Điểm khởi đầu của dự án Huyền thoại Việt Nam

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Như một gạch nối giữa năm 2014 và năm mới 2015, triển lãm "Danh tướng Việt Nam qua tác phẩm nghệ thuật" (diễn ra từ 29/12/2014 - 5/1/2015) hứa hẹn công chúng sự lôi cuốn đầy ý nghĩa tại Nhà triển lãm TP (45 Tràng Tiền, Hà Nội).

Đây là điểm khởi đầu của dự án Huyền thoại Việt Nam mà những người làm khoa học lịch sử trong nước ấp ủ bấy lâu.

Ghi dấu những trái tim

Cuộc triển lãm khơi nguồn chỉ với duy nhất một mục đích: Tôn vinh (lần lượt) các danh tướng kiệt xuất tiêu biểu của Việt Nam như Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh và nhiều vị tướng khác thông qua nghệ thuật điêu khắc, tranh sơn mài, sơn dầu, màu nước, mỹ thuật ứng dụng. Đây cũng chính là tâm ý mà các nhà làm khoa học, nghiên cứu lịch sử gửi gắm vào dự án Huyền thoại Việt Nam.
Một bức ảnh về Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tại triển lãm.
Một bức ảnh về Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tại triển lãm.
Vì lẽ đó mà cuộc triển lãm này hội tụ rất nhiều ảnh tư liệu về các tướng lĩnh trong quá trình xây dựng lực lượng Quân đội Nhân dân Việt Nam, trong đó có rất nhiều ảnh lần đầu tiên được công bố. Lại thêm cả những tác phẩm mỹ thuật độc đáo mà Hội đồng giám tuyển đã kỳ công lựa chọn để kết tạo những điểm nhấn đặc biệt của triển lãm. Và, điểm nhấn đặc biệt của triển lãm  nằm ở bức chân dung được bà nội trợ Ngô Thị Thục kỳ công tạo hình từ hơn 100.000 que diêm - bức chân dung được Ban tổ chức "giữ bí mật" cho đến phút chót. Chỉ biết rằng, nếu bức chân dung "Đại tướng Võ Nguyên Giáp với nụ cười chiến thắng" đầy ấn tượng và đầy cảm xúc trước đây "lấy của bà" hơn 60.000 que diêm đã qua tuyển lựa, cắt gọt và mất hơn 3 tháng để ghép dán, thì thời gian dành cho bức chân dung này phải nhân lên gấp 3 so với trước. Hành trình đi và đến các bức tranh chân dung của bà Ngô Thị Thục không giống sự sáng tạo của người làm mỹ thuật, song các tác phẩm ra đời đều nhất loạt một điểm chung: Mang theo trái tim chân thành dành cho các danh tướng Việt Nam. 

“Cái cớ” sâu xa          

Không phải ngẫu nhiên mà người làm Huyền thoại Việt Nam (Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam, Hội Khoa học lịch sử Việt Nam và Hội quán Di sản) chọn Danh tướng Việt Nam để làm điểm khởi đầu dự án. Ấy là một "cái cớ" sâu xa, mà như đại diện Ban tổ chức chia sẻ: Lịch sử của một quốc gia được hình thành nên từ những cuộc chiến. Việt Nam cũng không nằm ngoài quy luật đó, nhưng điểm nổi bật trong chiến tranh Việt Nam là những cuộc chiến tranh vệ quốc. Lịch sử quân sự thế giới có được mấy hoạn quan như Việt quốc công Lý Thường Kiệt, đánh Tống, bình Chiêm bảo vệ vẹn toàn bờ cõi trong suốt mấy trăm năm trị vì của triều đại nhà Lý; một Thống chế như Đức Thánh Trần ba lần cùng quân dân Đại Việt đánh tan cuộc xâm lăng quân Nguyên Mông - đạo quân hùng mạnh nhất thế giới thời bấy giờ; một Hoàng Đế Quang Trung 20 năm liên tục bất bại trên khắp mặt trận; một Đại tướng - Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp lãnh đạo đội quân "chân đất" trải qua 70 năm xây dựng và trưởng thành, đánh tan nhiều đế quốc sừng sỏ… Danh tướng Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh còn có các Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Hoàng Văn Thái, Chu Huy Mân, Văn Tiến Dũng, Lê Trọng Tấn… Họ phần nhiều xuất thân từ tri thức hoặc các ngành nghề khác nhau, "buộc" phải trở thành Tướng trước sự chà đạp, xâm lăng của kẻ thù. Vinh quang khởi nguồn từ sự bình dị và vẫn mãi bình dị khi đã ở đỉnh vinh quang (như Đại tướng Võ Nguyên Giáp trả lời phỏng vấn báo nước ngoài "Nếu không có chiến tranh - tôi là một thầy giáo") chính là huyền thoại và thật đáng giá để bắt đầu câu chuyện dài Huyền thoại Việt Nam.

Hơn thế, trước sự xâm nhập khá mạnh mẽ của các luồng văn hóa ngoại lai vào Việt Nam hiện nay, các nhà làm khoa học, nghiên cứu lịch sử muốn hướng người Việt, nhất là giới trẻ, vào cách nhận thức đúng đắn về lịch sử văn hóa nước nhà. Và việc tôn vinh các anh hùng dân tộc đã góp phần quan trọng trong việc giữ gìn trọn vẹn lãnh thổ này tựa như một bài giảng sinh động, không giáo điều, dẫn các trái tim người Việt hướng về cội nguồn. Ban tổ chức cho biết, tới đây dự án sẽ lựa chọn thời điểm thích hợp để tôn vinh các nhà văn hóa lớn của Việt Nam trên nhiều lĩnh vực. Đây chính là cách đánh thức lòng yêu nước sẵn có trong mỗi người Việt Nam.