Nhiều ngành điểm chuẩn trên 29
Thời điểm hiện tại, điểm chuẩn cao nhất là 29,3 điểm - thuộc về Trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Cụ thể, 3 ngành sư phạm ngữ văn, sư phạm lịch sử, sư phạm địa lí (tổ hợp C00) đều có điểm chuẩn trên 29; trong đó sư phạm ngữ văn và sư phạm lịch sử có điểm chuẩn 29,3, còn sư phạm địa lí có điểm chuẩn 29,05.
Điểm chuẩn cao thứ 2 thuộc về Học viện Ngoại giao tổ hợp C00 với ngành Trung Quốc học khi có điểm trúng tuyển 29,2 điểm. Ngành truyền thông quốc tế của trường này lấy điểm chuẩn 29,05.
Cũng với tổ hợp C00, ngành báo chí - Trường ĐH Khoa học xã hội & nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) năm nay có điểm chuẩn rất cao, ở mức 29,03 điểm. Điểm này chưa phải cao nhất trường vì ngành quan hệ công chúng năm nay lấy điểm chuẩn 29,1.
Ngành tâm lý học - Trường ĐH Y Hà Nội cũng có điểm chuẩn gây ấn tượng với 28,83 ở tổ hợp C00 ngay trong năm đầu tuyển sinh; đồng thời soán ngôi vị dẫn đầu nhiều năm của ngành y khoa, trở thành ngành có điểm chuẩn cao nhất Trường ĐH Y Hà Nội năm 2024.
Điểm chuẩn năm 2024 của Học viện Báo chí và Tuyên truyền cũng ở mức rất cao. Ở thang điểm 40, điểm chuẩn cao nhất là ngành quan hệ công chúng, (chuyên ngành Quan hệ công chúng chuyên nghiệp) với 37,7 điểm- trung bình hơn 9,4 điểm/môn.
Xét về điểm chuẩn tăng và cao đồng đều, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội được gọi tên đầu tiên bởi trường tuyển 28 ngành sư phạm thì rất nhiều ngành trong số đó có điểm chuẩn từ 27 - 28 điểm trở lên (ở các tổ hợp khác nhau); có ngành tăng đến 5,55 điểm so với năm học trước.
Ngoài khối sư phạm, báo chí, tâm lý học (Trường ĐH Y Hà Nội) thì các ngành y dược điểm chuẩn cũng có xu hướng tăng. Với Trường ĐH Y Hà Nội, ở tổ hợp truyền thống B00, ngành y khoa có điểm chuẩn là 28,27 điểm, tăng 0,54 so với năm ngoái; ngành răng hàm mặt có điểm chuẩn 27,67 (tăng 0,17).
Với Trường ĐH Dược Hà Nội, ngành dược học dẫn đầu với 25,51 điểm, tăng 0,51 điểm so với năm ngoái; theo sau là ngành hóa dược với 25,31 điểm (tăng 0,41). Hai ngành hóa học và công nghệ sinh học cùng lấy trên 24 điểm, tăng lần lượt 0,7 và 0,05.
Tại Trường ĐH Ngoại thương, năm nay ngành ngôn ngữ Trung, tổ hợp D01 lấy điểm chuẩn cao nhất là 28,5, trung bình 9,5 điểm/môn mới đỗ, cao hơn năm ngoái 0,35 điểm trung bình một môn.
Cùng với đó, điểm chuẩn của một số ngành thuộc khối ngoại ngữ, kinh tế, luật… cơ bản có điểm chuẩn tăng nhẹ hoặc giữ ổn định so với năm 2023.
Điểm chuẩn tăng: 3 nguyên nhân cơ bản
Cần khẳng định, điểm chuẩn năm 2024 theo phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp THPT tăng so với năm 2023 là điều không bất ngờ bởi đã được các chuyên gia dự báo ngay khi Bộ GD&ĐT công bố điểm thi tốt nghiệp.
GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Công nghệ, ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết: phân tích trên dữ liệu điểm các môn thi có thể thấy tỉ lệ thí sinh đạt điểm giỏi đều tăng so với năm 2023. Với khối xã hội, tỉ lệ điểm giỏi môn lịch sử tăng 6,6%; môn địa tăng đột biến khi chiếm tới 31% (trong khi năm 2023 chỉ là 6,6%); đồng thời có 3.175 bài thi môn địa đạt điểm tuyệt đối. Với môn ngữ văn, số bài thi đạt điểm 7 trở lên chiếm tỷ lệ 64,57%, cao kỷ lục từ trước tới nay. Vì điểm thi cao nên điểm chuẩn tăng so với năm ngoái là chuyện dễ hiểu, nhất là với tổ hợp C00.
Điểm chuẩn tăng còn đến từ nguồn tuyển đại học năm nay dồi dào hơn do số nguyện vọng đăng ký tăng cao. Thống kê của Bộ GD&ĐT cho thấy, năm nay có hơn 733.000 thí sinh đăng ký xét tuyển, tương đương 68,5% tổng số thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT, tăng 73.000 em so với năm 2023.
Nhìn ở góc độ quản lý tổng quan, đại diện Bộ GD&ĐT cho rằng, ngoài hai nguyên nhân trên, việc điểm chuẩn tăng ở nhiều ngành còn có nguyên nhân quan trọng là các trường đại học dành nhiều chỉ tiêu hơn cho các phương thức xét tuyển sớm (có trường dành đến 70% cho phương thức này), giảm chỉ tiêu dành cho phương thức xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp THPT.
Đáng lưu ý, số nguyện vọng xét tuyển vào ngành sư phạm tăng 85% (tương đương khoảng 200.000 nguyện vọng) so với năm trước, đứng thứ 4 số ngành có nhiều thí sinh đăng ký nhất, đứng đầu ngành có số nguyện vọng đăng ký tăng cao, trong khi chỉ tiêu xét tuyển ngành này lại giảm mạnh.
Tại ĐH Sư phạm Hà Nội năm 2024, số chỉ tiêu xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT giảm mạnh, đơn cử như chỉ tiêu của ngành sư phạm ngữ văn giảm 50 so với năm ngoái; sư phạm lịch sử giảm 13 chỉ tiêu; sư phạm địa lý giảm 32 chỉ tiêu; trong khi đó, số nguyện vọng đăng ký vào Trường ĐH Sư phạm Hà Nội tăng khoảng 40.000.
Như vậy, điểm chuẩn năm 2024 tăng không phải là điều gây bất ngờ. Nhìn vào đó, các chuyên gia sẽ tiếp tục phân tích để có định hướng và điều chỉnh phù hợp hơn trong công tác tuyển sinh của năm tới. Một trong số đó có việc xem xét, cân nhắc phương thức xét tuyển sớm; đồng thời đề nghị các trường tăng chỉ tiêu cho phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT để giúp giảm tốn kém cho xã hội và đảm bảo tính công bằng.
Theo quy định của Bộ GD&ĐT, tất cả thí sinh trúng tuyển đợt 1 đều xác nhận nhập học trực tuyến trên hệ thống, chậm nhất là 17 giờ ngày 27/8/2024.
Thí sinh không xác nhận nhập học trong thời gian quy định, nếu không có lý do chính đáng, coi như từ chối nhập học và cơ sở đào tạo có quyền không tiếp nhận.
Trong đợt xét tuyển chính thức, thí sinh trượt tất cả các nguyện vọng hoặc đã trúng tuyển nhưng không xác nhận nhập học thì được quyền đăng ký xét tuyển bổ sung. Với trường hợp này, thí sinh cần theo dõi thông tin xét tuyển bổ sung được đăng trên website của các nhà trường từ ngày 28/8/2024.