Báo cáo của Bộ NN&PTNT cho thấy, sau khi bùng phát tại tỉnh Hưng Yên hồi tháng 2/2019, đến nay, bệnh DTLCP đã xảy ra tại 5.422 xã thuộc 513 huyện của 62 tỉnh, TP. Hiện, cả nước chỉ còn tỉnh Ninh Thuận là chưa phát hiện có DTLCP. Tổng số lợn mắc bệnh, nghi mắc bệnh buộc phải tiêu huỷ là 3.306.038 con, chiếm khoảng 11% tổng đàn lợn cả nước.
Ngay từ khi bệnh DTLCP bùng phát, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN&PTNT cũng như các bộ ngành, tỉnh, TP đã tập trung chỉ đạo quyết liệt, triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm khống chế dịch bệnh lây lan. Nhờ đó, đến nay, đã có 854 xã thuộc 226 huyện của 40 tỉnh, TP đã qua 30 ngày chưa phát sinh thêm lợn mắc bệnh.
Theo đánh giá của Bộ NN&PTNT, là dịch bệnh nguy hiểm, chưa có thuốc điều trị và vaccine phòng bệnh, nên thời gian tới, nguy cơ DTLCP sẽ tiếp tục lây lan, phát tán đến các xã, huyện chưa có dịch. Tái phát ở các ổ dịch cũ qua 30 ngày. Đặc biệt là khả năng xâm nhiễm vào các cơ sở chăn nuôi lợn tập trung quy mô lớn.
Chính vì vậy, các cấp uỷ, chính quyền từ T.Ư đến các địa phương cần xây dựng và tổ chức kế hoạch tổng thể để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, nhằm sớm khống chế DTLCP trên tinh thần của Chỉ thị số 34-CT/TW của Ban Bí thư, cũng như các Chỉ thị, Công điện, Nghị quyết của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ…
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, chưa có loại dịch bệnh nào mà toàn hệ thống chính trị từ T.Ư đến địa phương phải vào cuộc đồng bộ như đối với DTLCP thời gian qua; Nhưng DTLCP không đáng sợ nếu chúng ta nắm chắc nguyên lý. Vũ khí duy nhất hiện nay trong phòng chống DTLCP theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường là triển khai đồng bộ các giải pháp an toàn sinh học và chế phẩm vi sinh.
Trong bối cảnh hiện nay, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, ngành chăn nuôi phải sống chung với DTLCP. “Thực tiễn vừa qua cho thấy có nhiều cách làm rất sáng tạo trong phòng, chống DTLCP. Các trang trại, cơ sở chăn nuôi lợn lớn vẫn an toàn trong dịch bệnh nhờ triển khai hiệu quả các giải pháp an toàn sinh học kết hợp chế phẩm vi sinh có lợi. Chính vì vậy, đây vẫn sẽ là nhóm giải pháp cần nhân rộng trong thời gian tới” - Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói.