Điểm nhấn công nghệ tuần: Sửa đổi khung pháp lý chặn game cờ bạc

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sửa đổi khung pháp lý nhằm chặn game cờ bạc trá hình; Trao giải thưởng cho nhiều công trình khoa học công nghệ sáng tạo; 12 tỉnh sẽ tắt sóng truyền hình analog vào cuối năm 2018... là nội dung chú ý tuần qua.

Sửa đổi khung pháp lý nhằm chặn game cờ bạc trá hình
Chính phủ mới ban hành Nghị quyết 19-2018/NQ-CP về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2018 và những năm tiếp theo.
Sửa đổi khung pháp lý nhằm chặn game cờ bạc trá hình
Trong đó, có nội dung yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với các bộ, ngành liên quan khẩn trương rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung hoàn thiện khung khổ pháp lý đối với thẻ viễn thông, thẻ game của các công ty viễn thông.
Đồng thời tăng cường quản lý chặt chẽ hoạt động cung ứng các trò chơi điện tử trực tuyến nhằm ngăn chặn các hình thức cờ bạc trá hình, bất hợp pháp.
Đây được xem là nội dung quan trọng và cấp bách, nhằm hạn chế tình trạng các cổng trung gian thanh toán dịch vụ bằng thẻ cào một cách quá dễ dàng, với số lượng game cờ bạc đang được cung cấp trên mạng như hiện nay, dòng tiền trung chuyển để thanh toán các dịch vụ bất hợp pháp rất lớn. Việc hoàn thiện sớm khung pháp lý cũng tạo điều kiện giúp doanh nghiệp viễn thông cải thiện môi trường kinh doanh.
Trước đó, chỉ đạo tại Hội nghị giao ban quản lý nhà nước Bộ TT&TT vào sáng 4/5/2018, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn đã yêu cầu Cục Viễn thông khẩn trương hoàn thành Đề án quản lý thẻ cào di động trong thanh toán dịch vụ nội dung số để báo cáo Lãnh đạo Bộ trước 15/5/2018.
Bộ trưởng cho hay, lãnh đạo Bộ đã chủ trì họp giữa các đơn vị liên quan về vấn đề này, cùng với các doanh nghiệp, ngân hàng nhà nước. Cục Viễn thông phải chủ trì, mở rộng lấy ý kiến của các đơn vị liên quan để có biện pháp tăng cường quản lý thẻ cào di động.
Tại Hội nghị đại diện ba nhà mạng cho biết, việc thực hiện dừng thanh toán thẻ cào cho các dịch vụ nội dung có tác động khá lớn tới doanh thu bán thẻ của các nhà mạng. Doanh thu bán thẻ trong tháng 4 đã bị sụt giảm tới 80%.
Trao giải thưởng cho nhiều công trình khoa học công nghệ sáng tạo
Tối 14/5, tại Hà Nội diễn ra lễ trao Giải thưởng Sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam 2017 cho các công trình nghiên cứu có giá trị khoa học, kinh tế - xã hội lớn, được áp dụng hiệu quả tại Việt Nam.
Trao giải thưởng cho nhiều công trình khoa học công nghệ sáng tạo
Tới dự buổi lễ có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, lãnh đạo một số bộ ngành Trung ương, cùng đông đảo các tác giả, nhóm nghiên cứu, các nhà sáng tạo kỹ thuật, đại diện một số DN…
Giải thưởng Sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam 2017 có 118 công trình tham dự trong 6 lĩnh vực: Cơ khí - Tự động hóa; Công nghệ vật liệu; Công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông; Sinh học phục vụ sản xuất và đời sống; Công nghệ nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và sử dụng hợp lý tài nguyên; Công nghệ nhằm tiết kiệm năng lượng và sử dụng năng lượng mới.
Hội đồng Giám khảo đã xem xét, đánh giá các công trình và chọn trao giải thưởng cho 40 công trình bao gồm: 4 giải Nhất, 8 giải Nhì, 15 giải Ba, 13 giải Khuyến khích.
Trong đó, 4 công trình đoạt giải Nhất là: Nghiên cứu phát triển mới các dây chuyền tự động, hiện thực công nghệ tiên tiến sản xuất sữa gạo, đóng gói màng co tự động inline phục vụ công nghiệp chế biến nông sản; Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo sản phẩm mới ống khuyếch đại ánh sáng (EOP) thế hệ 2+, đường kính 36,7 mm có tính năng tự động điều chỉnh độ sáng màn hình;
Xây dựng các giải pháp công nghệ xử lý axit H2SiF6 dây chuyền sản xuất supe phốt phát nhằm giảm chi phí xử lý môi trường; Nghiên cứu áp dụng công nghệ cơ giới hóa đồng bộ sử dụng dàn chống tự hành có cơ cấu thu hồi than nóc độc lập để nâng cao năng suất khai thác, đạt công suất cao kỷ lục tại Công ty Than Hà Lầm.
Thủ tướng Chính phủ cũng tặng Bằng khen cho 9 cá nhân là Chủ nhiệm và đồng Chủ nhiệm của 4 công trình đoạt giải Nhất.
Đáng chú ý Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) đã trao Giải WIPO cho công trình “Nghiên cứu phát triển mới các dây chuyền tự động, thực hiện công nghệ tiên tiến sản xuất sữa gạo, đóng gói màng co tự động inline phục vụ công nghiệp chế biến nông sản”.
Trải qua 23 lần tổ chức (1995 - 2017), các công trình được trao Giải thưởng Sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam đã khuyến khích việc tìm tòi, sáng tạo các công trình khoa học công nghệ có khả năng giải quyết những yêu cầu cấp bách của thực tiễn, nâng cao tính cạnh tranh của các sản phẩm hàng hoá Việt Nam.
Sự lan toả rộng khắp của Giải thưởng với uy tín ngày càng cao đã thu hút không chỉ các nhà khoa học mà cả những cá nhân đam mê sáng tạo, phát huy tinh thần tự lực, tự cường, say mê nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ.
Phát động Giải thưởng Sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam 2018, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh tin tưởng sự ủng hộ và tham gia của các nhà khoa học, các nhà sáng tạo kỹ thuật sẽ tiếp tục đóng góp thiết thực cho việc đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh của DN và các ngành kinh tế, để đất nước phát triển nhanh và bền vững.

