Đến năm 2020: Đưa vào sử dụng các cơ sở dữ liệu về khoa học và công nghệ
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án “Phát triển nguồn tin khoa học và công nghệ phục vụ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.
Mục tiêu của Đề án là tiếp tục phát triển nguồn tin khoa học và công nghệ trên quy mô quốc gia nhằm cung cấp đầy đủ, chính xác, kịp thời và bảo đảm ngưỡng an toàn thông tin tri thức khoa học và công nghệ trong nước và quốc tế phù hợp với chiến lược phát triển khoa học và công nghệ trong từng giai đoạn, đáp ứng nhu cầu nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước.
Định hướng phát triển nguồn tin khoa học và công nghệ đảm bảo bám sát chiến lược phát triển khoa học và công nghệ, tập trung ưu tiên phát triển các thế hệ mới của ngành công nghiệp công nghệ thông tin và viễn thông; phổ cập công nghệ kỹ thuật số, tự động hóa, thiết bị cao cấp, vật liệu mới, công nghệ sinh học...
Cụ thể, trong năm 2018, Đề án sẽ hoàn thiện và đưa vào sử dụng cơ sở dữ liệu về nhiệm vụ khoa học và công nghệ. Đến năm 2020, tích hợp và đưa vào sử dụng các cơ sở dữ liệu về khoa học và công nghệ sau: Công bố khoa học và công nghệ trong nước, công bố quốc tế của các tác giả Việt Nam; chỉ số trích dẫn khoa học; thông tin sở hữu trí tuệ...
Đến năm 2025, hệ thống hoá, tích hợp đầy đủ và vận hành đồng bộ các nguồn tri thức trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về khoa học và công nghệ để phục vụ công chúng; mở rộng bổ sung tập trung các nguồn tin khoa học và công nghệ quốc tế cốt lõi đến các tổ chức thực hiện chức năng đầu mối thông tin khoa học và công nghệ của các bộ và thành phố trực thuộc trung ương, viện nghiên cứu, cơ sở giáo dục đại học lớn trên cả nước; xây dựng, phát triển cơ sở dữ liệu và số hoá tài liệu khoa học và công nghệ đặc thù tại các bộ, ngành, địa phương.
Đến năm 2030, Đề án tiếp tục bổ sung, phát triển các nguồn tin khoa học và công nghệ trong nước và quốc tế, bảo đảm đáp ứng đầy đủ nhu cầu thông tin của các tổ chức và cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, đào tạo và sản xuất kinh doanh.
Bộ TT&TT đề xuất cấm mua bán sim kích hoạt sẵn
Trong dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định số 25/2011, Bộ Thông tin và Truyền thông đề xuất cấm một số hành vi.
Cụ thể, việc mua bán, lưu thông SIM thuê bao đã được nhập sẵn thông tin, kích hoạt sẵn dịch vụ di động trả trước sẽ được coi là vi phạm pháp luật. Ngoài ra, việc nhập sẵn thông tin thuê bao, kích hoạt dịch vụ di động trả trước cho SIM khi chưa hoàn thành nhập, lưu giữ đầy đủ, chính xác các thông tin thuê bao cũng không được phép.
Bên cạnh đó, dự thảo cũng cấm việc giả mạo, sử dụng giấy tờ tùy thân, giấy chứng nhận pháp nhân của cá nhân, tổ chức khác để giao kết hợp đồng.
Đề xuất cấm hành vi mua bán sim kích hoạt sẵn được xem như biện pháp nhằm hạn chế các SIM rác. Lâu nay, việc mua bán sim kích hoạt sẵn diễn ra công khai ở Việt Nam.Ngoài ra, cơ quan soạn thảo cũng đề xuất sửa đổi các điều kiện ràng buộc khi thuê bao sử dụng trên 3 SIM.
Theo quy định hiện hành, với ba số thuê bao di động trả trước đầu tiên, chủ thuê bao chỉ phải cung cấp thông tin và ký vào bản khai. Tuy nhiên, với số thuê bao thứ tư trở lên, người dùng phải ký hợp đồng theo mẫu với nhà mạng theo từng số điện thoại.
Quy định này được xem là một biện pháp mềm hạn chế việc doanh nghiệp cố tình giả mạo thông tin thuê bao, hòa mạng sẵn SIM như lâu nay.
Bkav chuẩn bị IPO
Tập đoàn công nghệ Bkav vừa tiến hành bán cổ phần nội bộ một công ty con - công ty Bkav Pro chuyên về phần mềm diệt virus. Đây là bước chuẩn bị cho kế hoạch lên sàn chứng khoán vào năm 2020.
