Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Dịch vụ thuê “người yêu”: Xem thường tình cảm con người

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Trong một lần đưa cô cháu gái 17 tuổi đi dự sinh nhật bạn, tôi tình cờ biết được muốn có “người yêu” đi chơi trong những ngày lễ, Tết, ai có nhu cầu chỉ cần bỏ ra một khoản tiền để thuê. Bên cạnh đó, có không ít trang web đã đăng tải thông tin… cho thuê người yêu trên mạng!

KTĐT - Trong một lần đưa cô cháu gái 17 tuổi đi dự sinh nhật bạn, tôi tình cờ biết được muốn có “người yêu” đi chơi trong những ngày lễ, Tết, ai có nhu cầu chỉ cần bỏ ra một khoản tiền để thuê. Bên cạnh đó, có không ít trang web đã đăng tải thông tin… cho thuê người yêu trên mạng!

Có tiền là.. có người yêu !

Khi thấy tôi tỏ ra ngạc nhiên, cô cháu gái nhiệt tình giải thích: “Bạn cháu có ông anh trai sinh năm 1978 nhưng chưa có người yêu. Tết năm nay bố mẹ anh ấy giao hẹn: “Nếu không dẫn người yêu về sẽ phải dọn ra ở riêng”. Thấy tình hình quá căng thẳng, anh này đã gọi điện đến một công ty chuyên cung cấp dịch vụ cho thuê người yêu và được biết giá mỗi ngày thuê là 2 triệu đồng. Thời gian thuê càng lâu, giá càng giảm.

Anh ấy có thể được tùy ý chọn người thông qua các bức ảnh mà công ty này cung cấp qua email. Nếu “chấm” đối tác nào, anh sẽ phải chuyển toàn bộ số tiền thuê vào tài khoản của công ty đồng thời sẽ nhận được mọi thông tin cá nhân cũng như số điện thoại của cô gái đó. Hai bên có thể liên lạc với nhau để hẹn ngày giờ cụ thể để “ra mắt” bố mẹ họ hàng. Và thế là, mọi chuyện đã được giải quyết xong”!

Được biết, so với ngày thường, giá thuê người yêu dịp Tết là hơn 1 triệu đồng mỗi ngày (ngày thường có giá 1 triệu đồng/ngày). Ngoài ra, người thuê sẽ chịu mọi chi phí còn lại trong quá trình diễn ra tình huống như tiền tàu xe, ăn uống, quà tặng, tiền mừng tuổi… Càng đến những ngày giáp Tết, số lượng người có nhu cầu thuê người yêu càng tăng. Đối tượng thuê thường là những người đã khá nhiều tuổi, ít có điều kiện tiếp xúc với người khác giới nên chưa tìm được một nửa kia cho cuộc đời mình. Tuy vậy cũng có không ít bạn trẻ đua đòi, coi nhẹ giá trị tình cảm, thuê người yêu để mua vui.

Trên mạng internet, chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp các thông tin, kiểu như: “Tuyển “đối tác” đi chơi Tết cao từ 1,7m trở lên, đẹp trai, phong độ” hay “tìm “vợ yêu”, bà xã 15-17 tuổi cao ráo, ưa nhìn”… Khi đăng tải các thông tin này lên mạng, không ít bạn trẻ đã không lường hết được những rắc rối mình sẽ phải đối mặt như bị khủng bố qua điện thoại, qua nick chat và thường xuyên phải chịu đựng những cuộc gọi gạ gẫm, quấy rối… Bên cạnh đó, những thông tin và hình ảnh cá nhân của các bạn trẻ này có thể bị kẻ xấu lợi dụng vào mục đích xấu…

Dịch vụ thuê “người yêu”: Xem thường tình cảm con người - Ảnh 1
Không nên thương mại hóa tình yêu

