Điểm nhấn công nghệ tuần: 15 doanh nghiệp Việt nhận Giải Vàng Chất lượng Quốc gia

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - 15 DN Việt nhận Giải Vàng Chất lượng Quốc gia; 9 nhà khoa học được đề cử Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2018; Bộ Công an vào cuộc đẩy mạnh trấn áp tội phạm tiền ảo... là nội dung chú ý tuần qua.

15 doanh nghiệp Việt nhận Giải Vàng Chất lượng Quốc gia

Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng phát biểu tại buổi họp báo công bố 15 DN Việt nhận Giải Vàng Chất lượng Quốc gia.

Ngày 17/4, Bộ KH&CN thông tin chính thức về Giải thưởng Chất lượng Quốc gia năm 2017, theo đó có 73 DN sản xuất và DN dịch vụ được trao giải, trong đó 15 DN nhận Giải Vàng, các DN còn lại nhận giải Bạc.
Lễ trao Giải thưởng Chất lượng Quốc gia (GTCLQG) và Giải thưởng Chất lượng Quốc tế (GTCLQT) Châu Á-Thái Bình Dương 2017 sẽ được tổ chức sáng 22/4 tại Hà Nội.
Theo Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng - Chủ tịch Hội đồng GTCLQG, qua hơn 20 năm hình thành và phát triển, GTCLQG đã thu hút sự quan tâm đặc biệt và tạo được uy tín đối với các DN, các cơ quan quản lý cũng như người tiêu dùng trong xã hội. Giải thưởng đã tôn vinh xứng đáng những DN đạt thành tích xuất sắc trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, năng lực cạnh tranh và hiệu quả hoạt động, hội nhập với nền kinh tế khu vực và thế giới.
Tính đến nay đã có 1.842 lượt DN nhận giải thưởng và mang lại những giá trị cho sự phát triển của chính mình thông qua việc nâng cao chất lượng cả dịch vụ và sản phẩm, giúp DN tăng sức cạnh tranh.
Ông Trần Văn Vinh - Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng cho biết, GTCLQG được xây dựng dựa trên hệ thống giá trị như: Tầm nhìn của lãnh đạo; định hướng vào khách hàng; nâng cao kiến thức của tổ chức và cá nhân; nâng cao giá trị của các bên có quyền lợi liên quan; sự linh hoạt, nhạy bén; chú trọng vào tương lai; quản lý để đổi mới; quản lý dựa trên sự kiện; trách nhiệm xã hội; chú trọng vào kết quả tạo ra giá trị; mục đích quản lý theo hệ thống.
GTCLQG dành xét tặng cho 4 loại hình DN: DN sản xuất lớn; DN sản xuất vừa và nhỏ; DN dịch vụ lớn; DN dịch vụ vừa và nhỏ. Việc đánh giá và tuyển chọn giải thưởng được tiến hành theo 2 cấp: Hội đồng sơ tuyển tỉnh, TP và Hội đồng quốc gia.
Danh sách 15 DN được tặng Giải Vàng Chất lượng Quốc gia năm 2017 gồm: Công ty Cổ phần Nhựa Bình Minh; Công ty Cổ phần Dược - Trang thiết bị Y tế Bình Định (BIDIPHAR); Công ty Cổ phần Xi măng FICO Tây Ninh; Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Tân Á; Công ty Cổ phần Tập đoàn Đức Hạnh Marphavet; Công ty Cổ phần Địa ốc Cáp điện Thịnh Phát; Công ty Cổ phần Dược phẩm IMEXPHARM;
Công ty TNHH chế biến Dừa Lương Quới; Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công thương Việt Nam; Công ty Cổ phần Cơ khí Chế tạo máy Long An; Công ty Cổ phần Lương thực Vật tư nông nghiệp Nghệ An; Công ty Cổ phần Trà Bắc; Công ty Cổ phần Euroha; Công ty Cổ phần Chế biến dịch vụ thủy sản Cát Hải; Công ty Cổ phần Dạ Lan.
9 nhà khoa học được đề cử Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2018
Lễ trao Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2017
Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia - Cơ quan Thường trực của Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2018 đã tiếp nhận 54 hồ sơ đăng ký tham gia. Các Hội đồng Khoa học chuyên ngành của Quỹ đã họp đánh giá các hồ sơ đề nghị xét tặng Giải thưởng và đề cử 9 hồ sơ lên Hội đồng Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2018, trong đó có 7 Giải thưởng chính và 2 Giải thưởng trẻ là tác giả của công trình khoa học xuất sắc.
Hội đồng Giải thưởng sẽ làm việc, xem xét và đề xuất nhà khoa học đoạt Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2018 vào cuối tháng 4/2018. Lễ trao Giải thưởng dự kiến được tổ chức vào dịp ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam 18/5/2018 tại Hà Nội.
Cụ thể, 7 đề cử giải thưởng chính gồm: PGS.TSKH Nguyễn Thiệu Huy thuộc lĩnh vực Toán học - Viện Toán ứng dụng và Tin học - Trường Đại học Bách khoa Hà Nội; TS Trần Đình Phong thuộc lĩnh vực Vật lý - Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH) - Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam; TS Nguyễn Thị Lệ Thu thuộc lĩnh vực Hóa học - Trường Đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh;
TS Nguyễn Thanh Tuấn thuộc lĩnh vực Khoa học trái đất và Môi trường - Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam - Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam; PGS.TS Phạm Văn Hùng thuộc lĩnh vực Sinh học Nông nghiệp - Trường ĐH Quốc tế - ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh;
PGS.TS Nguyễn Văn Nhờ thuộc lĩnh vực Khoa học công nghệ và Kỹ thuật - Trường Đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh; TS Ngô Tất Trung thuộc lĩnh vực Y sinh – Dược học - Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.
2 đề cử giải thưởng trẻ gồm: TS Đỗ Quốc Tuấn thuộc lĩnh vực Vật lý - Trường Đại học Khoa học Tự nhiên - Đại học Quốc gia Hà Nội; TS Trương Vũ Thanh thuộc lĩnh vực Hóa học - Trường Đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh.
Giải thưởng Tạ Quang Bửu do Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức hằng năm, nhằm khích lệ và tôn vinh các nhà khoa học có kết quả công bố xuất sắc trong nghiên cứu cơ bản thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên và kỹ thuật.
Giải thưởng góp phần thúc đẩy nghiên cứu khoa học cơ bản nói riêng và khoa học công nghệ Việt Nam nói chung tiếp cận trình độ quốc tế, tạo tiền đề cho khoa học và công nghệ của đất nước hội nhập và phát triển. Được tổ chức lần đầu vào năm 2014, đến nay Giải thưởng đã thu hút được sự quan tâm, đánh giá tích cực của các nhà quản lý và cộng đồng khoa học.
Bộ Công an vào cuộc đẩy mạnh trấn áp tội phạm tiền ảo
 Bộ Công an vào cuộc đẩy mạnh trấn áp tội phạm tiền ảo. Ảnh minh họa.
Ngày 15/4/2018, Thượng tướng Tô Lâm - Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an đã ký công điện chỉ đạo việc nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm trong lực lượng công an nhân dân.
Công điện nêu rõ, thời gian gần đây công an các đơn vị, địa phương đã tổ chức triển khai quyết liệt, có hiệu quả các chỉ đạo của Trung ương Đảng, Chính phủ và Bộ Công an về đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo đảm an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội.
Nhiều vụ án đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến tội phạm hình sự, ma túy, kinh tế, môi trường… được phát hiện, nhanh chóng làm rõ và đưa ra xử lý trước pháp luật.

