Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Điểm nhấn công nghệ tuần: Tên miền '.vn' đứng đầu khu vực ASEAN về số lượng đăng ký sử dụng

Tiến Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tên miền '.vn' đứng đầu khu vực ASEAN về số lượng đăng ký sử dụng; Bộ TT&TT yêu cầu nhà mạng chuyển mạng giữ số phải đạt 80%; Thắt chặt quản lý game online có nguồn gốc Trung Quốc; iPhone 11 chính hãng bán từ 1/11... là nội dung chú ý tuần qua.

Việt Nam có gần 486.000 trang web sử dụng tên miền ".vn" đang tồn tại trên hệ thống

Tên miền quốc gia Việt Nam ".vn" hiện đứng đầu khu vực ASEAN về số lượng đăng ký sử dụng. Đây là thông tin do Giám đốc Trung tâm Internet Việt Nam Trần Minh Tân đưa ra tại hội nghị "Tuyên truyền, phổ biến pháp luật và tập huấn nghiệp vụ thanh tra chuyên ngành thông tin và truyền thông năm 2019".

 Ảnh minh họa

Hội nghị do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức tại TP Long Xuyên (tỉnh An Giang) ngày 24/10, với sự tham gia của đại diện Sở Thông tin và Truyền thông 63 tỉnh, thành phố trong toàn quốc. Theo ông Trần Minh Tân, tên miền ".vn" là tên miền quốc gia Việt Nam cấp cao nhất thuộc quyền quản lý của Việt Nam.

Tính đến ngày 30/9/2019, Việt Nam có gần 486.000 trang web sử dụng tên miền ".vn" đang tồn tại trên hệ thống. Tên miền ".vn" hiện đứng đầu khu vực ASEAN và nằm trong top 10 tên miền mã quốc gia khu vực châu Á-Thái Bình Dương về số lượng đăng ký sử dụng.

Nguyên tắc đăng ký tên miền ".vn" là bình đẳng, không phân biệt đối xử, đăng ký trước được quyền sử dụng trước. Ngoại trừ những tên miền thuộc phạm vi ưu tiên bảo vệ, các tên miền đều được dành cho đấu giá theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông. Tên miền do tổ chức, cá nhân tự chọn để đăng ký phải đáp ứng các yêu cầu theo quy định tại Điều 6 của Thông tư 24/2015/TT-BTTTT và Điểm a, b, Khoản 3, Điều 1 của Thông tư 06/2019/TT-BTTTT.

Trung tâm Internet Việt Nam đánh giá hiện công tác quản lý tên miền tại Việt Nam vẫn còn tồn tại rất nhiều khó khăn. Những tên miền quốc tế như “.com”, “.net”..., vẫn khó xác định được thông tin chủ thể đăng ký sử dụng, nên không xác định được danh tính đối tượng thực hiện những hành vi vi phạm nếu có.

Trong 9/2019, Trung tâm Internet Việt Nam tiếp nhận yêu cầu cung cấp thông tin về 97 tên miền, song có đến 55 tên miền sử dụng dịch vụ ẩn giấu thông tin. Do đó, không thể tạm ngưng, thu hồi tên miền vi phạm, trong khi vẫn chưa có đủ quy định để yêu cầu sự phối hợp từ các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xuyên biên giới vào Việt Nam.

Đối với tên miền ".vn", hiện cũng chưa có sự đồng bộ trong quy định pháp luật về quản lý tài nguyên Internet cũng như việc giải quyết tranh chấp tên miền và vi phạm pháp luật sở hữu trí tuệ.

Trong năm 2018 và 9 tháng năm 2019, Trung tâm Internet Việt Nam đã tiếp nhận xử lý 75 trường hợp tên miền “.vn” vi phạm; trong đó tạm đình chỉ 50 tên miền, thu hồi 5 tên miền.

