Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Dịch Covid-19: Thế giới ghi nhận hơn 11,7 triệu ca mắc, số người tử vong tại Mỹ vượt 130.000

Nguyễn Phương (Theo Reuters)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tổng số ca nhiễm Covid-19 trên toàn cầu đã tăng lên hơn 11,7 triệu người, trong khi đó số ca tử vong tại Mỹ vượt 130.000 người.

Theo trang mạng thống kế worldometers.info, tính đến sáng 7/7, thế giới ghi nhận hơn 11,7 triệu ca mắc virus SARS-CoV-2, trong đó hơn 540.000 người đã tử vong. Tổng số bệnh nhân phục hồi là hơn 6,62 triệu người trong khi số ca đang được điều trị là hơn 4,56 triệu người.
Trong 1 ngày qua, các nước ghi nhận số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 nhiều nhất thế giới gồm Mỹ (41.866 ca), Ấn Độ (22.510 ca) và Brazil (18.699 ca); trong khi các nước Brazil (587 ca), Ấn Độ (474 ca), Mexico (273 ca) và Mỹ (259 ca) ghi nhận số ca tử vong cao nhất.
Nhiều bang tại Mỹ có số ca mắc Covid-19 mới tăng đột biến đã buộc phải trì hoãn các kế hoạch mở cửa.
Dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia, vẫn tiềm ẩn nguy cơ lớn. Diễn biến dịch bệnh cực đoan, đáng lo ngại xuất hiện trở lại ở một số khu vực của thế giới, sau khi một số quốc gia đối mặt với nguy cơ bùng phát đợt dịch thứ hai.
Số ca mắc mới tăng mạnh ở nhiều nơi ở châu Á, trong đó phải kể đến một số điểm nóng từng kiểm soát tốt dịch bệnh, trong khi Ấn Độ hiện đã đứng thứ ba thế giới và dẫn đầu châu Á về tổng số ca mắc Covid-19.
Số ca mắc bệnh tại Mỹ gia tăng mạnh trở lại trong những ngày gần đây với hơn 3 triệu ca mắc và hơn 132.000 ca tử vong sau khi các biện pháp hạn chế dần được nới lỏng.
Nhiều bang có số ca mắc mới tăng đột biến đã buộc phải trì hoãn các kế hoạch mở cửa, trong khi một số bang kiểm soát dịch tốt vẫn thận trọng nối lại các hoạt động.
Ngày 6/7, Thống đốc bang California Gavin Newsom đã yêu cầu 6 hạt tiếp tục thực hiện đóng cửa các DN, bao gồm các nhà hàng, rạp chiếu phim và bảo tàng, do tình hình dịch Covid-19 đang bùng phát mạnh trở lại trong những ngày gần đây.
Trong khi đó, từ ngày 6/7, TP - nơi từng là tâm dịch của Mỹ, đã chính thức triển khai giai đoạn 3 trong kế hoạch mở cửa trở lại. Theo đó, các dịch vụ chăm sóc và làm móng tay, chân, chăm sóc da và làm đẹp cũng như nhiều môn thể thao bắt đầu được nối lại, thêm khoảng 50.000 người trở lại làm việc.
Tuy nhiên, hạng mục "cho phép khách ăn trong nhà hàng" theo tiêu chí ban đầu giới chức bang New York đặt ra cho giai đoạn 3 phải tạm hoãn thực hiện trước tình hình dịch Covid-19 ở một số bang khác của Mỹ vẫn diễn biến phức tạp.
Người dân được yêu cầu tiếp tục đeo khẩu trang và thực hiện nghiêm túc giãn cách xã hội, các dịch vụ chỉ được phép phục vụ 50% khách trong cùng một thời điểm.
Giới chức New York cũng quy định bất kỳ ai từ các bang đang có dịch Covid-19 tới New York đều phải cách ly 14 ngày.
Tiếp sau Mỹ là Brazil với hơn 1,62 triệu ca mắc và hơn 65.556 ca tử vong. Đây cũng là quốc gia chịu tác động nặng nề nhất khu vực Nam Mỹ trong bối cảnh dịch bệnh tại khu vực còn diễn biến khó lường.
Brazil ghi nhận thêm 20.229 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua. Truyền thông địa phương đưa tin Tổng thống Jair Bolsonaro đã có dấu hiệu nhiễm virus SARS-CoV-2 gây và đã được lấy mẫu xét nghiệm. Theo đó, Tổng thống Bolsonaro bị sốt 38 độ C và cũng đã phải hủy chương trình làm việc từ nay cho tới cuối tuần.
Số ca nhiễm bệnh Covid-19 tại Melbourne, thủ phủ bang Victoria, Australia đã tăng vọt trong vài ngày gần đây.
Trong khi đó, do số ca nhiễm Covid-19 tăng mạnh buộc Australia ra quyết định đóng cửa biên giới giữa hai bang đông dân nhất là Victoria và New South Wales. Quyết định đóng cửa biên giới có hiệu lực từ ngày 7/7 và kéo dài không hạn định. Việc đóng cửa biên giới giữa các bang diễn ra khi nhà chức trách nước này cố gắng kiềm chế ổ dịch  Covid-19 mới bùng phát ở thành phố Melbourne.
Quyết định trên đánh dấu lần đầu tiên trong vòng 100 năm qua biên giới giữa Victoria và New South Wales bị đóng. Năm 1919, giới chức Australia đóng cửa biên giới giữa hai bang trong thời kỳ đại dịch cúm Tây Ban Nha hoành hành.
Việc đóng cửa biên giới bang sẽ là một cú đòn giáng vào nỗ lực phục hồi kinh tế của Australia khi nước này đang đi vào đợt suy thoái đầu tiên trong gần 3 thập kỷ.
Số ca nhiễm bệnh Covid-19 tại Melbourne, thủ phủ bang Victoria đã tăng vọt trong vài ngày gần đây, buộc nhà chức trách phải thi hành các lệnh giãn cách xã hội chặt chẽ tại 30 khu ngoại ô và phong tỏa hoàn toàn 9 khu nhà. Chỉ qua một đêm, bang Victoria ghi nhận 127 ca nhiễm mới và đây là mức tăng lớn nhất trong vòng một ngày kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát.