi phạm của chùa Khúc Thủy chưa được xử lý, Sở VH&TT Hà Nội đã cử một đoàn cán bộ xuống kiểm tra và ghi nhận thực tế. Phóng viên báo Kinh tế & Đô thị cũng được biết, UBND huyện đã làm báo cáo gửi Sở VH&TT Hà Nội xác nhận 100 pho tượng Phật ngồi trên bệ sen mới được đưa vào năm 2010. Dù Sở VH&TT Hà Nội yêu cầu địa phương vận động nhà chùa và người cung tiến di dời hiện vật mới, nhưng việc di dời vẫn chưa được thực hiện. “Trách nhiệm quản lý và xử lý vi phạm là thuộc thẩm quyền của UBND huyện Thanh Oai” - ông Trương Minh Tiến – Phó Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội khẳng định.

Ngoài ra, theo báo cáo của UBND huyện Thanh Oai, những công trình xây mới nằm ngoài phạm vi bảo vệ của di tích. Tuy nhiên, GS Trần Lâm Biền cho rằng, dù xây dựng ngoài cũng là vi phạm, làm ảnh hưởng đến cảnh quan chung của ngôi chùa. “Nhà nước xếp hạng cấp quốc gia cho những công trình văn hóa lịch sử có từ xa xưa, mang bản sắc riêng của người Việt, không phải cho những công trình xây mới. Việc xây mới công trình, tu bổ không đúng với nội dung cho phép là hành động lợi dụng tôn giáo tín ngưỡng để phá hoại di sản. Tôi đánh giá sự việc vi phạm ở chùa Khúc Thủy còn lớn hơn hiện tượng tu bổ không phép ở chùa Trăm Gian (huyện Chương Mỹ) cách đây 5 năm” – GS Trần Lâm Biền nhấn mạnh. Việc xây dựng và tu bổ vi phạm này đã diễn ra 7 năm, nhưng UBND huyện Thanh Oai vẫn chưa có phương hướng giải quyết.