Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Dịch vụ cúng Rằm tháng 7 làm xấu ý nghĩa báo hiếu

Linh Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hùng Vĩ - giảng viên trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, lễ cúng xá tội vong nhân, hay cúng Vu Lan bồn đều xuất phát từ giáo lý nhà Phật, có từ lâu đời. Tuy nhiên, ngày nay người ta biến hóa ra nhiều hình thái, dịch vụ làm xấu đi ý nghĩa của lễ báo hiếu.

 Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hùng Vĩ - giảng viên trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.
Ông có thể cho biết vì sao vào ngày Rằm tháng 7 âm lịch hàng năm lại có lễ cúng Vu Lan bồn và cúng cô hồn?
- Phật giáo quan niệm, tháng 7 âm lịch là lễ Vu Lan, cúng dường Phật và chúng Tăng, cầu nguyện cho cha mẹ đang còn sống được an lạc và cha mẹ đã quá cố được siêu thăng cõi tịnh độ. Xá tội vong nhân chỉ là một phần nghi lễ của lễ Vu Lan bồn. Ban đầu Vu Lan bồn chỉ là cúng xá tội cho mẹ, xong mở ra xá tội cho cha mẹ 7 đời. Sau này, Vu Lan bồn là trung tâm của đạo hiếu, phát triển thành 2 xu hướng, nhấn mạnh chữ hiếu với cha mẹ và mở rộng chữ hiếu để cúng chúng sinh, ngoài ra cúng cả hoa cỏ, cây cối. Bởi vì, theo quan niệm từ kiếp luân hồi của đạo Phật, những người xa lạ với chúng ta có thể là người thân kiếp trước và cả cây cối con vật kiếp nào đó có thể là cha mẹ ta. Nên cần cúng vong hồn họ.

Còn đối với cúng cô hồn là cũng từ quan niệm ngày Rằm tháng 7, Diêm Vương mở cửa địa ngục để người trần gian chúng xóa tội cho họ. Cũng vì quan niệm tháng 7 vong rất nhiều nên người trần sờ đâu hỏng đó.

Ngày nay, đến các chùa đều có dịch vụ cúng Vu Lan, cúng vong. Hình thức này có đúng với truyền thống không thưa ông?

- Cúng Vu Lan thường cúng ở các nơi thờ tự nhưng chỉ mang tính cúng dường của Phật, chứ không phải quy mô hoành tráng. Thời Lý, ở kinh thành rất thịnh hình thức cúng Vu Lan bồn vào ngày Rằm tháng 7. Còn việc cúng vong, cúng hồn thì người ta cúng ở cả ngã ba đường, cúng cửa nghĩa địa… Không nhất thiết là chỉ cúng ở một nơi nào. Tuy nhiên, phải khẳng đinh dịch vụ cúng ở các chùa chỉ là xuất hiện về sau, không phải yếu tố truyền thống.

Tại các lễ cúng Rằm tháng 7 nhiều chùa đốt số lượng vàng mã rất lớn, theo ông giảm đốt vàng mã có ảnh hưởng đến truyền thống báo hiếu của người Việt?

- Tục đốt vàng mã không phải của Phật giáo mà là quan niệm của đạo giáo là chia của cho người chết ở thế giới bên kia. Hiện nay, do nhu cầu của người đi làm lễ nên các chùa ở ta thường làm thay công việc của các phật tử trọn gói lễ và đồ mã. Nên cách đây 2 năm Giáo hội Phật giáo Việt Nam khuyến cáo các chùa không đốt vàng mã.

Về cơ bản ông cha ta đã dạy, lễ bạc lòng thành. Nhưng người dân có tâm lý có tham, có sân si. Tham là đốt nhiều lên, sân là cạnh tranh nhau, si là người ta không nhớ lời dạy của tổ tiên mà làm theo phong trào. Ngày nay, đốt vàng mã bị biến tướng thành mê tín dị đoan. Quanh năm, người ta đua nhau đốt ô tô, nhà lầu, xe máy... bằng giấy cho người âm trong các dịp lễ, Tết, giỗ chạp, Rằm tháng Giêng, Rằm tháng 7... vì cuồng tín, mê muội, tham lam, tranh đua tài lộc. Tôi cho rằng hủ tục này cần phải loại bỏ.

Xin cảm ơn ông!