Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Điểm nhấn công nghệ tuần: Khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam phiên bản 2.0 sắp ra mắt

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam phiên bản 2.0 sắp ra mắt; Thủ tướng chỉ đạo nâng cao chỉ số Chính phủ điện tử của Việt Nam; Bộ Công Thương cảnh báo không đầu tư vào tiền ảo FuturoCoin do FutureNet mời chào... là nội dung chú ý tuần qua.

Khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam phiên bản 2.0 sắp ra mắt
 
Thông tin từ Văn phòng Chính phủ vừa cho hay, xét báo cáo của Bộ TT&TT về đánh giá mức độ ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước năm 2017, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương gương mẫu, đi đầu trong việc ứng dụng CNTT; chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc triển khai xây dựng Chính phủ điện tử, Chính quyền điện tử tại bộ, ngành, địa phương mình.
Người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương cũng được yêu cầu chỉ đạo tổ chức triển khai nghiêm túc và hiệu quả Quyết định 28 ngày 12/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước.
Phó Thủ tướng chỉ đạo Bộ Nội vụ khẩn trương ban hành Thông tư quy định quản lý văn bản đi, văn bản đến và lập hồ sơ, tài liệu điện tử và Thông quy định tiêu chuẩn dữ liệu đầu vào của tài liệu lưu trữ điện tử trong quý IV/2018.
Bộ Nội vụ cũng có trách nhiệm phối hợp với Văn phòng Chính phủ và Bộ TT&TT nghiên cứu, đề xuất phương án điều chỉnh, bổ sung tiêu chí trong đánh giá chỉ số cải cách hành chính (Par Index) bảo đảm tăng cường gắn kết cải cách hành chính với ứng dụng CNTT, xây dựng Chính phủ điện tử và triển khai có hiệu quả Nghị định 61 ngày 23/4/2018 của Chính phủ về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo Bộ TT&TT chủ động phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ KH&ĐT, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan đề xuất giải pháp tháo gỡ những khó khăn về cơ chế tài chính cho phát triển ứng dụng CNTT, xây dựng Chính phủ điện tử để hoàn thiện và trình Chính phủ ban hành Nghị định thay thế Nghị định 102 ngày 6/11/2009 của Chính phủ về quản lý đầu tư ứng dụng CNTT sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước và Quyết định 80 ngày 30/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ quy định thí điểm về thuê dịch vụ CNTT trong cơ quan nhà nước, trong tháng 10/2018. Đẩy nhanh thời điểm công bố báo cáo đánh giá mức độ ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước định kỳ hàng năm chậm nhất trong quý I năm tiếp theo.
Bộ TT&TT còn được giao chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các cơ quan có liên quan xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam cập nhật (phiên bản 2.0) theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo 232 ngày 28/6/2018 của Văn phòng Chính phủ, trong tháng 11/2018. Đồng thời, khẩn trương trình Chính phủ hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị định về định danh điện tử cho cá nhân, tổ chức và Nghị định về chia sẻ thông tin giữa các cơ quan, tổ chức trong tháng 10/2018.
Liên quan đến ý kiến chỉ đạo nêu trên của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, tại Thông báo ngày 28/6 của Văn phòng Chính phủ truyền đạt kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp ngày 14/5/2018 về xây dựng Chính phủ điện tử, Thủ tướng đã giao Bộ TT&TT xây dựng Kiến trúc Chính phủ điện tử cập nhật (phiên bản 2.0) hướng tới Chính phủ số và dữ liệu mở tiếp cận Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đáp ứng được các yêu cầu về quản lý, điều hành của Chính phủ trong giai đoạn mới; phối hợp với Văn phòng Chính phủ nghiên cứu, xây dựng các Nghị định về định danh điện tử cho cá nhân, tổ chức; chia sẻ thông tin giữa các cơ quan, tổ chức, trình Chính phủ trong năm 2019.
Thủ tướng chỉ đạo nâng cao chỉ số Chính phủ điện tử của Việt Nam
 
