Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Điểm nghẽn khiến công nghiệp khó phát triển

Bài và ảnh: Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 31/5, tại Hà Nội, Bộ Công Thương và Dự án hỗ trợ chính sách thương mại và đầu tư châu Âu (MUTRAP) đã tổ chức hội thảo Kế hoạch cơ cấu lại ngành công nghiệp Việt Nam giai đoạn 2017 - 2020 hướng tới tăng trưởng nhanh và bền vững.

Cần chỉ rõ nguyên nhân

Thực tế trong những năm trở lại đây, tốc độ tăng trưởng của ngành công nghiệp đang có xu hướng chậm lại, từ trung bình 14,3%/năm giai đoạn 2006-2010 giảm xuống 10%/năm giai đoạn 2011-2015 và giảm hầu hết trong các nhóm ngành công nghiệp. Năng suất lao động công nghiệp Việt Nam bị “bỏ xa” so với các nước phát triển và các nước trong khu vực, cụ thể: Năng suất lao động của Nhật Bản cao gấp 39 lần của Việt Nam, Singapore cao gấp 26 lần, Hàn Quốc cao gấp 16 lần và Trung Quốc cao gấp 2 lần. Tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng trong công nghiệp đạt thấp, tỷ trọng giá trị gia tăng ngành công nghiệp trong GDP giảm từ 32% năm 2010 xuống còn khoảng 28% năm 2015.

 Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: Khắc Kiên.
Tại hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng, để giúp các ngành phát triển trong giai đoạn tới, kế hoạch này cần phải chỉ ra những điểm còn yếu, tắc nghẽn trong phát triển các ngành nghề một cách rõ nét và đúng hơn. TS. Nguyễn Tuệ Anh - Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (Bộ KH&ĐT) cho rằng, bản kế hoạch của Bộ Công Thương cần chỉ rõ hơn nữa những điểm nghẽn và nguyên nhân gây ra điễm nghẽn trong phát triển các ngành công nghiệp ở Việt Nam. Từ đó mới có giải pháp hữu hiệu cho phát triển công nghiệp nói chung và các ngành nghề nói riêng. Trong khi đó, ông Lê Tiến Trường - Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt May Việt Nam cho biết, nhiều số liệu, dữ liệu trong bản kế hoạch này về dệt may vẫn chưa chuẩn xác như năng suất lao động; hay giá trị gia tăng, nhập khẩu… nên độ tin cậy còn thấp để có thể đánh giá chính xác. Bên cạnh đó, các dữ liệu trong đề án cũng không nằm trên mặt bằng đồng nhất, có những số liệu ở năm 2012, 2013 và 2015… nên không thể đưa ra so sánh, cũng như bản kế hoạch chưa đưa ra được các quá trình thực hiện cơ cấu ngành. “Để cải thiện cạnh tranh, phải tăng năng suất lao động 5%. Nhưng đó là kế hoạch, mục tiêu còn quá trình thực hiện như thế nào thì phương án trong kế hoạch này không đề cập đến...", ông Trường chỉ ra.
Lắng nghe để hoàn thiện
Trước những điểm nghẽ được nêu ra, theo ông Dương Duy Hưng - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ Công Thương), để thực hiện bản kế hoạch này, Bộ đã họp bàn tròn, rất hẹp từng nhóm vấn đề với các doanh nghiệp, hiệp hội. Đến nay, đã xác định 8 nhóm vấn đề, 55 hoạt động chính sẽ được tổ chức triển khai. Sau buổi hội thảo, Bộ Công Thương sẽ tập hợp các ý kiến, sửa đổi và tiếp tục rà soát thêm, hoàn thiện hơn bản kế hoạch để trình Chính phủ, với mục tiêu từ nay đến 2020, quá trình tái cơ cấu trong công nghiệp sẽ diễn ra mạnh mẽ, hiệu quả hơn. Ông Hưng cũng cho rằng, “phải có bản kế hoạch thật rõ ràng hơn nữa, chỉ rõ điểm nghẽn quan trọng, tái cơ cấu để làm sao trong 3 năm, 5 năm hay 10 năm tới, sẽ tập trung nguồn lực vào đâu, để từ đó giải quyết, tạo chuyển biến thực chất hơn. Đây là một trong những bước mà Bộ Công Thương đang làm và lấy ý kiến tại hội thảo. Tiếp theo là triển khai công tác sau khi ban hành kế hoạch, phải quán triệt nội dung trong kế hoạch đề ra tới các đơn vị liên quan”.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng thừa nhận, Việt Nam vẫn đứng thứ 101 trong tổng số 143 nước về chỉ số giá trị gia tăng trong ngành công nghiệp chế biến chế tạo theo bình quân đầu người. Đồng thời, năng suất lao động công nghiệp Việt Nam vẫn bị bỏ xa so với các nước phát triển và các nước trong khu vực… Đây là những vấn đề đáng lo ngại khi mà Việt Nam mới chỉ ở giai đoạn đầu của quá trình công nghiệp hóa. Vì thế, Bộ Công Thương đã xây dựng Đề án “Kế hoạch cơ cấu lại ngành công nghiệp giai đoạn 2016-2020” với mục tiêu xác định cơ cấu lại thực chất ngành công nghiệp, phát triển công nghiệp chế biến sâu, chế biến tinh nông, lâm, thủy sản, công nghiệp chế tạo…; tập trung vào một số ngành công nghiệp nền tảng, có lợi thế cạnh tranh và chú trọng phát triển công nghiệp sản xuất linh kiện, cụm linh kiện, tham gia sâu vào chuỗi sản xuất, phân phối toàn cầu…
Báo cáo từ Bộ Công Thương cho hay, trong 10 năm qua, công nghiệp Việt Nam đã có những thành tựu nổi bật, giá trị sản xuất công nghiệp tăng cao gần 3,5 lần, từ 0,35 triệu tỷ đồng lên 1,17 triệu tỷ đồng với tỷ trọng đóng góp vào GDP duy trì ổn định khoảng 31-32%. Trong những năm gần đây, riêng nhóm ngành điện tử, dệt may, da giày đã trở thành những ngành hàng xuất khẩu chủ lực của nền kinh tế với tỷ trọng hơn 60% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.