Trong đó, điển hình có Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đã bắt 11 đối tượng tổ chức đánh bạc trên internet với số tiền trên 1,2 nghìn tỷ đồng.

Cùng đó, Công an Hà Nội bắt 2 đối tượng thu 39 bánh heroin; Công an TP.HCM bắt 2 đối tượng cướp ngân hàng; công an Thanh Hóa bắt 6 đối tượng dùng súng tự chế bắn chết người…
Các cơ quan thông tấn, báo chí và các trang mạng xã hội có hàng trăm bài viết, clip, hình ảnh đưa tin phản ánh về những thành tích, chiến công xuất sắc, tấm gương tiêu biểu của chiến sĩ công an nhân dân…
Bộ trưởng Tô Lâm biểu dương những thành tích, chiến công xuất sắc, những tấm gương đẹp của lực lượng công an nhân dân toàn quốc trong thời gian qua, đồng thời đề nghị công an các đơn vị, địa phương tiếp tục tăng cường lực lượng, phương tiện, biện pháp kiên quyết đấu tranh trấn áp và phòng ngừa có hiệu quả các loại tội phạm.

Trong đó, tập trung đấu tranh với tội phạm lừa đảo qua mạng internet, liên quan tiền ảo; tội phạm sản xuất, buôn bán thuốc tân dược giả...
Trước đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký Chỉ thị 10/CT-TTg yêu cầu tăng cường quản lý các hoạt động liên quan tới Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác.
Để hạn chế những rủi ro, hệ lụy cho xã hội, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các tổ chức tín dụng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán không được thực hiện các giao dịch liên quan đến tiền ảo trái pháp luật; chỉ đạo các tổ chức tín dụng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán tăng cường rà soát, báo cáo kịp thời các giao dịch đáng ngờ liên quan tới tiền ảo theo quy định của pháp luật.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp với Bộ Công an trong việc phát hiện, xử lý các hành vi sử dụng tiền ảo làm tiền tệ, phương tiện thanh toán trái pháp luật.

