Kinhtedothi - Vitamin có vai trò quan trọng trong chuyển hóa, đồng hóa các chất dinh dưỡng, điều hòa chức năng các bộ phận cơ thể. Ăn uống thiếu vitamin sẽ gây nên những bệnh đặc trưng do thiếu vitamin đó.
Cách nhận biết cơ thể đủ hay thiếu vitamin
Vitamin A: Thị lực tốt không bị quáng gà, không bị mỏi mắt căng mắt. Gan đủ lượng dự trữ vitamin A, hô hấp hoạt động tốt, da tóc mịn đen, móng tay không khô dòn. Những người làm việc bằng mắt như đọc, viết, khâu vá, đánh vi tính, theo dõi màn hình… cần thức ăn có dồi dào vitamin A, nếu không sẽ giảm thị lực. Thiếu vitamin A người bệnh có biểu hiện sợ ánh sáng, dễ mỏi mắt, dễ mắc bệnh viêm kết mạc, hay rụng tóc, dễ bị cảm cúm do sức đề kháng kém. Nguồn vitamin A tốt nhất là cà rốt tươi, gấc chín, cà chua, các loại rau xanh, khoai lang, quả mơ, dầu gan cá, gan lợn, gà…
Vitamin B: Mỗi tế bào cơ thể đều cần đến vitamin B. Nếu thiếu thì trẻ em bị còi, chậm phát triển. Thiếu vitamin nhóm B ở người lớn thì dễ cáu, hay phiền muộn, hay mệt mỏi, lú lẫn, lo phiền, bất an, buồn bã, thở kém hay đau và lở ở khoang miệng. Nhóm vitamin B tác dụng rõ với tuổi thọ. Nguồn các vitamin B là gạo lức, cám gạo, men rượu bia, các loại rau có màu xanh.
Vitamin B1: Cơ thể đủ vitamin B1 làm năng lượng đủ nhờ thức ăn chuyển hóa tốt, làm huyết áp ổn định, hệ thần kinh hoạt động bình thường, giúp cơ thể duy trì sự cân bằng về trao đổi chất. Thiếu B1 thì não và các tế bào thần kinh sẽ bị nhiễm các axít độc hại, người suy nhược hay quên, hay cáu bẳn. Thiếu nhiều thì kiệt sức, mệt mỏi, mất ngủ, tim đập nhanh, táo bón, bộ máy tiêu hóa hoạt động kém, thiếu máu, huyết áp thấp, viêm dây thần kinh. Vitamin B1 có trong lạc, đỗ, đậu nành, hoa quả tươi, đặc biệt là cám gạo. Những ai suy nhược thần kinh, hay mất ngủ do thiếu vitamin B nên dung cám gạo như sau: Đồ chín cám gạo nếp, ngày ăn 2 lần trước bữa ăn 30 phút, có thể cho ít đường để dễ ăn.
Vitamin B2: Giúp cơ thể sản xuất và sử dụng chất đạm cần thiết. Thiếu vitamin B2 sẽ bị đau và viêm lở trong miệng, da khô, bong vảy, mắt chảy nước, môi khô. Vitamin B2 có trong men rượu bia, vừng, đậu nành, đậu xanh, đậu đỏ, trứng gà, vịt, rau xanh các loại, đặc biệt là rau cải.
Vitamin B3: Có vai trò quan trọng trong việc giải phóng năng lượng của thức ăn ta ăn vào. Thiếu nó, cơ thể chúng ta không nhận đủ năng lượng để các cơ quan tạng phủ. Ăn thiếu vitamin B3 thì tinh thần ủy mị, thường buồn phiền, lo âu, sợ hãi, giận dữ, lú lẫn hay quên, dễ cáu bẳn, đau đầu vô cớ, mất ngủ, miệng hôi. Vitamin B3 có trong men rượu bia, nấm, ngô, lạc, đậu, các loại rau xanh, sữa, thịt, long đỏ trứng.
