Trước đó, tại sự kiện Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ nhất năm 2022 với chủ đề “Chấn hưng văn hóa và phát triển văn hóa đọc” tại Thư viện Hà Nội, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị đã trao tặng cuốn sách mới “Đi tìm một vì sao” của mình cho Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, Sở VH&TT Hà Nội, Thư viện Hà Nội. Trong cuốn tự truyện này tác giả kể lại không ít những sự việc căng thẳng, khó khi giữ những trọng trách quan trọng đã phải xử lý. Phần sâu lắng, có cả những dằn vặt, cay đắng, xót xa là làm sao làm việc đó có lợi nhất, ít để lại hậu quả nhất cho cá nhân hay tập thể phải xử lý.
Cuốn tự truyện với những trăn trở trước mỗi quyết định quan trọng
Không ít những nhà hoạt động chính trị, xã hội đã viết hồi ký từ khi còn đương chức và cả sau khi đã nghỉ hưu. Đọc hồi ký của các vị ấy lúc còn đương chức thấy rất rõ con người xã hội ở họ. Lúc viết về cái chung cũng như cái riêng đều thấy họ ở những vị trí quan trọng, họ là trung tâm. Những chuyện họ kể, những việc họ làm luôn lấp lánh những nét đẹp của một thời, cá nhân họ trong chỉ đạo thực hiện việc này, việc kia. Và chỉ có thành công. Không có họ chắc nhiều chuyện của người khác, tập thể, thậm chí của đất nước đã không thể xảy ra như nó đã từng được biết. Gần như những chuyện riêng tư ít khi được nói đến. Chỉ một số người sau khi đã cởi bỏ áo khoác xã hội rồi mới kể kỹ, kể nhiều về cá nhân mình nhưng với tâm thế khác. Ở các trang hồi ký ấy hoạt động của các yếu nhân ít hơn nhưng từ đầu đến cuối những tác phẩm này cũng vẫn là những chuyện chỉ tập trung vào thể hiện con người họ ở tầm cao hơn khi họ còn đương chức. Họ kể ra muôn vàn những khó khăn, ziczac khi còn đương chức mà nếu họ không có bản lĩnh, không sáng suốt xã hội khó có thể vượt qua được những khó khăn này khác. Và, nét chủ đạo của những cuốn sách như thế vẫn là tập trung viết về cá nhân mình, những cái tài giỏi của mình. Người đọc khi tiếp xúc với những tác phẩm như vậy có cả những băn khoăn lẫn hồ nghi: Đâu là sự thực cho dù ai cũng hiểu sự thực nào khi đã được kể lại, dù khách quan nhất, cũng đều đã qua góc nhìn, qua sự lọc lựa của người kể. Và nếu nhìn những cuốn sách ấy từ thể loại, những nhà nghiên cứu rất khó xác định vì những tiêu chí của thể hồi ký đã không được tôn trọng. Không phải ngẫu nhiên mà nhà văn Tô Hoài lúc còn sống đã gọi cách viết của những cuốn sách kiểu ấy là cách viết để thanh minh hoặc kể công của người viết. Khó tin cậy vào những gì trong đó cho dù ở bìa cuốn sách tác giả đã cẩn thận ghi hai chữ Hồi ký.
