Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Dịch vụ chiếm tỷ trọng 70% trong cơ cấu kinh tế Đà Nẵng

Quang Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cơ cấu kinh tế 9 tháng năm 2023 của Đà Nẵng tiếp tục có sự dịch chuyển nhẹ giữa các khu vực. Trong đó, khu vực dịch vụ ngày càng chiếm tỷ trọng cao hơn, với 70%.

Kinh tế tiếp tục đối mặt nhiều khó khăn, thách thức

Thông tin tại buổi họp báo quý 3/2023 diễn ra chiều 25/10, Chánh Văn phòng UBND TP Đà Nẵng Nguyễn Hà Nam cho biết: 9 tháng năm 2023, kinh tế TP tiếp tục đối mặt với những khó khăn thách thức lớn, khó có thể chuyển biến nhanh trong ngắn hạn. Vốn đầu tư, hoạt động doanh nghiệp, hoạt động bất động sản, xây dựng suy giảm đã và đang tác động đến tình hình sản xuất kinh doanh, đầu tư của một số ngành, lĩnh vực liên quan.

Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) quý 3/2023 ước tăng 2,2% so với cùng kỳ 2022. Trong đó, giá trị tăng thêm khu vực dịch vụ tăng 2,6%, công nghiệp – xây dựng tăng 0,1%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 4,7%; riêng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm 2,8%. Tính chung 9 tháng, GRDP của Đà Nẵng tăng 2,8% so với cùng kỳ 2022.

Đáng chú ý, cơ cấu kinh tế 9 tháng năm 2023 của Đà Nẵng tiếp tục có sự dịch chuyển nhẹ giữa các khu vực so với cùng kỳ 2022. Cụ thể, khu vực dịch vụ ngày càng chiếm tỷ trọng cao hơn, chiếm 70%; công nghiệp – xây dựng giảm còn 18,9%; nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 1,81%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 9,3%.

Du lịch Đà Nẵng trên đà phục hồi tích cực.
Du lịch Đà Nẵng trên đà phục hồi tích cực.

Đáng chú ý, một số lĩnh vực có chỉ số tăng trưởng khả quan như du lịch, xuất nhập khẩu, phần mềm. Đơn cử, hoạt động du lịch tiếp tục phát triển mạnh mẽ, các sự kiện, sản phẩm dịch vụ du lịch hấp dẫn liên tục được tổ chức, thu hút đông đảo du khách đến với Đà Nẵng trong 9 tháng qua.

Tổng lượt khách cơ sở lưu trú phục vụ trong 9 tháng ước đạt hơn 5,862 triệu lượt, tăng 134,88% so với cùng kỳ. Trong đó, khách quốc tế ước đạt hơn 1,602 triệu lượt, tăng 269,63%; khách nội địa ước đạt 4,26 triệu lượt, tăng 105,62%. Doanh thu lưu trú, ăn uống lữ hành 9 tháng ước đạt hơn 21.123,2 tỷ đồng, tăng 49,7% so với cùng kỳ 2022; trong đó doanh thu lưu trú, lữ hành ước đạt hơn 11,351,1 tỷ đồng, tăng 84%.

Cũng theo ông Nguyễn Hà Nam, dự báo từ nay đến những tháng cuối năm 2023, kinh tế TP Đà Nẵng tiếp tục đối mặt với những khó khăn, thách thức trong bối cảnh chịu tác động tiêu cực từ kinh tế thế giới cũng như trong nước.

3 khu công nghiệp mới chậm tiến độ triển khai

Tại buổi họp báo, các phóng viên đặt nhiểu câu hỏi liên quan đến những vấn đề nổi cộm của Đà Nẵng như chậm triển khai một số khu công nghiệp (KCN); nhiều đại dự án ngay tại trung tâm đô thị “treo” hàng chục năm gây lãng phí nguồn lực đất đai; tình hình phát triển kinh tế đêm; tình hình ngập lụt đô thị, tình hình phát triển du lịch…

Liên quan 3 dự án gồm KCN Hòa Cầm – giai đoạn 2, KCN Hòa Ninh và KCN Hòa Nhơn, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Đà Nẵng Lê Minh Tường thừa nhận đang bị chậm tiến độ triển khai vì vướng thủ tục, quy hoạch…

Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Đà Nẵng Lê Minh Tường thông tin tại buổi họp báo.
Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Đà Nẵng Lê Minh Tường thông tin tại buổi họp báo.

