Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Điểm nhấn công nghệ tuần: Sẽ ngăn chặn các game online vi phạm pháp luật Việt Nam

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bộ TT&TT khẳng định sẽ ngăn chặn các game online vi phạm pháp luật Việt Nam; Việt Nam triển khai IPv6 đứng đầu ASEAN; Tên miền của Zalo bị đề nghị thu hồi... là nội dung chú ý tuần qua.

Sẽ ngăn chặn các game online vi phạm pháp luật Việt Nam
Theo thông tin từ Cục PTTH&TTĐT, trong năm 2018, Cục PTTH&TTĐT đã cấp giấy phép phê duyệt kịch bản cho 175 game online phát hành tại Việt Nam, trong đó có 95% game được sản xuất tại Trung Quốc, con số giấy phép này cao hơn 20% so với số game được cấp phép năm 2017.
 Ảnh minh họa
Qua rà soát, thống kê, Cục PTTH&TTĐT phát hiện một số trò chơi điện tử phát hành phát hành xuyên biên giới vào thị trường Việt Nam thông qua App Store và Google Play Store, có hành vi phạm các quy định của pháp luật Việt Nam.
Cụ thể: Game có yếu tố cờ bạc, đổi thưởng; game có nội dung bạo lực, hình ảnh hở hang, dung tục, vi phạm thuần phong mỹ tục của Việt Nam; game xuyên tạc và vi phạm lịch sử của Việt Nam; game dù không có nội dung vi phạm nhưng lại phát hành không phép.
Sau khi xác định các game vi phạm, Bộ sẽ thực hiện các biện pháp xóa, chặn ứng dụng game khỏi Google Play Store, App Store, đồng thời thực hiện các biện pháp chặn dòng tiền thanh toán cho game.
Trong thời gian từ năm 2017 đến nay, Bộ TT&TT đã thiết lập cơ chế phối hợp với Google, Apple và Facebook trong việc chặn, gỡ hoặc dừng quảng cáo cho các game không phép phát hành xuyên biên giới vào Việt Nam.
Tính đến thời điểm hiện nay, trên 2 chợ ứng dụng đã gỡ bỏ tổng cộng 142 game vi phạm phát hành không phép vào thị trường Việt Nam, trong đó có 104 game cờ bạc đổi thưởng, 38 game có nội dung bạo lực.
Phía cục PTTH&TTĐT cho biết, những điều kiện để doanh nghiệp nước ngoài phát hành game vào Việt Nam, đó là: Game cung cấp vào thị trường Việt Nam là phải được cấp phép, Chính phủ Việt Nam kiên quyết không chấp nhận game phát hành xuyên biên giới, thu tiền tại Việt Nam mà không được cấp phép.
Điểm thứ hai mà các doanh nghiệp nước ngoài cần lưu ý, game muốn hoạt động tại Việt Nam phải hợp tác với 1 doanh nghiệp ở Việt Nam để được cấp phép hoạt động theo quy định. Vừa qua có một số game đến từ Trung Quốc, Hàn Quốc phát hành xuyên biên giới vào Việt Nam có những biểu hiện vi phạm pháp luật Việt Nam dẫn đến cơ quan chức năng phải thực hiện biện pháp ngăn chặn.
Trong số các game mà Google và Apple gỡ bỏ thì đa số mang các nội dung như dung tục, hở hang, khiêu dâm, bạo lực, nhiều hình ảnh không phù hợp với đạo đức, thuần phong mỹ tục của Việt Nam, hoặc có nội dung xuyên tạc lịch sử Việt Nam.
Nếu những game này xin giấy phép thì cơ quan nhà nước Việt Nam cũng sẽ yêu cầu nhà sản xuất phải loại bỏ các hình ảnh hở hang quá mức, hình ảnh giết người ghê rợn. Những game cổ trang, lịch sử có nội dung kịch bản game không đúng với quan điểm chính thống về lịch sử Việt Nam cũng không được cấp phép.
Việt Nam triển khai IPv6 đứng đầu ASEAN
Theo báo cáo sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và phương hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2019 của Bộ TT&TT, lĩnh vực ICT sẽ là nền tảng và hạt nhân của chuyển đổi số, nâng cao thứ hạng Internet Việt Nam trên trường quốc tế.
 Ảnh minh họa

Một trong những kết quả nổi bật trong năm vừa qua là Việt Nam đã vươn lên đứng đầu ASEAN, thứ hai châu Á và thứ 5 trên thế giới về chuyển đổi toàn bộ mạng Internet sang IPv6 với tỉ lệ triển khai IPv6 đạt 38,98%.
Việc chuyển đổi toàn bộ mạng Internet sang IPv6 không chỉ phản ánh hiện trạng phát triển Internet quốc gia, góp phần khẳng định vị thế Việt Nam trên trường quốc tế mà còn thể hiện mục tiêu cao, sứ mạng mới gắn liền với ứng dụng công nghệ cao trong phát triển Internet an toàn, bền vững.
Thống kê của Trung tâm thông tin mạng Châu Á – Thái Bình Dương (APNIC) cho thấy tỉ lệ ứng dụng IPv6 tại Việt Nam đã tăng trưởng hơn 300% chỉ trong vòng gần 3 năm, từ dưới 1% trong năm 2016 tăng lên đến 39,41% trong tháng 7/2019.
Chỉ riêng trong 6 tháng đầu năm 2019, tỉ lệ ứng dụng IPv6 tại Việt Nam đã tăng đến 15% với hơn 16 triệu người sử dụng IPv6. Trong khi đó, tỉ lệ ứng dụng IPv6 chung toàn cầu hiện mới đạt 22,98%. Với kết quả này, Việt Nam hiện xếp thứ nhất Đông Nam Á, thứ 2 Châu Á và thứ 5 trên thế giới về tỉ lệ ứng dụng IPv6 (sau Ấn Độ, Hoa Kỳ, Bỉ, Đức).
Địa chỉ IPv6 là phiên bản địa chỉ và giao thức Internet thế hệ mới được triển khai sử dụng để thay thế nguồn IPv4 đã cạn kiệt và đáp ứng yêu cầu công nghệ giai đoạn mới.
IPv6 là giao thức mặc định trong mạng di động 4G/LTE, 5G và là công nghệ tối ưu cho cơ sở hạ tầng đám mây (cloud). Việc chuyển đổi IPv6 tại Việt Nam gắn liền với công cuộc chuyển đổi số.
Trước khi tiến tới các thành phố thông minh và chính phủ điện tử, hạ tầng và nguồn tài nguyên Internet quốc gia cần sẵn sàng về kết nối, đảm bảo các yêu cầu về an toàn an ninh phục vụ cho việc triển khai các công nghệ sẽ bùng nổ trong tương lai như Internet vạn vật (IoT), big data, trí tuệ nhân tạo (AI),...
Theo thống kê của APNIC, Tập đoàn Viễn thông – Công nghiệp Quân đội (Tập đoàn Viettel) hiện đang đẫn đầu công tác chuyển đổi IPv6 tại Việt Nam với tỉ lệ chuyển đổi khoảng 53,28% (4,2 triệu thuê bao FTTH và 7,6 triệu thuê bao di động 3G/4G).
Theo sau là các doanh nghiệp Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (Tập đoàn VNPT), Tổng Công ty Viễn thông Mobifone (Mobifone) và Công ty Cổ phần Viễn thông FPT (FPT Telecom), với kết quả ứng dụng IPv6 lần lượt là 39,25% (5 triệu thuê bao FTTH và 2,5 triệu thuê bao di động 3G/4G), 37,40% (5 triệu thuê bao di động) và 30,11% (1,5 triệu thuê bao FTTH). Riêng Mobifone, trong 6 tháng đầu năm 2019, tỉ lệ ứng dụng IPv6 của đơn vị đã tăng đột phát, từ 0.3% lên 37,4%.
Hiện tại, Tập đoàn Viettel, Tập đoàn VNPT, Mobifone đang nghiên cứu thử nghiệm triển khai IPv6 cho mạng di động 5G và xây dựng kế hoạch chuyển đổi mạng lưới sang mạng thuần IPv6 (IPv6 only).
Đối với mảng dịch vụ nội dung số, Cloud, IDC, Hosting, một số doanh nghiệp đã triển khai các ứng dụng IPv6 và bắt đầu có tỉ lệ chuyển đổi trên hệ thống đo kiểm quốc tế như Công ty TNHH Truyền hình cáp Saigontourist, Công ty CMC Telecom, Công ty NetNam,…
Tại khối cơ quan Nhà nước, tính tới thời điểm hiện tại, đã có hơn 34 cổng thông tin điện tử dưới tên miền .gov.vn đã hoạt động với IPv6.
Trong 6 tháng đầu năm 2019, các Sở TT&TT trên các khu vực miền Bắc, miền Nam, miền Trung và Tây Nguyên đã được tập huấn về IPv6. Một số đơn vị đã chủ động đề xuất chương trình làm việc trực tiếp với Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) – Thường trực Ban Công tác thúc đẩy phát triển IPv6 quốc gia để được tư vấn về xây dựng kế hoạch và cách thức triển khai công nghệ IPv6.
Việc triển khai tốt IPv6 là dấu hiệu cho thấy Việt Nam đang bắt kịp đúng xu thế phát triển toàn cầu, sẵn sàng “chuyển mình” vươn lên trở thành một trong những quốc gia có tốc độ phát triển Internet cao trên thế giới.
Tên miền của Zalo bị đề nghị thu hồi
Chánh thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông TP Hồ Chí Minh, cho biết ngày 27/6 đã gửi văn bản yêu cầu các nhà đăng ký và quản lý tên miền tại Việt Nam dừng cung cấp hai tên miền là Zalo.vn và Zalo.me thuộc sở hữu của công ty VNG. Lý do là bởi hai tên miền hoạt động như mạng xã hội nhưng không xin phép.
 Ảnh minh họa
Văn bản nói trên cũng đi kèm quyết định xử phạt hành chính với VNG. Các bên liên quan được yêu cầu phải dừng cung cấp tên miền trước ngày 19/7. Tuy nhiên, tới hôm nay, cả hai tên miền này vẫn hoạt động và có giao diện tải về ứng dụng hoặc dùng trực tiếp trên trình duyệt web.
Trước đó vào năm 2018, Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông TP HCM cũng ra văn bản xử phạt hành chính với lỗi hoạt động mạng xã hội không phép của Zalo. Đơn vị chủ quản là VNG khi đó cũng đã tiến hành nộp phạt.
Theo ông Thọ, cơ quan quản lý đã tạo điều kiện, thời gian để Zalo kịp thời bổ sung các giấy tờ cấp phép cần thiết nhưng họ vẫn không chấp hành nên mới có văn bản thứ hai. Việc xử lý Zalo, theo ông, là để tạo sự công bằng trong quản lý nhà nước bởi các nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội khác đều có giấy phép đầy đủ trước khi ra cộng đồng. Tập đoàn VNG và bộ phận phụ trách Zalo chưa có ý kiến gì về việc này.
Zalo Group (thuộc VNG) trước đó đều khẳng định với giới truyền thông rằng Zalo là một ứng dụng OTT đơn thuần. Tuy nhiên, ông Thọ cho biết cơ quan nhà nước chỉ quản lý theo mô hình hoạt động và không có quy định về quản lý OTT. Phương thức hoạt động hiện nay của Zalo rất giống mạng xã hội nên cần phải phải xin đúng giấy phép.
Zalo xuất phát là một ứng dụng dạng OTT, cho phép gửi, nhận tin nhắn, gọi điện thông qua Internet nhưng gắn với số điện thoại cá nhân. Sau đó ứng dụng phát triển thêm các mục như trang thông tin cá nhân riêng, có thể đăng trạng thái, ảnh, video cũng như tương tác với bạn bè trực tiếp. Hiện Zalo tiếp tục phát triển theo mô hình siêu ứng dụng tại Việt Nam. Người dùng có thể xem tin tức, mua sắm, dịch vụ giao đồ ăn nhanh, đặt xe... trực tiếp trên phần mềm này. Người dùng cũng có thể sử dụng phiên bản web của Zalo.
Việt Nam bị tấn công mạng ngoại tuyến nhiều nhất Đông Nam Á
Trong quý 2 năm 2019, hãng bảo mật Kaspersky cho biết đã phát hiện gần 100 triệu mối đe dọa tấn công mạng ngoại tuyến đối với người dùng Việt Nam.
 Ảnh minh họa
Các mối đe dọa ngoại tuyến này diễn ra khi người dùng không trực tiếp kết nối Internet. Chúng được thực hiện khi mã độc lây lan qua USB, CD, DVD và các phương thức ngoại tuyến khác.
Với gần 100 triệu mối đe dọa tấn công mạng ngoại tuyến trong quý 2 vừa qua, Việt Nam được xếp vị trí đầu tiên ở Đông Nam Á và vị trí thứ 30 trên thế giới về các vụ tấn công ngoại tuyến.
Cũng trong quý 2, Kaspersky đã phát hiện gần 20 triệu sự cố mạng trực tuyến, tương ứng với 27,7% người dùng tại Việt Nam bị tấn công bởi các mối đe dọa từ Internet. Đối với tấn công trực tuyến, tấn công thông qua trình duyệt là phương thức phổ biến được tội phạm mạng thường sử dụng để phát tán mã độc.
Ông Yeo Siang Tiong, tổng giám đốc của Kaspersky Đông Nam Á, cho biết, so với năm ngoái, số lượng các mối đe dọa trực tuyến và ngoại tuyến tại Việt Nam đều giảm. Kết quả này có được nhờ sự quan tâm của Chính phủ Việt Nam trong thời gian gần đây đối với an ninh mạng, và đây cũng là điều kiện tiên quyết để Việt Nam thành công trong mục tiêu chuyển đổi kỹ thuật số. Chiến lược chuyển đổi số quốc gia được dự định tiến hành vào năm 2019 có thể giúp cải thiện an ninh mạng tại Việt Nam trong tương lai.
Hiện tại, Việt Nam vẫn đứng đầu khu vực về các mối đe dọa ngoại tuyến (mà nguyên nhân đến từ con người) và khuyến nghị các công ty và tổ chức cần nâng cao nhận thức của nhân viên về tấn công mạng thông qua các khóa học về an ninh mạng từ các đơn vị đào tạo đáng tin cậy.