Internet Day 2019: Kinh tế số Việt Nam tăng trưởng hơn 40% một năm
Ngày 11/12, tại Hà Nội đã diễn ra hội thảo và triển lãm Ngày Internet Việt Nam - Internet Day 2019 với chủ đề chính là "Đổi mới sáng tạo để Chuyển đổi số".
|
Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Hồng Hải: Nhiều doanh nghiệp muốn đi tiên phong trong kiến tạo xã hội số |
Phát biểu tại sự kiện, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Hồng Hải khẳng định, đổi mới sáng tạo sẽ diễn ra thuận lợi nhất là trong môi trường internet, môi trường số vì đây là nhân tố trọng yếu mang tính chiến lược quyết định sự thành công trong chuyển đổi số nền kinh tế.
Năm 2019, Việt Nam đã và đang chứng kiến sự ra đời của nhiều doanh nghiệp công nghệ, hoạt động trong nhiều lĩnh vực với nhiều mô hình kinh doanh mới. Điều này khẳng định rõ quyết tâm chuyển mình của nhiều doanh nghiệp trong việc trở thành những nhà cung cấp dịch vụ số và tiên phong kiến tạo xã hội số.
Năm nay cũng là quãng thời gian xuất hiện dấu mốc quan trọng trong việc nghiên cứu, ứng dụng và phát triển nghệ 5G tại Việt Nam. Bộ TT&TT đã cấp phép thử nghiệm công nghệ 5G cho 3 doanh nghiệp viễn thông lớn, mục tiêu là hướng tới việc thương mại hóa công nghệ 5G. Điều này sẽ tạo ra một hạ tầng đặc biệt quan trọng cho sự phát triển của nền kinh tế số, đáp ứng tốt hơn nhu cầu về tốc độ và quy mô kết nối.
Thủ tướng Chính phủ cũng đã giao Bộ TT&TT chủ trì nghiên cứu, xây dựng và trình Chính phủ Đề án Chuyển đổi số quốc gia trong năm 2019. Đề án sẽ đưa ra một kế hoạch tổng thể để hướng tới một nền kinh tế và xã hội số toàn diện vào năm 2030.
Một trong các nhiệm vụ, giải pháp được Đề án xác định là tạo môi trường để phát triển các sản phẩm số, dịch vụ số, mô hình kinh doanh mới, nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo, phát triển doanh nghiệp công nghệ số, Thứ trưởng chia sẻ.
Cũng theo báo cáo về nền kinh tế số Đông Nam Á được cống bố tại Internet Day 2019, nền kinh tế số Việt Nam có tốc độ tăng trưởng dẫn đầu trong khu vực với hơn 40% một năm. Chỉ số đổi mới toàn cầu của Việt Nam được xếp hạng 42/129 quốc gia Với dân số hơn 96 triệu người, với khoảng hơn 60 triệu người sử dụng dịch vụ internet, người dùng Việt Nam dành trung bình hơn 6 giờ mỗi ngày để tham gia các hoạt động liên quan đến mạng Internet, khoảng 94% tỷ lệ người dùng ở Việt Nam sử dụng internet hàng ngày.
Từ các số liệu thống kê, có thể thấy rằng, phần lớn các hoạt động kinh tế, xã hội của chúng ta diễn ra trên môi trường internet. Internet đã thâm nhập vào mọi mặt hoạt động của xã hội, làm thay đổi nhận thức xã hội, tạo ra những mô hình kinh doanh mới đột phá hơn, hiệu quả hơn, thúc đẩy quá trình tăng trưởng nhanh hơn, bền vững hơn, Thứ trưởng Phạm Hồng Hải nhận định.
Cũng trong khuôn khổi sự kiện, Câu lạc bộ Điện toán đám mây và Trung tâm dữ liệu Việt Nam (Vietnam Cloud Computing and Data Center Club - VNCDC) đã chính thức được ra mắt. Với 12 thành viên sáng lập, ngoài VIA, các thành viên còn lại đều là những doanh nghiệp đang kinh doanh trong lĩnh vực dịch vụ điện toán đám mây và trung tâm dữ liệu như Viettel, VNG, CMC, FPT...
Qualcomm sẽ ủng hộ Chiến lược "Make in Vietnam" của Việt Nam
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã có buổi tiếp ông Alex Rogers - Phó Chủ tịch điều hành Tập đoàn Qualcomm và đề nghị được hỗ trợ chiến lược Make in Vietnam.
|
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng mời Qualcomm tham gia Triển lãm ITU Digital World tổ chức tại Việt Namvào tháng 9/2020 (Nguồn ảnh: mic.gov.vn) |
Tại buổi tiếp, hai bên đã cùng trao đổi, chia sẻ thông tin về tình hình phát triển công nghệ 5G trên thế giới, xu thế hợp nhất các nhà sản xuất thiết bị viễn thông, cũng như các giải pháp dài hạn, ngắn hạn của các quốc gia trên thế giới liên quan đến triển khai 5G.
Công nghệ 5G sắp tới sẽ không chỉ giới hạn trong lĩnh vực viễn thông mà còn thâm nhập vào các lĩnh vực kinh tế xã hội khác, do vậy lời giải cho bài toán 5G không hề đơn giản đối với mọi quốc gia.
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định tầm quan trọng của Chiến lược “Make in Vietnam” trong lĩnh vực ICT đã được Việt Nam tuyên bố hồi đầu năm 2019 nhằm tạo ra các sản phẩm “sáng tạo tại Việt Nam, thiết kế tại Việt Nam, Việt Nam làm chủ công nghệ, chủ động trong sản xuất”.
Liên quan đến triển khai 5G tại Việt Nam, Bộ trưởng cho biết, trong năm 2020 Bộ TT&TT sẽ cấp phép tần số và cho triển khai thương mại 5G. Đồng thời, Bộ trưởng đề nghị Qualcomm hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam thiết kế, sản xuất các thiết bị mobile, IoT.
Liên quan đến phí bản quyền thương mại và chính sách giá của Qualcomm, người đứng đầu ngành TT&TT cho rằng, nhiều công ty công nghệ Việt Nam đang ở giai đoạn khởi nghiệp, gặp nhiều khó khăn về tài chính, đề nghị Qualcomm xem xét một chính sách giá dành riêng cho những doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ, sau này khi những doanh nghiệp này lớn dần sẽ áp dụng mức phí thông thường.
Liên quan đến đào tạo nguồn nhân lực, Bộ TT&TT đề xuất Qualcomm hỗ trợ một số trường đại học tại Việt Nam triển khai các chương trình đào tạo về thiết kế phần cứng, phần mềm.
Đối với các đề xuất của Bộ TT&TT, ông Alex Rogers khẳng định Qualcomm hoàn toàn ủng hộ Chiến lược "Make in Vietnam" của Chính phủ Việt Nam và mong muốn được góp phần vào Chiến lược này thông qua sự hỗ trợ các doanh nghiệp công nghệ Việt, các trường đại học trong các lĩnh vực là thế mạnh của Qualcomm.
Tại Việt Nam, hiện Qualcomm đang phát triển công nghệ di động 4G/5G, IoT, mảng chipset cho các công ty thiết kế smartphone và IoT. Đáng chú ý là trong tháng 1/2020 sắp tới, Qualcomm sẽ khai trương trung tâm IoT Labs tại Hà Nội.Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đánh giá cao sự hợp tác hiệu quả giữa Qualcomm và cộng đồng doanh nghiệp ICT Việt và bày tỏ mong muốn Qualcomm tiếp tục hoạt động lâu dài tại Việt Nam. Cảnh báo thủ đoạn giả mạo tin nhắn ngân hàng để lừa đảo
Trong thông tin đăng tải ngày 12/12/2019, tại mục “Cảnh báo tội phạm” trên Cổng thông tin điện tử Bộ Công an, Bộ này cho biết, thủ đoạn giả mạo tin nhắn thương hiệu để lừa chiếm đoạt tài sản của người dân là thủ đoạn hoàn toàn mới, rất tinh vi và cần được người dân nhận biết, quan tâm, nâng cao cảnh giác để tự bảo vệ tài sản.
|
Hình ảnh một ngân hàng bị các đối tượng hack để gửi tin nhắn Brand Name (Ảnh: bocongan.gov.vn) |
Theo Bộ Công an, tin nhắn thương hiệu - SMS Brand Name được các tổ chức, cá nhân đăng ký độc quyền tại các nhà mạng viễn thông và sử dụng làm dịch vụ gửi tin nhắn hàng loạt đến các khách hàng để chăm sóc khách hàng, quảng bá hình ảnh, thông báo nội dung, chính sách mới… Về nguyên tắc, khi SMS Brand Name đã được đăng ký tại các nhà mạng thì các tổ chức, cá nhân khác không được phép đăng ký trùng tên thương hiệu.