Bộ Tài chính chỉ đạo các công ty đại chúng, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, các quỹ đầu tư chứng khoán không được thực hiện các hoạt động phát hành, giao dịch và môi giới giao dịch liên quan tới tiền ảo trái pháp luật, tuân thủ các quy định pháp luật về phòng chống rửa tiền; nghiên cứu thực tiễn và kinh nghiệm quốc tế để đề xuất biện pháp đối với hoạt động huy động vốn qua phát hành tiền ảo (ICO); chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan có biện pháp, hạn chế nhập khẩu, quản lý thiết bị, máy móc cho mục đích đào tiền ảo.
Thủ tướng giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và các bộ, ngành liên quan tăng cường điều tra, phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật liên quan tới hoạt động huy động tài chính, kinh doanh theo phương thức đa cấp, lừa đảo trên mạng internet thông qua tiền ảo, mạo danh đầu tư, kinh doanh tiền ảo để chiếm đoạt tài sản...
Bắt giam băng tội phạm quốc tế lừa đảo công nghệ cao hàng chục tỷ đồng

 Bắt giam băng tội phạm quốc tế lừa đảo công nghệ cao hàng chục tỷ đồng.

Ảnh minh họa.

Theo tin từ Cục Cảnh sát Hình sự (C45), ngày 14/4/2018 Cục này đã tống đạt văn bản tố tụng đến nhóm tội phạm quốc tế lừa đảo công nghệ cao hàng chục tỷ đồng ở Việt Nam. Nhóm đối tượng bị bắt tạm giam gồm 8 người, trong đó có 3 người Đài Loan (Trung Quốc) và 5 người Việt Nam, đã bị bắt tạm giam để điều tra về hành vi giả danh cơ quan công an, lừa đảo nhiều nạn nhân từ Bắc chí Nam.
Trại giam T17 ở huyện Củ Chi, TP.HCM là nơi Cục Cảnh sát Hình sự vừa tống đạt quyết định khởi tố bị can và bắt tạm giam các nghi phạm trong vụ án lừa đảo quy mô rất lớn. Các nghi phạm bị cáo buộc đã giả danh cơ quan công an, lừa đảo nhiều nạn nhân ở Việt Nam với tổng số tiền hơn 10 tỷ đồng.
Thủ đoạn chính của nhóm tội phạm này là dùng công nghệ cao tạo ra những số điện thoại giống hệt như của cơ quan công an hay Viện Kiểm sát, gọi đến cho người dân, dọa dẫm là số tiền của họ trong ngân hàng dính dáng đến một vụ án hình sự, muốn thoát tội phải chuyển tiền vào tài khoản do chúng chỉ định để kiểm tra. Sau đó, nhóm tội phạm sẽ lập tức chiếm đoạt số tiền trên.
Một điều quan trọng, đây chỉ là một trong rất nhiều mắt xích trong tổ chức tội phạm chuyên lừa đảo quốc tế. Ngay lúc này, có thể vẫn còn có rất nhiều nhóm khác đang hoạt động tại Việt Nam. Do đó, người dân cần lưu ý, cơ quan công an không bao giờ thông báo về việc khởi tố, bắt giữ người qua điện thoại, đây là điều đã được quy định trong pháp luật.
Cũng với chiêu thức lừa đảo qua điện thoại này, ngày 15/4/2018, Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Hà Nội cho biết, trong chưa đầy một tháng, đơn vị này đã tiếp nhận trình báo của 3 nạn nhân sinh sống trên địa bàn TP Hà Nội về việc bị một số đối tượng mạo danh công an lừa đảo với số tiền hơn 7 tỷ đồng.
Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Hà Nội đang phối hợp với công an các quận nơi 3 nạn nhân trình báo để khẩn trương điều tra.
Thủ đoạn gọi điện thoại, mạo danh người của cơ quan công quyền để lừa đảo đã quá cũ, nhưng không hiểu vì sao vẫn có nạn nhân “sập bẫy”? Cơ quan công an cũng lưu ý với người dân, theo qui định của pháp luật, cơ quan công an không bao giờ lấy lời khai của người có liên quan đến các vụ việc qua điện thoại. Khi cần, cơ quan công an sẽ mời lên làm việc bằng cách gửi giấy mời hoặc giấy triệu tập thông qua cảnh sát khu vực.
Do vậy, người dân không nên tin vào những ai gọi điện xưng là cán bộ công an làm việc qua điện thoại rồi yêu cầu chuyển tiền. Khi nghe điện thoại của người lạ, người dân cần đề nghị cho biết tên, nơi làm việc, giấy mời hoặc giấy triệu tập để trực tiếp liên hệ với cơ quan, đơn vị đó…
Người dân không cung cấp số điện thoại riêng, thông tin cá nhân cho bất kỳ ai khi chưa biết rõ họ là ai và sử dụng vào mục đích gì. Nếu nghi vấn hoặc phát hiện cá nhân, tổ chức hoạt động lừa đảo hoặc số tài khoản nào được yêu cầu chuyển nộp tiền không có lý do chính đáng, thì cần báo ngay cho cơ quan công an nơi gần nhất.