Vinh danh 3 nhà khoa học xuất sắc giành Giải thưởng Tạ Quang Bửu

Ngày 18/5, Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức lễ trao Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2018. Đây là sự kiện quan trọng chào mừng ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam (18/5) và ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5).

 Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ KHCN Chu Ngọc Anh trao giải cho

3 nhà khoa học xuất sắc.

Năm 2018, Ban Tổ chức đã tiếp nhận 54 hồ sơ đăng ký tham gia Giải thưởng. Hội đồng Giải thưởng Tạ Quang Bửu 2018 nhận định các công trình năm nay đều có chất lượng tốt, được xuất bản trên các tạp chí có uy tín và một vài trong số đó có tiềm năng ứng dụng cao trong thực tiễn.

Ngày 10/5, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ đã ký Quyết định số 1226/QĐ-BKHCN, trao tặng Giải thưởng Tạ Quang Bửu 2018 cho 3 nhà khoa học được Hội đồng Giải thưởng đề xuất.

Cụ thể, giải thưởng được trao cho tiến sĩ khoa học Trần Đình Phong (Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) là tác giả chính của công trình trong lĩnh vực Vật lý: “Cấu trúc polymer và cơ chế hoạt động xúc tác tạo H2 của molybdenum sulfide vô định hình”. Công trình được công bố trong Nature Materials, tạp chí khoa học hàng đầu thế giới về Khoa học vật liệu.

Nhà khoa học thứ 2 được vinh danh là phó giáo sư, tiến sĩ Phạm Văn Hùng (Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh). Ông là tác giả chính của công trình khoa học trong lĩnh vực Sinh học Nông nghiệp: “Khả năng tiêu hóa in vitro và sinh đường in vivo của các loại tinh bột gạo có hàm lượng amylose khác nhau và tinh bột gạo biến đổi bằng phương pháp vật lý”. Công trình được công bố trong Food Chemistry - Tạp chí khoa học hàng đầu thế giới trong lĩnh vực Nông nghiệp và Sinh học.

Bên cạnh đó, giải thưởng Tạ Quang Bửu còn xướng tên nhà khoa học trẻ là tác giả của công trình khoa học xuất sắc là tiến sĩ Đỗ Quốc Tuấn (Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội). Ông là tác giả công trình khoa học trong lĩnh vực Vật lý: “Lý thuyết hấp dẫn phi tuyến nhiều chiều có khối lượng” được công bố trong Physical Review D, tạp chí khoa học uy tín hàng đầu trong lĩnh vực Vật lý.

Giải thưởng Tạ Quang Bửu là Giải thưởng của Bộ Khoa học và Công nghệ, do Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia làm Cơ quan thường trực, được tổ chức hằng năm nhằm khích lệ và tôn vinh các nhà khoa học có những thành tựu nổi bật trong nghiên cứu cơ bản thuộc các lĩnh vực khoa học tự nhiên và kỹ thuật.

12 tỉnh sẽ tắt sóng truyền hình analog vào cuối năm 2018
Tại phiên họp thứ 14 Ban chỉ đạo Số hóa truyền hình Việt Nam vào chiều 14/5/2018, Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn, Trưởng Ban chỉ đạo đã đồng ý với đề xuất của Văn phòng Ban chỉ đạo triển khai thực hiện Quyết định 2451/QĐ-TTg và Quyết định 310/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về triển khai kế hoạch số hóa truyền hình mặt đất năm 2018.

 Bộ trưởng Trương Minh Tuấn chủ trì phiên họp Ban chỉ đạo số hóa truyền hình Việt Nam phiên thứ 14.

Theo đó, đối với địa bàn phủ sóng thuộc vùng phủ analoc từ các trạm phát lại các tỉnh thuộc Nhóm II tại các tỉnh: Quảng Ninh, Thái Nguyên, Ninh Bình, Bắc Giang, Phú Thọ, Đồng Nai, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, Khánh Hòa dự kiến sẽ ngừng phát sóng truyền hình analog trước 31/12/2018. Hiện các địa bàn trên chưa được phủ sóng truyền hình số mặt đất và dự kiến sẽ chuyển sang sử dụng truyền hình số qua vệ tinh (DTH).
Đối với 12 tỉnh thuộc Nhóm III tại khu vực Bắc Trung Bộ, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên gồm: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Lâm Đồng, Ninh Thuận theo kế hoạch sẽ thực hiện ngừng phát sóng analog trước ngày 31/12/2018.
Bộ trưởng Trương Minh Tuấn yêu cầu các đơn vị truyền dẫn phát sóng phải tập trung triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm để mở rộng vùng phủ sóng truyền hình số DVB-T2 tại các tỉnh, thành, địa phương sẽ tắt sóng truyền hình analog trong năm nay. Đặc biệt là phải triển khai phủ sóng số DVB-T2 tại các khu vực nói trên trước thời điểm tắt sóng analog ít nhất 3 tháng.
Cụ thể, VTV hoàn thành việc phát sóng T2 tại các tỉnh thuộc khu vực Trung Bộ (đặc biệt là tại các tỉnh Quảng Bình, Quảng Ngãi, Bình Định, Lâm Đồng) để đảm bảo việc ngừng phát sóng analog tại các tỉnh này trước ngày 31/12/2018;
VTV phối hợp với các địa phương, tại các địa bàn chưa có doanh nghiệp truyền dẫn phát sóng, để truyền tải kênh truyền hình thiết yếu của địa phương trên sóng truyền hình số mặt đất. Riêng đối với khu vực Tây Nguyên thuộc Nhóm IV, đề nghị VTV xem xét đẩy mạnh triển khai phủ sóng DVB-T2 tại Đắk Nông để có thể thúc đẩy số hóa truyền hình và ngừng phát sóng analog tại các tỉnh thuộc khu vực Tây Nguyên trước 31/12/2018.
Đài truyền hình kỹ thuật số VTC tiếp tục chuyển đổi mạng đài phát sóng từ DVB-T/MPEG-2 sang DVB-T2/MPEG-4 và chuyển đổi kênh tần số theo quy hoạch. Công ty AVG đảm bảo vùng phủ sóng truyền hình số theo quy định, chuyển đổi tần số theo quy hoạch.
Công ty DTV.Co (trước đây là RTB) sớm hoàn thành thủ tục để được điều chỉnh phạm vi cung cấp dịch vụ, chuẩn bị mở rộng phủ sóng DVB-T2 tại các tỉnh thuộc khu vực Bắc Trung Bộ sau khi được Bộ TT&TT cấp giấy phép.
Công ty SDTV đảm bảo phủ sóng DVB-T2 tại các tỉnh thuộc khu vực Nam Trung Bộ gồm: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Lâm Đồng, Ninh Thuận để đảm bảo kế hoạch ngừng THTTMĐ trước 31/12/2018.
Riêng đối với khu vực Tây Nguyên thuộc Nhóm IV, đề nghị SDTV xem xét khả năng đẩy mạnh triển khai phủ sóng DVB-T2 tại các tỉnh thuộc khu vực Tây Nguyên để có thể thúc đẩy số hóa truyền hình và ngừng phát sóng THTTMĐ tại các tỉnh thuộc khu vực Tây Nguyên trước 31/12/2018.