Tại Việt Nam, tên miền không thuộc đối tượng điều chỉnh của Luật Sở hữu trí tuệ nên việc xử lý tên miền vi phạm pháp luật về sở hữu trí tuệ tuân thủ theo Thông tư liên tịch số 14/2016/TTLL-BTTTT-BKHCN do Bộ Thông tin-Truyền thông và Bộ Khoa học-Công nghệ ban hành.

Theo nhiều ý kiến của thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, TP, quá trình quản lý tên miền quốc tế tại Việt Nam cần đẩy mạnh công tác thanh, kiểm tra việc đăng ký, sử dụng tên miền; tăng cường theo dõi, kiểm tra nội dung các website sử dụng tên miền quốc tế của chủ thể đăng ký tên miền nằm trên địa bàn tỉnh, thành phố và tăng cường xử lý vi phạm trên các trang thông tin điện tử sử dụng tên miền quốc tế.

Đối với xử lý tên miền vi phạm về sở hữu trí tuệ, thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố cho rằng cần áp dụng đúng và triệt để những quy định tại Thông tư 14/2016/TTLT-BTTTT-BKHCN trong xử lý vi phạm về sở hữu trí tuệ liên quan đến tên miền.

Bộ TT&TT yêu cầu nhà mạng chuyển mạng giữ số phải đạt 80%
Bộ TT&TT cho biết, tỷ lệ chuyển mạng giữ số thành công tính từ khi cung cấp dịch vụ này đến hết quý III/2019 đạt 77,3%. Tuy nhiên, hiện tượng các nhà mạng từ chối yêu cầu chuyển mạng sai làm giảm tỷ lệ chuyển mạng thành công trong quý III vẫn còn khá cao với tổng số của 4 nhà mạng là 27.774 thuê bao.
Ảnh minh họa
Trong số các nhà mạng thì Vietnamobile chưa nâng được tỷ lệ chuyển mạng thành công theo chỉ đạo của Bộ TT&TT lên trên 70% (tỷ lệ hiện đạt 60%).
Trước những bức xúc của người dân khi nhiều doanh nghiệp viễn thông cố tình gây khó dễ cho thuê bao chuyển mạng, Cục Viễn thông đã yêu cầu các nhà mạng dừng ngay hành vi cản trở việc chuyển mạng của người dùng di động. Song song với đó, các nhà mạng phải cải tiến việc cập nhật thông tin sao cho tường minh, dễ hiểu với nhiều đối tượng khách hàng khác nhau.
Đồng thời, Bộ TT&TT yêu cầu nhà mạng phải giải quyết bức xúc của người dân khi chuyển mạng giữ nguyên số, các nhà mạng phải nâng chỉ tiêu chuyển mạng giữ nguyên số lên 80%.
Tính đến ngày giữa tháng 7, sau hơn 8 tháng triển khai dịch vụ chuyển mạng giữ số, theo thống kê từ Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông, đã có 812.836 thuê bao di động chuyển mạng giữ số qua lại giữa các nhà mạng Vinaphone, Viettel, Mobifone và Vietnamobile.
Cụ thể, Mobifone có 123.908 thuê bao đăng ký chuyển đến, 151.296 thuê bao chuyển đi, trong đó tỷ lệ thuê bao chuyển đến thành công đạt 83,3%, tỷ lệ chuyển đi thành công đạt 72,9%. Đây là nhà mạng có tỷ lệ thuê bao chuyển đến thành công đạt cao nhất.
Nhà mạng Viettel có 361.763 số thuê bao đăng ký chuyển đến, 342.688 thuê bao đăng ký chuyển đi, tỷ lệ thành công của thuê bao chuyển đến là 75,3%, tỷ lệ thành công của thuê bao chuyển đi là 85,6%. Đây là nhà mạng có số thuê bao chuyển đến và chuyển đi nhiều nhất tính tới thời điểm này.
Nhà mạng Vinaphone có 322.671 thuê bao đăng ký chuyển đến, 260.027 thuê bao đăng ký chuyển đi, tỷ lệ thành công của thuê bao chuyển đến đạt 81%, trong khi tỷ lệ thành công của thuê bao chuyển đi chỉ đạt 78,3%.
Thắt chặt quản lý game online có nguồn gốc Trung Quốc
Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin & Truyền thông) đã có văn bản đề nghị các doanh nghiệp cần chủ đồng rà soát, kiểm tra nội dung, kịch bản trò chơi điện tử G1 trên mạng đã được cấp phép và đang phát hành trên thị trường, nhất là các trò chơi có nguồn gốc từ nước ngoài, trong đó có Trung Quốc, đảm bảo tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật hiện hành.

