Điểm nhấn công nghệ tuần: Hơn 9.300 cuộc tấn công mạng vào Việt Nam trong năm 2018

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nielsen: 98% người dùng internet Việt Nam mua hàng qua mạng; Việt Nam xếp thứ 3 trong Top 10 quốc gia bị kiểm soát bởi mạng botnet... là nội dung chú ý tuần qua.

Việt Nam xếp thứ 3 trong Top 10 quốc gia bị kiểm soát bởi mạng botnet
Trung tâm Ứng cứu sự cố máy tính Việt Nam - VNCERT, Bộ TT&TT cho biết, Việt Nam được xếp thứ 3 trong Top 10 quốc gia bị kiểm soát bởi mạng botnet (mạng máy tính ma), chỉ xếp sau Ấn Độ và Trung Quốc.
Hơn 9.300 cuộc tấn công mạng vào Việt Nam trong năm qua.
Bên cạnh đó, theo đại diện lãnh đạo VNCERT, trong năm 2018, hệ thống giám sát an toàn thông tin mạng quốc gia đặt tại Trung tâm này đã ghi nhận được gần 400 triệu sự kiện an toàn mạng, trong đó có hơn 175,5 triệu sự kiện mức độ cao; trên 146,5 triệu sự kiện mức độ trung bình và hơn 76,4 triệu sự kiện ở mức độ thấp.
Top 5 loại hình tấn công nhiều nhất gồm: Tấn công thu thập thông tin (25,46%), tấn công leo thang đặc quyền (4,29%), tấn công từ chối dịch vụ (2,93%), tấn công chiếm quyền điều khiển (2,81%) và tấn công mã độc (2,62%). Top 5 cổng dịch vụ bị tin tặc khai thác nhiều nhất là HTTPS (chiếm 16,34%), SMB (11,22%), HTTP (9,41%), DNS (3,46%) và SNMP (2,64%).

Tính từ đầu năm 2018 đến nay VNCERT cũng đã ghi nhận được 9.344 sự cố an toàn thông tin, trong đó loại hình Phishing là 2.499 sự cố, Deface là 5.018 sự cố và Malware là 1.764 sự cố.
Đại diện VNCERT cũng liệt kê 5 loại hình tấn công mạng phổ biến tại Việt Nam trong năm 2018, đó là: Mã độc nguy hiểm, đặc biệt là mã độc tống tiền - ransomware gia tăng tấn công, xuất hiện mã độc tống tiền tấn công vào các thiết bị di động như smartphone, máy tính bảng… và điện toán đám mây, nhiều loại mã độc có khả năng qua mặt các phần mềm chống virus hiện có.
Xuất hiện các cuộc tấn công có chủ đích APT nhắm vào cơ quan Chính phủ và các hệ thống hạ tầng trọng yếu như ngân hàng, điện lực, viễn thông, hàng không…
Gia tăng các cuộc tấn công vào website của các cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam; có nhiều cuộc tấn công mang màu sắc chính trị; Xu hướng sử dụng các mạng xã hội để phát tán mã độc, lừa đảo trúng thưởng, mạo danh đánh cắp thông tin; Khai thác và tấn công từ các thiết bị IoT như camera, smart device…
Nielsen: 98% người dùng internet Việt Nam mua hàng qua mạng
Báo cáo mới nhất của Nielsen về Thương mại điện tử Việt Nam năm 2018 cho biết nhu cầu sử dụng các sản phẩm công nghệ thông tin và di động tăng trong 2 năm qua khiến người tiêu dùng tiếp cận nhiều hơn với việc mua hàng trực tuyến.
Hầu hết người dùng internet Việt đều mua hàng qua mạng. Ảnh minh họa.
Cụ thể, trong số những người tiêu dùng truy cập vào Internet thì có đến 98% đã bỏ tiền để mua sắm trực tuyến, tăng 1% so với năm ngoái. Trong đó, các ngành hàng được người Việt quan tâm và chiếm tỷ trọng bán ra nhiều nhất trong từng danh mục là thời trang, du lịch, sách và âm nhạc.
Đại diện Nielsen cũng cho biết thêm trong năm qua, nhiều lĩnh vực khác cũng chứng kiến tăng trưởng đáng kể trong các giao dịch thương mại điện tử, nhất là giao hàng từ các nhà hàng, quán ăn với 24% người tiêu dùng online đã sử dụng.
Trong khi đó, dịch vụ hoàn trả tiền, miễn phí giao nhận cũng khuyến khích người tiêu dùng mua sắm online nhiều hơn, bởi có đến 63% khách hàng cho biết họ cảm thấy hài lòng khi được trả lại tiền nếu sản phẩm mua không đúng cái đã đặt, và hơn 50% người ưu tiên sản phẩm được “free ship” để tiết kiệm chi phí.
Cũng theo báo cáo, ranh giới giữa mua sắm trực tuyến và ngoại tuyến đang dần được xóa nhòa. Sau khi mở rộng danh mục sản phẩm mới, làn sóng phát triển tiếp theo trong xu hướng mua hàng trực tuyến có thể sẽ đến từ việc cải tiến kỹ thuật như đề xuất được cá nhân hoá cho người tiêu dùng dựa trên hành vi mua sắm có lập trình.
Mục tiêu được Bộ Công Thương đề ra trong kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2016-2020 là 30% dân số tham gia mua sắm trực tuyến với giá trị bình quân mỗi năm khoảng 350 USD một người.
Doanh số thương mại điện tử B2C (business to customer, giao dịch trực tiếp giữa doanh nghiệp và khách hàng) dự báo tăng 20% mỗi năm, đạt 10 tỷ USD và chiếm 5% tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng cả nước.
Doanh nghiệp Internet Mỹ phải bồi thường 62,5 triệu USD vì mạng chậm
Công ty cung cấp mạng Charter Communication đã trả lại tối thiểu 75 USD cho mỗi thuê bao tại New York. Tổng cộng có 7.000 khách hàng được đền bù, tương đương số tiền 62,5 triệu USD. Đây là mức phạt cao nhất trong lịch sử mà một nhà cung cấp dịch vụ Internet tại Mỹ phải trả.
Doanh nghiệp Mỹ bị phạt 62,5 triệu USD vì cung cấp mạng chậm. 
Nhà mạng này bị cáo buộc lừa dối khách hàng sử dụng dịch vụ Internet. Văn phòng Tổng chưởng lý New York đã khởi kiện Charter Communication vào năm ngoái vì tội cố tình cung cấp cho khách hàng tốc độ Internet chậm hơn so với cam kết.
Vụ kiện đã được đưa đến Tòa án Tối cao của New York kèm theo email giữa những nhà điều hành công ty. Nội dung cho thấy họ biết rõ việc không thể cung cấp tốc độ kết nối như đã cam kết với người dùng.
Đại diện tòa án New York đã gửi thông điệp mạnh mẽ đến các nhà cung cấp dịch vụ tại tiểu bang này:"Hãy thực hiện đầy đủ lời hứa, hoặc phải trả giá".

Vụ việc không chỉ gây thiệt hại hàng trăm triệu USD cho Charter Communication mà còn đặt ra tiêu chuẩn mới đối với các nhà mạng về tính trung thực trong quảng cáo dịch vụ.
Được biết, hệ thống cung cấp Internet này trước đây thuộc về Time Warner Cable. Năm 2016, Charter đã mua lại và đổi tên thành Spectrum Cable và tiến hành nhiều nâng cấp như thay thế modem, router Wi-Fi.