Không có nhiều khác biệt
Chia sẻ ý kiến về điểm chuẩn theo kết quả thi tốt nghiệp THPT năm nay, TS Nguyễn Tiến Dũng, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Hà Nội cho rằng, điểm chuẩn đại học chính quy năm 2023 không quá khác biệt so với năm ngoái.
"Khác biệt điểm chuẩn có thể xảy ra ở trường hợp, thí sinh thấy ngành A năm ngoái điểm cao, lo ngại và đăng kí vào ngành B. Điều này có thể dẫn đến sự thay đổi điểm chuẩn giữa 2 ngành A, B. Còn mặt bằng chung điểm chuẩn, dự đoán không có nhiều biến đổi", TS Nguyễn Tiến Dũng nói.
“Điểm chuẩn các chương trình đào tạo của ĐH Bách khoa Hà Nội năm 2023 có thể giảm” là dự đoán của TS Lê Đình Nam - Phó Trưởng phòng Tuyển sinh (ĐH Bách khoa Hà Nội) với kỳ tuyển sinh ĐH năm nay từ điểm thi tốt nghiệp.
Theo ông Nam, với một số ngành được nhiều thí sinh quan tâm có mức độ cạnh tranh cao như nhóm ngành Công nghệ thông tin thì điểm chuẩn năm nay có khả năng tăng nhẹ; nhất là khi có một số mã xét tuyển Công nghệ thông tin năm ngoái không lấy kết quả điểm thi THPT. Với nhóm ngành tự động hóa, cơ điện tử và toán tin, điểm chuẩn có thể giữ nguyên hoặc không thay đổi đáng kể. Đa phần các chương trình còn lại dự báo điểm chuẩn có thể giảm.
Lý giải về điều này, TS Lê Đình Nam cho hay, số lượng thí sinh lựa chọn khối khoa học tự nhiên chiếm khoảng 31,52%. Tỷ lệ này là thấp, dẫn đến nguồn tuyển sinh cho các trường tập trung tuyển nhiều theo các khối A00, A01, B00, D07 như Bách khoa Hà Nội giảm so với các năm trước. Bên cạnh đó, việc đa dạng phương thức xét tuyển hiện nay tạo điều kiện cho rất nhiều thí sinh có năng lực tốt đã trúng tuyển theo các phương thức xét tuyển sớm và vào đúng các ngành mà các em yêu thích.
Khác với năm 2022, năm nay, tất cả các ngành đào tạo của Bách khoa Hà Nội đều sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển. Chỉ tiêu xét tuyển vào ĐH Bách khoa Hà Nội theo điểm thi (bao gồm điểm thi THPT và Đánh giá tư duy) tăng so với năm ngoái, chiếm 85-90%. Đây cũng là một trong các cơ sở dẫn đến điểm chuẩn vào ĐH Bách khoa Hà Nội có thể giảm nhẹ.
Nhận định về điểm chuẩn, TS Lê Xuân Thành – Trưởng phòng Công tác chính trị sinh viên, Trường ĐH Mỏ - Địa chất (Hà Nội) cho rằng, năm nay điểm chuẩn các ngành thuộc lĩnh vực kỹ thuật có thể giảm từ 0,5 đến 1,5 điểm.
“Với Trường ĐH Mỏ - Địa chất, điểm trúng tuyển khả năng tương đương năm ngoái. Riêng ngành Kinh tế, Công nghệ thông tin điểm chuẩn có thể tăng nhẹ vì chỉ tiêu năm nay giảm so với năm trước”- TS Thành viện dẫn.
"Phổ điểm thi tốt nghiệp THPT năm nay cơ bản ổn định, không có biến động lớn, do đó điểm chuẩn được dự báo không tăng. Với riêng tổ hợp xét tuyển A00, điểm chuẩn có thể giảm từ 0,5 – 1 điểm". Đây là dự đoán của TS Nguyễn Văn Tuân – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Thủ đô về điểm chuẩn xét tuyển điểm thi tốt nghiệp THPT vào các ngành đào tạo của nhà trường.
Một số chuyên gia đào tạo khác cũng đồng quan điểm khi cho rằng, điểm chuẩn năm 2023 không gây sốt mà chỉ có chút biến động, thậm chí có xu hướng giảm từ 0,5 – 1 điểm ở khối ngành khoa học tự nhiên.
Dự báo chỉ có tính chất tham khảo
TS Lê Đình Nam - Phó Trưởng phòng Tuyển sinh (ĐH Bách khoa Hà Nội) khẳng định, các dự báo điểm chuẩn chỉ mang tính chất tham khảo. Trước khi quyết định đăng ký nguyện vọng, thí sinh nên trực tiếp tìm hiểu kỹ thông tin về trường, các ngành đào tạo và điểm chuẩn của ngành mình quan tâm trong vài năm trở lại đây.
“Thí sinh đạt điểm dưới mức dự báo vẫn nên mạnh dạn đăng ký ngành học yêu thích vì thứ tự nguyện vọng không ảnh hưởng đến kết quả trúng tuyển vào các nguyện vọng bên dưới” – TS Lê Đình Nam đưa ra lời khuyên cho thí sinh.
Phó Trưởng phòng Tuyển sinh ĐH Bách khoa Hà Nội cho rằng, các thí sinh có điểm thi không cao nên đặt nhiều nguyện vọng bởi “nếu không đăng ký nguyện vọng, khả năng trúng tuyển sẽ bằng 0. Nếu đăng ký, cơ hội dù ít những vẫn còn.
Những ngành hot theo xu hướng chung như Công nghệ thông tin, Kế toán... về nhu cầu về nhân lực rất lớn. Vì vậy, thí sinh cân nhắc đăng ký. Nguyện vọng cao nhất, điểm cao nhất thì đăng ký trước tiên, sau đó giảm dần.
Ths Nguyễn Quang Trung, Phó trưởng Phòng Quản lý đào tạo, Trường ĐH Thương mại lưu ý thí sinh nên tìm hiểu về ngành nghề trước khi chọn để xem năng lực của mình theo ngành nghề đó đến đâu.
Còn PGS.TS Trần Thành Nam - Chủ nhiệm Khoa các Khoa học Giáo dục (ĐH Giáo dục, ĐHQGHN) chia sẻ: Một trong những căn cứ để thí sinh có thể tham khảo khi chọn ngành học là số liệu thống kê của Bộ GD&ĐT về các nhóm ngành được nhiều thí sinh lựa chọn đăng ký những năm gần đây vì đó đều là những nhóm ngành quan trọng với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và bắt kịp xu hướng phát triển nói chung.
Ngược lại, với những nhóm ngành đang thiếu sức hút đối với thí sinh (như: Nông lâm nghiệp và thủy sản, Khoa học sự sống, Khoa học tự nhiên và Dịch vụ xã hội), thí sinh cũng không nên e ngại và nếu cảm thấy phù hợp với bản thân thì cứ mạnh dạn đăng ký.
"Khi chọn ngành nghề để đăng ký xét tuyển, thí sinh và gia đình nên tuân thủ một số nguyên tắc về sở thích, hứng thú, năng lực của bản thân. Chọn ngành nghề đừng chỉ dựa vào tên gọi mà phải xem bản đặc tả về ngành nghề đó phù hợp với mình hay không và những ngành nghề đó trong 5-10 năm tới sẽ có xu hướng thế nào chứ không phải chỉ dựa vào những gì mình biết ở thời điểm hiện tại…”- PGS.TS Trần Thành Nam nhấn mạnh.