Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Điểm nhấn công nghệ tuần: Gần 438.000 người Việt bị lộ tài khoản mật khẩu email

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Gần 438.000 người Việt bị lộ tài khoản mật khẩu email; công bố 10 sự kiện ICT tiêu biểu 2017; người Việt mất 12.300 tỷ vì virus máy tính... là điểm nhấn tuần qua.

Gần 438.000 người Việt bị lộ tài khoản mật khẩu email
 Gần 438.000 người Việt bị lộ tài khoản mật khẩu email. Ảnh minh họa

Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCERT) vừa phát đi cảnh báo về việc một số lượng lớn các tài khoản thư điện tử và mật khẩu bị lộ thông tin trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam.

Cụ thể, có tổng cộng hơn 41GB dữ liệu của khoảng 1,4 tỷ tài khoản sử dụng thư điện tử và mật khẩu trên thế giới đã xuất hiện trên Dark Web. Số lượng tài khoản sử dụng thư điện tử và mật khẩu này chủ yếu đến từ các website nổi tiếng như LinkedIn, Netflix, Last.FM, MySpace, Zoosk hay các game như Minecraft hay Runescape.

Trong đó, Trung tâm VNCERT đã phân tích và phát hiện số tài khoản sử dụng thư điện tử tại Việt Nam có đuôi “.vn” là 437.664 tài khoản, bao gồm các tài khoản sử dụng thư điện tử của cơ quan nhà nước có đuôi “gov.vn” là 930 tài khoản và rất nhiều tài khoản sử dụng thư điện tử của các tập đoàn, DN hạ tầng quan trọng của Việt Nam.

Việc lộ các thông tin tài khoản sử dụng thư điện tử và mật khẩu sẽ tạo điều kiện cho tin tặc sử dụng tài khoản, mật khẩu đó để dò thông tin và đăng nhập nhiều hệ thống thông tin. Nếu thành công, tin tặc sẽ chiếm đoạt tài khoản và sử dụng vào việc tấn công, đánh cắp và phá hủy hệ thống thông tin, dữ liệu.

Trung tâm VNCERT yêu cầu các đơn vị và khuyến cáo người dùng cả nước thực hiện khẩn cấp việc kiểm tra, rà soát hệ thống, tăng cường chính sách mật khẩu và giải pháp xác thực nhiều lớp; thay đổi mật khẩu các tài khoản đăng nhập; không sử dụng email của đơn vị để đăng ký tài khoản cá nhân sử dụng trên mạng xã hội, dịch vụ trực tuyến.

Một lần nữa nhấn mạnh việc lộ lọt thông tin tài khoản sử dụng thư điện tử và mật khẩu tạo ra các nguy cơ nguy hiểm, Trung tâm VNCERT đề nghị các đơn vị và người dùng nghiêm túc thực hiện để đảm bảo an toàn không gian mạng.

Để được biết những thông tin bị rò rỉ hay báo cáo sự cố, người dùng có thể liên lạc với Trung tâm VNCERT theo địa chỉ email ir@vncert.gov.vn; số điện thoại 024 3640 4423 số máy lẻ 112; hoặc các số đường dây nóng 0869 100319/ 0888 609399.

Công bố 10 sự kiện ICT tiêu biểu 2017

 Công bố 10 sự kiện ICT tiêu biểu 2017. Ảnh Infonet.

Ngày 28/12, 10 sự kiện ICT tiêu biểu năm 2017 đã được Câu lạc bộ Nhà báo công nghệ thông tin Việt Nam (ICT Press Club) công bố.

Chủ nhiệm ICT Press Club cho biết, bức tranh ICT 2017 có nhiều gam mầu sáng tối được nhìn qua lăng kính của 50 nhà báo theo dõi lĩnh vực này. Năm 2017, có rất nhiều vấn đề liên quan đến những chính sách trong lĩnh vực ICT được đông đảo xã hội và cộng đồng ICT quan tâm như việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng thuận bỏ Điều 292 trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật hình sự 2015 liên quan đến tội cung cấp dịch vụ trái phép trên mạng máy tính, mạng viễn thông.

Một trong những điểm nhấn của bức tranh ICT Việt Nam trong năm 2017 là các nhà mạng rầm rộ khai trương và cung cấp dịch vụ 4G cho người dân. Tâm điểm của 4G Việt Nam là sự kiện Viettel không phải là nhà mạng đầu tiên khai trương 4G nhưng lại là nhà mạng triển khai mạng 4G lớn nhất với 36.000 trạm thu phát sóng, phủ 95% dân số.

Bức tranh ICT năm 2017 còn cho thấy những bước đầu các ông lớn trong nội dung số là Google và Facebook đã phải nhượng bộ trước những áp lực của Việt Nam ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin xấu độc, thông tin vi phạm quy định pháp luật Việt Nam. Sau khi làm việc với Bộ TT&TT Google đã cam kết sẽ gỡ bỏ toàn bộ kênh nếu như trên kênh đó đăng clip vi phạm.

Trong năm 2017 cũng xuất hiện nhiều xu hướng mới được xem là sẽ tác động mạnh đến nền kinh tế số của Việt Nam. Cụ thể, đồng tiền ảo bitcoin đã làm khuynh đảo thị trường châu Á, trong đó có Việt Nam, sau 8 năm ra đời. Bất chấp các khuyến cáo từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về việc không chấp nhận bitcoin trong các giao dịch, các nhà đầu tư cá nhân Việt Nam vẫn lao vào cuộc chơi, kiểu “tâm lý đám đông”.

Sự kiện Diễn đàn Thanh toán điện tử Việt Nam 2017 với sự có mặt của Jack Ma, Chủ tịch Tập đoàn Alibaba với phiên đối thoại xoay quanh những kinh nghiệm phát triển thương mại điện tử, thanh toán điện tử trên thiết bị di động ở Trung Quốc và câu chuyện toàn cầu hoá, đã và đang truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ và doanh nghiệp khởi nghiệp.

Tháng 12/2017 đánh dấu mốc 20 năm Interrnet có mặt tại Việt Nam. Từ con số 0 của những năm đầu thập niên 90, Việt Nam đã trở thành một trong những nước có tỷ lệ người sử dụng Internet hàng đầu trong khu vực. Việt Nam hiện có khoảng trên 50 triệu người dùng Internet, chiếm 54% dân số, cao hơn mức trung bình 46,64% của thế giới, nằm trong tốp những quốc gia và vùng lãnh thổ có số lượng người dùng Internet cao nhất tại châu Á.

Danh sách 10 sự kiện ICT tiêu biểu 2017: Nhà mạng khai trương và đồng loạt triển khai 4G; Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng thuận bỏ Điều 292 Bộ luật Hình sự liên quan đến cung cấp dịch vụ trực tuyến; 20 năm Internet Việt Nam;

Dự thảo Luật An ninh mạng được trình quốc hội và gây nhiều tranh cãi; Việt Nam mạnh tay với Google và Facebook; Bitcoin khuấy đảo thị trường tiền ảo tại Việt Nam;

Chuyển đổi thành công mã vùng điện thoại cố định; Bkav ra mắt Bphone 2017; Thu hồi 24,3 triệu Sim kích hoạt sẵn; Jack Ma đến Việt Nam thúc đẩy thanh toán điện tử.

Người Việt mất 12.300 tỷ vì virus máy tính

 Người Việt mất 12.300 tỷ vì virus máy tính. Ảnh minh họa.

Theo thống kê của Bkav, năm 2017, các phần mềm tống tiền (ransomware) trở thành nỗi ám ảnh, điển hình là mã độc WannaCry lây lan ở hơn 150 nước hồi tháng 5. Tại Việt Nam, hơn 1.900 máy tính nhiễm WannaCry và hơn 52% máy tính tồn tại lỗ hổng có thể bị tấn công bởi mã độc này.

Sau đó là sự xuất hiện của biến thể Petya và Bad Rabbit làm tê liệt hàng loạt ngân hàng, sân bay, máy ATM và nhiều DN, tổ chức lớn trên thế giới.

Số tiền chuộc khổng lồ là nguyên nhân dẫn tới sự bùng nổ của mã độc tống tiền. Thống kê từ hệ thống giám sát virus của Bkav cho thấy, 11,22% lượng email lưu chuyển trong năm 2017 có mục đích phát tán ransomware.

Bkav cho biết, các thiết bị kết nối Internet (IoT) như Router Wi-Fi, Camera IP… trở thành đích nhắm của hacker trong năm 2017 mà điển hình là sự bùng nổ các biến thể mới của mã độc Mirai, trong đó có biến thể nhắm mục tiêu đến Việt Nam.

Năm 2017 cũng chứng kiến cơn sốt tiền ảo, thúc đẩy hacker thực hiện hàng loạt các hình thức tấn công nhằm biến máy tính người dùng thành công cụ đào tiền. Mới nhất, mã độc đào tiền ảo ẩn dưới dạng file .zip đã bùng phát trên Facebook từ ngày 19/12 và ước tính đã có hơn 23.000 máy tính tại Việt Nam nhiễm virus này.

Bên cạnh đó, lỗ hổng Blueborne trong công nghệ kết nối không dây Bluetooth đẩy 8,2 tỷ thiết bị IoT trên toàn cầu sử dụng công nghệ này rơi vào vòng nguy hiểm. Hay KRACK, lỗ hổng cho phép hacker xâm nhập vào hầu hết mạng Wi-Fi mà không cần mật khẩu, khiến các thiết bị IoT có kết nối Wi-Fi đối mặt với cuộc tấn công mạng quy mô lớn chưa từng có.

Lý giải cho việc gia tăng các cuộc tấn công vào thiết bị IoT, Bkav cho rằng, nhà sản xuất thường để mật khẩu quản trị mặc định và không khuyến cáo khách hàng đổi thông số của thiết bị trước khi đưa vào sử dụng.

Trong khi đó, người dùng chưa có thói quen quan tâm đến an ninh của thiết bị, thường không thay đổi mật khẩu mặc định. Dự kiến năm 2018 sẽ tiếp tục chứng kiến sự bùng nổ các cuộc tấn công phát tán mã độc nhằm thu lợi bất chính như mã độc mã hóa tống tiền ransomware, mã độc đào tiền ảo…

Tuyến cáp quang biển APG gặp sự cố
 Tuyến cáp quang biển APG gặp sự cố. Ảnh minh họa.

Ngày 24/12, nhà mạng VNPT đã chính thức có thông báo về sự cố vừa xảy ra trên tuyến cáp quang biển châu Á - Thái Bình Dương (Asia Pacific Gateway - APG).

Theo đó, vào tối 23/12/2017, tuyến cáp quang biển quốc tế APG nhánh từ Việt Nam đi Singapore đã gặp sự cố, làm ảnh hưởng khoảng 10% lưu lượng kết nối Internet từ Việt Nam đi quốc tế.

Ngay sau khi tuyến cáp biển APG gặp sự cố, VNPT đã chủ động tổ chức định tuyến, ưu tiên lưu lượng trên các hướng cáp biển khác đang hoạt động ổn định như AAE-1, SMW-3 và tuyến cáp quốc tế chạy trên đất liền CSC nhằm đảm bảo chất lượng kết nối quốc tế cho các khách hàng.

Bên cạnh đó, các đơn vị liên quan tăng cường tuần tra trên tuyến cáp chạy trên đất liền CSC để đảm bảo tuyến cáp hoạt động ổn định và xử lý kịp thời khi sự cố xảy ra. VNPT cũng đang tích cực phối hợp với các đối tác quốc tế để xác định rõ nguyên nhân sự cố và xử lý lỗi trong thời gian sớm nhất.

Cũng theo thông báo của VNPT, sự cố xảy ra trên tuyến cáp biển quốc tế AAG vào ngày 7/11 đã được khắc phục xong, khôi phục 100% dung lượng. Việc đưa tuyến cáp biển quốc tế AAG trở lại hoạt động giúp đơn vị này có thêm phương án để đảm bảo tốt hơn nữa chất lượng dịch vụ của khách hàng.

Cáp quang biển APG (Asia Pacific Gateway) có khả năng cung cấp băng thông tối đa lên tới 54 Tbps. Tuyến cáp có chiều dài khoảng 10.400 km đặt ngầm dưới biển Thái Bình Dương. Cáp có điểm kết nối ở Trung Quốc, Hong Kong, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Singapore, Thái Lan và Việt Nam. Trong năm 2017, đây là lần thứ hai tuyến cáp này gặp sự cố.