Lập Ban Chỉ đạo Đề án phát triển Hệ tri thức Việt số hóa
Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định 494/QĐ-TTg thành lập Ban Chỉ đạo Đề án "Phát triển Hệ tri thức Việt số hóa". Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam làm Trưởng Ban chỉ đạo.
Ngày 1/1/2018, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và lãnh đạo một số bộ ngành cùng nhấn nút khởi động Hệ tri thức Việt số hoá. Ảnh: VGP/Đình Nam. |
3 Phó Trưởng Ban Chỉ đạo gồm: Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh; Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) Nguyễn Mạnh Hùng; Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh Lê Quốc Phong.
Các Ủy viên Ban chỉ đạo gồm lãnh đạo: Văn phòng Chính phủ; Bộ Thông tin và Truyền thông; Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ Y tế; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bộ Tư pháp; Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam; Viện Hàn lâm Khoa học và Xã hội Việt Nam; Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam; Đại học Quốc gia Hà Nội.
Ban chỉ đạo có chức năng tham mưu, giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, đôn đốc, phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương, tổ chức thực hiện có hiệu quả Quyết định số 677/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 18/5/2017 về việc phê duyệt Đề án "Phát triển Hệ tri thức Việt số hóa".
Ban chỉ đạo giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, điều phối, đôn đốc hoạt động triển khai thực hiện Đề án "Phát triển Hệ tri thức Việt số hóa" trên phạm vi toàn quốc, các ngành, các lĩnh vực, theo khu vực và vùng miền.
Bên cạnh đó, nghiên cứu, đề ra chủ trương, giải pháp huy động các nguồn lực, tập hợp lực lượng, đặc biệt là các doanh nghiệp tham gia xây dựng Hệ tri thức Việt số hóa; chỉ đạo việc tổ chức các cuộc thi, các đợt phát động, các hoạt động vinh danh cá nhân, tổ chức và cộng đồng. Từng bước đẩy mạnh các hoạt động này thành phong trào toàn dân.
Đồng thời, chỉ đạo đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về vị trí, vài trò của Hệ tri thức Việt số hóa trong sự nghiệp xây dựng, phát triển các ngành, lĩnh vực trong bối cảnh cuộc cách mạng Công nghiệp lần thứ 4.
Các thành viên Ban chỉ đạo làm việc theo chế độ kiêm nhiệm. Nhiệm vụ cụ thể của các thành viên do Trưởng Ban chỉ đạo phân công.
Xuất hiện mã độc đào tiền ảo mới lây lan qua Facebook Messenger
Các nhà nghiên cứu bảo mật từ hãng Trend Micro đã phát đi cảnh báo về một loại mã độc mới đang phát tán qua Facebook Messenger nhắm đến đối tượng là những người có tham gia chơi tiền ảo nhằm đánh cắp tài khoản của họ.
Mã độc này có tên là FacexWorm, núp bóng dưới dạng một tiện ích mở rộng của trình duyệt Chrome. FacexWorm hoạt động bằng cách gửi liên kết qua Facebook Messenger tới bạn bè của tài khoản Facebook bị ảnh hưởng để chuyển hướng nạn nhân đến phiên bản giả mạo của các trang web phát trực tuyến video phổ biến như YouTube.
Nếu liên kết video độc hại được mở bằng trình duyệt Chrome, FacexWorm sẽ chuyển hướng nạn nhân đến trang YouTube giả mạo. Tiếp đó, người dùng được khuyến khích tải xuống tiện ích mở rộng kiểu như một chương trình giải mã để Chrome tiếp tục phát video.
Nếu người dùng làm theo, FacexWorm sẽ được cài đặt vào máy và nó sẽ tự động tải xuống thêm nhiều thành phần khác từ máy chủ điều khiển từ xa để thực hiện các yêu cầu của kẻ tấn công.
Tới thời điểm hiện tại, các chuyên gia tại Trend Micro đã phát hiện FacexWorm can thiệp ít nhất một giao dịch Bitcoin trị giá 2,49 USD. Và không thể thống kê số tiền tin tặc kiếm được từ việc khai thác tiền ảo thông qua trang web người dùng truy cập.
Các đồng tiền số FacexWorm nhắm đến gồm Bitcoin (BTC), Bitcoin Gold (BTG), Bitcoin Cash (BTH), Dash (DASH), ETH, Ethereum Classic (ETC), Ripple (XRP), Litecoin (LTC), Zcash (ZEC) và Monero (XMR).
Các quốc gia và vùng lãnh thổ đã phát hiện virus này bao gồm: Đức, Tinisia, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc và Tây Ban Nha.
Chrome Web Store đã xóa nhiều tiện ích mở rộng độc hại trước khi được các nhà nghiên cứu Trend Micro thông báo, nhưng tin tặc tiếp tục đăng tải chúng lên lại. Facebook Messenger cũng nỗ lực ngăn chặn các liên kết độc hại và khóa những tài khoản bị ảnh hưởng.
Nhưng việc ngăn chặn vấn nạn spam Facebook chỉ có thể hiệu quả trong trường hợp người dùng nâng cao cảnh giác khi thấy những đường dẫn đáng nghi ngờ.
iPad 2018 chính thức lên kệ, giá từ 10 triệu đồng
Mẫu iPad 9,7 inch phiên bản 2018 bắt đầu bán chính hãng tại thị trường Việt Nam, phiên bản thấp nhất có giá khởi điểm từ 10 triệu đồng.
Ra mắt cuối tháng 3 với giá khởi điểm từ 299 USD tại Mỹ, mẫu iPad 9,7 inch phiên bản 2018 là sản phẩm có giá bán thấp nhất trong số các tablet hiện nay của Apple, thậm chí còn thấp hơn cả iPad Mini 4.
Tại Việt Nam, iPad 2018 vừa bắt đầu có mặt trên kệ hàng chính hãng với giá niêm yết 9,99 triệu đồng cho phiên bản 32GB, chỉ hỗ trợ Wi-Fi. Phiên bản cao nhất, dung lượng 128GB, hỗ trợ 4G, được định giá 14,99 triệu đồng. Trong đợt hàng đầu, giá bán của hàng chính hãng còn được giảm 500.000 đồng nhưng vẫn cao hơn ở thị trường xách tay khoảng 500.000 đến 1 triệu đồng.
Về thiết kế, iPad 2018 kế thừa vẻ đẹp nhỏ gọn, chắc tay của thế hệ đàn anh đã ra mắt từ năm 2017. Với kích thước màn hình 9,7 inch, dày 7,5mm và nặng 453g, sản phẩm được đánh giá là gọn nhẹ, dễ di chuyển.
Ngoài ra, sản phẩm này còn được trang bị màn hình có thể làm việc với Apple Pencil, điều mà trước đây chỉ có ở các sản phẩm của dòng iPad Pro. Nhờ đó, nó có thể thay thế các thiết bị như Wacom, bản vẽ... chuyên dành cho những nhà thiết kế trong các lĩnh vực nghệ thuật như đồ họa, thời trang, kiến trúc...
So với thế hệ năm ngoái, phiên bản mới sở hữu chip xử lý A10 Fusion 4 nhân, tốc độ ước đạt 2.3GHz (tương đương iPhone 8 và 8 Plus) cho khả năng xử lý nhanh chóng, tốc độ CPU nhanh hơn 40%, GPU nhanh hơn 50% và không thua kém nhiều so với iPad Pro - sản phẩm vốn có mức giá cao hơn hẳn.
Ngoài ra, iPad 9,7 inch 2018 còn sử dụng hệ điều hành mới nhất của Apple hiện nay - iOS 11.3 với rất nhiều tính năng mới được nâng cấp thêm.
Chuỗi bán lẻ của Thế Giới Di Động chiếm 50% thị trường
Đại diện Cty CP Đầu tư Thế Giới Di Động (MWG), cho biết thị phần bán lẻ điện thoại di động hiện nay của chuỗi Thế Giới Di Động và Điện máy Xanh đã bằng với tất cả các kênh bán lẻ khác cộng lại. Nói một cách khác, chuỗi bán lẻ này chiếm khoảng 50% thị phần, tức cứ 2 điện thoại bán ra tại Việt Nam thì có một chiếc của Thế Giới Di Động.
Trong buổi họp với các nhà phân tích chứng khoán về kết quả kinh doanh công ty quý I/2018 mới đây, lần đầu tiên chuỗi này công bố thị phần bán lẻ. Theo đó, về điện thoại di động và máy tính bảng, năm 2015 hệ thống này chiếm 30% thị phần, tăng lên 40% thị phần vào năm sau đó, và đạt 43% thị phần vào năm 2017. Số liệu của MWG dựa vào nguồn GfK cộng với số liệu nội bộ.
Theo số liệu công bố, năm 2017 Thế Giới Di Động chiếm 43% thị phần bán lẻ điện thoại và máy tính bảng. Các chuỗi khác chiếm 37%, còn các cửa hàng độc lập chiếm 20%. Ở mảng hàng điện tử tiêu dùng, chuỗi Điện máy Xanh chiếm 30% thị phần năm 2017, tăng so với 19% năm 2016 và chỉ vỏn vẹn 7% năm trước đó.
Đến thời điểm hiện tại có thể nói thị phần bán lẻ di động của Thế Giới Di Động bằng tất cả các kênh bán lẻ khác cộng lại.
Theo báo cáo, MWG ghi nhận doanh thu Quý 1/2018 đạt 22.764 tỷ đồng, tăng trưởng 46% so với cùng kỳ, và lợi nhuận sau thuế đạt 808 tỷ đồng, tăng trưởng 45%. So với kế hoạch cả năm 2018, công ty đã hoàn thành 26% mục tiêu doanh thu và 31% mục tiêu lợi nhuận sau thuế.
Với cơ cấu doanh thu, Điện máy Xanh đóng góp lớn nhất vào doanh thu của Công ty với 12.591 tỷ đồng, tăng 84% so với cùng kỳ và góp đến 55% vào tổng doanh thu. Đặc biệt doanh thu chuỗi Bách Hoá Xanh tăng trưởng mạnh đến 331% đạt 606 tỷ đồng. Trái lại chuỗi thegioididong.com đang rơi vào tình trạng bão hoà khi doanh thu chỉ còn tăng 6% so với quý I/2017 lên 9.554 tỷ đồng.
Kênh bán hàng online đã mang về 2.781 tỷ đồng doanh thu cho Công ty trong quý I, tăng 133% và chủ yếu tập trung ở giao dịch tại thegioididong.com.
Tính đến hết quý I, Thế giới Di động có tổng cộng 2.146 cửa hàng với 1.071 chuỗi thegioididong.com, 711 cửa hàng Điện máy Xanh, 335 cửa hàng Bách Hoá Xanh và 9 cửa hàng BigPhone ở Campuchia.