Bộ TT&TT đã tổ chức Hội nghị giao ban quản lý Nhà nước tháng 10
Chiều 5/11/2018, tại Hà Nội, Bộ TT&TT đã tổ chức Hội nghị giao ban quản lý Nhà nước (QLNN) tháng 10 năm 2018. Bộ trưởng Bộ TT&TT kiêm Phó trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư Nguyễn Mạnh Hùng chủ trì Hội nghị.
Phát biểu định hướng Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, đây là lần đầu tiên tham dự giao ban có sự tham gia đầy đủ các thành phần thuộc lĩnh vực QLNN của Bộ. Hội nghị sẽ tập trung dành nhiều thời gian để lắng nghe các ý kiến đề xuất, thẳng thắn trao đổi, giải trình, từ đó hoàn thiện các cơ chế, chính sách và đưa ra các giải pháp hiệu quả nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để phát triển trên tất cả 7 lĩnh vực gồm: Bưu chính, Viễn thông, An toàn - an ninh mạng, CNTT, Công nghiệp ICT, Thông tin - Tuyên truyền, thúc đẩy hệ sinh thái số Việt Nam.
Tại Hội nghị, Văn phòng Bộ đã báo cáo về công tác xây dựng chính sách pháp luật; Công tác thực thi quản lý nhà nước và chỉ đạo điều hành trong tháng qua; báo cáo cũng đã nêu rõ những tồn tại, khó khăn vướng mắc trong lĩnh vực quản lý của Ngành và đề xuất các phương án xử lý hiệu quả; giải quyết một số phản ánh của người dân, doanh nghiệp, chuyên gia và dư luận về Ngành.
Bên cạnh đó, Bộ cũng đã nêu rõ nhiều hoạt động nổi bật trong hoạt động QLNN tháng 10/2018 như sau: Tổ chức đánh giá tác động đối với việc Bưu chính Mỹ ngừng thực hiện các cam kết đa phương trong tổ chức Liên minh Bưu chính Thế giới (UPU), đưa ra giải pháp hỗ trợ VNPost thúc đẩy đàm phán song phương với Mỹ, cải tiến quy trình, giảm chi phí, nâng cao chất lượng dịch vụ để sẵn sàng cạnh tranh; Sửa và ban hành Thông tư quy định mức giá cước tối đa dịch vụ bưu chính phổ cập, Thông tư quy định quản lý chất lượng dịch vụ bưu chính; Lĩnh vực Viễn thông tăng trưởng ổn định, lượng người dùng dịch vụ Mobile Internet tăng nhanh so với cùng kỳ năm 2017 do các nhà mạng đã đầu tư, phát triển nhanh mạng 4G...
Bộ đã ban hành Văn bản hướng dẫn để triển khai dịch vụ chuyển mạng thông tin di động giữ nguyên số từ 16/11/2018; Tỷ lệ sử dụng IPv6 đạt hơn 11 triệu người sử dụng và xếp thứ 20 trên toàn thế giới…
Đối với việc xử lý SIM rác, Bộ TT&TT đã đưa ra các giải pháp: SIM mới sẽ phải đăng ký đầy đủ thông tin, bao gồm cả chụp ảnh. Các nhà mạng không đưa ra thị trường SIM giá rẻ, để tránh việc dùng SIM thay thẻ cào điện thoại. Nghiên cứu công nghệ nhận dạng và xác thực ảnh chụp với ảnh chứng minh thư. Ba giải pháp này sẽ giải quyết đáng kể vấn nạn SIM rác, trong khi đợi giải pháp căn cơ là xây dựng CSDL căn cước công dân.
Về lĩnh vực CNTT, Bộ TT&TT tiếp tục hoàn thiện dự thảo Khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam phiên bản 2.0, góp phần thúc đẩy triển khai Chính phủ điện tử Việt Nam giai đoạn 2018-2020 đồng bộ, thống nhất, tạo điều kiện thuận lợi cho việc kết nối, liên thông các hệ thống thông tin của các bộ, ngành, địa phương. Đồng thời, Bộ đã khẩn trương hoàn thiện và trình Chính phủ xem xét, ban hành dự thảo Nghị định về quản lý đầu tư ứng dụng CNTT thay thế Nghị định 102/2009/NĐ-CP và Quyết định 80/2014/QĐ-TTg, dự thảo Nghị định được xây dựng theo hướng tháo gỡ những điểm nghẽn trong thủ tục đầu tư ứng dụng CNTT và thủ tục thuê dịch vụ CNTT.