Cảnh báo của Bộ Công an cho hay, thời gian trước đây, phương thức thủ đoạn lừa đảo phổ biến của các đối tượng là sử dụng số điện thoại bất kỳ (SIM rác) để phát tán nội dung lừa đảo. Tuy nhiên, gần đây, các đối tượng lừa đảo đã thay đổi phương thức, thủ đoạn, đó là: giả mạo tin nhắn thương hiệu của các ngân hàng, nguy hiểm hơn là các tin nhắn giả mạo này lại được lưu trữ cùng thư mục với các tin nhắn thương hiệu “thật” của các ngân hàng trên điện thoại di động của người dùng.
Do đó, người dân, khách hàng của các ngân hàng sẽ rất dễ nhầm tưởng đây là thông báo chính thức từ các ngân hàng hay các cơ quan hữu quan. “Đây là thủ đoạn rất tinh vi và hoàn toàn mới”, Bộ Công an một lần nữa nhấn mạnh.
Theo phân tích của Bộ Công an, bằng nhiều nguồn khác nhau, sau khi có được thông tin khách hàng của các ngân hàng, các đối tượng sẽ gửi các tin nhắn giả mạo SMS Brand Name đến khách hàng đó.
Trong nội dung các tin nhắn giả mạo này luôn kèm đường dẫn đến các trang web giả mạo do các đối tượng quản lý (các trang web này có tên gần giống với các trang web chính thức của ngân hàng) nên người dân dễ lầm tưởng, mất cảnh giác. Khi người dân truy cập vào đường dẫn trong nội dung tin nhắn, hệ thống sẽ tự động hiển thị một trang web giả mạo, có giao diện, logo tương tự các website chính thức của ngân hàng và được yêu cầu điền các thông tin như: tên đăng nhập, mật khẩu, mã OTP…
Sau khi có được các thông tin, các đối tượng sẽ kiểm soát được tài khoản chuyển tiền trực tuyến của khách hàng và thực hiện được các hành vi như chuyển khoản, mở thấu chi, topup thẻ tín dụng, đăng ký vay online…
Các loại tin nhắn thường dưới dạng: “Trân trọng thông báo tới Quý khách! Tài khoản của bạn sẽ bị tạm ngưng dịch vụ vào ngày 1 tháng 11. Quý khách nhanh chóng đăng nhập vào http://www.***bank.top để cập nhật trực tuyến” hoặc “Kính gửi người dùng ***Bank, điểm tài khoản của bạn đã được đổi thành điều kiện quà tặng. Vui lòng đăng nhập www.***bank.vip ngay để đổi quà. Nếu quá hạn, nó sẽ không được chấp nhận”…
Bộ Công an cũng cho biết, bằng phương thức thủ đoạn nêu trên, thời gian qua, các đối tượng đã lừa đảo chiếm đoạt tài sản của nhiều khách hàng với số tiền rất lớn, xảy ra tại nhiều địa phương trong cả nước.
“Với phương thức phát tán SMS Brand Name giả mạo ngân hàng, khách hàng rất khó để phân biệt được thật giả, nếu không tuyên truyền, cảnh báo đến người dân một cách kịp thời thì không chỉ gây thiệt hại tài sản của các khách hàng, mà còn gây ảnh hưởng đến uy tín của các ngân hàng nói riêng và cả hệ thống thanh toán nói chung. Thủ đoạn này sẽ đặc biệt nguy hiểm, khi bị các đối tượng xấu lợi dụng để giả mạo các thông báo chính thức của cơ quan nhà nước, gửi tin nhắn xuyên tạc, không đúng sự thật đến người dân”, Bộ Công an lưu ý.
