Khảo sát một số cửa hàng chuyên kinh doanh đồ ăn trên địa bàn Hà Nội cho thấy, mức tăng giá phổ biến vào khoảng 3.000 – 5.000 đồng/suất. Cụ thể, bún móng, bún mọc có giá từ 30.000 – 40.000 đồng/bát, tăng 5.000 đồng/bát; bánh mì chả ruốc, bánh giò từ 15.000 – 17.000 đồng/chiếc, tăng 3.000 đồng/chiếc; cơm suất tăng 5.000 đồng/suất…
Chị Nguyễn Thị Thúy Hạnh, chủ một quán bún móng, mọc trên đường Hoàng Ngọc Phách cho biết, trước đây mỗi bát bún móng mọc ở cửa hàng chị có giá 25.000 đồng, được duy trì khá lâu nhưng hơn một tuần nay, chị buộc phải tăng giá lên thành 30.000 đồng/bát vì các loại thực phẩm, nhất là thịt lợn nhập vào đều có giá cao hơn trước.
“Mỗi ngày, quán tôi sử dụng vài chục cân thịt lợn, dù biết lên giá dễ mất khách, nhưng nếu không tăng cửa hàng sẽ không có lãi vì chi phí đầu vào cao quá. Nếu trong thời gian tới giá thịt lợn giảm, chúng tôi sẽ tính toán điều chỉnh giá sau” – chị Hạnh bày tỏ.
Tương tự, chị Trần Thị Minh, chủ một quán cơm bình dân trên đường Chiến Thắng (quận Hà Đông) cho biết, nếu như trước đây, giá thịt lợn nhập vào chỉ dao động từ 70.000 – 90.000 đồng/kg thì nay đã tăng lên thành 110.000 – 140.000 đồng/kg. Do đó, để không bị lỗ, người kinh doanh buộc phải tăng giá suất ăn lên. “Sau 2 tuần tăng giá, cũng có nhiều khách hàng thắc mắc, tuy nhiên họ đều thông cảm vì giá thực phẩm đầu vào tăng. Hiện tại, lượng khách đến cửa hàng đã ổn định” – chị Minh thông tin.
Trước đó, do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi, tổng đàn lợn của cả nước đã giảm gần 6 triệu con. Nguồn cung sụt giảm khiến giá thịt lợn tăng cao trong thời gian gần đây. Cụ thể, giá lợn hơi tại miền Bắc đã lên 76.000 – 78.000 đồng/kg; khu vực miền Trung – Tây Nguyên có giá dao động từ 70.000 - 72.000 đồng/kg; phía Nam đang dao động từ 62.000 – 64.000 đồng/kg.
Để bảo đảm cân đối cung cầu thị trường thực phẩm nói chung và mặt hàng thịt lợn nói riêng trong những tháng cuối năm và Tết Nguyên đán, Bộ Công Thương cho biết đang tiếp tục theo dõi sát diễn biến tình hình thị trường. Nếu cần thiết sẽ xem xét khả năng nhập khẩu thịt lợn chính ngạch từ nguồn an toàn với giá cả hợp lý để bù đắp thiếu hụt trong nước và hạn chế việc tăng giá mặt hàng này.