Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Điểm danh 12 làng hoa tuyệt đẹp tại Hà Nội

Hồ Hạ (tổng hợp)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cận Tết Nguyên Đán, các làng hoa quanh Hà Nội đang hối hả vào chính vụ thu hoạch, cùng là thời điểm đón đông đảo người dân và du khách tới xem, chơi và mua hoa. Dưới đây là 12 làng hoa tuyệt đẹp tại Hà Nội:

 1. Làng Đào Nhật Tân

Hoa đào Nhật Tân mang một nét riêng, một thương hiệu của đất Hà Thành; dường như không thể thiếu trong Tết Nguyên Đán. Làng hoa ở phường Nhật Tân cách Thủ đô Hà Nội 7km về phía Tây Bắc là địa điểm vui chơi quanh năm của người Hà Nội.

Xen lẫn với hoa đào - loại hoa chủ đạo – còn có các loại cúc, bướm, violet, hướng dương, bách nhật, móng rồng... Vì vậy, bất kể thời điểm, làng hoa Nhật Tân luôn đông người tham quan và chụp ảnh. Đây cũng là địa điểm chụp ảnh cưới lý tưởng cho các đôi. Những năm gần đây,  xuất hiện dịch vụ cho thuê vườn chụp ảnh. Nhiều gia đình trong làng đã thay thế việc trồng đào thật bằng đào giả, đồng thời quây vườn, tạo dựng không gian cho dịch vụ này.

 2. Làng hoa Tây Tựu

Nằm cách thành phố Hà Nội khoảng 15km, vào cuối tuần, làng hoa Tây Tựu thường rất đông khách tới tham quan. Đặc biệt ở hai bên đường dẫn vào làng hoa là những cánh đồng cúc vàng, cúc tím rực rỡ.

Làng hoa Tây Tựu có thể được nói là lâu năm nhất trong các làng ven đô. Có cách đây khoảng 10 năm, loại hoa được trồng phổ biến trong vùng là hoa đồng tiền, loa kèn, hoa ly... đặc biệt là hoa hồng như: hồng đỏ, trắng, vàng, cùng với các loại hồng thơm, hồng tỉ muội… Hoa chủ yếu bán ngay tại chợ làng hoặc người làng mang tới chợ đầu mối tại Quảng Bá để bán. Hoa Tây Tựu giá khá rẻ, trừ ngày lễ Tết, mỗi chục hoa chỉ vài ba nghìn.

Ngoài hoa, trong làng còn có các loại rau xanh mùa đông.

 3. Làng hoa Mê Linh

Làng hoa nằm cách thành phố 30km, gần sân bay Nội Bài. Làng hoa có từ hơn 10 năm nay và tập trung ở các xã: Tráng Việt, Văn Khê, Mê Linh, Tiền Phong, Thanh Lâm...

Cũng như làng hoa Tây Tựu, làng Mê Linh trồng đủ các loại như: cúc đại đóa, hồng đỏ, hồng trắng, thược dược, lay ơn, thạch thảo, cẩm chướng... Vài năm trở lại đây, nhiều giống hoa hồng mới được trồng thí điểm như: hoa hồng Pháp, hoa hồng Hà Lan, hoa hồng Trung Quốc đã tạo nên sự phong phú về chủng loại hoa nơi đây.

Vào đêm thời tiết sương giá, vườn hoa Mê Linh tuyệt đẹp dưới ánh sáng hàng trăm ngọn đèn điện khắp cánh đồng, tạo nên khung cảnh đặc biệt. Những bóng đèn ủ ấm cho nụ hoa hồng. Hoa sẽ nở đúng dịp Tết Nguyên Đán.

