Dịch vụ ăn uống tăng chóng mặt

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trái với thông lệ hàng năm cứ sau Tết Nguyên đán là thực phẩm lại tăng giá, nhưng năm nay các mặt hàng thực phẩm đều giữ giá ổn định. Tuy nhiên, tại nhiều cửa hàng kinh doanh ăn uống vẫn đến hẹn lại tăng giá, thậm chí tăng đến chóng mặt.

Giá thực phẩm không tăng

Nếu như trong các ngày mùng 2 và 3 Tết, giá thực phẩm trên địa bàn  TP Hà Nội có nhích lên do chưa có nhiều tiểu thương mở cửa buôn bán. Nhưng tại thời điểm hiện tại, giá bán thực phẩm, rau xanh đã trở lại bình thường như những ngày trước Tết.

Tiểu thương kinh doanh mặt hàng rau củ tại chợ Châu Long cho biết: Năm nay rau được mùa, nguồn cung tăng nên giá bán giảm 20 - 30% so với ngày 28 - 30 Tết. Không chỉ có rau xanh giảm giá mà các loại thịt lợn, thịt bò, hải sản… giá bán cũng chỉ tăng nhẹ khoảng 10% so với ngày thường, nhưng so với Tết những năm trước, thì đây là mức giá khá "dễ chịu". Trong khi đó, các mặt hàng hải sản như tôm, cua, ghẹ… mặc dù là "của hiếm" trong dịp Tết nhưng sau Tết giá lại có xu hướng giảm. Tôm sú loại to được bán với giá từ 450.000 - 500.000đ/kg, loại nhỏ chỉ 300.000đ/kg, cua, ghẹ dao động từ 300.000 - 400.000đ/kg. Mặc dù giá hạ nhưng do nhiều gia đình vẫn còn thực phẩm dự trữ từ Tết nên lượng tiêu thụ những mặt hàng này không nhiều.
Giá cả thực phẩm tại các chợ lẻ vẫn rất ổn định.     Ảnh: Hải Linh
Giá cả thực phẩm tại các chợ lẻ vẫn rất ổn định. Ảnh: Hải Linh
 
Hàng ăn vẫn “chặt chém” khách

Mặc dù giá thực phẩm tươi sống, rau, củ, quả không biến động lớn nhưng giá các dịch vụ, hàng ăn dịp sau Tết năm nay vẫn tăng giá mạnh. Khảo sát các quán ăn trên phố Trần Xuân Soạn, Hòe Nhai, Ngô Thì Nhậm… nơi nào ít thì tăng giá từ 30 - 50%, nhưng có không ít điểm bán hàng ăn giá  thậm chí tăng đến 100 - 200%.

Thực tế những ngày gần đây cho thấy, một bát bún ốc thường ngày giá bán chỉ 20.000 đồng, nếu có thêm một 2 miếng giò lụa giá 25.000 đồng nhưng vẫn bát bún ốc đó bán trên vỉa hè Hà Nội những ngày sau Tết được "hét" tới 40.000 đồng không giò, 50.000 đồng có giò. Cá biệt, những địa điểm đắt đỏ như khu vực quanh Hồ Tây, Phủ Tây Hồ… các loại bún này còn lên tới 80.000 - 100.000 đồng/bát. Không chịu thua kém, các cửa hàng phở cũng tăng giá vô tội vạ, tại khu vực Cầu Giấy, ngày thường bát phở bình dân chỉ 25.000 - 30.000 đồng,  nay lên 40.000 đồng/bát. Phở Thìn Lò Đúc, phở Cồ Thụy Khuê ngày thường 35.000 - 40.000 đồng/bát nay giá tăng gấp đôi. Một số hàng quán nhỏ khác giá không tăng hoặc tăng không nhiều nhưng lượng thức ăn lại giảm đi. Nhiều người tiêu dùng phản ánh, không chỉ hàng ăn tăng giá bán mà các cửa hàng cà phê giá cũng tăng mạnh, ngày thường ly cà phê đen đá chỉ 20.000 đồng nay phải trả 35.000 đồng. Khi khách hàng thắc mắc về mức giá đắt gấp đôi ngày thường thì nhận được lời giải thích: Ngày Tết chúng tôi phải trả lương nhân viên gấp đôi, thậm chí gấp 3 lần ngày thường, giá các nguyên liệu đầu vào cũng đắt hơn. Tuy biết đó chỉ là "ngụy biện" nhưng không ít người tiêu dùng vẫn bị "bắt chẹt", bị người kinh doanh "chặt chém" nhưng vẫn buộc phải "ngậm bồ hòn làm ngọt" để được yên thân. Điều đáng nói, đây không phải là năm đầu tiên, dịch vụ ăn uống tăng giá bất hợp lý vào thời điểm sau Tết Nguyên đán nhưng ngành thương mại Hà Nội hiện vẫn chưa hề có biện pháp ngăn chặn, xử lý.