Một lần, trong lúc trò chuyện ông Phạm Quang Nghị có nói rằng tôi “sướng” hơn ông ở chỗ, lúc về hưu tôi muốn viết gì thì viết, còn ông viết cái gì cũng phải cân nhắc. Không ai cấm ông viết nhưng ông bảo việc ông làm trong quãng đời “công chức làm quan” của mình liên quan đến nhiều người, nhiều việc mà nếu không viết ra thì người đọc khi đụng đến những việc làm này hay khác khó có thể được hình dung đầy đủ như nó đã xảy ra hoặc có chuyện “không nói được’. Tôi hiểu những khó khăn ấy nhưng cũng nói với ông rằng mỗi người khi cầm bút đều có những cái khó của mình. Không ai bảo mình chỉ được viết cái này hay cái kia, tốt hay xấu nhưng trước trang giấy hay bàn phím bao giờ người cầm bút cũng nghĩ về trách nhiệm xã hội của mình và tự lựa chọn, biên tập từ trong đầu cái gì được, cái gì không. Rồi khi nhìn lại bản thảo cũng biên tập tiếp. Ngại đụng chạm cũng chỉ là một lý do nhưng cái chính là điều ấy có xứng đáng viết ra hay không, có gây ra những hệ lụy cho người khác hoặc xã hội hay không? Hôm ấy tôi bảo ông “Anh viết tự truyện đi. Tự truyện có nhiều ưu thế để tránh cái cần tránh mà vẫn có những thế mạnh để anh viết về những điều anh muốn”. Nói xong mới giật mình: ông Nghị đã được học về điều này trước cả tôi và lại được những nhà văn bậc thầy trong nghề truyền dạy. Ấy là khi tôi mới là sinh viên năm thứ nhất khoa Ngữ văn của Đại học Tổng hợp Hà Nội (chương trình này đến năm thứ hai mới được học) thì ông đã kết thúc chương trình này ở lớp bồi dưỡng viết văn của Hội Nhà văn khóa 4, chuẩn bị lên đường vượt Trường Sơn vào chiến trường. Đọc Nhật ký Nơi ấy là chiến trường và Tự truyện Đi tìm một vì sao tôi nhận ra tạng người như ông viết Tự truyện có nhiều ưu thế và những trang ông viết về làng mình, về người mẹ, gia đình, bè bạn, những trăn trở của ông trước những quyết định quan trọng có ảnh hưởng đến cuộc sống của nhiều người khi ông là Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam, Bộ trưởng, Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư Hà Nội thấy rõ điều đó. Nhiều điều tôi chỉ đọc và cảm thấy thế nhưng có không ít chuyện tôi được chứng kiến, được tham gia chuẩn bị cho những quyết định của ông như Quy hoạch quảng cáo tấm lớn ở Hà Nội, giải quyết vướng mắc (có và cả do người ta tưởng tượng ra rồi thổi lên) xung quanh vấn đề đàn Xã Tắc, Thánh vật ở sông Tô Lịch, Hoàng Thành Thăng Long, Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long Hà Nội, Bảo tàng Hà Nội, bảo tồn và tạo điều kiện cho nhân dân làng cổ Đương Lâm sống với di sản…, những lần đi công tác cùng ông lên Tây Bắc, vào miền Trung, đi miền Đông Nam Bộ… đã khẳng định điều đó.
Đọng lại sau những trang viết
Ông Phạm Quang Nghị là một người cẩn trọng trong công việc. Ông tôn trọng tư liệu, tôn trọng và suy nghĩ trên những gì có trong tay để đánh giá, suy luận và tìm lời giải cho những vấn đề phức tạp. Không ít lần khi còn làm việc ở Hà Nội tôi đã nghe ông hỏi về những việc chuyên môn, nhờ cơ quan chuyên môn tư vấn những chuyện chuyên môn. Đọc Nơi ấy là chiến trường hay Đi tìm một vì sao tôi thấy bất ngờ khi ông đưa vào trong những trang viết của mình một cái Giấy giới thiệu từ mấy chục năm về trước, liên quan đến một công việc thông thường, thấy ông nhớ đến những chi tiết về cuộc sống thời ấu thơ, những ngày học đại học hay những năm tháng ở chiến trường. Ông phân tích rất kỹ một hiện tượng, quan sát thật tỷ mỷ và rút ra nhiều điều có ích trước hết cho bản thân mình. Như cái làng quê của ông - làng Hoành, dù nổi tiếng văn vật nhưng ông không viết về nó theo kiểu kể công trạng, những người nổi tiếng mà ông viết về nó với bao nhiêu gắn bó, yêu thương, trân trọng. Đọc những dòng ấy, tôi ngạc nhiên vì nhà chính trị này vẫn có những góc riêng cho tâm hồn của một người con xa quê, một người nhạy cảm và tinh tế. Nhưng đến cuối truyện thì tôi hiểu vì sao có một ngày ông về quê, làm cơm mời tất cả bạn bè từ thủa chăn trâu cắt cỏ, học vỡ lòng đến ăn với nhau bữa cơm, uống với nhau chén rượu trĩu nặng ân tình.
