VinaPhone, Viettel và MobiFone đã cho phép thuê bao chuyển mạng giữ số
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, từ ngày 16/11 tới, 3 nhà mạng di động có lượng thuê bao lớn nhất là VinaPhone, Viettel và MobiFone sẽ chính thức triển khai dịch vụ Chuyển mạng viễn thông di động mặt đất giữ nguyên số (Mobile Number Portability), gọi tắt là chuyển mạng giữ số cho khách hàng.
Cục Viễn thông và các doanh nghiệp di động đã thống nhất sẽ triển khai dịch vụ đối với các thuê bao trả sau (khoảng 5%) để đánh giá tác động của dịch vụ đối với thị trường, kịp thời có các biện pháp để loại bỏ tác động tiêu cực nếu có trước khi triển khai trên diện rộng.
Trong thời gian đầu, ba nhà mạng kể trên sẽ cung cấp dịch vụ chuyển mạng giữ nguyên số cho các thuê bao trả sau.
Sau 3 tháng, từ 1/1/2019, các doanh nghiệp Viettel, Vinaphone, Mobifone và Vietnamobile sẽ đồng loạt cung cấp dịch vụ chuyển mạng cho cả thuê bao di động trả trước và trả sau. Riêng mạng Gtel chưa có kế hoạch tham gia.
Trước đó, các nhà mạng đã đồng loạt thông báo về việc sẽ dừng áp dụng hình thức quay số song song cho thuê bao 11 số chuyển sang 10 số từ ngày 0h ngày 15/11, theo lộ trình của Bộ Thông tin & Truyền thông.
Theo đó, sau thời điểm này khách hàng không thể thực hiện cuộc gọi và tin nhắn tới thuê bao 11 số. Thay vào đó, các nhà mạng triển khai âm báo (tiếng Anh và tiếng Việt) cho đến ngày 30/6/2019, nếu người dùng vẫn thực hiện cuộc gọi đến đầu số cũ.
Cụ thể, thuê bao 11 số của mạng Viettel gồm các đầu số 0162, 0163, 0164, 0165, 0166, 0167, 0168, 0169 đã được chuyển thành 032, 033, 034, 035, 036, 037, 038, 039. Thuê bao 11 số của mạng MobiFone gồm các đầu số 0120, 0121, 0122, 0123, 0126, 0128 được chuyển sang 070, 079, 077, 076, 078. Thuê bao 11 số của mạng VinaPhone gồm các đầu số 0123, 0124, 0125, 0127, 0129 đã chuyển sang các đầu số 083, 084, 085, 081, 082.
Đối với 2 mạng di động nhỏ hơn là Vietnamobile và Gtel, thuê bao 11 số của 2 nhà mạng này đã chuyển sang thuê bao 10 số đầu 05x. Trong đó, thuê bao 11 số đầu số 0188, 0186 của Vietnamobile được chuyển thành đầu số 056, 058; còn thuê bao 11 số đầu 0199 của GTel được đổi về đầu số 059.
Các nhà mạng khuyến nghị người dùng đồng bộ danh bạ trong điện thoại để chuyển toàn bộ thuê bao 11 số về 10 số nhằm đảm bảo các thông tin liên lạc không bị gián đoạn. Hiện nay trên thị trường có nhiều ứng dụng chuyển đầu số điện thoại, nhưng các nhà mạng khuyến cáo khách hàng sử dụng các ứng dụng do doanh nghiệp viễn thông trong nước cung cấp nhằm tránh bị lộ, rò rỉ thông tin cá nhân...
Việt Nam sẽ thử nghiệm mạng 5G vào năm 2019
Phát biểu khai mạc tại tọa đàm Đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực viễn thông ngày 14/11, ông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, năm 2019, Việt Nam sẽ thử nghiệm mạng 5G. Đến năm 2020, khi thế giới bắt đầu triển khai 5G thì Việt Nam cũng sẽ là những nước đầu tiên triển khai công nghệ này. Đây sẽ là sự chuyển đổi về chất rất lớn trong ngành công nghiệp điện tử viễn thông nước nhà.
Theo ông Hùng, mạng 5G là hạ tầng quan trọng nhất của cách mạng công nghiệp 4.0. Việt Nam muốn đi đầu trong cuộc cách mạng này thì mạng 5G phải đi trước và đi đầu. 5G không chỉ là cơ hội về dịch vụ kết nối, cơ hội để thay đổi thứ hạng viễn thông Việt Nam, mà còn là cơ hội để phát triển ngành công nghiệp ICT nước nhà.
Để triển khai được 5G, trao đổi thêm với báo giới bên lề tọa đàm, Phó cục trưởng phụ trách Cục tần số (Bộ Thông tin và Truyền Thông), ông Lê Văn Tuấn cho biết Bộ sẽ cấp phép triển khai 5G, trong đó có cấp phép triển khai băng tần, cấp thêm những băng tần cho doanh nghiệp, xây dựng hệ thống cáp quang rộng khắp kết nối các trạm phát sóng 5G.
Dưới góc độ nhà cung cấp dịch vụ, Giám đốc Chiến lược Viettel Nguyễn Vũ Lưu cho biết, 5G đem lại lợi ích vượt trội so với mạng 3G và 4G. Tốc độ kết nối tăng lên gấp 20 lần, độ trễ giảm 20 lần và mật độ thuê bao có thể đáp ứng 1 triệu thiết bị /km2.
Để triển khai 5G hiệu quả nhất, ông Lưu kiến nghị nhà nước đẩy mạnh quá trình cấp phép tần số cho các nhà mạng có thể triển khai làm sao chọn tần số tối ưu, thuận tiện hơn. Ngoài ra, các doanh nghiệp ngành viễn thông cũng đề xuất nhà nước cần rà soát chính sách, nhất là chính sách về thuế. Thực tế, doanh nghiệp viễn thông trong nước và nhiều sản phẩm của ngành này đang chịu bất lợi do chính sách thuế còn nhiều bất cập.
Ông Lưu dẫn chứng: Chính sách thuế đối với sản phẩm thiết bị viễn thông như điện thoại, một số sản phẩm mà chúng ta nhập nguyên chiếc thì thuế nhập khẩu là 0%, do thực hiện cắt giảm theo các hiệp định thương mại. Tuy nhiên, nhập khẩu linh kiện để sản xuất điện thoại lại phải chịu thuế nhập khẩu
Chính vì lẽ đó, chính sách thuế đang không khuyến khích doanh nghiệp trong nước đầu tư sản xuất kinh doanh mặt hàng viễn thông.
Bộ TT&TT khuyến cáo bảo vệ người dùng trước những thông tin chưa xác thực
Trong thông tin phát đi ngày 15/11/2018, Cục An toàn thông tin cho biết, xu hướng tấn công mạng để khai thác thông tin cá nhân của người dùng, ngày càng trở nên phổ biến hơn. Việc này gây ảnh hưởng đến niềm tin của người tiêu dùng, làm cản trở nỗ lực khuyến khích thanh toán không dùng tiền mặt của Chính phủ, ảnh hưởng xấu đến môi trường bán lẻ nói riêng cũng như nền kinh tế Việt Nam nói chung.
Từ đầu tháng 11/2018 đến nay, trên diễn đàn r***.com đã đăng nhiều thông tin được cho là dữ liệu khách hàng của Thế Giới Di Động, FPT Shop. Trước những luồng thông tin này, Cục An toàn thông tin đã nhanh chóng vào cuộc kiểm tra, hỗ trợ các doanh nghiệp này.
“Về những thông tin gần đây, khả năng khách hàng sử dụng dịch vụ của một số doanh nghiệp như TGDĐ, FPT Shop, có thể đã bị rò rỉ thông tin cá nhân, Cục An toàn thông tin đã trực tiếp làm việc với doanh nghiệp để kiểm tra và hỗ trợ”, đại diện Cục An toàn thông tin cho hay.
Cũng theo thông tin mới nhất từ Cục An toàn thông tin, đến thời điểm hiện tại, chưa có dấu hiệu tấn công vào hệ thống xử lý thông tin cá nhân người dùng của doanh nghiệp Thế Giới Di Động như những thông tin đã được lan truyền trên mạng. Với trường hợp FPT Shop, theo Cục An toàn thông tin, các thông tin đã được tung lên được xác định chỉ là các thông tin mẫu, được sử dụng để thử nghiệm và kiểm thử trong quá trình phát triển một hệ thống đang phát triển cũ từ năm 2017. Tuy nhiên, Cục An toàn thông tin cũng cho biết sẽ tiếp tục phối hợp với các công ty liên quan để kiểm tra, rà soát, hỗ trợ bảo vệ người dùng và doanh nghiệp trước những thông tin chưa xác thực.
Đáng chú ý, Cục An toàn thông tin cũng khuyến cáo người dùng về khả năng bị lây nhiễm mã độc được cài cắm sẵn và rất dễ lây lan sang các thiết bị khác khi tải các tập tin không rõ nguồn gốc từ Internet.
