Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Di tích Quốc gia đặc biệt Đền Hai Bà Trưng, huyện Mê Linh: Điểm đến du lịch văn hóa tâm linh

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đến hẹn lại lên, vào ngày mùng 6 tháng Giêng Âm lịch, huyện Mê Linh lại long trọng tổ chức Lễ hội đền Hai Bà Trưng. Đây là hoạt động văn hóa tín ngưỡng quan trọng bậc nhất trong đời sống tâm linh của người dân địa phương nói riêng, đông đảo du khách thập phương nói chung.

Thần tích lưu truyền muôn năm
Theo chính sử, Hai Bà Trưng (Trưng Trắc - Trưng Nhị) quê ở làng Hạ Lôi, xã Mê Linh, huyện Mê Linh (TP Hà Nội). Cha là lạc tướng huyện Mê Linh nhưng mất sớm, mẹ là bà Nguyễn Thị Đoan (tên tục gọi là Man Thiện).
Hai Bà Trưng sinh ra trong một gia đình quý tộc thuộc dòng dõi Vua Hùng, có tư chất thông minh, xinh đẹp, được nuôi dạy trong tinh thần yêu nước. Con trai lạc tướng huyện Chu Diên là Thi Sách cảm phục tài sắc, đã tới xin kết duyên cùng Bà Trưng Trắc. Thời kỳ đó, nước ta bị nhà Hán đô hộ. Với chính sách thống trị vô cùng tàn bạo và các chế độ cống nạp hà khắc, Nhân dân ta phải sống trong cảnh lầm than, sục sôi ý chí nổi dậy chống lại sự thống trị của chính quyền phong kiến phương Bắc. Thái thú Tô Định khi biết được ý định chuẩn bị khởi nghĩa của vợ chồng Bà Trưng Trắc, đã cho người ám hại Thi Sách.
 Đền thờ Hai Bà Trưng, huyện Mê Linh. Ảnh: Công Hùng
Với quyết tâm “Đền nợ nước, trả thù nhà”, năm 40 sau Công Nguyên, Hai Bà Trưng giương cờ khởi nghĩa, kêu gọi hào kiệt bốn phương đứng lên chống giặc ngoại xâm. Cuộc khởi nghĩa được quân - dân khắp nơi ủng hộ. Chỉ sau một thời gian ngắn, nghĩa quân đã thu lại 65 huyện, thành - là toàn bộ lãnh thổ nước Việt ngày đó...
Sau khi Hai Bà Trưng mất, để tưởng nhớ công đức hai vị nữ anh hùng, Nhân dân huyện Mê Linh đã lập đền thờ Hai Bà ngay trên đất thiêng nơi Hai Bà sinh ra và phất cờ khởi nghĩa. Hàng năm, cứ vào mùng 6 tháng Giêng Âm lịch, huyện Mê Linh lại long trọng tổ chức lễ tế để tỏ lòng tri ân, tôn kính đối với Hai Bà, cùng lục bộ chi tướng.
Sẵn sàng cho mùa lễ hội
Kể từ ngày Hai Bà Trưng giương cờ khởi nghĩa và giành thắng lợi đến nay đã 1980 năm, nhưng hiển tích về hai vị nữ anh hùng vẫn còn được Nhân dân truyền tụng như minh chứng cho tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc và ý chí đấu tranh chống giặc ngoại xâm bất diệt của dân tộc ta.
Ngày 30/1/2020 (tức mùng 6 tháng Giêng Âm lịch năm Canh Tý), lễ hội Đền Hai Bà Trưng sẽ chính thức diễn ra. Lễ hội năm nay do UBND TP Hà Nội chủ trì tổ chức, hứa hẹn sẽ có nhiều hoạt động đặc biệt ý nghĩa.
Chung tay cùng TP, đến nay, công tác chuẩn bị của huyện Mê Linh cho sự kiện chính trị - xã hội quan trọng này đã cơ bản hoàn tất. Các hạng mục thuộc khu vực nội vi đền Hai Bà Trưng, những con đường dẫn về ngôi đền ghi dấu thần tích năm xưa đã được nâng cấp, trang hoàng cờ hoa rực rỡ…
Trưởng Ban Quản lý di tích đền Hai Bà Trưng Đỗ Đình Đức thông tin, giống như những năm trước, phần “lễ” của Lễ hội Xuân năm 2020 cơ bản sẽ được giữ nguyên. Tuy nhiên, phần “hội” sẽ đa dạng các hoạt động hơn. Bên cạnh các chương trình biểu diễn nghệ thuật, trong ba ngày hội sẽ diễn ra nhiều trò chơi dân gian truyền thống như vật, đu tiên, cờ tướng, kéo co, hát dân ca…
Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Đoàn Văn Trọng nhấn mạnh, bên cạnh góp phần quảng bá hình ảnh cho di tích Quốc gia đặc biệt, việc tổ chức thường niên Lễ hội đền Hai Bà Trưng còn nhằm mục đích giáo dục truyền thống, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” cho các thế hệ mai sau.
Theo ông Trọng, nhận thức được ý nghĩa, tầm quan trọng của đền Hai Bà Trưng, công tác chỉnh trang, tôn tạo di tích này luôn được địa phương chú trọng suốt nhiều năm qua. Song song với đó, hàng năm, ban tổ chức cũng nỗ lực đa dạng hóa các hoạt động lễ hội nhằm tạo điểm nhấn thu hút du khách thập phương. Mục tiêu của huyện Mê Linh là phấn đấu đưa Di tích Quốc gia đặc biệt đền Hai Bà Trưng trở thành điểm đến du lịch văn hóa tâm linh ngày một hấp dẫn.