Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Việt Nam sẽ vào Top 30 chuyển đổi số tại năm 2030
Tại Diễn đàn Cấp cao và Triển lãm Quốc tế về Công nghiệp 4.0 năm 2019 (Industry 4.0 Summit 2019) diễn ra sáng 3/10 tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ TT&TT đã có bài tham luận phát biểu về chuyển đổi số.
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng |
Trong phần tham luận của mình, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định Nghị quyết 52 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp (CMCN) lần thứ tư đã định hướng cho chuyển đổi số Việt Nam, trong đó đặt ra mục tiêu kinh tế số chiếm tới 30% GDP vào năm 2030. Từ đó phải đổi mới tư duy, tạo thuận lợi cho cái mới phát triển, các giải pháp phải đột phá, Việt Nam sẽ bứt phá vượt lên.
Chuyển đổi số để tiến tới kinh tế số và xã hội số đó là môi trường tốt nhất cho đổi mới sáng tạo. Và chuyển đổi số thực sự tăng tốc khi xuất hiện các công nghệ của CMCN lần thứ 4.
Chuyển đổi số hay còn gọi là môi trường không gian mạng là một môi trường mới trong cuộc sống của nhân loại - môi trường số. Chúng ta đã quen thuộc với các môi trường trên không, trên bộ, trên biển, trong vũ trụ và sóng điện từ. Một môi trường mới cũng tức là thách thức mới và cơ hội mới, là nhận thức mới và luật lệ mới, là cách thức sản xuất mới và hạ tầng mới, Bộ trưởng nói.
Người đứng đầu ngành TT&TT khẳng định, chuyển đổi số là một cuộc cách mạng vĩ đại của loài người. Chúng ta sống trong thế giới thực từ khi xuất hiện loài người và đây là lần đầu tiên loài người bước vào một thế giới khác. Sẽ xuất hiện kinh tế số và xã hội số, và chỉ lúc này thì các công nghệ số mới phát huy hết sức mạnh của nó, cả sức mạnh xây dựng và sức mạnh huỷ diệt.
Quá trình chuyển đổi số sẽ hình thành các mối quan hệ mới. Đây chính là thách thức lớn nhất của chuyển đổi số. Nhưng chính những mối quan hệ mới này, những mô hình kinh tế mới này mới phát huy hiệu quả của chuyển đổi số.
Chấp nhận cái mới phụ thuộc vào chuyển đổi nhận thức của con người. Nhưng lại là lợi thế của các nước đi sau, vì sự chuyển đổi nhận thức này không phụ thuộc vào cơ sở vật chất mà một nước đang sở hữu.
Các nước đi sau ít gánh nặng của quá khứ, cả về hạ tầng vật chất và thể chế, cả về năng lực cạnh tranh của thời 2.0, 3.0. Những gánh nặng quá khứ này có thể lại là cản trở cho 4.0, vì 4.0 cần năng lực cạnh tranh mới, hạ tầng mới, thể chế mới.
Nếu có chính sách phù hợp thì Việt Nam sẽ tận dụng được cơ hội này để vượt lên thành nước phát triển. Chuyển đổi số là một cuộc cách mạng về chính sách và thể chế nhiều hơn là một cuộc cách mạng về công nghệ, ông Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ.
Chuyển đổi số mở ra cơ hội to lớn cho Việt Nam. Đồng thời đây cũng là sự thay đổi mang tính toàn diện, đến từng doanh nghiệp, từng tổ chức, đến từng người dân, đến mọi lĩnh vực. Việt Nam muốn thay đổi thứ hạng trên thế giới thì phải đi nhanh và đi đầu để có lợi thế cạnh tranh. Và lợi thế của người Việt Nam là khả năng thích ứng nhanh với cái mới, ham học hỏi cái mới, sáng tạo trong ứng dụng cái mới. Việt Nam luôn là nước mạnh nhất thế giới trong các cuộc cách mạng toàn dân, Bộ trưởng khẳng định.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, Việt Nam phải cần đến hàng trăm ngàn doanh nghiệp ICT tại khắp các tỉnh thành để đẩy nhanh chuyển đổi số, chuyển đổi số sẽ thúc đẩy Make In Vietnam, hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam và chính từ thị trường Việt Nam đi ra thị trường toàn cầu.
