Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Địa phương có quyền quyết định thu phí đường bộ với xe máy

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bộ trưởng Đinh La Thăng khẳng định, HĐND cấp tỉnh, TP có quyền quyết định thu phí đường bộ với xe máy ở mức bằng 0, tức là có thể không thu. Đối tượng thu cũng do HĐND tỉnh, TP quyết định.

Sáng 18/6, Quốc hội dành thời gian thảo luận tại Hội trường về Dự án Luật Phí, lệ phí. Phát biểu trong phiên thảo luận, Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm - Chủ tịch HĐND TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh, Dự án luật này không chỉ nên công khai minh bạch trong chính sách phí, lệ phí mà còn phải quan tâm tới tính công bằng vì thực tế có một số khoản phí, lệ phí thể hiện sự thiếu công bằng khi thu và sử dụng.
Bộ trưởng Đinh La Thăng trao đổi với ĐBQH
Bộ trưởng Đinh La Thăng trao đổi với ĐBQH Nguyễn Thị Quyết Tâm - Chủ tịch HĐND TP Hồ Chí Minh
Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng khẳng định, theo Luật, thu phí xe máy thuộc trách nhiệm của HĐND tỉnh, TP, không thuộc trách nhiệm của Trung ương. Trong quy định, phí xe máy chỉ quy định mức tối đa, không quy định mức tối thiểu, tùy thuộc vào điều kiện từng địa phương, HĐND tỉnh, TP quyết định có thu hay không thu.

“Nếu bộ trưởng nói rằng Hội đồng Nhân dân có quyền quyết định thu thì cần phải xem lại quy định vì địa phương có quyền đó thì chúng tôi không bao giờ có quyết định thu phí trên địa bàn thành phố và thực tế TP HCM là địa phương có quyết định thu chậm nhất so với 63 tỉnh thành khác”, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm - Chủ tịch HĐND TP Hồ Chí Minh phản bác.

Bà Tâm bày tỏ, quy định này cần được xem lại vì hiện nay một chiếc xe máy tới tay người dân thì người dân đã phải chịu rất nhiều loại thuế, phí và giờ chịu thêm phí đường bộ nữa thì không hợp lý. Hơn nữa, người dân hiện đã đóng quá nhiều khoản thuế, phí. Nếu tiết kiệm và điều hành chi ngân sách hợp lý thì chắc chắn sẽ có khoản thu để bù đắp, đơn cử như hiện thu tài sản từ tham nhũng mới được 22% ...  Khi kinh tế phát triển thì người dân cũng phải được hưởng lợi từ sự phát triển đó thì mới phấn khởi được, vì nói cho cùng đường cũng là tiền đóng góp của người dân và Nhà nước bỏ ngân sách ra làm. Nếu có quy định mới và có mức thu bằng 0 thì tôi nghĩ nhất định HĐND thành phố sẽ quyết định mức thu bằng 0.

Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng cho biết, trong 27 tỉnh đã có ý kiến, 25 tỉnh đồng ý tiếp tục thu phí đường bộ với xe máy nhưng đề nghị có chế tài xử phạt. Chúng tôi đang tiếp tục lấy ý kiến của các tỉnh, TP để tập hợp, báo cáo Chính  phủ quyết định có tiếp tục thu hay không loại phí này, ông nói.

Kiểm soát nguồn thu phí sử dụng lòng đường hè đường

Cũng tại buổi thảo luận ở hội trường sáng nay, đa số các Đại biểu Quốc hội tán thành với nhiều nội dung trong chủ trương chuyển Pháp lệnh phí và lệ phí lên thành Luật phí và lệ phí. Đồng thời, việc loại bỏ các khoản phí, lệ phí không cần thiết để giảm bớt gánh nặng, góp phần nâng cao mức sống cho người dân.

Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh, Đoàn Bình Định cho rằng, Dự thảo Luật phí và lệ phí cần bổ sung một chương quy định các khoản phí, lệ phí ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân đã được kiến nghị nhiều nhưng chưa được thay đổi như phí sử dụng đường bộ, phí sử dụng tạm thời lòng đường lề đường, hè phố… 

“Thực tế hiện nay, lòng lề đường và vỉa hè được các tổ chức cá nhân sử dụng nhưng ai thu phí? Thu có đúng quy định pháp luật hay không rất khó thống kê. Trong trường hợp cho phép sẽ thu phí sẽ phải quy định cụ thể mức thu là bao nhiêu và ai thu phí. Nếu làm tốt điều này sẽ rõ ràng minh bạch, tăng được nguồn thu chính thức cho địa phương đáp ứng được nhu cầu thực tế của xã hội, lập lại trật tự khu vực vỉa hè, tạo môi trường cảnh quan đô thị”, ĐB Cảnh phát biểu.

Còn đại biểu Đặng Ngọc Nghĩa, Đoàn ĐBQH Thừa Thiên-Huế thì cho rằng, nếu áp dụng thu phí này cần có quy định kiểm soát nguồn thu để tránh thất thu. Nếu rà soát lại, nguồn thu này sẽ rất lớn với mức thu do các địa phương, phường, xã đặt ra. Ban soạn thảo chỉ đạo làm sao để đảm bảo mỹ quan đường phố vừa đảm bảo tránh ùn tắc giao thông vừa đảm bảo được nguồn thu.