Ngày 14/8, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về việc nâng cao chỉ số Chính phủ điện tử của Việt Nam theo phương pháp đánh giá của Liên hợp quốc.
Theo đó, xét báo cáo của Văn phòng Chính phủ về một số nội dung trong Báo cáo phát triển Chính phủ điện tử năm 2018 của Liên hợp quốc, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai nghiêm túc và hiệu quả các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 theo Quyết định 846 ngày 9/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 thực hiện tại các bộ, ngành, địa phương năm 2017 và Quyết định 877 ngày 18/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 để các bộ, ngành, địa phương thực hiện trong các năm 2018 – 2019.
Các Bộ, ngành, địa phương cũng được yêu cầu phải nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến, trong đó ưu tiên các dịch vụ công thiết yếu; triển khai hiệu quả Nghị định 61 ngày 23/4/2018 của Chính phủ về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính, bảo đảm mỗi Bộ, ngành, địa phương chỉ có một Cổng dịch vụ công tập trung, thuận tiện cho người dân, doanh nghiệp khai thác và sử dụng.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo Bộ TT&TT thực hiện rà soát, đánh giá chỉ số thành phần hạ tầng viễn thông của Việt Nam theo phương pháp đánh giá Chính phủ điện tử của Liên hợp quốc và đề xuất các giải pháp để cải thiện chỉ số này, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 1/9/2018.
Bộ GD&ĐT được yêu cầu phải kịp thời cung cấp đầy đủ thông tin mới nhất về chỉ số thành phần nguồn nhân lực của Việt Nam cho các tổ chức quốc tế liên quan theo phương pháp đánh giá Chính phủ điện tử của Liên hợp quốc; tiếp tục triển khai các giải pháp để nâng cao chỉ số này.
Trước đó, trong bài viết có tựa đề “Xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số và nền kinh tế số ở Việt Nam” được đăng tải trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ ngày 9/8/2018, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã cho biết: “…tổng quan có thể thấy, việc triển khai Chính phủ điện tử chưa đạt được như mong muốn của lãnh đạo Đảng, lãnh đạo Chính phủ.
Vị trí của Việt Nam trong Bảng xếp hạng Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử của Liên Hợp Quốc vẫn ở mức trung bình, theo báo cáo mới nhất của Liên Hợp Quốc, 2 năm qua, chúng ta tăng 1 bậc, đang xếp thứ 88 trong tổng số 193 quốc gia và lãnh thổ được đánh giá. Trong khu vực ASEAN, Việt Nam chỉ được xếp hạng khiêm tốn ở vị trí thứ 6”.
Cũng theo đánh giá của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, kết quả triển khai nhiều nhiệm vụ về Chính phủ điện tử còn rất chậm và nhiều nơi thực hiện mang tính hình thức.
Việc xây dựng triển khai các cơ sở dữ liệu quốc gia, hạ tầng CNTT làm nền tảng phục vụ phát triển Chính phủ điện tử rất chậm so với tiến độ cần có; các hệ thống thông tin dữ liệu còn cục bộ, chưa có kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống thông tin; chất lượng dữ liệu và thông tin chưa được cập nhật kịp thời, chính xác; nhiều hệ thống thông tin đã triển khai chưa bảo đảm an toàn, an ninh thông tin, mức độ tin cậy của quốc gia trong giao dịch điện tử thấp.
Việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến còn chạy theo số lượng trong khi tỷ lệ hồ sơ thực hiện dịch vụ công trực tuyến còn rất thấp; việc giải quyết thủ tục hành chính và xử lý hồ sơ công việc còn mang nặng tính thủ công, giấy tờ. Còn những rào cản trong cơ chế đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin gây khó khăn cho các doanh nghiệp trong triển khai các dự án. Điều này dẫn đến tình trạng nhiều lãnh đạo Chính phủ, bộ, ngành, địa phương còn chưa có đầy đủ thông tin dữ liệu số của các đối tượng mình quản lý.
Theo dự thảo “Nghị quyết về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến 2025”, Việt Nam đặt mục tiêu hết năm 2020 sẽ nằm trong Nhóm 4 quốc gia đứng đầu ASEAN về Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử của Liên hợp quốc.
Bộ Công Thương cảnh báo không đầu tư vào tiền ảo FuturoCoin do FutureNet mời chào
 

Theo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công Thương, thời gian gần đây, mạng Internet xuất hiện nhiều nội dung giới thiệu về cách làm giàu và kiếm tiền online bằng FutureNet trên các diễn đàn, website như: kiemtienfuturenet.com; futurenet.vn; getrich.vn; futurenet.edu.vn; meodautu.com/cach-kiem-tien-thu-dong-voi- futurenet…

Các trang điện tử này đều đề cập đến việc người tham gia có thể có thêm nguồn thu nhập thụ động trung bình hàng ngàn USD mỗi tháng thông qua mạng xã hội của FutureNet.

Một trong số nguồn thu nhập đó là tiền thưởng và hoa hồng đến từ việc tuyển dụng, xây dựng hệ thống tuyến dưới cùng tham gia đầu tư.

Ngoài ra, hoạt động của các thành viên FutureNet còn bao gồm việc đầu tư FuturoCoin, một đồng tiền kỹ thuật số được giới thiệu hoạt động dựa trên các công nghệ y hệt Bitcoin và có khả năng phát triển như Bitcoin.

Các hoạt động tuyển dụng người tham gia FutureNet thường được tổ chức thông qua hình thức hội thảo đầu tư hoặc chia sẻ kinh nghiệm làm giàu.

"Hoạt động quảng cáo và phát triển mạng lưới của FutureNet có dấu hiệu là hoạt động tổ chức kinh doanh theo phương thức đa cấp khi chưa được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp", Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng nêu rõ.

Do đó, để tránh rủi ro về vật chất và pháp lý cho người dân, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng khuyến cáo người dân không tham gia hoạt động đầu tư và phát triển mạng lưới của FutureNet.

Theo Điều 217a Bộ luật hình sự sửa đổi năm 2017, người nào tổ chức hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp mà chưa có giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp có thể bị xử lý hình sự về tội vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp.

Sendo được đầu tư 51 triệu USD
 
Nikkei Asia Review hôm nay cho biết, SBI Holdings - tập đoàn tài chính Nhật Bản và một số công ty khác có trụ sở tại châu Á sẽ đầu tư tổng cộng 51 triệu USD vào Sendo Technology - nền tảng thương mại điện tử của Việt Nam.
Theo đại diện Sendo, thương vụ này có sự góp mặt của tám nhà đầu tư, trong đó có bốn nhà đầu tư mới gồm SBI Nhật Bản, SoftBank Ventures Korea, Daiwa PI Partners và SKS Ventures, bên cạnh các nhà đầu tư hiện hữu của Sendo là Tập đoàn FPT, eContext Asia, BeeNext và Beenos. Tuy nhiên, giá trị đầu tư chi tiết của từng đơn vị không được tiết lộ.
Sendo, ra mắt năm 2012, là một nền tảng trực tuyến dành cho cá nhân và những doanh nghiệp nhỏ bán hàng hóa, tương tự như Mercari của Nhật Bản. Công ty này trở thành một trong những doanh nghiệp thương mại điện tử lớn nhất Việt Nam, với 10 triệu sản phẩm từ 300.000 người bán khác nhau.
Tổng giá trị giao dịch trên nền tảng này trong ba năm gần nhất đã tăng gấp gần 20 lần. Sendo sẽ sử dụng một phần vốn mới huy động để mở rộng dịch vụ, hướng tới mục tiêu nâng tổng giá trị giao dịch đạt 1 tỷ USD vào năm 2020.
Thị trường thương mại điện tử của Việt Nam đang tăng trưởng với tốc độ bình quân khoảng 30% mỗi năm. "Người khổng lồ" Amazon cũng đang cho thấy những tín hiệu về việc xuất hiện tại thị trường này.
Theo Nikkei, các nhà đầu tư muốn dùng những công nghệ và kiến thức của họ để thúc đẩy sự phát triển của Sendo. SBI đang đầu tư vào các công ty về fintech trên khắp châu Á, còn Beenos sẽ cung cấp hiểu biết về thương mại điện tử mà họ có cho nền tảng này. Hãng tin này cũng cho biết, các nhà đầu tư kỳ vọng sẽ thu hồi khoản đầu tư vào Sendo thông qua một vài lựa chọn, như đưa nền tảng này trở thành công ty đại chúng.
Năm 2014, Sendo cũng nhận gần 2 tỷ yen (khoảng 18 triệu USD) từ nhiều công ty Nhật Bản, bao gồm cả SBI Holding. Tốc độ tăng trưởng ổn định kể từ đó đến nay đã thúc đẩy thêm nhiều đơn vị khác tham gia đầu tư vào nền tảng này.