Ông Nguyễn Lộc Hà - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho biết, trong năm 2021, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức do tình hình dịch Covid-19, song tổng sản phẩm (GRDP) của tỉnh vẫn đạt mức tăng trưởng 7,23%. Trong 10 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh ước đạt 26,4 tỷ đô la Mỹ; kim ngạch nhập khẩu ước đạt 21,4 tỷ đô la Mỹ. Duy trì thặng dư thương mại 5 tỷ đô la Mỹ.
Lãnh đạo tỉnh Bình Dương dự Hội nghị xúc tiến đầu tư trực tuyến với doanh nghiệp Hàn Quốc |
Về đầu tư nước ngoài, trong 10 tháng đầu năm 2021, Bình Dương đã thu hút 59 dự án mới, 23 dự án điều chỉnh vốn và 155 dự án đầu tư theo hình thức góp vốn/mua cổ phần với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 1,92 tỷ đô la Mỹ. Lũy kế đến ngày 31/10/2021, toàn tỉnh hiện có 4.008 dự án đầu tư từ 65 quốc gia vùng lãnh thổ với tổng vốn đăng ký 37 tỷ đô la Mỹ, là địa phương đứng thứ 2 cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài.
Kinh nghiệm thu hút đầu tư nước ngoài, được lãnh đạo tỉnh Bình Dương chia sẻ: Bình Dương tích cực mở rộng quan hệ hợp tác song phương và đa phương trên nhiều lĩnh vực. Trong đó có vai trò quan trọng của các tham tán Đại sứ quán Việt Nam ở nước ngoài. Tính đến nay, tỉnh Bình Dương đã thiết lập mối quan hệ hợp tác song phương với 10 tỉnh, thành phố nước ngoài và là thành viên chính thức, là đối tác đáng tin cậy của 3 tổ chức quốc tế lớn, đó là Diễn đàn Cộng đồng Thông minh Thế giới (ICF), Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á Horasis và Hiệp hội Trung tâm Thương mại Thế giới (WTCA).
Là tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, khi xã hội trở lại trạng thái bình thường mới, Bình Dương đã nhanh chóng phục hồi sản xuất bằng cách phấn đấu tiêm ngừa cho 100% dân số không phân biệt thường trú, tạm trú hay lao động nhập cư; thành lập trạm y tế lưu động trong các khu, cụm doanh nghiệp và trong doanh nghiệp có nhiều lao động (từ 5.000 trở lên) để sẵn sàng bóc tách, điều trị có hiệu quả Covid-19 tại chỗ; tạo mọi điều kiện thuận lợi và trao toàn quyền quyết định cho doanh nghiệp trong việc phục hồi sản xuất, tự chịu trách nhiệm về phòng chống Covid-19 tại đơn vị với phương châm “An toàn mới sản xuất - Sản xuất phải an toàn”.
Ngoài ra, UBND tỉnh còn vận dụng linh hoạt các chính sách nhằm cắt giảm tối đa chi phi, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi nhanh sản xuất, như: Các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh, đẩy mạnh thực hiện các chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp; đặc biệt là các thủ tục về tín dụng, tạo điều kiện hỗ trợ cho doanh nghiệp trong tiếp cận và cập nhật các chính sách hỗ trợ mới của Chính phủ và Ngân hàng Trung ương với kế hoạch gói hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sau đại dịch.
Các ngành Thuế, Hải quan, Bảo hiểm Xã hội vận dụng linh hoạt các chính sách hỗ trợ, miễn, giảm, giúp doanh nghiệp sớm phục hồi sản xuất sau giãn cách. Tỉnh Bình Dương sẽ tiếp tục cải cách hành chính, giải quyết nhanh, thống nhất, hiệu quả vì thời gian cũng là lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp.