Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Phải dọn "rác" trên không gian mạng
Trong phiên chất vấn của Quốc hội sáng 6/6, đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình) đã nêu ra vấn đề về sự phát triển của mạng xã hội đã kéo theo loại hình tội phạm xâm hại trẻ em qua môi trường mạng ngày càng gia tăng, diễn biến phức tạp và xuất hiện cả tội phạm có yếu tố nước ngoài. Đây là vấn đề liên quan đến nhiều bộ, ngành, vậy Chính phủ đã quan tâm đúng mực chưa và đã có nỗ lực gì để phối hợp các bộ ngành đề ra các giải pháp đối phó, ngăn chặn, xử lý tình trạng này?
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng. |
Trả lời về vấn đề trên, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, có tình trạng lợi dụng không gian mạng. Do đó, an ninh không gian mạng là vấn đề đang ngày một gia tăng trong thế giới thực - ở đó có cái gì thì trên không gian mạng có cái đó.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, hiện nay thế giới của chúng ta đang có sự chuyển dịch vĩ đại, chuyển dịch toàn bộ thế giới thực vào thế giới ảo, trong thế giới thực có hệ thống pháp luật, chính quyền từ Trung ương đến địa phương, có lực lượng để duy trì sự lành mạng trong xã hội nhưng trên không gian mạng chưa có được như vậy. Cuộc sống đi vào không gian mạng rất nhiều và gây ra những hệ lụy có thật và giải pháp của chúng ta lúc này là hệ thống pháp luật, chính quyền, lực lượng phải nhanh chóng đi vào không gian mạng để duy trì sự lành mạnh của không gian mạng.
Người đứng đầu ngành TT&TT cũng chỉ ra giải pháp lâu dài là: "Phải đưa giáo dục kỹ năng sống trong không gian mạng vào giáo dục từ phổ thông, đây là giải pháp căn cơ nhất. Đời thực của chúng ta thở bằng không khí, không gian mạng chúng ta thở bằng tin tức nội dung".
Bộ trưởng Bộ TT&TT cho rằng, đời thực chúng ta có hàng ngàn tấn rác, nếu không dọn sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe. Trong không gian mạng cũng có rác, nếu chúng ta không dọn ảnh hưởng đến não người. Do vậy, vấn đề trước mắt là phải thực hiện quét rác, đầu tiên từng người tham gia không gian mạng, phải dọn rác của chính mình.
Cũng theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, hiện Bộ quy tắc ứng xử trên không gian mạng đang được Bộ TT&TT soạn thảo và sẽ ban hành. Các nhà mạng có bộ lọc dọn rác, Bộ TT&TT sẽ ra yêu cầu cụ thể về vấn đề này. Các cơ quan, bộ ngành cũng phải thực hiện dọn rác. Các bộ ngành đầu tiên phải định nghĩa rác của mình, giám sát, phát hiện và tuyên bố đấy là rác, điều này thì phải dùng công nghệ.
Sau khi quyết định cái gì là rác, các bộ ngành sẽ thông báo đến Bộ TT&TT, các nhà mạng sau đó sẽ thực hiện yêu cầu gỡ bỏ, kể cả đối với mạng xã hội nước ngoài. Các mạng xã hội nước ngoài hoạt động tại Việt Nam bắt buộc phải thực thi luật pháp Việt Nam vì Việt Nam là một nước có chủ quyền, Bộ trưởng khẳng định.
“Tôi tin rằng chúng ta đã nhìn thấy vấn đề thì chúng ta có thể giải quyết được vấn đề, nhà mạng và công cụ để chọn lọc; chính quyền mạnh tay hơn, mạnh mẽ hơn, hoàn thiện hệ thống pháp luật. Trong thời gian tới, không gian mạng của chúng ta sẽ lành mạnh hơn ”, ông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.
Cáp quang biển APG đã được khắc phục, truy cập Internet bình thường
Theo đại diện một doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet (ISP) tại Việt Nam, việc sửa chữa, khắc phục sự cố xảy ra chiều ngày 26/5/2019 trên nhánh S7 của tuyến cáp quang biển quốc tế APG đã hoàn thành vào 3h30 sáng ngày 6/6/2019. Hiện tại, lưu lượng trên tuyến cáp đã được khôi phục hoàn toàn và hoạt động ổn định.
Ảnh minh họa. |
Trong năm nay, tuyến cáp quang biển quốc tế APG đã 4 lần gặp sự cố gây gián đoạn dịch vụ trên tuyến, lần lượt vào các ngày 26/2, 27/2, 28/2 và 26/5. Với 3 lần trước vào tháng 2/2019, các sự cố xảy ra trên 3 nhánh cáp S3, S1.8 và S1.9 của tuyến cáp biển APG đã lần lượt được khắc phục xong vào các ngày 7/3, 11/3 và 17/4/2019.
Riêng với lần gặp sự cố gần đây nhất, vào chiều ngày 26/5 vừa qua, cáp APG bị lỗi nguồn trên phân đoạn S7 (DNG-BU6), với vị trí lỗi cáp được xác định cách trạm cập bờ DNG (Đà Nẵng - PV) 132 km. Sự cố này đã làm ảnh hưởng tất cả lưu lượng Internet kết nối qua tuyến cáp biển APG.Tuyến cáp quang biển quốc tế Asia Pacific Gateway - APG được đưa vào vận hành thử nghiệm từ cuối tháng 10/2016 sau 4 năm triển khai đầu tư. Đến giữa tháng 12/2016, tuyến cáp quang này được đưa vào vận hành chính thức.