Bộ Công an khuyến cáo người dân cần kiểm tra kỹ nội dung tin nhắn nhận được, kể cả các tin nhắn thương hiệu từ ngân hàng để phát hiện các tin nhắn giả mạo ngân hàng, không vội vã trả lời hay thực hiện theo nội dung trong tin nhắn. Website chính thức của các tổ chức, doanh nghiệp sẽ được đăng ký với các cơ quan có thẩm quyền và được đánh dấu an toàn bằng hình ổ khóa bên cạnh tên miền website (giao thức https).
Tên miền .vn đứng số 1 Đông Nam Á về người dùng
Theo thông tin từ Báo cáo tài nguyên Internet Việt Nam 2019, tên miền ".vn" được đăng ký sử dụng nhiều nhất khu vực Đông Nam Á.
Theo Báo cáo của VNNIC, tính đến 31/10/2019, số lượng tên miền tại Việt Nam đạt mốc 500.000 tên miền, gấp khoảng 1.000 lần so với ngày đầu VNNIC được thành lập. Tên miền ".vn" là tên miền quốc gia có số lượng đăng ký sử dụng lớn nhất khu vực Đông Nam Á và top 10 Châu Á Thái Bình Dương.
Về địa chỉ IP, đến hết tháng 10/2019, số lượng địa chỉ IPv4 Việt Nam sở hữu đạt 16.001.024 địa chỉ, đứng thứ 2 khu vực Đông Nam Á, thứ 8 khu vực châu Á và đứng thứ 29 toàn cầu.
Sự phát triển như vũ bão của internet đã dẫn đến sự cạn kiệt địa chỉ IPv4. Đón trước xu thế tất yếu này, Việt Nam đã triển khai các hoạt động nhằm thúc đẩy và chuẩn bị cho việc chuyển đổi sang sử dụng địa chỉ internet thế hệ mới IPv6 từ năm 2008. Mục tiêu của quá trình chuyển đổi này là đảm bảo “Internet Việt Nam hoạt động an toàn, ổn định trên nền tảng công nghệ IPv6 từ năm 2019.
Qua chặng đường 10 năm thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia về IPv6, Việt Nam hiện là quốc gia có kết quả ứng dụng triển khai IPv6 nổi bật, đáng ghi nhận.
Samsung mất dần thị phần smartphone tại Việt Nam
Theo GfK, tháng 10, thị trường Việt Nam tiêu thụ 1,37 triệu smartphone, tăng 29% so với tháng 9. Thế nhưng, bất chấp thị trường tăng trưởng, doanh số Samsung lại tụt giảm. Các thương hiệu như Xiaomi, Realme đang có tốc độ phát triển khá ấn tượng.
Theo đó, thị phần smartphone của Samsung trong tháng 10 giảm ở mức thấp nhất trong năm nay với 38,4%. So với cùng kỳ năm ngoái, Samsung giảm 7,8% thị phần smartphone bán ra tại Việt Nam.
Điều này có thể lý giải khi tháng 8, hãng smartphone Hàn Quốc ra mắt model cao cấp Galaxy Note10. Việc tập trung vào phân khúc cao cấp khiến thị phần điện thoại tầm thấp, vốn đóng góp doanh số lớn bị tụt giảm.
Tuy vậy, trung bình thị phần tháng của Samsung vẫn tăng trưởng 1,6% so với năm 2018 do hãng đã có khởi đầu một năm tốt. Trong đó, tháng 3 có lúc Samsung đã chiếm hơn 50% thị phần sau khi ra mắt Galaxy S10. Và hơn hết, dù giảm nhẹ nhưng Samsung vẫn là thương hiệu đứng đầu thị trường Việt Nam về doanh số.
Trong khi các thương hiệu khác có mức tăng nhẹ hoặc giảm thì Realme có mức bật mạnh mẽ. Theo GfK, trong tháng 9, Realme chỉ chiếm 3,7% thị phần nhưng đến tháng 10, thương hiệu này đã có 6,3% số máy bán ra cả thị trường. Với sức tăng trưởng xấp xỉ 40%, Realme chính thức vượt qua Apple về doanh số smartphone bán ra tại Việt Nam.
Trong khi đó, các sản phẩm của Apple không xuất hiện ở bảng xếp hạng doanh số dưới 7 triệu, nơi mà nhiều hãng điện thoại cạnh tranh nhau từng chút một. Từ lâu Apple luôn định hình sản phẩm của mình thuộc phân khúc cao cấp.