 4. Làng hoa Ngọc Hà

Nhắc đến nơi trồng hoa và cung cấp hoa cho Hà Nội phải nhắc đến làng Ngọc Hà. Làng hoa này hình thành từ rất lâu. Sách xưa có ghi thời cuối nhà Trần, tướng Trần Châu đem quân về Thăng Long, có đóng quân ở chợ Hoàng Hoa. Thời Pháp thuộc, làng hoa Ngọc Hà cũng đã rất nổi tiếng. Ở đây không trồng đào như Nghi Tàm, Quảng Bá, Nhật Tân, mà là những thứ hoa quanh năm, suốt tháng như hoa hồng, cúc, vi-ô-lét, lay-ơn, păng-xê, bướm, loa kèn, cẩm chướng...

 5. Làng hoa Nghi Tàm

Nghề trồng hoa của Nghi Tàm có truyền thống từ lâu đời. Ở đây có nhiều loài hoa, nhưng nổi tiếng nhất là hoa cúc. Cúc là loài hoa đẹp, rất bền, trồng chậu hay cắm lọ, cắm bát đều được; có loại: cánh đơn, cánh kép, hình dáng phong phú  và nhiều màu sắc.

Đặc biệt cúc là loài hoa có nhiều giống nhất trong các loài, như: Cúc Châu sa, Cúc bạch thọ mi, đầm hồng, hoàng kim tháp, hạc linh, vạn thọ kim tiền... Theo người dân, đó là cách gọi của người quyền quí xưa, còn dân gian quen gọi theo hình dáng và sắc hoa như cúc vàng to, cúc vàng nhỏ, cúc trắng, cúc gấm,... Nghề trồng hoa Nghi Tàm còn nổi tiếng với cây hoa Trà - loại hoa hiếm và khó trồng.

Đặc biệt, Nghi Tàm hiện tại còn phát triển nghề trồng cây thế, bon sai, nuôi cá cảnh.

 6. Làng hoa Phú Thượng

Nằm cách thủ đô Hà Nội khoảng 4km về phía Tây, phường Phú Thượng (quận Tây Hồ) nổi tiếng với nghề trồng đào truyền thống. Cũng như làng đào Nhật Tân, diện tích trồng đào ở Phú Thượng dần bị thu hẹp do cơn lốc đô thị hóa. Nhưng nó vẫn là một phần không thể thiếu, đặc biệt với những gia đình nhiều đời gắn bó.

Đến thăm Phú Thượng vào những ngày xuân, ta càng hiểu hơn công việc của những người trồng đào nơi đây... Nhiều năm gần đây đào Phú Thượng đã trở thành một địa điểm hấp dẫn, thu hút đông đảo khách đến thăm, chọn mua đào mỗi dịp Tết đến. Khách mua đào không chỉ là người Hà Nội, các vùng lân cận mà còn cả từ Miền Nam đặt hàng với số lượng lớn.

 7. Làng hoa Phụng Công

Làng hoa Phụng Công thuộc huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên, đất Phụng Công khá nổi tiếng về nghề trồng cây cảnh và hoa. Bên cạnh trồng các loại hoa như: lan, ly, hải đường, trạng nguyên... người dân ở đây còn trồng rất nhiều giống cây thế như si, sanh, lộc vừng...

Đặc biệt, Phụng Công nổi tiếng trồng hoa trà, hay chính là hoa hải đường, hoa trà mi - giống cây được nhiều người ưa chuộng và bán chạy vào dịp lễ Tết.

Để tới Phụng Công, bạn đi hướng đến làng gốm Bát Tràng nhưng không rẽ vào mà đi tiếp qua cầu Bắc Hưng Hải khoảng 2 km sẽ thấy nhiều biển báo. Làng nằm ở phía bên trái triền đê sông Hồng.

 8. Làng hoa Xuân Quan

Làng hoa Xuân Quan thuộc xã Xuân Quan - Văn Giang - Hưng Yên, tổng diện tích đất canh tác gần 200 ha, toàn bộ phía ngoài đê. Ở Xuân Quan các loại hoa, cây cảnh được trồng chủ yếu: các loài hoa truyền thống (hoa hồng, hoa cúc...), hoa chất lượng cao (hoa ly, địa lan...), hoa treo giỏ (dạ yến thảo, cát tường...), cây trải thảm, và nhiều loại cây công trình (đào tiên, lộc vừng...).