Cùng với đó, Bộ TT&TT đã hoàn thiện kế hoạch triển khai Đề án Giám sát an toàn thông tin mạng đối với hệ thống, dịch vụ CNTT phục vụ Chính phủ điện tử đến năm 2020, định hướng đến năm 2025; Xây dựng kế hoạch triển khai giải pháp giám sát ATTT dài hạn cho mạng người dùng và trang thông tin điện tử Bộ TT&TT.
Trong lĩnh vực thông tin tuyên truyền, thực hiện yêu cầu của Ban Tuyên giáo Trung ương về việc tạm dừng xem xét, thỏa thuận cấp mới giấy phép trong hoạt động báo chí cho đến khi Thủ tướng Chính phủ có ý kiến chính thức về Đề án quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025, trong tháng 10/2018, Bộ đã không cấp phép mới cho các cơ quan báo chí.
Hiện tại, Bộ chỉ cấp các loại giấy phép như: giấy xuất bản bản tin, xuất bản đặc san, số đặc biệt cho các cơ quan báo chí, tổ chức, đơn vị theo quy định. Cục Báo chí đã làm việc với các cơ quan chủ quản và các cơ quan báo chí của các hội, hiệp hội để triển khai Đề án Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí đến năm 2025; Tiếp tục phối hợp với Tập đoàn Viettel để hoàn thiện hệ thống lưu chiểu điện tử và giám sát truyền thông, trong đó có hệ thống đo lường số lượng tin xấu, tin tốt;…
Bên cạnh đó, đối với 3 đề xuất của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng tại Hội nghị Diễn đàn kinh tế thế giới về ASEAN (WEF ASEAN) 2018 đã đạt được những kết quả nhất định: Hiện đã có 3 quốc gia tham gia với Việt Nam thống nhất dùng một giá cước chuyển vùng quốc tế để hướng tới một ASEAN phẳng và thống nhất; Việt Nam đã hoàn thành xây dựng trung tâm An ninh mạng nhằm mục tiêu đến năm 2020 Việt Nam sẽ trở thành trung tâm an ninh mạng của ASEAN; Tiến hành mở khoa đào tạo về ICT thuộc Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, đại học FPT qua đó sẽ tiến hành giảng dạy bằng tiếng Anh, cấp học bổng để thu hút các sinh viên từ các nước ASEAN đến Việt Nam học tập.
Tại Hội nghị, nhiều Hiệp hội, doanh nghiệp, cơ quan báo chí, nhà xuất bản đã kiến nghị, đề xuất với Bộ TT&TT cần tháo gỡ những khó khăn để giúp phát triển, đủ sức cạnh tranh trên thị trường. Đồng thời, nhiều ý kiến đã thẳng thắn nêu ra những bất cập, tồn tại và đề xuất giải pháp để những cơ chế, chính sách của Bộ được thực thi tốt trong thời gian tới. Cũng tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã chỉ đạo các đơn vị chức năng, tham mưu trả lời trực tiếp, giải đáp cụ thể những thắc mắc, kiến nghị, đề xuất của các Hiệp hội, doanh nghiệp, cơ quan báo chí, xuất bản thuộc phạm vi, thẩm quyền được giao.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nêu rõ những nguyên tắc làm việc của Bộ TT&TT trong thời gian tới: Bộ phải tăng cường kỷ luật, kỷ cương, siết chặt kỷ luật hành chính, liêm chính, hành động nhanh, phục vụ người dân và doanh nghiệp; Tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi.
Khi xây dựng văn bản QPPL phải tuân thủ luật, chú trọng tính khả thi, ưu tiên tạo thuận lợi cho bên thụ hưởng. Các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp lớn, cần có bộ phận chuyên trách nghiên cứu về pháp luật để kịp thời tham vấn cho cơ quan quản lý một cách chất lượng, hiệu quả. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm giấy phép kinh doanh gây cản trở cho doanh nghiệp phát triển. Hàng năm, các lĩnh vực của Bộ sẽ tổ chức tổng kết riêng và khen thưởng cho các doanh nghiệp hoạt động trong từng lĩnh vực thông tin và truyền thông.
Về định hướng trong thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng yêu cầu các đơn vị, doanh nghiệp trong Ngành chú trọng thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm như sau: Kiến nghị đưa mục chi cho lĩnh vực CNTT vào dự toán ngân sách của Nhà nước; Ưu tiên đẩy nhanh xây dựng Chính phủ điện tử; Xây dựng Hệ thống Đổi mới sáng tạo quốc gia và trước mắt là xây dựng Trung tâm đổi mới sáng tạo 4.0 của Diễn đàn kinh tế thế giới tại Việt Nam; Phát triển các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam góp phần tăng năng suất lao động trên tất cả các lĩnh vực; Để phát triển nguồn nhân lực ICT chất lượng cao thì doanh nghiệp phải chủ động tạo ra việc làm có giá trị gia tăng cao, đây là điểm mấu chốt. Đồng thời cần tập trung nguồn lực để phát triển lĩnh vực An toàn, an ninh mạng với mục tiêu Việt Nam sẽ trở thành cường quốc về an ninh mạng.
Về việc xây dựng Chính phủ điện tử, Bộ TT&TT xác định đây là mấu chốt để đất nước phát triển nhanh hơn, Ngành TT&TT sẽ tham gia với tư cách là hạt nhân (Hai hạt nhân xây dựng Chính phủ điện tử là Văn phòng Chính phủ và Bộ TT&TT). Nhiệm vụ của ngành TT&TT là đưa Việt Nam xếp thứ hạng Chính phủ điện tử ở top 50 thế giới.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhận định: “An toàn an ninh mạng được coi là điều kiện để thúc đẩy chính phủ điện tử, chính phủ số và nền công nghiệp nội dung số. Vì vậy Việt Nam phải trở thành cường quốc về an ninh mạng”.
Về hệ sinh thái số Việt Nam, mục tiêu của Bộ TT&TT là đến năm 2020, thuê bao mạng xã hội Việt Nam chiếm 50% tổng số thuê bao mạng xã hội. Nhiệm vụ này được Bộ tập trung giao cho 3 đơn vị chính là Zalo (VNG), VCCorp và Mocha (Viettel).
Bộ TT&TT cũng đã hoàn thiện dự thảo Bộ quy tắc ứng xử cho các nhà cung cấp dịch vụ và người sử dụng mạng xã hội tại Việt Nam, hướng tới xây dựng môi trường mạng lành mạnh, an toàn tại Việt Nam; kế hoạch đấu tranh ngăn chặn việc phát tán, lan truyền thông tin xấu, độc trên Internet, mạng xã hội. Nghiên cứu, đề xuất, xây dựng phương án đấu tranh, ngăn chặn thông tin xấu độc trên 2 mạng xã hội nước ngoài là Facebook và Google.
Ngoài ra, Bộ trưởng cũng chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ cần tập trung nâng cao các chỉ số xếp hạng quốc gia. Theo thống kê trong lĩnh vực ICT thì Việt Nam hiện đang xếp ở vị trí thứ 100/193 quốc gia. Trong đó, nhiều lĩnh vực như Viễn thông, ATTT, CPĐT, nhân lực ICT đều ở mức thấp. Do đó, cần có kế hoạch cụ thể để đạt mục tiêu đến năm 2020 Việt Nam đứng trong Top 50 của thế giới.
Thông tin 31.000 giao dịch thẻ ngân hàng tại Việt Nam bị tung lên mạng
Ngày 6/11, trên diễn đàn RaidForums, một thành viên đã chia sẻ tập tin chứa 5,4 triệu địa chỉ email được cho là của khách hàng Thế Giới Di Động. Một file khác xuất hiện ngay sau đó có hơn 61.000 email được cho là của nhân viên công ty này, với định dạng Tên người dùng @thegioididong.com.
Thành viên này sáng nay đã tung lên diễn đàn các dữ liệu khác và tuyên bố là thông tin của khách hàng hệ thống Thế Giới Di Động. File excel này chứa hơn 31.000 bản ghi, liệt kê số thẻ ngân hàng, ngày giờ giao dịch, số tiền giao dịch cùng một số thông tin khác. Tập tin cũng liệt kê điểm thực hiện giao dịch chi tiết tới chi nhánh nào của Thế Giới Di Động hay Điện Máy Xanh.
Dữ liệu thẻ ngân hàng bị lộ bao gồm sáu chữ số đầu và bốn chữ số cuối, trong khi sáu chữ số ở giữa được che đi. Các giao dịch được cho là thực hiện từ ngày 29/6 đến 18/7/2016.
Đại diện truyền thông của Thế Giới Di Động cho biết đã kiểm tra và cho hay các thông tin lan truyền nói trên không phải của hệ thống siêu thị này. "Hệ thống của chúng tôi vẫn an toàn, hoạt động bình thường và không hề bị ảnh hưởng", đại diện công ty nói.
Kiểm tra trong file kể trên, hai người tại TP HCM cho biết họ tìm thấy thông tin thẻ của mình trong dữ liệu được tung lên Internet, đồng thời nói rằng họ có giao dịch với Thế Giới Di Động trong hai năm gần đây. Trong khi đó, hàng chục người tìm thấy địa chỉ email của mình trong file có chứa hơn 5 triệu tài khoản.
"Tôi khá bất ngờ khi thấy số thẻ của mình trong danh sách dữ liệu xuất hiện trên Internet", một khách hàng của Thế Giới Di Động nói. "Mặc dù số thẻ trên đã được che đi một phần nhưng cũng không thể chắc rằng toàn bộ thông tin ngân hàng của tôi có bị lộ hay không". Người này cho biết đã liên hệ với ngân hàng để tạm khóa thẻ nhằm tự bảo vệ mình.
"Không loại trừ khả năng hacker có đầy đủ thông tin thẻ của người dùng và bản tung lên Internet đã được che đi", một chuyên gia bảo mật tại TP HCM đánh giá. "Thậm chí kẻ tấn công có thể nắm được nhiều thông tin hơn và dù các giao dịch từ 2016 nhưng thẻ ngân hàng hoàn toàn có thể vẫn đang được sử dụng bình thường".
Ông Võ Đỗ Thắng, Giám đốc trung tâm an ninh mạng Athena, cho rằng hacker có thể từng bước tung ra các dữ liệu mà nhóm này lấy được. "Số thẻ ngân hàng là dữ liệu đặc biệt nhạy cảm, liên quan đến vấn đề tài chính nên người dùng cần tự kiểm tra và bảo vệ tài sản của mình", ông nói.
Thế Giới Di Động cho biết sẽ phối hợp với khách hàng để xác minh, hỗ trợ nếu họ phát hiện số thẻ của mình có trong các dữ liệu trên.
RaidForums là diễn đàn với hơn 90.000 thành viên, chuyên đăng tải, mua bán thông tin và dữ liệu rò rỉ. Hiện trang này có hàng chục nghìn người dùng mỗi ngày. Trước Thế Giới Di Động, dữ liệu của 160 triệu tài khoản Zing ID cũng bị chia sẻ trên forum này.
Lây nhiễm mã độc tại Việt Nam có diễn biến phức tạp
Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) vừa phát đi văn bản về đôn đốc tăng cường nâng cao năng lực phòng, chống phần mềm độc hại theo Chỉ thị số 14/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Cục An toàn thông tin cho biết, qua công tác theo dõi, giám sát trên không gian mạng, Bộ Thông tin và Truyền thông nhận thấy tình hình lây nhiễm phần mềm độc hại (mã độc) tại Việt Nam và nhiều quốc gia trên thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tấn công mạng nguy hiểm.
Theo thống kê từ Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia trực thuộc Cục An toàn thông tin, có khoảng 4,7 triệu địa chỉ IP của Việt Nam thường xuyên nằm trong các mạng mã độc lớn.
Vì vậy, Bộ TT&TT đề nghị các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đến thời hạn tháng 12/2018, phải hoàn thành việc bảo đảm có giải pháp phòng, chống mã độc bảo vệ cho 100% máy chủ, máy trạm, thiết bị đầu cuối liên quan và có cơ chế tự động cập nhật phiên bản hoặc dấu hiệu nhận dạng mã độc mới.
Giải pháp phòng, chống mã độc được đầu tư mới hoặc nâng cấp cần có chức năng cho phép quản trị tập trung; có dịch vụ, giải pháp hỗ trợ kỹ thuật 24/7, có khả năng phản ứng kịp thời trong việc phát hiện, phân tích và gỡ bỏ phần mềm độc hại; có thể chia sẻ thông tin, dữ liệu thống kê tình hình lây nhiễm mã độc với hệ thống kỹ thuật của cơ quan chức năng có thẩm quyền.
Sau Thegioididong, hacker lại tiếp tục "dọa" doanh nghiệp Việt
Ngay sau khi làm cho Thegioididong bị khốn đốn, lao đao vì thông tin khách hàng bị lộ, ngày 10/11, một thành viên khác của diễn đàn raidforums lại tung dữ liệu cá nhân được cho là đánh cắp của Concung.com.