Bộ trưởng đặt ra câu hỏi: Nếu chúng ta cứ phải tới từng cơ quan, từng doanh nghiệp, từng hộ gia đình, từng người dân để làm chuyển đổi số cho họ thì sẽ rất lâu. Có cách tiếp cận nào mới và đột phá không? Đó chính là các Platform (nền tảng) số để các cơ quan, doanh nghiệp, hộ gia đình và người dân sử dụng. Sử dụng các Platform số tức là lên môi trường số, tức là hoạt động trong môi trường số.
Năm 2019, Việt Nam sẽ tuyên bố chiến lược về chuyển đổi số quốc gia, để tiến tới một nền kinh tế số, xã hội số. Các yếu tố nền tảng sẽ được đầu tư trước, sẽ đi trước, sẽ phải có thứ hạng cao trên thế giới, phải nằm trong top 50 vào năm 2025 và top 30 vào năm 2030. 5 yếu tố nền tảng là: Thể chế, Hạ tầng, An ninh mạng, Platform và Đào tạo.
Để chuyển đổi số, Việt Nam có thể chọn chiến lược 3 bước. Bước một, đẩy nhanh việc số hoá và ứng dụng CNTT trong các lĩnh vực. Bước hai, sử dụng chuyển đổi số như một lợi thế cạnh tranh trong từng lĩnh vực. Bước ba, tiến tới nền kinh tế số toàn diện, hình thành các ngành công nghiệp số thế hệ mới, các ngành công nghiệp mới này sẽ là động lực tăng trưởng cho nền kinh tế.
. Việt Nam muốn dựa vào chuyển đổi số để phát triển thành quốc gia hùng cường thì Việt Nam phải là cường quốc về an ninh mạng để đảm bảo an toàn cho quá trình này, tạo niềm tin số cho mọi người, Bộ trưởng khẳng định.
Xem xét tắt công nghệ di động mặt đất 2G năm 2022
Theo thông tin từ Bộ TT&TT, lãnh đạo Bộ đang xem xét lộ trình tắt sóng công nghệ di động mặt đất 2G được triển khai từ năm 1990 để tăng hiệu quả sử dụng phổ tần, đáp ứng nhu cầu về phổ tần ngày càng gia tăng của doanh nghiệp di động.
Việc dừng công nghệ di động mặt đất 2G cũng giúp các nhà mạng tăng hiệu quả kinh tế trong vận hành mạng lưới của doanh nghiệp bởi công nghệ càng cũ thì càng tiêu tốn nhiều năng lượng.
Đồng thời, việc dừng phát sóng công nghệ cũ cũng mở ra tiềm năng thị trường mới, đáp ứng nhu cầu sử dụng dịch vụ, thúc đẩy kế hoạch chuyển đổi số quốc gia, chính quyền điện tử cũng như thành phố thông minh.
Dự kiến, mạng di động mặt đất 2G sẽ bị dừng trên phạm vi toàn quốc vào ngày 1/1/2022. Việt Nam đã bắt đầu thử nghiệm mạng di động 5G và dự kiến thương mại dịch vụ này vào năm 2020.
Hiện nay trên mạng viễn thông Việt Nam đang tồn tại đồng thời 3 công nghệ di động mặt đất gồm: GSM (mạng 2G) triển khai từ năm 1990, IMT 2000 (3G) triển khai từ năm 2009 và LTE – A (4G) triển khai từ năm 2016.
Tại bài phát biểu tại Phiên toàn thể Diễn đàn cao cấp về công nghiệp 4.0 diễn ra sáng 3/10 do Ban Kinh tế Trung ương tổ chức, Bộ Trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cũng cho biết Bộ Thông tin và Truyền thông nghiên cứu phương án sớm tắt sóng công nghệ 2G.
Ông cũng cho biết 100% người Việt Nam có điện thoại thông minh cũng sẽ là một yếu tố quan trọng thúc đẩy nhanh chuyển đổi số quốc gia.
Bộ Thông tin và Truyền thông bắt đầu thanh tra nhà mạng, đại lý sim rác
Bộ T&TT đãcó văn bản chỉ đạo các Sở TT&TT 63 tỉnh, TP phối hợp với chính quyền địa phương bắt đầu đợt thanh tra các nhà mạng, đại lý sim rác trên toàn quốc từ hôm 1/10.
Theo đó, các Sở TT&TT sẽ tiến hành thanh tra các doanh nghiệp viễn thông di động, tổ chức, cá nhân, cửa hàng, đại lý phân phối, bán SIM điện thoại trái pháp luật trên địa bàn.
