Điểm nghẽn cổ phần hóa: Bộ, ngành, địa phương chưa thực sự quyết liệt?

Hà Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong quý I/2018, hàng loạt doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) có giá trị vốn hóa lớn như Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn, Tổng Công ty Điện lực dầu khí Việt Nam, Tổng Công ty Dầu Việt Nam… sẽ lần lượt cổ phần hóa (CPH).

Việc các ông lớn Nhà nước này chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) không chỉ đóng góp cho thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam thêm nhiều hàng tốt hấp dẫn nhà đầu tư, mà còn cho thấy tín hiệu vui trong công tác CPH, thoái vốn DNNN. Tại phiên IPO mới đây của Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn, trên 4.000 nhà đầu tư trong và ngoài nước đăng ký mua trên 651 triệu cổ phần, gấp hơn 2,5 lần số lượng bán ra. Điều này cho thấy sức hấp dẫn lớn của DN này.
 Với việc tiên phong kinh doanh xăng E5 và cổ phần hóa, PVOIL tự tin sẽ đủ sức cạnh tranh. Ảnh: Khắc Kiên
Theo các chuyên gia kinh tế, năm 2018 được đánh giá là năm bản lề trong tái cơ cấu DNNN. Nguyên nhân là bởi trong năm 2017, các cấp có thẩm quyền đã phê duyệt phương án CPH 45 DN, song đến nay mục tiêu vẫn chưa hoàn thành. Tuy nhiên, theo quy định, sau khi phê duyệt phương án CPH, chậm nhất là 90 ngày phải tiến hành bán cổ phần lần đầu ra công chúng. Như vậy, 45 DN đã được phê duyệt phương án CPH “không còn đường lùi”, chậm nhất trong quý I/2018 phải tiến hành IPO.

Đáng chú ý, dù mới đầu năm 2018 nhưng các chỉ số trên TTCK liên tục vượt đỉnh, nhiều cổ phiếu tăng phi mã, vốn ngoại đổ vào thị trường với số lượng lớn… Đây được coi là điều kiện thuận lợi cho CPH, thoái vốn DNNN. Tuy nhiên, “điểm nghẽn” lớn nhất của quá trình này vẫn là câu chuyện được nói đến nhiều thời gian qua. Đó là việc các bộ, ngành, địa phương chưa thực sự quyết liệt, còn tâm lý bị động, thậm chí níu kéo quá trình CPH. Bởi vậy, quyết tâm được coi là chìa khóa của cánh cửa thành bại trong CPH. Muốn CPH hiệu quả, trước hết, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, DN, người đại diện vốn Nhà nước tại DN quyết tâm và thực sự vào cuộc.

Nhìn lại việc thoái thành công 53,59% vốn Nhà nước tại Sabeco sẽ thấy rõ, quyết tâm là yếu tố quyết định thành công của tiến trình tái cơ cấu DNNN. Trước đây, việc thoái vốn tại Sabeco cũng như nhiều DN quy mô lớn khác đã được đặt ra, nhưng không thực hiện được với nhiều lý do. Riêng Sabeco, các cơ quan hữu quan bàn tới, bàn lui liên tục 6 - 7 tháng mà không quyết được phương án thoái vốn. Nhưng sau khi Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đặt quyết tâm và hứa với Thủ tướng là không chỉ thoái vốn bằng được, mà thoái vốn đạt hiệu quả cao nhất thì mọi việc đẩy lên rất nhanh, mọi vướng mắc được tháo gỡ hết. Kết quả là, ngày 18/12/2017 đánh dấu mốc lịch sử trong hoạt động tái cơ cấu DNNN, khi 343.662.587 cổ phần Sabeco được bán hết với mức giá 320.000 đồng/cổ phần, cao hơn 3,2% so với giá giao dịch trên thị trường tại cùng thời điểm.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần