Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Di tích lịch sử văn hóa Khúc Thủy (xã Cự Khê, huyện Thanh Oai): Chùa nghìn tuổi đã được xây mới

Linh Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Là một trong số ít những ngôi chùa có niên đại lên đến hơn 1.000 năm còn sót lại ở Hà Nội, nhưng chùa Thắng Nghiêm (Khúc Thủy) đã mất đi vẻ rêu phong cổ kính.

Chùa mới được xây dựng, lớn gấp 3 - 5 lần chùa cũ với lối kiến trúc Tây, ta lẫn lộn, nhìn mà không khỏi xót xa.
Phô trương

Chùa Thắng Nghiêm, tên dân gian là Khúc Thủy, nằm trong quần thể di tích Thánh địa Khúc Thủy, thuộc xã Cự Khê, huyện Thanh Oai. Ngoài Thắng Nghiêm, Thánh địa Khúc Thủy còn có nhiều di tích lịch sử, tâm linh như đình Khúc Thủy, chùa Linh Quang, chùa Dâu… là nơi nhiều danh tướng thời Lý, Trần sinh sống và tu hành. Theo sử sách, chùa Khúc Thủy được khởi dựng từ năm 1010, nghĩa là đến nay ngôi chùa đã hơn 1.000 tuổi.
100 tượng Phật ngồi bệ sen do các Phật tử công đức, đặt bao quanh Tam Bảo từng được mang bảng chữ dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long. Ảnh: Linh Anh.
Các cụ cao tuổi trong thôn Khúc Thủy cho biết, chùa Khúc Thủy đã trải qua nhiều lần trùng tu, nhưng nhà Tam Bảo và hai dãy nhà phía bên trái vẫn giữ được vẻ cổ kính của ngôi chùa có kiến trúc thời Lý, mang đậm dấu ấn Phật pháp của vùng đồng bằng Bắc Bộ. Thế nhưng, từ năm 2010 chùa đã có bộ mặt khác, khang trang, hoành tráng với khối công trình xây mới đồ sộ gấp 3 - 5 lần trước đây, không xin phép cơ quan quản lý. Thay vì những hàng rào râm bụt bao quanh, chùa được dựng tường bao kín cổng với lối kiến trúc Tây không ra Tây, ta không ra ta. Phía bên trong tường bao in những bức tranh sơn thủy, nhưng lại được che giấu bằng các rèm vải. Choáng ngợp nhất là 100 tượng Phật ngồi bệ sen, sơn vàng chóe, sắp xếp bao quanh khu Tam bảo. Trước tháng 8/2017, đoàn kiểm tra liên ngành TP về kiểm tra các tượng Phật được gắn biển tên người công đức nhân kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, nhà chùa không chứng minh được công trình này gắn gì với việc kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội nên đã bị yêu cầu dỡ bỏ.

Ngoài 3 khối nhà mới xây dở, hàng loạt tượng Phật có kích thước lớn, mới được sơn thếp với màu sắc giả cổ. Sự hoành tráng và phô trương của ngôi chùa còn thể hiện ở phía trần nhà tiền đường và thượng điện được vẽ các mảng màu trang trí sặc sỡ. Theo đánh giá của ông Trương Minh Tiến – Phó Giám Sở VH&TT Hà Nội, ở Công văn 3015/SVH&TT-QLDT: Kiến trúc này không phù hợp với tôn giáo tín ngưỡng truyền thống vùng đồng bằng Bắc Bộ.

7 năm vi phạm

Chùa Khúc Thủy được xếp hạng di tích cấp quốc gia năm 1991. Theo Luật Di sản, mọi sự trùng tu xây mới ở di tích này đều phải xin thỏa thuận với Bộ VHTT&DL, Bộ Xây dựng, song việc xây dựng tu bổ lớn ở đây hoàn toàn tự phát. Trao đổi vì sao lãnh đạo huyện không nắm bắt, ngăn chặn kịp thời vi phạm ở đây, ông Nguyễn Huy Diệp – Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai cho biết: “Vì xã Cự Khê không báo cáo kịp thời lên huyện”. Nghĩa là 7 năm xây dựng diễn ra công khai trên khuôn viên rộng, với những công trình đồ sộ, nằm ngay cạnh khu đô thị mới của huyện Thanh Oai nhưng không ai biết. Phải chờ đến đầu tháng 8/2017, Thanh tra liên ngành TP kiểm tra nhắc nhở, ra Công văn số 3015 chỉ ra cụ thể những phần vi phạm, lãnh đạo huyện Thanh Oai mới có động thái ra Công văn số 1261/UBND-VHTT gửi UBND xã Cự Khê và Ban Quản lý di tích chùa Khúc Thủy yêu cầu khắc phục hậu quả việc tự ý tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử của Khúc Thủy như: Báo cáo về việc xây dựng, mời hội đồng giám định cổ vật xác nhận các hiện vật trong di tích để đối chiếu hiện trạng và hồ sơ xếp hạng, tuyên truyền giải thích nhà chùa và người công đức di dời các pho tượng… Mọi việc phải hoàn thành trước 12/9/2017.

Vậy nhưng đến cuối tháng 10/2017, việc sửa sai duy nhất của nhà chùa là sửa biển tên công đức 100 tượng Phật không còn dòng chữ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, còn vị trí tượng vẫn nguyên vẹn, công trình đã xây vẫn như cũ, công trình xây dở vẫn ồn ào thi công… Liên lạc với ông Nguyễn Huy Diệp sáng 25/10, được ông cho biết: “Chúng tôi đã yêu cầu khắc phục vi phạm, nhưng phải để nhà chùa khắc phục dần, không thể vội vàng được. Việc chuyên môn này phải hỏi Phòng VH&TT huyện, tôi đang bận họp TP”. Một di sản hơn 1000 tuổi bị phá hoại như vậy, mà cơ quan quản lý từ cấp thôn, xã đến huyện đều bàng quan như thể trách nhiệm chẳng thuộc về ai.