Vitamin B6: Khi thiếu vitamin B6 thường có biểu hiện là buồn nôn, mất ngủ, trầm cảm, lú lẫn hay bị kích động. Đôi khi viêm dây thần kinh ngoại biên, loạn dưỡng thần kinh, cơ, viêm da tiết bã nhầy, bong da quanh mắt, miệng, mặt, đầu cổ… trẻ em chậm phát triển kèm theo thiếu máu, thiếu chất sắt, người già run tay chân. Vitamin B6 có nhiều trong men bia rượu, cám gạo, khoai lang, lòng đỏ trứng, thịt bò, gan, thận.
Vitamin B12: cần cho sự phát triển và tạo máu huyết, giữ cho các mô dây thần kinh hoạt động tốt, bền lâu. Thiếu vitamin B12 thì trí nhớ kém, chán ăn, thở không điều hòa, không tập trung tư tưởng. Vitamin B12 có trong phomat, cá, quả hạnh nhân, cải xoong, dưa bắp cải, sữa tươi, sữa bột, sữa đậu nành, thịt, ốc, hến, nước khoáng.
Vitamin C: Nhiều nhà dưỡng sinh xem vitamin C là một loại thuốc chống lão hóa. Nếu thiếu vitamin C thì thành mạch máu bị suy yếu làm cho máu chảy tràn trong cách mô, nên cơ thể có những vết tím. Răng lợi bị chảy máu, các khớp hay đau nhức. quả thực có những triệu chứng của tuổi già như nhăn da, lỏng chân răng xương dòn dễ gãy là do thiếu vitamin C. Đặc biệt vitamin C có khả năng giải độc máu. Nó kết hợp bất cứ chất độc nào đã hòa vào máu rồi bài tiết ra ngoài, làm cơ thể thanh sạch. Khi bị nhiễm độc, bị nhiễm lạnh, đau lưng, dị ứng, viêm phổi, viêm màng não, thì uống vitamin nhiều gấp 20-40 lần so với lúc bình thường thì bệnh sẽ giảm rõ rệt. Nếu bị bỏng da nặng thì dung vải tẩm nước có hòa tan vitamin C lên người thì không đau, vết bỏng chóng lành. Khi bị nhiễm độc tố hóa học, rắn, rết độc cắn thì uống vitamin C sẽ được giải độc.Những người hay bị rối loạn thần kinh, bị chấn thương tinh thần (stress), bị xúc động tiêu cực nặng, dung vitamin C sẽ được ổn định. Lượng vitamin C tối thiểu cho mỗi người hàng ngày khoảng 50mg. Rau quả tươi có nhiều vitamin C dễ bị mất đi do hơi nóng, ánh sáng và chất kiềm. Vì thế, tốt nhất nên ăn rau quả thật tươi. Vitamin C có nhiều trong chanh, cam, quýt bưởi, bắp cải, ớt xanh.
Vitamin D: Có liên quan đến việc hấp thu canxi, cần cho sự phát triển của xương và chức năng hoạt động của dây thần kinh. Thiếu vitamin D sẽ bị còi xương và các bệnh khác về xương, răng lợi dễ chảy máu, chảy máu cam, miêng, lưỡi khô, khả năng thích nghi môi trường kém, rất dễ bị kích thích và mất ngủ. Vitamin D có trong dầu cá, dầu thực vật, gan, trứng, hoa quả, rau xanh. Vitamin D cũng được cơ thể tổng hợp trong da dưới tác dụng của tia cực tím trong ánh sáng mặt trời. Vì vậy nên tắm nắng buổi sáng lúc mặt trời mới mọc, nhất là trẻ em, nhưng cần có sự chỉ dẫn của bác sĩ để tránh hậu quả không tốt.