Phía Bộ TT&TT cũng có văn bản đề nghị UBND các tỉnh, TP, Bộ Công an, Bộ Công Thương cùng phối hợp chỉ đạo đợt thanh tra.
Theo Bộ TT&TT, hiện nay tình trạng SIM rác vẫn được bày bán công khai, người dân không cần giấy tờ tùy thân vẫn có thể mua để sử dụng một cách dễ dàng, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, an ninh.
Các quy định không giới hạn số lượng SIM mà người dân, tổ chức, doanh nghiệp được sử dụng đã bị nhiều tổ chức, doanh nghiệp lợi dụng để đăng ký thông tin cho hàng nghìn, hàng chục nghìn thậm chí vài chục nghìn SIM thuê bao điện thoại di động nhưng không rõ các SIM này đang ở đâu, do ai sở hữu?
Cũng theo Bộ TT&TT, doanh nghiệp còn ủy quyền cho các cá nhân không rõ có phải là nhân viên hay không để thực hiện ký giao kết hợp đồng sử dụng thuê bao di động với tần suất cách nhau một vài ba ngày/lần để sử dụng vài ba trăm SIM. Thậm chí, chủ đại lý cung cấp dịch vụ viễn thông trực tiếp dùng chứng minh nhân dân, thẻ căn cước của mình đăng ký thông tin thuê bao cho hàng trăm SIM, khi được kiểm tra thì báo bị mất.
Chưa kể, có tình trạng nhà mạng ký hợp đồng với các cá nhân bên ngoài để làm điểm cung cấp dịch vụ. Thậm chí, các điểm này còn ủy quyền lại, ký tiếp hợp đồng với các doanh nghiệp, cá nhân khác để đăng ký thông tin thuê bao.
Liên quan đến chiến dịch ngăn chặn sim rác, đầu năm 2019, Bộ này đã ban hành văn bản nêu rõ, khi phát hiện tình trạng SIM rác được bán, Bộ TT&TT sẽ có công văn nhắc nhở chủ tịch, tổng giám đốc hai lần trước khi báo cáo Thủ tướng xem xét chỉ đạo xử lý hành chính, kỷ luật. Bên cạnh đó, lãnh đạo các nhà mạng không được xem xét tặng các danh hiệu nếu để xảy ra sim rác.
CyStack: Việt Nam xếp thứ 10 trong các quốc gia có nhiều website bị tấn công nhất
Báo cáo an ninh website là báo cáo thống kê và phân tích tình hình tấn công website trên toàn thế giới, được thực hiện định kỳ hàng quý bởi Công ty an toàn thông tin CyStack. Dữ liệu trong báo cáo này được trích xuất từ hệ thống CyStack Attack Map (attacks.cystack.net) do CyStack nghiên cứu và phát triển.
Số liệu từ báo cáo an ninh website mới được CyStack công bố cho thấy, trong quý III/2019, hệ thống CyStack Attack Map đã ghi nhận có tới 127.367 website bị tấn công trên toàn cầu, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái.
Thống kê vào quý III/2019, số vụ tấn công website trong 3 tháng gần đây của Việt Nam tăng 113% so với cùng kỳ năm ngoái (2.523 so với 1.183). Con số này cũng đưa Việt Nam vào vị trí thứ 10 trên bảng xếp hạng các quốc gia bị tấn công website nhiều nhất thế giới. Trong đó tên miền .com, .vn và .net bị tấn công nhiều nhất.
Trong số các website bị tấn công trên toàn thế giới sử dụng các nền tảng quản trị nội dung (CMS), gần 70% được xây dựng trên WordPress, theo sau đó lần lượt là Joomla, DNN, Elementor và Drupal.
Sau khi tấn công các website, theo CyStack, hacker có thể thực hiện các hành vi gây thiệt hại như đánh cắp dữ liệu của doanh nghiệp, thay đổi giao diện trang web (tấn công deface), chèn mã độc (malicious code), điều hướng người dùng tới trang web lừa đảo.v.v...
CyStack thông tin thêm, tính từ đầu năm nay đến hết tháng 9/2019, hệ thống CyStack Attack Map của CyStack đã ghi nhận đã có tổng số hơn 450.000 website trên toàn thế giới bị tin tặc tấn công và chiếm quyền kiểm soát. Tại Việt Nam, đã có 8.356 hệ thống website trở thành nạn nhân của tin tặc trong 9 tháng đầu năm nay.