Đích sáng: Ích nước, lợi dân

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Qua 2 lần thí điểm, con đường TPL dù còn nhiều khó khăn, vướng mắc nhưng đã sáng dần lên, cái “đích” ích nước, lợi dân đã tỏ. Con đường này đã chính thức được “khai sinh” bằng Nghị quyết của Quốc hội. Vậy là, một chủ trương đúng đắn, phù hợp với “ý Đảng, lòng dân” đã được đưa vào cuộc sống.

Ích nước

Theo Tổng cục THADS, đến ngày 30/9/2015, tại 13 địa phương thực hiện thí điểm đã thành lập 53 Văn phòng TPL. Các Văn phòng TPL đã tống đạt được 939.544 văn bản, lập 42.911 vi bằng, xác minh điều kiện thi hành án 885 việc, trực tiếp tổ chức thi hành án 378 vụ việc, đạt tổng doanh thu gần 136 tỉ đồng. Trong đó, công tác tống đạt chiếm tỷ trọng lớn với gần 1 triệu văn bản được tống đạt, doanh thu gần 70 tỉ đồng; lập gần 43 nghìn vi bằng, doanh thu gần 59 tỉ đồng; hoạt động xác minh điều kiện THA và trực tiếp tổ chức THA còn khiêm tốn với 1.263 vụ việc, đạt doanh thu gần 8 tỉ đồng.
Sáng 18/8, Đoàn công tác của Hội đồng Thừa phát lại (TPL) Quốc gia Pháp đã làm việc tại Sở Tư pháp Hà Nội
Đoàn công tác của Hội đồng Thừa phát lại Quốc gia Pháp làm việc tại Sở Tư pháp Hà Nội
Đây là những con số đáng mừng đối với một chế định thí điểm, TPL đã góp phần giảm tải công việc của TAND và THADS, hỗ trợ cho cơ quan quản lý Nhà nước, bước đầu khẳng định chỗ đứng trong xã hội và giải quyết không ít bức xúc, khiếu kiện trong dân... Ông Phạm Hùng Tiến- Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì cho biết: Là lực lượng "thứ 3" vô tư, khách quan giữa chính quyền và dân cùng với chức trách "làm chứng" của mình, TPL đã giúp chúng tôi thực hiện thành công một số vụ việc liên quan đến công tác cưỡng chế, thu hồi, giải phóng mặt bằng. Mong rằng với những dự án thuộc ngân sách, Nhà nước sẽ bố trí một khoản kinh phí chi cho việc tống đạt, lập vi bằng để tạo điều kiện triển khai dự án tốt hơn.

Ông Nguyễn Thành Phố, Bí thư Thành ủy Uông Bí (Quảng Ninh) đánh giá: "TPL vừa giúp cho công tác quản lý, điều hành của chúng tôi, vừa đưa đến lợi ích cho người dân và DN. Bởi vậy, chúng tôi đã bố trí cho TPL vào làm việc trong Trung tâm hành chính công của Thành phố, để giúp người dân giải quyết những vấn đề mà công chứng, chứng thực không làm. Chúng tôi hi vọng sẽ đưa Văn phòng TPL Uông Bí trở thành mô hình điểm của cả nước". 

Lợi dân

Với doanh thu đạt 163 tỉ đồng và số nhân lực là 643 người (trong đó có 134 TPL, 295 Thư ký nghiệp vụ và 214 nhân viên khác), chế định này đã tạo việc làm, thu nhập cho một bộ phận người dân. Qua 7 năm triển khai thí điểm, hầu hết các Văn phòng TPL ở TP HCM hiện đã "sống khỏe", các văn phòng mở rộng thí điểm được đầu tư bài bản, chuyên nghiệp cũng đã bước đầu lấy thu bù chi. Còn người dân được tiếp cận với một dịch vụ hỗ trợ tư pháp mới. Những vấn đền dân sinh bức xúc như: xây dựng gây nứt nhà hàng xóm, xúc phạm nhân phẩm, thỏa thuận phân chia tài sản sau ly hôn, thừa kế, giao nhận tiền, tài sản, thậm chí với cả nhà, đất chưa có sổ đỏ, xác nhận nợ... đều có thể nhờ đến TPL lập vi bằng làm căn cứ pháp lý để giải quyết.