Game Âm Dương Sư đóng cửa vì vi phạm nghiêm trọng chủ quyền lãnh thổ Việt Nam

Văn bản cho biết, qua công tác quản lý Nhà nước, Cục này đã phát hiện tình trạng một số doanh nghiệp Trung Quốc lợi dụng đưa các bản đồ phi pháp vào trong các sản phẩm văn hóa, trong đó có các trò chơi điện từ trên mạng, gây bức xúc dư luận và ảnh hưởng đến việc đấu tranh, bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam.
Phía Cục yêu cầu các doanh nghiệp rà soát, kiểm tra và báo cáo chi tiết về các nội dung đã thay đổi, cập nhật, nâng cấp so với phiên bản trò chơi điện tử G1, G2, G3, G4 trên mạng đã được cấp phép phát hành (nếu có).

Đặc biệt, phía Cục lưu ý không để các doanh nghiệp nước ngoài nội dung đưa vào nội dung game bản đồ đường lưỡi bò phi pháp và những thông tin xuyên tạc lịch sử, thông tin vi phạm thuần phong mỹ tục.
Văn bản cũng nêu rõ, các doanh nghiệp kinh doanh trò chơi điện tử tại Việt Nam cần tạm dừng hợp tác đối với những doanh nghiệp nước ngoài đã có hành vi vi phạm về các nội dung liên quan đến bản đồ, lịch sử trong game.

Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử đồng thời yêu cầu doanh nghiệp báo cáo chi tiết về các đơn vị kết nối thanh toán và các hình thức thanh toán đang sử dụng trong trò chơi điện tử trên mạng G1, G2, G3, G4 trên mạng về Cục trước ngày 29/10.
Trước đó, vào ngày 16/10 game online Âm Dương Sư đã bị đóng cửa tại Việt Nam. Nguyên nhân là do trong bản cập nhật mới nhất do đối tác cung cấp có hiển thị một góc bản đồ vi phạm nghiêm trọng chủ quyền Việt Nam.

