Hà Nội sẽ có bản đồ giao thông số hóa
Đó là một trong những nội dung đề cập trong bản thỏa thuận hợp tác chiến lược về Ứng dụng CNTT và Truyền thông trên địa bàn Hà Nội được ký kết giữa Tập đoàn FPT và UBND TP Hà Nội trong khuôn khổ Hội nghị “Hà Nội 2017 - Hợp tác đầu tư và Phát triển”. Tổng giá trị đầu tư của FPT là 2.200 tỷ đồng.
Theo thỏa thuận, FPT sẽ triển khai hệ thống giao thông thông minh cho TP Hà Nội và đề xuất theo mô hình cho thuê dịch vụ CNTT. Cụ thể, FPT sẽ chịu trách nhiệm mọi khâu từ đầu tư hệ thống, đảm bảo vận hành, bảo trì, bảo dưỡng... Tổng mức đầu tư xây dựng Hệ thống giao thông thông minh TP Hà Nội của FPT dự kiến là 1.700 tỷ đồng.
Hệ thống giao thông thông minh TP Hà Nội được FPT đề xuất đáp ứng yêu cầu về 10 chức năng chính theo Thông báo 484/TB-UBND ngày 29/5/2017. Cụ thể, Hệ thống thông tin giao thông phục vụ người tham gia giao thông và cơ quan quản lý nhà nước;
Hệ thống quản lý về kinh doanh, điều kiện kinh doanh và cấp Giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô; Hệ thống quản lý kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; Hệ thống điều khiển giao thông bằng đèn tín hiệu;
Hệ thống giám sát, xử lý vi phạm bằng hình ảnh; Hệ thống an ninh thông minh; Hệ thống quản lý, giám sát ô nhiễm môi trường giao thông; Hệ thông thu phí điều tiết, hạn chế các phương tiện giao thông vào một số khu vực nội đô theo hình thức tự động không dừng; Hệ thống phần mềm chỉ huy - điều hành giao thông thông minh; Hệ thống bảo mật và an toàn dữ liệu.
Xuất hiện "cơn bão" mã độc tống tiền mới
Theo ghi nhận, tại Ukraine đã xảy ra một sự cố nghiêm trọng về an ninh mạng khi hàng loạt máy tính của Chính phủ, hệ thống siêu Auchan, sân bay Boryspol và ngân hàng Privatbank đồng loạt bị dính mã độc đòi tiền chuộc. Đáng chú ý, các cuộc tấn công tương tự cũng xảy ra tại nhiều quốc gia khác như Đan Mạch, Nga, Pháp và Anh.
Theo xác định ban đầu của hãng bảo mật Kaspersky Lab, những vụ tấn công trên có thủ phạm là loại mã độc tên Petrwrap, đây là biến thể của mã độc tống tiền Petya từng bị phát hiện vào đầu năm nay. Đặc biệt nghiêm trọng hơn nếu biết hiện tại chỉ có 4/61 dịch vụ/chương trình diệt virus trên toàn cầu có thể phát hiện ra Petrwrap.
Hiện chưa rõ cách thức lây lan của Petrwrap nhưng theo một số hãng bảo mật nhiều khả năng mã độc này cũng khai thác lỗ hổng EternalBlue trên hệ điều hành Windows tương tự như với WannaCry.
Cũng giống "đồng nghiệp" sau khi lây nhiễm, Petrwrap sẽ mã hóa dữ liệu máy tính đồng thời đòi tiền giải mã là 300 USD bằng Bitcoin.
Phạt 280 triệu với 7 doanh nghiệp gửi tin nhắn rác
Thanh tra Bộ TT&TT xử phạt 7 doanh nghiệp có hành vi phát tán tin nhắn rác với số tiền 40 triệu đồng mỗi doanh nghiệp.
Theo Thanh tra Bộ TT&TT, 7 doanh nghiệp vừa xử phạt gồm: Công ty TNHH Quang Nhật; Công ty Cổ phần thương mại dịch vụ công nghệ Huy Hoàng; Công ty TNHH thương mại công nghệ Thanh Bình; Công ty TNHH HeKa...
Các doanh nghiệp này đã vi phạm quy định tại điểm b khoản 4 Điều 60 Nghị định 174 ngày ngày 13/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, CNTT và tần số vô tuyến điện.
Theo nhận định của Thanh tra Bộ TT&TT, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nội dung chủ yếu vi phạm trong số 4 hành vi: gửi, phát tán tin nhắn rác để quảng cáo dịch vụ trên đầu số cung cấp dịch vụ nội dung; cung cấp thông tin dự đoán trước kết quả xổ số khi cung cấp dịch vụ nội dung;
Cung cấp dịch vụ có nội dung cờ bạc, lô đề hoặc để phục vụ chơi cờ bạc, lô đề; không cung cấp công khai thông tin về giá cước trước khi tính cước người dùng gọi điện đến tổng đài 1900xxxx (cung cấp các dịch vụ thông tin, giải trí, thương mại).
Google dính án phạt 2,4 tỷ euro
Google đã nhận án phạt khoản tiền 2,4 tỉ Euro trong một diễn biến mới nhất sau khi cơ quan chống độc quyền châu Âu đưa ra phán quyết bước đầu trong cuộc điều tra thăm dò công cụ tìm kiếm lớn nhất thế giới.
Cuộc điều tra đã được bắt đầu từ cách đây 7 năm, sau khi Ủy ban Châu Âu EC nhận được rất nhiều đơn khiếu nại từ các công ty cạnh tranh ở cả Mỹ và châu Âu. Hầu hết khiếu kiện đều khẳng định rằng Google đã lạm dụng sự thống trị thị trường tìm kiếm trên Internet để tạo ra lợi thế vượt trội cho dịch vụ Google Shopping, từ đó tạo sự độc quyền ngay cả với khách hàng.
Ủy ban châu Âu (EC) cho biết Google có 90 ngày để chấm dứt các hoạt động cạnh tranh không lành mạnh hoặc phải chịu mức phạt lên tới 5% doanh thu trung bình hàng ngày của công ty mẹ của Google là Alphabet.
Trong một bài phát biểu trước báo chí, đại diện ủy viên của EU, bà Margrethe Vestager ca ngợi Google vì đã "đưa ra nhiều sản phẩm và dịch vụ công nghệ tiên tiến, giúp tạo ra sự khác biệt trong cuộc sống". "Tuy nhiên công ty không được phép lạm dụng sự thống trị thị trường bằng cách bóp nghẹt các đối thủ cạnh tranh và giữ lấy vị trí của mình."