Chị D.T.T ở phố Nguyễn Lương Bằng (Đống Đa) cho biết: "Hôm trước, tôi mua một ngôi nhà, khi tiếp xúc tôi hơi nghi ngờ thái độ của chủ nhà, nên khi giao nhận tiền, tôi quyết định chưa công chứng vội mà mời TPL lập vi bằng. Sau đó, chủ nhà "lật kèo" vì tưởng vi bằng là công chứng, kiện tôi là dùng xã hội đen để ép họ bán nhà, khi tôi đưa vi bằng đã lập với những bằng chứng xác thực về giao dịch mua bán thì họ chịu cứng". Bà V.T.Y ở phố Vũ Hữu Lợi (Hai Bà Trưng) có con trai đang thụ án, trước đó anh ta có sống như vợ chồng với một phụ nữ, chị này sinh con có chứng sinh nhưng không khai sinh. Cháu bé giờ 6 tuổi nhưng không có giấy khai sinh, không thể đi học, tương lai mờ mịt. TPL Văn phòng Hai Bà Trưng phải lăn lội vào tận trại giam gặp con trai bà Y, lập vi bằng để làm căn cứ xin giấy khai sinh mà giờ cháu bé đã được đi học. Bà P.T.H.Y (Tây Hồ) thì cứ rối rít cám ơn TPL đã giúp bà lập vi bằng để phân chia công bằng, minh bạch khối tài sản khá lớn của chồng để lại cho 4 người con (trong đó có 2 người con bị dị tật)...    

Mong sớm thay Nghị định bằng Luật

Trước khi được Quốc hội biểu quyết thông qua, băn khoăn lớn nhất của không chỉ các nhà đầu tư, Văn phòng TPL, các TPL mà còn của cả nhà quản lý chính là “thực hiện thí điểm”. Giám đốc Sở Tư pháp Quảng Ninh Dương Thái Sơn kiến nghị: TPL là chủ trương đúng đắn và đã được chứng minh hiệu quả trên đất Quảng Ninh. Mong muốn lớn nhất của chúng tôi là Quốc hội, Chính phủ sớm quyết định dừng thí điểm để "làm thật" trong đời sống.

Còn nay, khi TPL đã chính thức được công nhận thì một con đường gian nan để xây dựng hành lang pháp lý cho một định chế mới lại mở ra. Bà Cao Anh Thúy - Trưởng Văn phòng TPL Hai Bà Trưng tâm sự: Bỏ “thí điểm” là mong mỏi lớn nhất của những người “mở đường” làm TPL như chúng tôi. Giờ đây, các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp và người dân đã tin tưởng hơn vào TPL. Chúng tôi sẽ tiếp tục tăng cường tuyên truyền bằng nhiều hình thức và bằng chính kết quả hoạt động của mình để thuyết phục các cơ quan quản lý nhà nước cùng hợp tác để hoạt động hiệu quả hơn, giúp cho người dân tuân thủ pháp luật, giảm bớt những vấn đề dân sinh bức xúc… Tuy nhiên, hiện căn cứ pháp lý để TPL hoạt động chỉ dừng ở mức Nghị định nên hiệu lực pháp lý chưa cao. Trong khi đó, TPL có ảnh hưởng rất lớn trong đời sống xã hội và hoạt động của các cơ quan tư pháp, cơ quan quản lý nhà nước. Do đó, rất cần có Luật TPL để có thể điều chỉnh một số bất cập trong quá trình thực hiện, tăng dần vị thế cho một dịch vụ công hữu dụng trong đời sống hiện đại.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần