Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Điểm chuẩn nhiều ngành gần kịch trần: Phụ huynh và thí sinh lo lắng

Nam Du
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Sau khi các trường ĐH công bố điểm chuẩn năm 2022, một số ngành có điểm chuẩn gần tuyệt đối khiến nhiều người giật mình hỏi nhau: “Đây là điểm chuẩn đã nhân hệ số phải không?”.

Điểm chuẩn sát ngưỡng tuyệt đối

Khi nhận được câu trả lời là “Điểm chuẩn sát ngưỡng 30 mới là điểm 3 môn thi” thì từ ngơ ngác, cảm xúc của đa số người tiếp nhận thông tin đều trở nên hốt hoảng. Gần điểm tuyệt đối mới đỗ đại học, câu chuyện có vẻ xa vời nhưng tiếp tục là sự thật xảy ra tại mùa tuyển sinh năm học 2022.

Các tân sinh viên ĐH Quốc gia Hà Nội
Các tân sinh viên ĐH Quốc gia Hà Nội

Trường nằm đầu bảng của sự ngạc nhiên là ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội với 3 ngành có điểm chuẩn 29,95 điểm(thang điểm 30), đó là: Hàn Quốc học, Đông Phương học và Quan hệ công chúng. Lấy thấp hơn 0,05 nhưng lại thu hút sự chú ý hơn, ngạc nhiên hơn là ngành Báo chí của trường này với điểm chuẩn 29,90. 

Trường ĐH Hồng Đức (Thanh Hóa) tiếp tục gây ấn tượng mạnh khi ngành Sư phạm Ngữ văn chất lượng cao, Sư phạm Lịch sử chất lượng cao cùng lấy 39,92 điểm (thang điểm 40) và ngành Sư phạm Lịch sử lấy 29,75 điểm (thang điểm 30).

Ngoài ra các trường như: ĐH Luật Hà Nội, ngành Luật Kinh tế lấy điểm chuẩn là 29,5 điểm; Học viện Ngoại giao, chuyên ngành Trung Quốc học có điểm chuẩn 29,25 điểm. Các khoa/ngành có điểm gần chạm “trần” kể trên đều thuộc tổ hợp C00 (Văn, Sử, Địa). Sử, Địa có điểm tuyệt đối vốn đã khó nhưng có thể lý giải là do đề thi theo hình thức trắc nghiệm nhưng khi hai môn Sử, Địa đã 10, lại thêm môn Văn tự luận cũng được 10 hoặc gần 10 mới đỗ; điều này gây nhiều hoài nghi cho dư luận. Về phía các cơ sở đào tạo đã giải thích về hiện tượng điểm chuẩn cao chót vót này bằng hai nguyên nhân chính là do chỉ tiêu ít và phổ điểm môn Lịch sử, môn Ngữ văn năm 2022 cao hơn hẳn so với năm 2021.

TSKH Nguyễn Đình Đức, Trưởng ban Đào tạo, ĐH Quốc gia Hà Nội cho hay, nhìn vào điểm chuẩn cao, ông không thấy mừng mà ngược lại “thấy nóng hết cả mặt” và liên tưởng đến thời điểm thực hiện “3 chung” trong tuyển sinh ĐH trước đây khi “chênh nhau nửa điểm đã là tự hào, là một trời một vực”.

GS Nguyễn Đình Đức nhận định đề thi tốt nghiệp THPT đang chạy theo dư luận. Điển hình là môn Lịch sử đã đẩy điểm chuẩn tổ hợp C00 lên cao ngất, hay môn tiếng Anh đã kéo điểm chuẩn các tổ hợp có môn này xuống thấp. Theo ông, ra đề thi kiểu “thất thường và thiếu bản lĩnh như thế, thật khó lường cho thí sinh”.

 “Thấy điểm chuẩn cao không ít người đã mừng vì nghĩ rằng con cái chúng ta giỏi giang hơn trước. Nhiều phụ huynh, thầy cô và nhà quản lý đều hào hứng về người nhà mình đỗ vào những ngành có điểm chuẩn  chót vót, rằng mình vui sướng và tự hào vì con mình giỏi, ngành của mình, trường mình toàn người giỏi muốn học, loại mãi mà điểm chuẩn vẫn gần tuyệt đối”- PGS Phạm Quang Long, Nguyên Phó Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội nêu quan điểm. Theo ông, thực chất điểm chuẩn cao không hẳn phản ánh đúng sức học của học trò và những người đạt điểm cao không hẳn đều giỏi cả.

Vẫn cần xem xét khâu đề thi

Nhìn bức tranh điểm chuẩn năm nay, nhiều phụ huynh và học sinh đang học lớp 11, 12 tỏ ra vô cùng lo lắng vì theo họ, với điểm chuẩn cao như vậy thì biết đăng ký ngành gì. “Con tôi có định hướng thi ĐH Y. Năm nay điểm chuẩn ngành có tổ hợp B00 đều giảm, trong đó ĐH Y Hà Nội giảm mạnh. Tâm lý của thí sinh và phụ huynh thường lấy điểm năm trước làm căn cứ, lượng sức để đăng ký nguyện vọng năm sau; nhưng nếu dựa theo điểm chuẩn như năm nay thì không đủ sức thuyết phục. Tôi rất hoang mang”- chị Nguyễn Thị Thủy, quận Hai Bà Trưng cho biết.

Các tân sinh viên làm thủ tục nhập học
Các tân sinh viên làm thủ tục nhập học

“Em muốn theo tổ hợp C00 nhưng thấy điểm chuẩn các ngành của nhóm C00 năm nay đều cao vút. Xem đi xem lại điểm chuẩn của các trường tổ hợp C00, em vừa run vừa mất tự tin. Khả năng em không dám theo đuổi tổ hợp này mà sẽ nghiên cứu để chuyển tổ hợp khác”- Nguyễn Hà Linh, học sinh THPT Lê Quý Đôn, quận Hà Đông chia sẻ.

Theo Bộ GD&ĐT, đề thi các bài thi/môn thi tốt nghiệp THPT năm 2022 nằm trong chương trình THPT, có sự phân hóa phù hợp bảo đảm kết quả thi chính xác, khách quan dùng để xét công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH. Năm 2023, kỳ thi cơ bản sẽ giữ nguyên như năm nay.

Vẫn biết có gần 20 phương thức xét tuyển ĐH đã và đang được các trường áp dụng trong công tác tuyển sinh, trong đó có nhiều trường tổ chức kỳ thi riêng; tuy nhiên, kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT vẫn là căn cứ quan trọng mà các trường sử dụng trong công tác xét tuyển. Với riêng phương thức này, chất lượng đề thi là yếu tố cốt lõi để phân loại thí sinh. Vì vậy, các trường mong muốn Bộ GD&ĐT tiếp tục nghiên cứu, xây dựng đề thi có tính phân hóa cao hơn, đảm bảo các trường có thể yên tâm sử dụng kết quả này để xét tuyển. Và khi nào vẫn còn điểm chuẩn gần 10 điểm/môn mới đỗ ĐH, khi đó vấn đề chất lượng đề thi tốt nghiệp THPT vẫn còn được đặt ra.