Theo một nguồn tin nội bộ, việc bán cổ phần này được thực hiện tại công ty Bkav Pro chuyên về phần mềm diệt virus, 1 trong 6 công ty con thuộc Tập đoàn Bkav. Đối tượng mua là các lãnh đạo cấp cao trở lên của Tập đoàn. Với việc phát hành 5% cổ phần, Bkav Pro được định giá lên đến 1.500 tỷ đồng.
Nguồn tin này cho biết việc bán cổ phần nội bộ là một bước trong kế hoạch IPO của công ty, đồng thời là sự chia sẻ thành quả của công ty đạt được suốt nhiều năm qua mà dự kiến đối tượng ưu đãi sẽ được mở rộng trong thời gian tới.
Tập đoàn công nghệ Bkav thành lập năm 2005, xuất phát điểm là từ sản phẩm phần mềm diệt virus. Đến nay, Bkav có 6 công ty con hoạt động trong các lĩnh vực như Phần mềm, An ninh mạng, Chống mã độc, Nhà thông minh, Smartphone. Các Công ty con này đặc biệt là công ty sản xuất smartphone có thể được định giá lên tới tỷ USD.
Với việc tung sản phẩm smartphone Bphone đầu tiên vào năm 2015 định hướng phân khúc cao cấp với thiết kế sang trọng, cùng với phong cách ra mắt sản phẩm giống Apple, Bkav được ví là “Apple của Việt Nam”. Vào ngày 10/10 tới đây, hãng sẽ cho ra mắt Bphone thế hệ thứ ba.
Mặc dù có nhiều rào cản khi tham gia vào sản xuất smartphone nhưng việc tiếp tục cho ra những Bphone thế hệ mới cho thấy Bkav là hãng công nghệ hiếm thấy còn lại kiên trì theo đuổi giấc mơ smartphone của người Việt do người Việt làm chủ.
Nhiều năm trước đây, một số doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực Viễn thông, CNTT từng tuyên bố sản xuất, lắp ráp máy tính, điện thoại nhưng sau đó lặng lẽ rút lui do đầu tư lớn trong khi chưa thể có lãi ngay, thậm chí thua lỗ. Duy chỉ có Bkav vẫn bám đuổi mục tiêu phát triển công nghiệp phần cứng với những sản phẩm cao cấp như nhà thông minh, smartphone và chịu khó đem sản phẩm của mình đi “đánh chuông xứ người”. Bkav đã tham gia nhiều triển lãm điện tử lớn thế giới CES (Mỹ), IFA (Đức), Computex (Đài Loan). Hai lần ra mắt Bphone đều là các sự kiện công nghệ trong nước được mong chờ và hoành tráng nhất, với quy mô lên đến hơn 2.000 người, thậm chí lớn hơn sự kiện Apple ra mắt iPhone hay Samsung ra mắt dòng sản phẩm Galaxy.
Khi ra mắt Bphone năm 2015, Bkav cho biết đã chi khoảng 500 tỷ đồng cho nghiên cứu và phát triển smartphone. Với Bphone 2 và Bphone 3 sắp tới, ước tính Bkav đầu tư khoảng ngàn tỉ cho sản xuất smartphone trong gần 10 năm. Theo lãnh đạo Bkav trong các lần trả lời báo chí, số tiền này được lấy từ nguồn thu phần mềm Bkav Pro. Hiện Bkav Pro có hàng triệu người dùng cá nhân, với giá bán 300.000 đồng/bản.
Đáng chú ý hơn cả, mặc dù hoạt động theo hình thức công ty cổ phần nhưng có đến 95% cổ phần Bkav thuộc về cá nhân ông Nguyễn Tử Quảng, đồng sáng lập kiêm Chủ tịch Bkav. Điều này cũng có nghĩa hàng ngàn tỉ Bkav chi cho nghiên cứu, phát triển Bphone chính là từ tiền túi của ông Nguyễn Tử Quảng.
Đây là một điều đặc biệt bởi từ trước đến nay hiếm có doanh nghiệp hay doanh nhân nào dùng tiền mặt của mình để đầu tư sản xuất như Bkav và Chủ tịch kiêm CEO Bkav Nguyễn Tử Quảng. Hầu hết các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, đều phải dựa vào nguồn vốn vay ngân hàng.
Ông Nguyễn Tử Quảng xuất thân là học sinh chuyên Toán (Đại học Sư phạm Hà Nội), sau đó là sinh viên khoa CNTT Đại học Bách khoa Hà Nội. Khi còn là sinh viên năm thứ ba, Nguyễn Tử Quảng đã viết các chương trình chống virus cung cấp miễn phí cho cộng đồng mạng (đến năm 2005). Sau khi tốt nghiệp, anh được giữ lại làm giảng viên tại trường, là chuyên gia an ninh mạng và phát triển Bkav.
Ngoài công ty Bkav Pro được định giá lên đến 1.500 tỷ đồng, 5 công ty con khác của Bkav cũng được đánh giá là rất có tiềm năng khi xu hướng kết nối mạng mạnh mẽ hơn như an ninh mạng, nhà thông minh, phần mềm dịch vụ như chữ ký số, kê khai thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội qua mạng... Do vậy, ước tính tài sản của cá nhân ông Nguyễn Tử Quảng có thể lên đến nhiều ngàn tỷ đồng.
Bkav Pro dự kiến lên sàn chứng khoán trong hai năm tới. Với sự bùng nổ của công nghệ, Internet, xu thế trên thế giới, kể cả ở Trung Quốc, những người giàu nhất là tỷ phú công nghệ, thay thế vị trí của các tỉ phú bất động sản, hy vọng Việt Nam cũng sẽ xuất hiện những tỉ phú công nghệ.
Cổng dịch vụ công quốc gia sẽ ra mắt trước tháng 11/2019
Văn phòng Chính phủ vừa ra thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình tại Hội nghị trực tuyến ngày 11/9/2018 về nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính (TTHC).
Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương chấn chỉnh việc giải quyết thủ tục hành chính tại cơ quan, đơn vị mình, hạn chế tối đa việc người dân, doanh nghiệp phải đi lại nhiều lần.
Thường xuyên đôn đốc, kiểm tra việc giải quyết thủ tục hành chính, khắc phục tình trạng thiếu công khai, minh bạch thông tin về thủ tục hành chính. Nghiêm túc xử lý các phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định thủ tục hành chính; khắc phục tình trạng quá hạn trong giải quyết thủ tục hành chính; thực hiện nghiêm việc xin lỗi cá nhân, tổ chức khi xảy ra tình trạng chậm, muộn trong giải quyết thủ tục hành chính.
Kịp thời động viên, khen thưởng công chức, viên chức được đánh giá cao trong giải quyết thủ tục hành chính và xử lý nghiêm cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm quy định; đề xuất chế độ chính sách cho cán bộ công chức tại Bộ phận Một cửa các cấp.
Đẩy mạnh việc đánh giá mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với việc giải quyết thủ tục hành chính, hoạt động của Trung tâm phục vụ hành chính công, đặc biệt thông qua phương thức điện tử.
Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng, các bộ, ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Chính phủ, Bộ TT&TT trong triển khai xây dựng Cổng DVCTT và Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, thuận tiện, dễ sử dụng cho người dân, doanh nghiệp khi thực hiện các dịch vụ công trực tuyến; chuẩn hóa, thống nhất quy trình nội bộ giải quyết TTHC trong phạm vi của bộ, tỉnh trên tinh thần cải cách mạnh mẽ và tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp.
Đồng thời, đẩy nhanh việc xây dựng, triển khai cung cấp DVCTT mức độ 3, 4 theo Danh mục đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trường hợp cung cấp các DVCTT ngoài Danh mục Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt thì phải bảo đảm các tiêu chí thực hiện trực tuyến và có số lượng hồ sơ giao dịch lớn. Việc xây dựng DVCTT phải lấy người sử dụng làm trung tâm, bảo đảm tính thân thiện, đơn giản, dễ sử dụng.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ TT&TT khẩn trương ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về cấu trúc, định dạng dữ liệu gói tin phục vụ kết nối các hệ thống thông tin một cửa điện tử, Cổng dịch vụ công quốc gia, các cơ sở dữ liệu chuyên ngành liên quan trong quá trình giải quyết TTHC của các bộ, ngành, địa phương và công bố phần mềm Hệ thống thông tin một cửa điện tử tiêu chuẩn để bộ, ngành, địa phương triển khai.
Ngân hàng Nhà nước được giao phối hợp Bộ Tài chính và các cơ quan có liên quan khẩn trương xây dựng và đưa vào vận hành Cổng thanh toán tập trung của quốc gia, Cổng dịch vụ công cấp bộ, tỉnh để người dân thực hiện thanh toán trực tuyến.
Với Văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng chỉ đạo trong quý IV/2018 khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ Đề án thiết lập Cổng dịch vụ công quốc gia; triển khai xây dựng và khai trương Cổng dịch vụ công quốc gia trước ngày 1/11/2019.
Cơ quan này cũng được giao trên cơ sở tổng hợp các nội dung hội nghị, dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về nâng cao chất lượng giải quyết TTHC, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành trong tháng 10/2018.