Cá nhân tôi vô cùng đồng cảm và hiểu được niềm vui của ông khi nhận quyết định nghỉ hưu và những niềm vui của người được nghỉ. Ông viết về điều này đến hơn 10 trang với nhiều tâm trạng của người sáu mươi bảy tuổi đời và gần năm mươi năm công tác ở nhiều lĩnh vực, nếm trải mọi vui buồn, cay đắng có, ngọt ngào có, hứng khởi có. Nhưng nhiều hơn cả là tâm trạng trở về, là niềm vui được cởi bỏ những gánh nặng công việc, để làm những việc của mình, để được hưởng những niềm vui giản dị như được đi bộ trong công viên như mọi người. Có cái bâng khuâng với nơi mình gắn bó, với công việc, đồng nghiệp nhưng không có cái luyến tiếc khi phải rời ghế quyền lực. Ông nói về công việc làm con, làm chồng, làm cha, làm ông, về những dự định sống cuộc đời bình dân sau khi rời ghế quyền lực. Không lên gân, không cố tránh mà ông nói về nó từ những suy nghĩ chu đáo, chỉn chu của một người đã đi hết đoạn đời nhiều biến động, sóng gió, nhất là khi ông thấm thía “Chính trị có những lúc thật là khắc nghiệt… Có người ví chính trị như là một thứ ma túy dễ gây nghiện bậc nhất. Và đã dính vào thì rất khó cai. Trong muôn nghìn thứ ước muốn, khát khao của con người, thì có cái ước muốn làm chính trị, làm chính khách, làm lãnh đạo có quyền lực luôn là niềm ước muốn, khao khát vô cùng mãnh liệt… Chính trị có những lúc kiêu căng, hãnh tiến, thắng người như chẻ tre. Có lúc ai đó phải ngậm bồ hòn làm ngọt… Sự đời cá ăn kiến, kiến ăn cá vẫn thường xảy ra. Ai đã khiến nhiều người khiếp sợ, đến lúc họ phải khiếp sợ nhiều người… từ lâu tôi luôn tự nhắc mình chớ nên ảo tưởng. Và cũng không nên trông chờ vào sự may mắn có được trái sung rơi chín mõm. Chuẩn bị một tâm thế luôn sống chủ động, không phải quá lo lắng, hồi hộp, chập chờn, căng thẳng. Và càng không phải đôn đáo ngược xuôi tìm kiếm những cơ hội thật ít giả nhiều, bớt phải nghe những lời chúc tụng mơ hồ, viển vông” (tr.620,621). Như thế là hết lẽ, là chọn sự bình lặng từ trong tâm.
Ngồn ngộn trong cuốn sách này là những tư liệu gốc về một đời sống chính trị dài dặc, căng thẳng, khốc liệt nhưng cũng không ít niềm vui. Tác giả cuốn sách kể lại không ít những sự việc căng thẳng, khó ông đã phải xử lý. Ở những chuyện như vậy ông cũng không chủ ý kể thành tích mà trong đó chủ yếu nói về những suy nghĩ, phân tích kỹ lưỡng sự việc, tìm kiếm nguyên nhân và đánh giá hậu quả nếu phải xử lý thế này hay thế khác. Phần sâu lắng, có cả những dằn vặt, cay đắng, xót xa là làm sao làm việc đó có lợi nhất, ít để lại hậu quả nhất cho cá nhân hay tập thể phải xử lý. Đó cũng là phần con người, sự tử tế chính trị mà người làm chính trị cần phải tính đến. Những chuyện như vậy còn không ít trong cuốn tự truyện này.