Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Di tích quốc gia đặc biệt Cổ Loa: Khắc khoải nỗi lo bị xâm hại

Khánh Linh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Di tích Cổ Loa có tuổi đời 2.300 năm, được đánh giá độc đáo bậc nhất ở Đông Nam Á vừa được các nhà khoa học đồng loạt lên tiếng “kêu cứu”.

Các nhà khoa học cho rằng vì di sản này đang bị xâm hại nghiêm trọng, khó có thể cứu vãn được nếu không có sự vào cuộc nhanh chóng của các cơ quan chức năng.
Hơn 1.000 hộ dân xâm hại di sản

Di tích Cổ Loa thường được du khách biết tới với đền Thượng thờ An Dương Vương, đình Ngự Triều, am thờ Mỵ Châu, Giếng Ngọc... nằm trong khu vực thành Nội. Nhưng, dấu tích có giá trị cốt lõi còn tồn tại đến ngày nay khẳng định dấu ấn của kinh đô nhà nước Âu Lạc dưới thời An Dương Vương là ba vòng thành đất, hào nước, sông Hoàng Giang. Hiện nay, rất khó có thể nhận ra chỗ nào là thành, chỗ nào là hào, vì kết cấu di sản đã bị xâm hại nghiêm trọng.
 Khu di tích đền Cổ Loa.
Tại mặt thành và chân các vòng thành có tới 1.000 hộ dân sinh sống. Trước thời điểm Cổ Loa được công nhận di tích quốc gia năm 1962, khu vực này không có ai quản lý, người dân tự do xây dựng nhà cửa. Đến năm 2006, các hộ dân được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo Luật Đất đai, vì thế vô hình chung đã tạo ra sự mâu thuẫn giữa công tác bảo tồn và cuộc sống trong giai đoạn hiện nay.

Do nhu cầu cuộc sống của người dân, việc xâm hại di tích là không tránh khỏi. Một số đoạn trên mặt thành còn bị xẻ ra, san ủi để làm đường và xây dựng các công trình dân sinh. Hiện tại, vòng thành Nội đã biến dạng, chỉ còn sót lại một vài ụ đất. Vòng thành Trung và thành Ngoại đã bị thay đổi về độ cao. Tại các hào nước, người dân còn lấp đi để xây nhà hoặc có khu vực được sử dụng canh tác trồng lúa, nuôi cá. Hơn nữa, di chỉ khảo cổ học Đồng Vông có nguy cơ bị xóa sổ vì các công trình dân sinh.

Cuối năm 2014, Ban Quản lý di tích Cổ Loa (trực thuộc Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội) được thành lập. Tuy vậy, ông Lê Viết Dũng - Phó Trưởng ban quản lý di tích Cổ Loa cho biết, Ban chỉ quản lý các điểm di tích trong khu vực thành Nội với diện tích 40ha, trong khi diện tích còn lại của khu di tích rộng gần 860ha do chính quyền xã Cổ Loa quản lý. Vì vậy, khi phát hiện những vi phạm trong khu vực ba vòng thành đất, khu hào nước cũng như các di chỉ khảo cổ học khác, Ban quản lý di tích Cổ Loa chỉ biết làm văn bản đề nghị xã xử lý. Có vụ việc vi phạm Ban phải báo cáo, đề nghị tới ba lần chính quyền mới xử lý. “Nếu trước kia, khi đào bới một đoạn thành hào bằng phương pháp thủ công diễn ra rất lâu, thì hiện nay chỉ cần một ca máy xúc đã mất đi một đoạn thành rồi” – ông Lê Viết Dũng cho biết.

Khẩn trương gìn giữ

Sau khi di tích Cổ Loa được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt năm 2012, đến năm 2015 Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị khu di tích thành Cổ Loa (tỷ lệ 1/2000) hướng tới xây dựng khu di tích trở thành công viên lịch sử, sinh thái, nhân văn của Hà Nội. Hiện nay, việc lập quy hoạch chi tiết 1/500 đang được triển khai và TP Hà Nội giao cho Tập đoàn Sun Group thực hiện. Do đang triển khai quy hoạch chi tiết nên việc cắm mốc giới bảo vệ toàn bộ di tích chưa được thực hiện.

Trước thực tế này, ông Nguyễn Viết Chức - Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa Thăng Long cho rằng: Khi đang tiến hành quy hoạch thì cần thiết phải giữ nguyên trạng di tích, tránh để bị xâm hại thêm. Quy hoạch di tích Cổ Loa dẫu chưa hoàn thiện nhưng đó cũng là cơ sở pháp lý để giữ di sản. Để tạo điều kiện cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị khu di tích Cổ Loa được thực hiện tốt, TP Hà Nội đã phê duyệt quy hoạch khu tái định cư phục vụ di dân đang sống trong khu di tích Cổ Loa (tỷ lệ 1/500) năm 2016. Ông Trần Đình Thành - Phó Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa chia sẻ, điều quan trọng hiện nay các cơ quan liên quan cần nâng cao nhận thức cho cộng đồng để tránh những ảnh hưởng không tốt vào di tích và để thực hiện giãn dân, di dân ra khu tái định cư.