Ngày 17/3, Thủ tướng Đức Angela Merkel thông báo EU sẽ áp đặt lệnh cấm nhập cảnh trong 30 ngày đối với những người không phải công dân EU trong nỗ lực kiềm chế sự lây lan của virus SARS-CoV-2.
Thủ tướng Merkel thông báo lệnh trên sẽ có hiệu lực trong 30 ngày và Berlin sẽ lập tức thực thi lệnh cấm nhập cảnh này.
Phát biểu sau cuộc họp trực tuyến qua video với lãnh đạo các nước EU tối 17/3 theo giờ Đức, Thủ tướng Merkel tuyên bố các nước thành viên EU đã nhất trí áp đặt lệnh cấm nhập cảnh vào khối này, ngoại trừ công dân các nước thuộc Hiệp hội Thương mại Tự do châu Âu (EFTA) và Anh.
Bà Ursula von der Leyen - Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) cho biết, Vương quốc Anh không phải thực hiện quy định này của EU.
Các hạn chế này không được áp dụng đối với các nhân viên y tế, thuốc men cũng như hàng hóa.
Chủ tịch EC Ursula von der Leyen tuyên bố việc đóng cửa biên giới sẽ tùy thuộc vào quyết định triển khai của từng quốc gia thành viên.
Phát biểu sau cuộc họp trực tuyến qua video với lãnh đạo các nước EU, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel tuyên bố các nước thành viên sẽ đóng cửa biên giới đối với người ngoại khối trong thời hạn 30 ngày để ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19.
"EU và các nước thành viên sẽ làm bất kỳ điều gì để ứng phó với các thách thức hiện nay" - Chủ tịch Michel nhấn mạnh. Đồng thời cho biết, EU sẽ sắp xếp việc hồi hương công dân của các quốc gia thành viên.
Trước đó cùng ngày, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã công bố hàng loạt biện pháp mạnh mẽ hơn nữa nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Theo đó mọi hoạt động di chuyển và tiếp xúc sẽ bị hạn chế ở mức tối thiểu kể từ trưa 17/3 và kéo dài trong ít nhất 15 ngày trên toàn lãnh thổ.
Thế giới đã ghi nhận trên 198.000 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó có 7.961 ca tử vong và trên 81.000 ca đã bình phục. Châu Âu tiếp tục là “điểm nóng” nhất trên thế giới của đại dịch COVID-19.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) xác nhận hiện đã có 164 quốc gia và vùng lãnh thổ có người mắc bệnh COVID-19. Trong 24h qua, dịch bệnh đã khiến 799 người thiệt mạng.
Tại châu Âu, Italia vẫn là “tâm chấn” của dịch Covid-19, trong khi các nước khác như Tây Ban Nha, Đức, Pháp, Anh cũng chứng kiến số ca tử vong tăng mạnh.