Vì cách thành phố Hà Nội gần 20 km và khá gần làng gốm Bát Tràng nên bạn có thể đi xe máy đường đê Long Biên bắt xe bus 47 rồi đi xe ôm thêm một đoạn là tới.

 9. Làng hoa Tứ Liên

Từ trung tâm Hà Nội ngược đê sông Hồng, qua cửa ô Yên Phụ khoảng 2 km là gặp làng hoa Tứ Liên với ruộng hoa bạt ngàn phía bãi ven sông Hồng. Dù chịu áp lực từ cơn sốt đất của đô thị hóa nhưng làng hoa vẫn giữ được đất canh tác và nghề trồng hoa.

Ở đây nổi tiếng với hoa cảnh. Bên cạnh diện tích trồng hoa ngoài ruộng, đồng thì mảnh vườn, góc sân, thậm chí ban công sân thượng cũng được bà con tận dụng để trồng và chiết ghép, uốn tỉa cây cảnh. Nơi đây là nơi nhiều người chơi cây cảnh biết tới vì làng hoa Tứ Liên kề sát với làng cây cảnh Nghi Tàm. 

 10. Làng hoa Liên Mạc

Từ một làng thuần nông, Liên Mạc nay đã coi nghề trồng hoa như một nghề chính. Làng cũng dần dần trở thành một địa điểm cung cấp hoa lớn bên cạnh Tây Tựu. Ngoài thế mạnh trồng hoa, làng còn trồng bưởi Diễn – loại quả rất được ưa chuộng dịp lễ Tết.

Làng chỉ cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 12 km, bạn có thể đi xe máy theo đường Âu Cơ tới chân cầu Thăng Long đi qua đình Vẽ, đình Chèm và qua cầu khoảng 2 km theo triền đê sẽ thấy cổng làng.

Làng hoa Liên Mạc

Trên đây là một vài làng hoa quanh Hà Nội mình muốn giới thiệu tới các bạn. Mong là có thể gợi ra ý tưởng kinh doanh hay là tham quan nào đó cho các bạn vào dịp gần Tết Nguyên Đán này.

 11. Làng hoa Kim Chung

Nằm ở phía bắc sông Hồng, làng hoa Kim Chung chủ yếu trồng các loại hoa mẫu đơn và quất, đào, cây cảnh vào dịp Tết. Từ trung tâm thành phố Hà Nội qua cầu Chương Dương, cầu Đuống, theo quốc lộ số 3 đến xã Kim Chung (huyện Đông Anh).

Chỉ mới phát triển trong vài năm trở lại, làng hoa Kim Chung đã đưa nhiều loài hoa đẹp vào thị trường, trở thành một trong những làng hoa phát triển mạnh mẽ. Nơi đây cũng là điểm hẹn cuối tuần mới cho các bạn trẻ vui chơi, chụp ảnh. 

 12. Làng hoa Quảng Bá

Men theo Hồ Tây và sông Hồng chừng hơn 1 km chúng ta lại bắt gặp một làng hoa khá nổi tiếng, đó là Quảng Bá. Những ruộng, vườn quất cảnh trĩu cành quả và cây nào cũng được uốn tỉa, tạo dáng rất công phu. Cái nổi tiếng của quất cảnh ở đây không phải là cây sai quả mà dáng đẹp, quả to khi chín thì vàng rộ và lá xanh to bản, lộc tốt tươi.

Chẳng thế mà những nhà vườn ở Quảng Bá đâu có phải mang cây vào phố bán rong, mà những người sành quất cảnh đều lên tận vườn để chọn, dẫu rằng có đắt hơn nhiều so với giá mua dưới chợ hoa Hàng Lược. Ngoài quất cảnh chủ lực ra, nhiều loại hoa lá chất lượng cao với giống nhập ngoại như cúc Hà Lan, Nhật: Ly Thái Lan, hoa hồng Pháp... cũng được trồng nhiều trên diện tích đất bồi ven sông Hồng.