Trong đó, hacker có ‘ví dụ’ thông tin cụ thể của một người được cho là chuyên viên Marketing và Bán hàng Online của hệ thống này như họ tên, ngày tháng năm sinh, số chứng minh thư nhân dân...
Thậm chí, hacker này còn cho biết đã có dữ liệu của hệ thống bán lẻ lớn khác là FPT Shop và cho biết sẽ giao dịch trao đổi hoặc bán khi được giá.
Ông Ngô Tuấn Anh - Phó Chủ tịch phụ trách An ninh mạng của Bkav cho hay, dữ liệu mà hacker tải lên là của nhân viên Concung.com. Theo vị chuyên gia này, nhiều khả năng hệ thống của doanh nghiệp đã bị xâm nhập. Do đó, doanh nghiệp cần rà soát, phát hiện lỗ hổng và xử lý kịp thời.
Với các nhân viên bị lộ thông tin, ông Tuấn Anh khuyến cáo cần đổi mật khẩu trong trường hợp sử dụng mật khẩu bị lộ cho các tài khoản khác. Bên cạnh đó, người bị lộ cần cẩn thận với những email, tin nhắn lạ, có dấu hiệu lừa đảo để bảo vệ mình.
Trước đó, hồi đầu tháng Mười Một, một thành viên của diễn đàn này đã đưa dữ liệu được cho là của Thegioididong lên. Sau đó, chuỗi bán lẻ công nghệ lớn nhất Việt Nam đã lên tiếng khẳng định thông tin là giả.
Ngày 9/11, đại diện Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) lên tiếng cho hay “chưa nhận thấy có dấu hiệu tấn công vào các thành phần hệ thống liên quan tới thông tin cá nhân bị công bố.”
Cùng ngày, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng cho biết, qua báo cáo nhanh của các ngân hàng, đến thời điểm 9/11, chưa ghi nhận trường hợp khách hàng của ngân hàng có liên quan trong vụ việc này bị lộ lọt thông tin thẻ, cũng như bị khai thác, lợi dụng chiếm đoạt tiền trong tài khoản.
Tuy nhiên, thông tin bất lợi và chưa thể xác định nói trên vẫn khiến Thegioididong gặp rất nhiều sóng gió khi liên tục bị mất điểm trên thị trường chứng khoán với con số được tính toán lên tới hàng nghìn tỷ đồng (trong khoảng từ 7-10/11).
iPhone 8 hàng tân trang chính hãng giá từ 500 USD
Các mẫu điện thoại iPhone 8 hàng được tân trang sau khi đã qua sử dụng (còn gọi là hàng refurbished) vừa được Apple mở bán giá từ 500 USD.
Các máy iPhone 8 refurbished sẽ giảm giá tới 100 USD so với giá bán khởi điểm thông thường của một chiếc iPhone 8 hiện nay.
iPhone 8 refurbished sẽ được bán tại các điểm bán hàng đã qua sử dụng được Apple cấp giấy ủy quyền. Đây được cho là một trong những bí mật được giữ kín nhất trong giới công nghệ thời gian qua.
Theo chia sẻ kinh nghiệm từ tác giả Antonio Villas-Boas của trang Business Insider, từ kinh nghiệm bản thân đã từng mua máy tính MacBook Pro hàng refurbished cho tới nhiều loại sản phẩm khác, người này cho rằng chất lượng hàng làm mới lại của Apple rất tuyệt, do đó rất đáng để người dùng cân nhắc.
Theo đó, nếu bạn đang có ý định mua một "con" iPhone 8, dù đủ tiền mua một chiếc "mới toanh", bạn vẫn có thể tính tới việc mua iPhone 8 refurbished để tiết kiệm tới 100 USD, khoản tiền không hề nhỏ mà vẫn hoàn toàn yên tâm về chất lượng không có gì kém cạnh.
iPhone 8 vẫn là một chiếc iPhone tốt, với camera tuyệt vời và chip xử lý tương đương với iPhone X. Tuy nhiên bạn sẽ không có được thiết kế ấn tượng như iPhone X, màn hình OLED hay tính năng nhận diện khuôn mặt Face ID.
Và nếu bạn muốn tìm kiếm những chiếc iPhone có giá rẻ hơn nữa, iPhone 7 và iPhone 7 Plus refurbished có thể là sự lựa chọn, với giá bán lần lượt là 380 USD và 480 USD. iPhone 8 Plus refurbished dự kiến sẽ có giá bán 599 USD.