Theo Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc, tính đến hôm nay (2/2), số người chết vì dịch viêm phổi Vũ Hán đã tăng vọt lên 304, trong khi số ca bệnh được xác nhận trên khắp Trung Quốc đã vượt qua 14.300 - cao hơn nhiều so với đợt bùng phát Hội chứng hô hấp cấp tính SARS giai đoạn 2002-2003.
Lãnh đạo Đảng tại Vũ Hán mới đây thừa nhận rằng chính quyền ở đó đã hành động quá chậm trước bệnh dịch. Các quan chức TP thủ phủ Hồ Bắc đã bị chỉ trích vì ém nhẹm thông tin về virus mới cho đến cuối tháng 12 mặc dù biết về nó vài tuần trước đó.
Các nhà chức trách ở tỉnh Hồ Bắc đã kéo dài kỳ nghỉ năm mới cho đến ngày 13/2 và đình chỉ nhiều hoạt động hành chính từ thứ 2 tới để ngăn cản các cuộc tụ họp công cộng.
Riêng tại TP Hoàng Cương, phía đông Vũ Hán, 6 quan chức bị cách chức vì lý do yếu kém trong phòng dịch. TP cũng tuyên bố hạn chế đi lại, khi chỉ 1 thành viên của mỗi hộ gia đình được phép rời khỏi nhà 1 lần sau 2 ngày để mua nhu yếu phẩm.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố dịch corona mới ở mức khẩn cấp toàn cầu hôm thứ 5 tuần này, nhưng nói rằng việc đóng cửa biên giới có thể không hiệu quả trong việc ngăn chặn lây truyền, thậm chí sẽ đẩy nhanh sự lây lan của virus.
Tuy nhiên, chính phủ nhiều nước trên khắp thế giới vẫn đẩy mạnh chính sách hạn chế của mình như biện pháp tự phòng ngừa.
Mỹ, Australia... là những quốc gia đã đi đầu trong việc hạn chế visa đối với công dân Trung Quốc hoặc những người đã đến Trung Quốc trong vòng 2 tuần qua. Nhiều quốc gia phương Tây cũng kêu gọi công dân ngừng du lịch Trung Quốc.
Nga, láng giềng của Trung Quốc, tuyên bố dừng du lịch miễn thị thực cho công dân nước này và ngừng cấp thị thực làm việc cho họ.
Hàng nghìn nhân viên y tế Hồng Kông (Trung Quốc) sẽ bắt đầu cuộc đình công kéo dài 4 ngày kể từ thứ 2 tới để thúc đẩy chính phủ đóng cửa biên giới với Trung Quốc đại lục nhằm ngăn chặn virus.
Cuộc khủng hoảng sức khỏe đã ảnh hưởng trầm trọng đến hình ảnh quốc tế của Trung Quốc, đẩy công dân nước này vào thế khó ở nước ngoài, bị kỳ thị do tâm lý lo ngại dịch bệnh.