Cụ thể, chuyên gia Cục An toàn thông tin phân tích, với tập tin được cho là thông tin liên quan đến khách hàng của FPT Shop do một thành viên trên diễn đàn r***.com đăng tải, khi người dùng mở các tập tin này, máy tính của người dùng sẽ bị lây nhiễm mã độc đã được đính kèm trong các tệp tin thực thi. Hậu quả là, thông tin trên máy tính của người dùng có thể bị chiếm đoạt, mã hóa, bị xóa toàn bộ dữ liệu hoặc tệ hại hơn là bị lợi dụng máy tính để tấn công sang máy tính, hệ thống khác…
Để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dùng cũng như doanh nghiệp, đặc biệt đối với thông tin cá nhân, Cục An toàn thông tin đề nghị các tổ chức, doanh nghiệp cần tăng cường triển khai biện pháp quản lý và kỹ thuật nhằm bảo đảm an toàn thông tin cho hệ thống thông tin phục vụ hoạt động nội bộ cũng như cung cấp dịch vụ trên mạng cho người sử dụng. Chủ động rà soát các điểm yếu, lỗ hổng trên hệ thống thông tin; theo dõi, giám sát phát hiện sớm nguy cơ, dấu hiệu tấn công mạng, kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh.
Với những doanh nghiệp không chuyên hoặc chưa có đội ngũ cán bộ chuyên trách về an toàn thông tin, Cục An toàn thông tin khuyến nghị ưu tiên sử dụng dịch vụ bảo đảm an toàn thông tin chuyên nghiệp do doanh nghiệp uy tín cung cấp, đặc biệt là dịch vụ được cung cấp bởi các doanh nghiệp trong nước nhưViettel, VNPT, CMC, BKAV, FPT…
Khi phát hiện nguy cơ, dấu hiệu lộ, lọt thông tin cá nhân của người sử dụng, các doanh nghiệp, tổ chức cần nhanh chóng khắc phục và kịp thời thông báo cho Cục An toàn thông tin và các cơ quan chức năng có thẩm quyền liên quan để phối hợp xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh.
Đối với người sử dụng, Cục An toàn thông tin khuyến cáo nên thận trọng trong việc cung cấp thông tin cá nhân, thông tin thanh toán của mình cho các dịch vụ trên mạng, chủ động lựa chọn các dịch vụ thanh toán trực tuyến đã được xác thực và tin dùng bởi cộng đồng, được xác nhận đảm bảo của Bộ Công Thương - Bộ TT&TT.
Người dùng cũng được khuyến nghị nên tỉnh táo, tránh vội vã quy chụp, tẩy chay các dịch vụ bán lẻ vì các thông tin chưa được kiểm chứng và xác nhận bởi các cơ quan chức năng có thẩm quyền. Bên cạnh đó, người dùng cũng cần hết sức thận trọng, cân nhắc kỹ và hạn chế việc tải về các bộ dữ liệu được cho là lộ, lọt từ các hệ thống, tránh mắc bẫy của những kẻ tấn công nhằm lừa đảo, lây nhiễm mã độc lên máy tính của mình.
Alibaba lập kỷ lục trong ngày lễ mua sắm 11/11
Ngày 11/11, hệ thống bán hàng Tmall của trang web mua sắm trực tuyến Taobao thuộc Tập đoàn thương mại Alibaba, Trung Quốc đã lập kỷ lục giao dịch thương mại của nước này khi đạt tổng giao dịch trị giá 100 tỷ Nhân dân tệ (tương đương 14,5 tỷ USD) trong vòng 2 phút 5 giây.
Trước đó, vào các năm 2017 để đạt được mốc giao dịch 100 tỷ Nhân dân tệ, Taobao phải mất 3 phút 1 giây và năm 2016 là 6 phút 58 giây. Chủ tịch Hội đồng quản trị của Tập đoàn Alibaba - Mã Vân cho rằng, ông mong muốn trong ngày lễ mua sắm 11/11 thứ mọi người mua được không chỉ là hàng hóa mà là niềm vui, thứ mọi người tranh được không phải là hàng hóa giá rẻ mà là sự sáng tạo.
Được biết, năm nay là năm thứ 10, Tập đoàn Alibaba đẩy mạnh các hoạt động kích cầu mua sắm trong Ngày Độc thân của Trung Quốc 11/11.
Trong ngày này, các thương hiệu trên trang web Taobao đưa ra các hình thức khuyến mãi mua sắm như giảm giá hoặc đặt cọc trước được giảm tiền nhằm kích cầu mua sắm của người tiêu dùng tại Trung Quốc cũng như tại nước ngoài.
Năm 2017, tổng giao dịch trong ngày Lễ mua sắm trên trang web Taobao đạt 168,2 tỷ Nhân dân tệ (tương đương 24,5 tỷ USD).
Tuy nhiên, theo thống kê của hãng tin Bloomberg, năm nay cũng có 1,6 triệu người đã bị lừa trong ngày Lễ mua sắm khi quét phải các mã khuyến mãi giả.