Tiềm ẩn nhiều nguy cơ

Vào 1 trang web cung cấp “Dịch vụ cho thuê người yêu o­nline”, chúng tôi đọc được những lời quảng cáo khá hấp dẫn: “Đây là gói dịch vụ mới được đăng ký bản quyền và được pháp luật bảo vệ, một ý tưởng táo bạo. Công ty cung cấp dịch vụ cho thuê người yêu (không tiến tới hôn nhân - không buôn bán xác thịt) với mong muốn đáp ứng nhu cầu của khách hàng về giao tiếp xã giao với gia đình, đối tác làm vừa lòng mọi người xung quanh…

Dịch vụ của công ty là cung cấp cho khách hàng một người bạn có thể vào vai đồng nghiệp, bạn gái, người yêu hay vợ để ra mắt bạn bè, đi dự họp làm thư ký, tiếp khách, đi dự tiệc tùng, đám cưới, sinh nhật, an ủi khi thất tình, chăm sóc lúc ốm đau…”.

Không những chỉ rao cho thuê mà trang web này còn rao tuyển các nhân viên làm cộng tác viên với tiêu chí: Có ngoại hình đẹp, biết giao tiếp. Đặc biệt ưu tiên các bạn là… người mẫu. Chỉ cần nhấp chuột và nhấc điện thoại bạn đã có thể tìm được “một nửa của mình” với những tiêu chí khá hoàn hảo! Không chỉ có vậy, có những trang web còn tổ chức các buổi gặp mặt giữa các thành viên theo từng nhóm chủ đề, thậm chí cung cấp dịch vụ… hẹn ăn trưa.

Trong các hợp đồng được ký giữa bên thuê và bên cho thuê người yêu, hành vi “tình cảm” giữa hai bên thường chỉ dừng lại ở việc nắm tay, ôm và cùng lắm là… hôn nhẹ vào má. Nếu bên nào vi phạm hợp đồng sẽ phải trả thêm tiền. Tuy vậy việc kiểm soát vấn đề này là khá khó khăn. Giống như bất cứ những lĩnh vực khác, tình yêu cũng có hai mặt. Bên cạnh những tình yêu thật, thì có cả những “tình yêu giả”, những bản “hợp đồng thuê người yêu“ để đáp ứng cho những nhu cầu của từng cá nhân.

Tuy vậy không ai dám chắc những bản hợp đồng tình cảm nặng tính thương mại này sẽ đều diễn ra suôn sẻ. Vấn đề đặt ra là khi các mối quan hệ vượt quá giới hạn, phát sinh ngoài hợp đồng thì việc giải quyết tranh chấp phát sinh giữa các bên vô cùng  khó khăn và phức tạp, chưa kể đến những tệ nạn có thể xảy ra như việc mang thai ngoài ý muốn, mại dâm trá hình, vô tình mắc phải các căn bệnh xã hội từ “người yêu đi thuê”…                 

Hiện dịch vụ thuê và cho thuê người yêu không chỉ xuất hiện ở Việt Nam mà nó đã có ở một số nước khác trên thế giới. Tại Trung Quốc thời gian qua, trên hầu khắp các diễn đàn o­nline của Trùng Khánh đã xôn xao về một trường hợp thuê bạn gái về quê ăn Tết. Vương Quân - một chàng trai 30 tuổi, quê ở Tứ Xuyên là nhân viên bán hàng cho một đại lý xe hơi ở Trùng Khánh. Bố mẹ anh ở quê vô cùng sốt ruột khi con trai duy nhất tuổi đã tam tuần vẫn chẳng thấy đưa bạn gái về giới thiệu. Để trấn an bố mẹ, Quân quyết định đăng rao vặt thuê bạn gái với thù lao 300 NDT/ngày. Khi mối quan hệ “vượt quá giới hạn”, cô gái đã đòi trả thêm 1.000 NDT phát sinh ngoài hợp đồng, song anh chàng này không chịu trả tiền vì cho rằng do hai bên tình nguyện, trước đó lại không có “hợp đồng bổ sung”. Câu chuyện gây tranh cãi này thu hút sự quan tâm của nhiều bạn trẻ với các quan điểm trái chiều.