Ngay khi phát hiện sự việc, nhà phát hành đã lập tức tắt máy chủ, ngừng cung cấp trò chơi đến các game thủ Việt.
Đây không phải lần đầu các bản đồ phi pháp của Trung Quốc được cài vào các tựa game online, phát hành đến game thủ Việt. Trước đây, game Chinh Đồ cũng từng bị ngừng cung cấp tại Việt Nam vì chứa bản đồ vi phạm chủ quyền Việt Nam.
iPhone 11 chính hãng bán từ 1/11
Bộ ba iPhone thế hệ mới nhất của Apple được phân phối chính thức ở Việt Nam đầu tháng sau với giá từ 21,99 triệu đồng.
Ảnh minh họa
Toàn bộ ba dòng iPhone 11 mới sẽ có 9 phiên bản khác nhau. Trong đó, iPhone 11 sẽ có ba lựa chọn 64 GB, 128 GB và 256 GB cùng với 6 màu tím, trắng, xanh lá cây, vàng, đen và đỏ. Còn iPhone 11 Pro và 11 Pro Max sẽ có các phiên bản 64, 256 và 512 GB, nhưng màu sắc ít hơn, gồm vàng, bạc, xám và xanh lá cây. So với thị trường xách tay hiện giờ, iPhone 11 chính hãng sẽ có đủ màu sắc hơn.
Hiện tại, nhiều hệ thống điện máy lớn tại Việt Nam đã nhận đặt hàng bộ ba iPhone chính hãng từ trước đó cả tháng. Theo FPT Shop, tính đến trước ngày 25/10, đã có hơn 13.442 đơn đặt trước và 8.173 khách hàng đặt cọc máy chính hãng. Nếu tính thêm các hệ thống lớn khác, số lượng đặt trước với iPhone 11 đã vượt 20.000 và lượt đặt cọc vượt 15.000.
Các mẫu iPhone 11 phân phối chính hãng ở Việt Nam sẽ đi kèm mã hiệu VN/A. Trong khi sản phẩm đang có mặt trên thị trường xách tay mang mã LL (Mỹ), ZP (Hong Kong) hay ZA (Singapore). Các model VN/A sẽ sử dụng Nanosim và eSim.
iPhone 11 là thế hệ đầu tiên có 3 phiên bản khác nhau. Tuy nhiên, đây là ba model thay thế cho iPhone XR, XS và XS Max năm ngoái. 11 Pro Max là model cao cấp nhất với màn hình OLED 6,5 inch. Còn iPhone 11 Pro là phiên bản thu nhỏ bởi có camera 3 ống kính nhưng màn hình chỉ 5,8 inch. iPhone 11 có thiết kế giống iPhone XR, nhưng có thêm camera ống kính siêu rộng như 2 mẫu Pro.
Google sở hữu siêu máy tính mạnh nhất thế giới
Theo CNN, Google chính thức công bố thành tựu này trong một báo cáo khoa học đăng trên tạp chí Nature, khẳng định bước đột phá cho thấy Google đã đạt tới tốc độ được gọi là "ưu thế lượng tử".
Máy tính lượng tử của Google - Ảnh: Google.
Các máy tính thông thường sử dụng dữ liệu tồn tại chỉ ở một trạng thái tại một thời điểm, hoặc 1 hoặc 0. Trong khi đó các máy tính lượng tử sử dụng các bit lượng tử (quantum bit hay qubit), có thể cùng một lúc là bất cứ dạng thức kết hợp nào của 0 và 1. Điểm khác biệt lớn đó khiến cho tốc độ xử lý các phép tính nhanh hơn rất nhiều.
Theo trang Sciencenews, các nhà nghiên cứu đã giải quyết phép tính mà các máy tính thông thường không thể xử lý bằng một con chip Sycamore chỉ gồm 53 qubit.
Con chip này đã có thể thực hiện một phép tính liên quan tới nhiều con số phát sinh ngẫu nhiên, mà theo Google một cỗ siêu máy tính mạnh nhất thế giới phải mất 10.000 năm mới giải quyết được, chỉ trong 200 giây.
Có nhiều vấn đề mà máy tính truyền thống sẽ mất rất nhiều thời gian để giải quyết, ví dụ như việc xác định xem một số có thể chia hết cho một số nguyên tố nào. Cách duy nhất để làm việc này với máy tính truyền thống là thử số đó với tất cả mọi số nguyên tố đã biết, việc sẽ mất rất nhiều thời gian.
Một máy tính lượng tử sẽ giải quyết vấn đề này bằng cách làm cho các sóng xác suất tương tác sao cho câu trả lời đúng được khuếch đại và câu trả lời sai bị phủ định.
Google cho biết họ sẽ cố gắng để xây dựng một "máy tính lượng tử có khả năng chịu lỗi" (fault-tolerant: có thể hoạt động khi lỗi xảy ra) nhanh nhất có thể. Công ty này cho rằng họ có thể áp dụng nó vào việc thiết kế pin trọng lượng nhẹ cho xe hơi và máy bay, cũng như trong việc phát triển các loại thuốc mới.
Các kết quả Google công bố ngày 23/10 được cho là tín hiệu báo trước cho một giai đoạn trỗi dậy mạnh mẽ của các loại máy tính lượng tử, những loại máy tính có khả năng lưu trữ và xử lý thông tin nhiều hơn nhiều so với các máy tính cổ điển.