Tuyến cáp APG có sự tham gia đầu tư của các nhà mạng Việt Nam như VNPT, Viettel, FPT Telecom, CMC Telecom và được đánh giá là tuyến cáp sẽ góp phần mang lại đường truyền ổn định với dung lượng lớn hơn cho người dùng Internet tại Việt Nam, nhất là trong bối cảnh tuyến cáp biển AAG thường xuyên gặp sự cố.Tuyến cáp này có chiều dài khoảng 10.400 km được đặt ngầm dưới biển Thái Bình Dương, có khả năng cung cấp băng thông tối đa lên tới 54 Tbps. Cáp có điểm kết nối ở Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.
Facebook hỗ trợ Việt Nam truyền thông phòng chống thiên tai
Chiều 3/6, Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng chống thiên tai phối hợp với Facebook Việt Nam tổ chức tập huấn kỹ năng ứng dụng mạng xã hội Facebook trong truyền thông về phòng chống thiên tai cho các cán bộ Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai & Tìm kiếm cứu nạn thuộc 18 tỉnh miền núi phía Bắc và Bắc Trung Bộ.
Đại diện Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng chống thiên tai tặng quà lưu niệm cho đại diện Facebook |
Tại Việt Nam, Facebook là kênh truyền thông hữu hiệu và có thể tiếp cận người dân một cách nhanh chóng. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp kỳ vọng lớp tập huấn sẽ giúp tăng cường hiệu quả trong việc sử dụng công nghệ và mạng xã hội để phòng ngừa, ứng phó với thiên tai, giúp người dân nhanh chóng cập nhật thông tin về cảnh báo, dự báo, chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra...
Sau đợt tập huấn này, Facebook sẽ tiếp tục hỗ trợ Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng chống thiên tai các lớp đào tạo, tập huấn hướng dẫn kỹ thuật cho cán bộ của Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tại các khu vực, vùng miền khác trong cả nước.
Trên thế giới, Facebook được xem là một trong những mạng xã hội lớn nhất. Mạng xã hội này đã và đang được sử dụng như một công cụ vô cùng hữu hiệu trong công tác phòng, chống, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai.
Apple chính thức ra mắt iOS 13 với nhiều tính tăng mới
Tại sự kiện WWDC 2019 diễn ra tuần qua hôm 3/6, Apple đã ra mắt iOS 13 với nhiều tính tăng mới, hiệu suất cải thiện. Cụ thể, iOS 13 được Apple công bố tại Hội nghị Các nhà phát triển toàn cầu WWDC 2019 diễn ra tại San Jose (Mỹ) hôm nay (4/6). Phiên bản mới tập trung cải thiện hiệu suất với thời gian mở ứng dụng nhanh gấp đôi hiện tại, các ứng dụng và cập nhật nhỏ hơn khoảng 50%.
Tính năng Dark mode của iOS 13 |
Phiên bản thử nghiệm dành cho lập trình viên của iOS 13 đã cho phép tải về. Các mẫu điện thoại hỗ trợ bao gồm iPhone 6s, 6s Plus, SE, iPhone 7, 7 Plus, iPhone 8, 8 Plus, iPhone X, XR, XS và XS Max. Như vậy, iPhone 6 ra mắt từ 2014 và các model cũ hơn sẽ không thể cài đặt phiên bản mới.
iOS 13 được bổ sung chế độ tối (dark mode), cho phép hiển thị với nền đen và chữ trắng, tối ưu pin nhất là với dòng iPhone XS, XS Max dùng màn hình Oled. Dark mode hoạt động ở cấp độ hệ thống, tức toàn bộ ứng dụng của Apple đều hỗ trợ và người dùng có thể bật hoặc tắt cùng lúc. Các phần mềm của bên thứ ba mà thiết kế theo chuẩn của Apple cũng sẽ hỗ trợ dark mode như ứng dụng của hãng.
Các tính năng được Apple thêm vào hệ điều hành mới còn có nhãn Memoji trong phần Tin nhắn, bàn phím dạng vuốt trượt để nhập liệu hay cải thiện độ chính xác và chi tiết cho ứng dụng Apple Maps.
Ứng dụng File cho phép chia sẻ thư mục với iCloud Drive và truy cập file từ các thiết bị lưu trữ ngoại vi như thẻ nhớ SD, USB, trong khi dịch vụ vị trí Location Services thêm tùy chọn theo dõi một lần duy nhất cũng như cung cấp thêm thông tin khi ứng dụng dùng dịch vụ vị trí trong nền.
Ứng dụng ảnh Photos có giao diện duyệt ảnh, công cụ chỉnh sửa mới. Apple Maps được ‘đập đi xây lại’ hoàn toàn với một số tính năng giống với Google Maps...
Hãng công nghệ Mỹ dự kiến phát hành chính thức iOS 13 vào tháng 9 khi giới thiệu những mẫu iPhone thế hệ tiếp theo. Các bản beta đầu tiên của iOS 13 và iPadOS (hệ điều hành cho iPad) đã sẵn sàng đối với các lập trình viên đăng ký. Nó cho phép Apple tìm ra lỗi và lỗ hổng trong nền tảng trước khi chính thức tung ra cho người dùng phổ thông.