Ô nhiễm rác thải nhựa là một vấn đề đáng báo động toàn cầu, nhất là trong những năm gần đây, với khoảng 8,8 triệu tấn rác thải nhựa được thải ra đại dương mỗi năm. Hiện đại dương đang cókhoảng 5,25 nghìn tỉ miếng rác nhựa, nặng khoảng 269.000 tấn trôi nổi trên biển, và một con số lớn hơn rất nhiều là lượng rác chìm sâu trong đại dương. Một số nghiên cứu cho thấy mỗi km2 đại dương có chứa khoảng 4 tỉ sợi vi nhựa, đang làm ô nhiễm các vùng biển sâu và có nguy cơ cao xâm nhập vào chuỗi thức ăn.Việt Nam là một trong nămquốc gia xả nhiều rác thải nhựa ra biển nhất thế giới với khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa bị xả ra biển mỗi năm.
Rác thải nhựa không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống các loài sinh vật biển mà còn gây nguy hiểm đến sức khỏe con người. Người ta tìm thấy hạt nhựa siêu nhỏ trong 83% mẫu nước uống từ vòi, và trong93% mẫu nước uống đóng chai. Việc tiếp xúc thường xuyên với các hoá chất trong đồ nhựa dùng một lần (như BPA, styrene) sẽ gây ra nguy cơ mắc các bệnh như ung thư, viêm gan, dị ứng,rối loạn hệ thần kinh, rối loạn nội tiết và vô sinh.
Chiến dịch iCHANGE Plastics với khẩu hiệu “Tôi thay đổi vì một Việt Nam không rác nhựa”, là chiến dịch đầu tiên trong chuỗi dự án iCHANGE, nhằm truyền thông nâng cao nhận thức của công chúng về tác hại của rác thải nhựa đến với cuộc sống và môi trường, từ đó xây dựng một cộng đồng người dân Việt Nam cùng hành động để hạn chế sử dụng và loại bỏ dần những sản phẩm nhựa dùng một lần như bao ni lông, ống hút, hộp xốp, muỗng nĩa nhựa, nước đóng chai…
Chiến dịch cũng sẽ liên kết với các doanh nghiệp đối tác nhằm khuyến khích giảm thiểu hoặc thay đổi những sản phẩm nhựa dùng một lần trong hoạt động sản xuất và kinh doanh của doanh nghiệp, đồng thời phân phối những sản phẩm, giải pháp thay thế cho các sản phẩm nhựa dùng một lần rộng rãi trong công chúng.
“Là một người yêu môi trường, Diễm My đang cố gắng thay đổi các thói quen tiêu dùng hàng ngày, cụ thể là hạn chế việc sử dụng đồ nhựa dùng một lần và thay bằng những vật dụngthân thiện hơn với môi trường, như ống hút tre, túi vải đi chợ thời trang, ly sứ có nắp để mua cà phê mang đi” – Đại sứ thiện chí chiến dịch iCHANGE Plastics, Diễm My 9X chia sẻ. “Diễm My mong muốn là tất cả các bạn hãy tham gia cùng Diễm My, cùng gia nhập cộng đồng những người yêu môi trường và cam kết hành động để hạn chế rác thải nhựa. Cùng nhau mình sẽ tạo nên một phong trào sống xanh thật sự mạnh mẽ, bởi vì đó mới là lối sống văn minh và sành điệu nhất”.
Trong thời gian sắp tới, chiến dịch iCHANGE Plastics sẽ thực hiện hàng loạt các chiến dịch truyền thông rộng khắp trên mạng xã hội; xây dựng một cộng đồng iCHANGE gồm những người yêu môi trường và cam kết hành động và lan toả để hạn chế rác thải nhựa; phát động “Thử thách 21 ngày không rác thải nhựa”; vận động các trường học, cơ quan, khách sạn v.v.trở thành các “thiên đường không rác nhựa”; liên kết với các doanh nghiệp đối tác nhằm khuyến khích thay đổi những sản phẩm nhựa dùng một lần trong hoạt động sản xuất và kinh doanh của doanh nghiệp...
Bà Hoàng Thị Minh Hồng, giám đốc CHANGE chia sẻ: “Đối diện với cuộc khủng hoảng ô nhiễm nhựa toàn cầu, đã có rất nhiều quốc gia và thành phố trên thế giới ban hành lệnh cấm các đồ nhựa dùng một lần. Để Việt Nam, từ một trong những quốc gia thải nhiều rác nhựa ra đại dương nhất, có thể đi theo xu thế xanh này, chắc chắn sẽ là một quá trình khó khăn và lâu dài. Và điều đó chỉ có thể thành hiện thực, khi có sự đồng thuận của cả người dân, doanh nghiệp và chính quyền. Yếu tố quan trọng nhất ở đây vẫn là con người, và tôi hy vọng tất cả các bạn hãy tham gia cộng đồng iCHANGE, cùng cam kết “Tôi thay đổi’, cho một Việt Nam xanh sạch đẹp hơn trong tương lai”.