Cụ thể, dự án KCN Hòa Ninh hồ sơ đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Ngày 19/1/2022, Văn phòng Chính phủ có công văn truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành. Trong đó, yêu cầu Đà Nẵng chỉ đạo cơ quan chức năng thực hiện trình tự, thủ tục và trình cấp có thẩm quyền chấp thuận chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng theo quy định của Luật Lâm nghiệp và Nghị định hướng dẫn có liên quan, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để hoàn thiện Hồ sơ và dự thảo Quyết định chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Hòa Ninh, TP Đà Nẵng, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Ngày 23/6/2023 Ban Quản lý đã có Công văn số 1370/BQL-QL, XT&HTĐT liên quan chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN Hòa Ninh. Trong đó đề nghị UBND TP Đà nẵng có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ rút Tờ trình xin chấp thuận chủ trương đầu tư, tổ chức triển khai lựa chọn nhà đầu tư dự án theo Luật Đầu tư 2020.

Đồng thời, Ban Quản lý có tờ trình về việc đề nghị thẩm định hồ sơ chuyển đổi mục đích sử dụng rừng dự án KCN Hòa Ninh gửi Sở NN&PTNT theo ý kiến của Bộ NN&PTNN. Sở này đã có công văn báo cáo UBND TP liên quan chủ trương chuyển mục đích sử dụng đất sang mục đích khác tại dự án. Dự án có 43,88 ha diện tích rừng trồng được quy hoạch là rừng sản xuất.

Đối với KCN Hòa Nhơn, ông Lê Minh Tường cho biết, diện tích dự án bị điều chỉnh giảm từ 360ha xuống còn 237ha do chia tách để hình thành Cụm công nghiệp Hòa Nhơn. Qua rà soát, địa điểm thực hiện dự án có 2 đồ án bị trùng lắp về mặt khối lượng, đó là Đồ án quy hoạch phân khu Trung tâm lõi xanh và Đồ án quy hoạch phân khu KCN Hoà Nhơn.

“Sau khi có quy hoạch điều chỉnh được duyệt, TP Đà Nẵng sẽ giao Ban quản lý Khu công nghệ cao và các KCN tìm hiểu kêu gọi nhà đầu tư tiềm năng để hướng dẫn lập hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đồng thời chấp thuận nhà đầu tư” – ông Tường nói.

Đối với KCN Hòa Cầm – giai đoạn 2, ông Tường thông tin đây là dự án được Thủ trướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư tại Quyết định số 363/QĐ TTg ngày 18/3/2022. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ giao UBND TP Đà Nẵng tổ chức xây dựng phương án và chịu trách nhiệm lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án theo quy định của pháp luật về đấu thầu, đầu tư, đất đai và pháp luật có liên quan khác. Ban quản lý Khu công nghệ cao và các KCN đang thực hiện các thủ tục lựa chọn đơn vị tư vấn đấu thầu để hỗ trợ thực hiện những bước lựa chọn nhà đầu tư.

Lý do dẫn đến thời gian thực hiện có sự chậm trễ là do dự án có quy mô lớn, tính chất đặc thù, phức tạp (tổng vốn đầu tư hơn 2.246 tỷ đồng). Việc lựa chọn nhà đầu tư phức tạp. Các bộ, ngành không có quy định cụ thể về việc lựa chọn nhà đầu tư đối với loại hình dự án này nên việc lựa chọn nhà đầu tư được thực hiện trên cơ sở thành phố tự xây dựng quy trình và vận dụng các quy định của pháp luật về đấu thầu để thực hiện.