Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Dịch Covid-19: Số ca nhiễm trên thế giới vượt mốc 1 triệu, Chủ tịch Quốc hội Iran dương tính với virus SARS-CoV-2

Nguyễn Phương (Theo CNN, AFP)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tổng số ca nhiễm bệnh Covid-19 trên toàn thế giới đã vượt con số 1 triệu và hơn 52.000 ca tử vong khi virus SARS-CoV-2 tiếp tục lây lan nhanh chóng tại Mỹ và châu Âu trong tháng 3 và bắt đầu xuất hiện tại các quốc gia châu Phi.

Theo số liệu báo cáo của trường đại học Johns Hopkins, thế giới ghi nhận tổng cộng 1.011.490 trường hợp nhiễm bệnh Covid-19 tính đến ngày 2/4.
5 quốc gia có số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 nhiều nhất trên toàn cầu gồm: Mỹ (242.182), Italia (115.242), Tây Ban Nha (112.065), Đức (84.788) và Trung Quốc (82.432).
Mỹ ghi nhận gần 6.000 người chết vì nhiễm bệnh Covid-19
Theo thống kê của đại học Johns Hopkins, Mỹ ghi nhận thêm hơn 28.000 ca nhiễm SARS-CoV-2, nâng số người mắc Covid-19 lên 242.182, trong đó 5.850 người đã chết và 8.991 người hồi phục.
Mỹ hiện vẫn là vùng dịch lớn nhất thế giới với số ca mắc Covid-19 nhiều hơn cả Italia và Tây Ban Nha, hai vùng dịch lớn tiếp theo, cộng lại.
TP New York đang là tâm dịch Covid-19 của Mỹ với 49.707 ca nhiễm, tăng hơn 4.000 trường hợp trong vòng một ngày và 1.562 người chết.
Nhân viên y tế tại TP New York đang phải làm việc quá sức do số ca nhiễm bệnh Covid-19 tăng nhanh.
Thị trưởng New York Bill de Blasio cho biết, TP cần 1.000 y tá, 300 chuyên gia hô hấp và 150 bác sĩ trước cuối tuần này. Giới chức y tế thông báo đã nhận 400 máy thở từ bang New York, nhưng vẫn cần khoảng 3.000 chiếc trong tuần sau và muốn huy động tổng cộng 15.000 máy thở để đối phó Covid-19.
Mỹ đang rất cần các loại vật tư, thiết bị y tế để đối phó dịch, trong bối cảnh nhiều bang đang khẩn thiết yêu cầu chính phủ liên bang hỗ trợ khẩu trang, máy thở, đồ bảo hộ để ứng phó với làn sóng bệnh nhân đổ xô đến bệnh viện.
Đức vượt Trung Quốc về số ca nhiễm virus SARS-CoV-2
Đức ghi nhận tổng cộng 84.788 trường hợp nhiễm Covid-19 tính đến ngày 2/4, trở thành nước có số người mắc virus SARS-CoV-2 nhiều thứ tư thế giới, sau Mỹ, Italia và Tây Ban Nha. Đức đã vượt Trung Quốc hiện đang có 82.432 trường hợp nhiễm bệnh Covid-19.
Ít nhất 1.100 ca tử vong vì nhiễm Covid-19 tại Đức và khoảng 22.440 người đã khỏi bệnh, theo dữ liệu từ đại học Johns Hopkins.
Chính phủ Đức đã ra lệnh đóng cửa hầu hết cửa hàng, trường học và áp lệnh cấm tụ tập quá 2 người ít nhất đến ngày 19/4. Đức cũng đã tiếp nhận hơn 100 bệnh nhân Covid-19 trong tình trạng nghiêm trọng từ các quốc gia Liên minh châu Âu (EU).
Chủ tịch Quốc hội Iran nhiễm Covid-19
Ông Ali Larijani, 62 tuổi, Chủ tịch Quốc hội Iran, được xác định dương tính với virus SARS-CoV-2 và đang bị cách ly.
Truyền hình nhà nước Iran hôm nay đưa tin Chủ tịch Quốc hội Larijani đã được xét nghiệm nhiễm Covid-19 sau khi xuất hiện một số triệu chứng và kết quả là dương tính. Ông Larijani hiện được cách ly và điều trị.
Chủ tịch Quốc hội Iran Ali Larijani,
Ông Larijani trở thành một trong những quan chức hàng đầu của Iran mắc virus SARS-CoV-2. Trước đó, Phó Tổng thống Masoumeh Ebtekar, Chủ tịch Ủy ban Các vấn đề Đối ngoại và An ninh Quốc gia thuộc quốc hội Iran Mojtaba Zolnour, nghị sĩ Mahmoud Sadeghi và Thứ trưởng Y tế Iraj Harirchi cũng đều nhiễm virus này.
Iran hôm nay báo cáo thêm 3.111 ca nhiễm bệnh Covid-19 và 124 trường hợp tử vong, nâng số ca nhiễm và tử vong lên lên lần lượt 3.160 và 50.468, trong khi 16.711 người đã hồi phục.
Iran ghi nhận ca nhiễm bệnh Covid-19 đầu tiên hôm 19/2. Sau nhiều tuần không áp dụng biện pháp cách ly hoặc phong tỏa, Tehran tuần trước quyết định cấm tất cả các hoạt động đi lại liên tỉnh ít nhất đến ngày 8/4.
Tổng thống Iran Hassan Rouhani cảnh báo tại cuộc họp nội các hôm nay rằng Covid-19 có thể kéo dài trong nhiều tháng, thậm chí tới cuối năm. Theo lịch Ba Tư, năm nay của Iran sẽ kết thúc vào tháng 3/2021.
Ông Rouhani cũng nói rằng Iran có thể thực thi thêm nhiều biện pháp hạn chế ngăn Covid-19. Iran đã đóng cửa các trường học, hủy các buổi lễ cầu nguyện, đóng cửa quốc hội cũng như các địa điểm hành hương lớn của người Hồi giáo Shiite để ngăn chặn virus lây lan.