Vitamin E: Có tác dụng rất tốt cho cơ thể người già, làm khí huyết lưu thông, tan máu ứ trong mạch máu, ngăn chặn cơn đau tim, ức chế Lipofixin - chất làm lão hóa lắng đọng trong tế bào, chống các chất độc do sự oxy hóa tạo ra ở các tế bào. Sản phụ thiếu vitamin E sẽ sinh con thiếu tháng, sinh con bắp thịt yếu, chậm biết đi. Thiếu vitamin E thì tứ chi mỏi mệt, dễ ra mồ hôi, da khô, tóc chẻ ngọn, tinh thần căng thẳng, phụ nữ khi có kinh hay đau bụng.
Ngoài ra, thiếu vitamin E thì oxy trong tế bào luôn bị mất đi gây hen suyễn và khí thũng. Vitamin E ngăn ngừa hiện tượng hóa già, kéo dài tuổi thọ vì một trong những nguyên nhân của sự lão hóa cơ thể là thiếu oxy của tế bào. Vitamin E có nhiều trong những hạt có dầu, ngũ cốc, các loại đỗ, các loại rau xanh, gan bò, mỡ, lòng đỏ trứng, bột mì, hạnh nhân…
Người già rất cần vitamin
So với tuổi trẻ thì người già cần nhiều vitamin hơn. Người già cần nhiều thức ăn uống có nhiều vitamin. Ở tuổi 50, dạ dày diễn ra quá trình teo nhẹ, giảm tiết dịch vị, làm biến đổi khuẩn giới ở ruột, nên sự tổng hợp sinh vật học một số men và vitamin bị kém hẳn đi, nhất là vitamin nhóm B. Ở người già sự hấp thu và chuyển hóa vitamin bị biến đổi nhiều, giảm sút việc thấm vitamin qua màng ruột, trong máu người già giảm sút lượng vitamin C và B12. Nếu có bệnh lý ở dạ dày, ruột thì sự hấp thu vitamin càng kém, càng thúc đẩy mạnh sự lão hóa. Cơ thể lão hóa hay làm rối loạn tiêu hóa. Như thế có mối liên hệ chặt chẽ giữa lão hóa với rối loạn tiêu hóa và vitamin.
Mỗi ngày người già cần 75mg vitamin C, 3mg vitamin B1, 5.000 đơn vị quốc tế vitamin A. Khi thời tiết thay đổi người già cần dùng đều mỗi ngày 3g vitamin C sẽ tránh được cảm cúm. Khi bị viêm gan, chất làm đông máu sản sinh kém thì vitamin C là thuốc chống chảy máu. Uống vitamin C một ngày từ 0,5-1g sẽ làm hàm lượng cholesterol hạ rõ rệt đối với bệnh cao huyết áp. Nó làm tăng chuyển hóa nói chung và kích thích tế bào gan thải lọc cholesterol từ máu sang mật rồi sang ruột, loại bỏ cholesterol dư thừa. Người già dung vitamin C sẽ ức chế và làm dịu sự phát triển xơ vữa động mạch. Vitamin nhóm B có tác dụng rõ đối với tuổi già. Vitamin B6 chữa bệnh run rẩy ở người già.
Ngày nay thế giới hiên đại đã đưa vào ăn uống nhiều chất mà ông cha ta xưa không hề ăn. Trong đó có cả các chất có khả năng gây ung thư. Ví dụ một số chất bảo quản thuốc, các muối nitrat, nitric, các chất nhuộm màu thực phẩm có hại mà lại dùng bừa, hoặc phẩm màu nhuộm thực phẩm do các ngành sản xuất nghiên cứu chưa chu đáo đã đưa ra sử dụng bừa bãi. Ung thư còn do ăn thực phẩm mốc… Miếng ăn đưa vào cơ thể có 2 phản ứng: Có thể tích cực, làm cơ thể khỏe mạnh phát triển, hoặc là có hại cho cơ thể, kéo cơ thể đi gần đến huyệt chôn mình. Cần có ý thức trách nhiệm về miếng ăn đưa vào mình.
Cam giàu vitamin C.
|