Tính đến 9 giờ sáng 14/2, số ca mắc trên toàn cầu là 109.091.326 người, trong đó 2.404.174 trường hợp tử vong và 81,117,985 người đã bình phục, theo trang thống kê thời gian thực Worldometers.
Quan chức của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, báo cáo sơ bộ từ Nam Phi cho thấy những người đã khỏi Covid-19 đã bị tái nhiễm một loại biến chủng mới dễ lây lan hơn.
Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Soumya Swaminathan, nhà khoa học tại WHO, tin tốt là vaccine hiện nay dường như có thể giúp bệnh nhân Covid-19 không mắc bệnh nặng, cho dù vaccine không thể hoàn toàn giúp họ tránh tái mắc bệnh.
Bà Swaminathan nói: “Thử nghiệm nhiều loại vaccine khác nhau từ trước tới nay ở Nam Phi cũng như Brazil cho thấy vaccine hoàn toàn có thể ngăn chặn các ca tử vong và bệnh nặng”. Ngoài ra, tiêm chủng vaccine Covid-19 cũng có thể làm các biến chủng mới giảm mức độ lây lan.
Theo bà Swaminathan, hiện giờ có báo cáo rằng nếu một người đã tiêm vaccine và mắc bệnh, lượng virus trong cơ thể sẽ thấp hơn nhiều. Vì thế rủi ro họ lây bệnh cho người khác có thể thấp hơn. Bà vẫn nhấn mạnh rằng người đã tiêm vaccine phải thực hiện các biện pháp phòng ngừa như đeo khẩu trang, rửa tay và giãn cách xã hội.
Sau khi nhiễm Covid-19, cơ thể người có kháng thể và miễn dịch, có thể ngăn chặn tái nhiễm. Tiêm chủng cũng giúp mọi người chống đỡ tốt hơn trước virus SARS-CoV-2.
Trước đó, hôm 11/2, Giáo sư John Edmunds, thành viên Nhóm Cố vấn Khoa học Khẩn cấp (SAGE) thuộc Chính phủ Anh cảnh báo: Một biến thể mới của virus SARS-CoV-2 được gọi là biến thể Bristol có thể làm những người từng mắc Covid-19 hoặc những người đã tiêm vaccine vẫn nhiễm bệnh.
Các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 đã được nhận diện ở một số thành phố nước Anh như Bristol, Liverpool và Manchester.
Cơ quan Dịch vụ Y tế Công cộng Anh cho biết các ca mắc mới phát hiện ở Anh đã nhiễm biến thể virus mới với đột biến E484K – cùng kiểu đột biến với biến thể virus SARS-CoV-2 tìm thấy ở Nam Phi và Brazil. Đột biến này có thể cho phép virus lẩn trốn kháng thể.
Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, ngày 13/2 báo cáo có thêm 77.977 ca nhiễm và 1.966 trường hợp tử vong, đưa tổng số người nhiễm lên 27.990.787 và 486.511 người chết.
Tổng thống Joe Biden ngày 11/2 cho biết Mỹ đã ký thỏa thuận đặt mua thêm 200 triệu liều vaccine ngừa Covid-19 và sắp đạt mục tiêu cung cấp đủ vaccine cho 300 triệu người Mỹ vào cuối tháng 7/2021.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), trung bình 1,49 triệu liều vaccine Covid-19 đã được tiêm mỗi ngày trong tuần trước, tăng từ mức trung bình 900.000 liều/ngày khi Tổng thống Joe Biden lên nhậm chức ngày 20/1. Hiện Mỹ đã tiêm vaccine cho 44,7 triệu người.
Ấn Độ, vùng dịch lớn thứ hai thế giới, ghi nhận tổng cộng 10.904.738 ca nhiễm Covid-19 và 155.673 trường hợp tử vong.
Ấn Độ hiện đã tiêm vaccine cho khoảng 3 triệu nhân viên y tế trong hai tuần đầu tiên của chiến dịch tiêm chủng, nhưng cần phải tăng tốc để đạt mục tiêu trong mùa hè. Chính phủ yêu cầu các bang lên lịch cho tất cả các nhân viên y tế tiêm chủng trước ngày 20/2 và tất cả nhân viên tuyến đầu trước ngày 6/3.
Anh báo cáo có thêm 621 ca tử vong trong ngày 13/2, nâng tổng số người chết vì đại dịch lên 116.908, trong khi số ca nhiễm tăng 13.308 ca so với hôm trước, lên 4.027.106.
Thủ tướng Anh Boris Johnson ngày 13/2 đã bày tỏ lạc quan về khả năng nước này có thể nới lỏng một số biện pháp phong tỏa, khi chính phủ đang tiến gần đến mục tiêu tiêm chủng vaccine Covid-19 cho 15 triệu người thuộc các nhóm ưu tiên.
Giới chức Anh dự kiến đến ngày 15/2 sẽ hoàn thành tiêm chủng cho tất cả những người từ 70 tuổi trở lên, những người dễ bị triệu chứng nặng, các nhân viên y tế và những người làm công tác xã hội tuyến đầu, người cao tuổi sống trong các viện dưỡng lão.
Mặc dù vậy, Thủ tướng Johnson khẳng định người dân vẫn cần phải thận trọng dù số ca nhiễm mới và nhập viện bắt đầu giảm.
Dự kiến Thủ tướng Johnson sẽ đề ra lộ trình nới lỏng phong tỏa vào ngày 22/2 tới. Ông Johnson cho biết vẫn đặt ưu tiên vào việc mở cửa lại trường học, với hy vọng học sinh có thể quay lại trường từ ngày 8/3.
Trong khi đó, phát biểu trên tờ Telegraph, Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock nói rằng thế giới có thể "chung sống" cùng dịch Covid-19 giống như bệnh cúm mùa, nhờ những phương pháp điều trị và các loại vaccine mới.
Bộ trưởng Hancock cho rằng những loại thuốc mới sẽ được đưa vào sử dụng trong năm 2021 sẽ đưa Covid-19 trở thành loại bệnh có thể điều trị được. Việc tiêm vaccine ngừa Covid-19 sẽ làm giảm số người phải nhập viện, giảm số ca tử vong và cắt giảm mức độ lây nhiễm trong công đồng./.