Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Dịch nCoV bùng phát, nông sản ùn ứ, Bộ Nông nghiệp họp khẩn bàn giải pháp tháo gỡ

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trước diễn biến khó lường của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (nCoV) gây ra, chiều 3/2, Bộ NN&PTNT tổ chức hội nghị "Thúc đẩy thương mại, phát triển sản xuất nông sản trước tác động dịch bệnh nCoV". Tham dự hội nghị có đại diện Bộ Công Thương, lãnh đạo nhiều tỉnh biên giới với Trung Quốc, các DN, hiệp hội ngành hàng…

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam, do dịch nCoV, giao thông bị hạn chế tại các chợ biên giới thuộc tỉnh Vân Nam, Quảng Tây (Trung Quốc). Điều này khiến 173 xe thanh long (loại xe 20 tấn/xe) hiện bị ùn ứ cục bộ tại Lạng Sơn.
Container nông sản bị ùn ứ tại Lạng Sơn 
Đáng lo ngại, dự kiến số lượng nông sản có thể bị ùn ứ sẽ còn lớn hơn. Thông tin tại cuộc họp chiều 3/2, đại diện tỉnh Long An cho biết, từ nay đến ngày 8/2, địa phương sẽ thu hoạch thêm 21.600 tấn thanh long; từ ngày 8 - 24/2, tiếp tục thu hoạch thêm 54.000 tấn thanh long. Ngoài ra, Tiền Giang và Bình Thuận cũng sẽ thu hoạch khoảng 110.000 tấn thanh long. Việc tiêu thụ phần lớn sản lượng này phụ thuộc chủ yếu thị trường Trung Quốc.
Bên cạnh trái cây, nhiều DN Trung Quốc đã thông báo dừng nhập khẩu thủy sản từ các công ty Việt Nam cho đến hết ngày 9/2. Thậm chí, việc tạm dừng này còn có thể kéo dài cho tới khi Chính phủ hai nước thông tin bình thường hóa các hoạt động giao thương.
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, dịch nCoV còn khiến giao thông bị hạn chế, cản trở giao dịch, trao đổi, làm việc giữa các DN và cơ quan quản lý Việt Nam - Trung Quốc. Nội dung thương thảo, thúc đẩy xuất khẩu một loạt nông sản như: Sầu riêng, tổ yến, thạch, bột cá, khoai lang…, đang bị chững lại.
Theo Bộ NN&PTNT, Trung Quốc là thị trường tiêu thụ lớn nhất của nông sản Việt Nam. Trong đó, có ngành hàng chiếm đến 80% giá trị xuất khẩu như rau quả… Việc phụ thuộc thị trường Trung Quốc là một trong những nguyên nhân khiến xuất khẩu nông sản đứng trước nhiều nguy cơ bị sụt giảm nếu dịch nCoV tiếp tục diễn biến phức tạp. Chính vì vậy, Bộ NN&PTNT đã chủ động tìm đường đưa nông sản sang tiêu thụ tại các thị trường khác. 
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường phát biểu tại hội nghị.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, đơn vị đang chủ động phối hợp với cơ quan Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại các nước trên thế giới để xúc tiến thương mại cho nông sản xuất khẩu.
“Dự kiến trong năm 2020, Bộ sẽ tổ chức các đoàn công tác sang xúc tiến xuất khẩu tại Các Tiểu Vương quốc Ả rập thống nhất (UAE), Hoa Kỳ, Brazil, Nhật Bản, Nga, Australia, New Zealand, Hàn Quốc, Indonesia, Myanmar và các quốc gia châu Âu” - Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường thông tin.
Bên cạnh đó, Bộ NN&PTNT cũng sẽ tiếp tục phối hợp với cơ quan Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc triển khai các đoàn xúc tiến thương mại, phát triển thị trường tại các địa phương trọng điểm của Trung Quốc tại thời điểm phù hợp nhất, ngay sau khi Trung Quốc kiểm soát được đại dịch nCoV và mở cửa trở lại.
Liên quan tới giải pháp trước mắt trong bối cảnh dịch nCoV kéo dài, Bộ NN&PTNT kiến nghị ngành Công Thương các địa phương đẩy mạnh đưa hàng hóa, nông sản vào tiêu thụ trong các hệ thống bán lẻ, ưu tiên thị trường nội địa.
Về lâu dài, các địa phương nghiên cứu, điều chỉnh một số đối tượng cây trồng, vật nuôi cho phù hợp với thị trường tiêu thụ. Đồng thời, tập trung quy hoạch, đầu tư vùng trồng để nâng cao chất lượng nông sản xuất khẩu.