Dịch sốt xuất huyết diễn biến bất thường: Người dân vẫn thờ ơ

Trần Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mặc dù chưa vào mùa dịch nhưng số ca mắc sốt xuất huyết (SXH) trên địa bàn Hà Nội từ đầu năm 2017 đến nay đã lên đến gần 500 ca.

Trong khi tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, chủ động phòng chống và xử lý triệt để các ổ dịch là cách duy nhất để khống chế dịch trong tầm kiểm soát. 
Tăng 45% so với năm trước

Theo thống kê của Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội, tích lũy từ đầu năm 2017 đến nay, toàn TP đã ghi nhận gần 500 ca mắc SXH, tăng 45% so với cùng kỳ năm 2016. Các trường hợp mắc phân bố rải rác ở 25 quận, huyện và 164 xã, phường. Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm cho biết, hiện nay bệnh dịch có tính chất tản phát, chưa xuất hiện ổ dịch tập trung, phức tạp.
 Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh kiểm tra công tác phòng chống sốt xuất huyết tại xã La Phù, huyện Hoài Đức. Ảnh: Nguyên Hạnh
Tuy nhiên, do diễn biến thất thường của thời tiết, nắng mưa, di biến động dân cư lớn, TP có nhiều công trường xây dựng, vệ sinh môi trường kém, nhiều phế liệu phế thải đọng nước, việc tích trữ nước tại các hộ dân không đảm bảo là những yếu tố thuận lợi để muỗi truyền bệnh SXH sinh sản phát triển; làm dịch bệnh lây lan và diễn biến phức tạp hơn. Đáng lo ngại là virus SXH đã lưu hành ở nhiều tuýp nên nhiều bệnh nhân mắc rồi vẫn có thể bị mắc lại, thậm chí lần sau còn bị nặng hơn lần trước. Hơn nữa, bệnh SXH có những triệu chứng dễ nhầm lẫn với bệnh sốt virus thông thường nên nhiều người dân có tâm lý chủ quan, không tới các trung tâm y tế khám bệnh dẫn tới tình trạng bệnh nặng và có những biến chứng như: xuất huyết não, xuất huyết tiêu hóa, đe dọa tới tính mạng.

Tại địa bàn quận Hà Đông, Phó Chủ tịch UBND quận Dương Ngọc Thỏa cho biết, toàn quận đã ghi nhận 33 ca mắc nằm rải rác ở các phường. Trong đó một số phường có số ca mắc SXH cao là Phú Lương 8 ca (tăng 6 ca so với cùng kỳ năm 2016), Văn Quán 5 ca, Phú Lãm 4 ca, Mộ Lao và Phú La 3 ca. Từng là điểm nóng của TP về SXH vào năm 2016 khi chỉ riêng xã La Phù (huyện Hoài Đức) có tới 98 ca mắc, rất may đến thời điểm này xã mới chỉ ghi nhận 1 trường hợp mắc. “Qua theo dõi tình hình dịch SXH nhiều năm tại Hà Nội, ngành y tế Hà Nội dự báo chu kỳ dịch khoảng 4 – 5 năm. Tuy nhiên, thời gian gần đây, do nhiều yếu tố nên hầu như năm nào cũng xuất hiện ca bệnh” – ông Nguyễn Nhật Cảm cho hay.

Người dân còn xem nhẹ

Mặc dù tình hình dịch đang diễn biến phức tạp nhưng qua các cuộc kiểm tra thực tế tại các địa phương, người dân vẫn còn xem nhẹ dịch SXH. Phó Chủ tịch UBND xã La Phù thừa nhận, trên địa bàn xã vẫn còn một số người dân biết bệnh SXH là nguy hiểm nhưng lại không tự giác diệt loăng quăng, diệt muỗi để phòng bệnh SXH cho bản thân, gia đình, người dân còn chủ quan coi đó là việc làm của ngành y tế, của chính quyền địa phương. Một số hộ gia đình đi làm xa nên việc vệ sinh môi trường, diệt loăng quăng cũng như diệt muỗi trưởng thành còn khó khăn. Đại diện phường Phú Lương (quận Hà Đông) lại cho rằng, cơ sở hạ tầng của phường còn chưa đồng bộ, có nhiều xưởng sản xuất nhỏ nằm xen với khu dân cư, có nhiều bể nước hở và phi chứa nước xung quanh nhà dân. Thêm vào đó, người dân chủ yếu là buôn bán, một số hộ đi làm ăn xa, ý thức phòng bệnh chưa cao, điều này gây khó khăn cho công tác vệ sinh môi trường phòng chống dịch bệnh nói chung, đặc biệt là dịch bệnh SXH.
Người dân nên lật úp các dụng cụ chứa nước để phòng chống sốt xuất huyết. Ảnh: Nguyên Hạnh
Còn nhớ cuối năm 2015, khi dịch SXH bùng phát mạnh trên địa bàn Hà Nội, phun hóa chất diệt bọ gậy được coi là cách để ngăn chặn dịch nhưng cũng vấp phải sự bất hợp tác từ nhiều người dân. Nhiều hộ gia đình đã không mở cửa cho cán bộ y tế vào nhà kiểm tra vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy hoặc phun hoá chất diệt nhưng cũng không chủ động và thực hiện thường xuyên việc diệt bọ gậy trong và xung quanh nhà mình. Nhiều trường hợp không khai báo cho cán bộ y tế địa phương khi bị bệnh. Thậm chí, TP đã phải đề xuất xử phạt những hộ gia đình không hợp tác trong phòng bệnh. Năm nay, để không tái diễn tình hình này, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh đã chỉ đạo các quận, huyện tăng cường công tác tuyên truyền đến từng hộ gia đình, kêu gọi người dân chủ động vệ sinh môi trường sống xung quanh, lật úp các dụng cụ chứa nước.

Song song với đó, ông Hạnh cũng cho biết, công tác giám sát là hết sức quan trọng, trong đó có giám sát bệnh nhân, giám sát véc tơ, chỉ số bọ gậy, mật độ muỗi để kịp thời phát hiện, khoanh vùng chính xác ổ dịch. Đồng thời, tiến hành phun hóa chất diệt muỗi tại các khu vực có nguy cơ cao đúng kỹ thuật, đúng thời gian, không để dịch bùng phát và lây lan. Chú trọng đến việc tuyên truyền bằng loa cầm tay đến các địa bàn có nguy cơ cao, treo pano, áp phích tại những điểm dễ quan sát, kết hợp với vận động các hộ gia đình hợp tác với cán bộ y tế để vệ sinh môi trường, phun hóa chất phòng chống dịch.

Chủ động phòng bệnh sốt xuất huyết

Bệnh sốt xuất huyết đến nay chưa có vaccine phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, biện pháp phòng bệnh chủ yếu và hiệu quả là diệt muỗi, diệt loăng quăng, bọ gậy và phòng muỗi đốt. Để tích cực phòng bệnh cho bản thân, gia đình và mọi người xung quanh, cần làm tốt các biện pháp sau:

1. Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.

2. Hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa/bình bông; bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn.

3. Hàng tuần loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá...

4. Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày.

5. Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.

6. Khi bị sốt, đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà.

Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần