Điểm nhấn công nghệ: Viettel thử nghiệm thành công cuộc gọi 5G

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Viettel thử nghiệm thành công cuộc gọi 5G; Đề xuất đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với điện thoại di động; "Make in VietNam" và kiến nghị giao việc khó để doanh nghiệp trưởng thành nhanh hơn... là nội dung chú ý tuần qua.

Viettel thử nghiệm thành công cuộc gọi 5G

Ngày 10/5, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) và Tập đoàn Ericsson (Thụy Điển) thực hiện kết nối chính thức lần đầu tiên trên mạng di động 5G tại Việt Nam.

 Ảnh minh họa

Hoạt động nằm trong chương trình thử nghiệm kỹ thuật do Viettel thực hiện nhằm đánh giá mọi mặt về khả năng ứng dụng công nghệ trong thực tiễn tại Việt Nam. Tại sự kiện, tốc độ kết nối mạng di động 5G của Viettel với thiết bị đầu cuối đạt từ 1,5 - 1,7 Gbps - vượt xa tốc độ giới hạn lý thuyết của mạng 4G LTE, tương đương với tốc độ của cáp quang thương mại.

Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đánh giá cao nỗ lực triển khai, làm chủ công nghệ của Viettel chỉ trong vòng 3 tháng kể từ ngày nhận giấy phép.

“Thử nghiệm 5G năm 2019 và triển khai thương mại năm 2020 là một tuyên bố của ngành ICT Việt Nam về việc từ nay chúng ta sẽ không tiếp tục đi sau mà sẽ đi cùng nhịp với những nước đầu tiên trên thế giới. Thử nghiệm 5G ngày hôm nay của Viettel phải tập trung vào việc làm thế nào để nâng cao chất lượng mạng 5G trên toàn quốc và chỉ rõ vai trò 5G trong mạng di động toàn cầu.

Một trong những ứng dụng giai đoạn đầu của 5G là nhà máy thông minh, là công nghệ cao ở đó rất nhiều công nghệ mới 5G đang được sử dụng. Ở đó, Viettel và các nhà mạng phải sớm thử nghiệm để năm 2020 phủ sóng toàn bộ các khu công nghệ cao, các trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia, các nhà máy sản xuất thông minh” - Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chỉ đạo.

Sự kiện đánh dấu Việt Nam trở thành một trong những quốc gia thử nghiệm thành công sớm nhất mạng 5G trên thế giới. Công nghệ 5G do Viettel triển khai đồng hành với lộ trình chuẩn hóa của tổ chức 3GPP.

“Viettel luôn sẵn sàng các giải pháp ứng dụng trí tuệ nhân tạo giúp giải quyết các vấn đề xã hội. Viettel cũng xây dựng một đội ngũ an ninh mạng lớn nhất và tinh nhuệ nhất Việt Nam để bảo vệ sự an toàn của người dùng trên không giang mạng” - Quyền Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel Lê Đăng Dũng khẳng định.

Đồng hành với Viettel trong triển khai thử nghiệm mạng 5G là công ty Ericsson (Thụy Điển). Nhà sản xuất thiết bị viễn thông với bề dày trên 140 năm kinh nghiệm khẳng định nỗ lực của Viettel trong việc tiên phong đưa công nghệ di động mới nhất về Việt Nam, trở thành nhà mạng đầu tiên trên thị trường giúp Việt Nam bắt kịp những nước đi đầu về 5G trên thế giới như Mỹ, Úc, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Theo kế hoạch, Viettel sẽ tiếp tục mở rộng thử nghiệm mạng di động 5G tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Mục tiêu của quá trình thử nghiệm này chính là nguồn thông tin đầu vào giúp Bộ TT&TT đánh giá toàn diện công nghệ 5G dựa trên các tiêu chí: Vùng phủ sóng, công suất, tốc độ tối đa và khả năng tương thích giữa thiết bị 5G với cơ sở hạ tầng hiện tại. Từ đó, Bộ có cơ sở để hoạch định chính sách, quy hoạch tần số, lập lộ trình triển khai tiến tới thương mại hóa dịch vụ 5G vào năm 2020 theo đúng kế hoạch. Được biết, tại Việt Nam, hiện mới có 2 nhà mạng được cấp phép thử nghiệm 5G là Viettel và MobiFone.

Đề xuất đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với điện thoại di động
Ngày 7/5, UBND TP Hồ Chí Minh đã gửi Bộ Tài chính góp ý về dự thảo "Đề án mở rộng cơ sở thuế và chống xói mòn nguồn thu ngân sách nhà nước".
Về thuế tiêu thụ đặc biệt, địa phương này đề xuất cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung vào đối tượng chịu thuế một số hàng hóa, dịch vụ như: Điện thoại di động, camera, nước hoa, mỹ phẩm, dịch vụ kinh doanh game, dịch vụ thẩm mỹ.
 Ảnh minh họa
Theo lý giải, nước hoa và dịch vụ thẩm mỹ nên được bổ sung vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt vì loại hàng hóa, dịch vụ thuộc nhóm khá cao cấp. Điều này giúp mở rộng điều tiết thuế vào thu nhập của một bộ phận dân cư có thu nhập từ mức khá trở lên.
Thừa nhận điện thoại di động không phải hàng hóa, dịch vụ cao cấp nhưng UBND TP Hồ Chí Minh cho rằng, đây cũng không thuộc diện "rất thiết yếu". Bởi vậy, việc đưa vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, theo địa phương này, nhằm hướng dẫn sản xuất và tiêu dùng hợp lý.
Bên cạnh đó, điện thoại di động là hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu thông tin liên lạc nhưng đưa vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt để điều tiết thu nhập của một bộ phận dân cư có thu nhập từ khá trở lên, có nhu cầu và khả năng thu nhập thường xuyên sử dụng các sản phẩm thế hệ mới.
Với thuế giá trị gia tăng, theo TP Hồ Chí Minh, cần nghiên cứu thu hẹp đối tượng không thuộc diện chịu loại thuế này, chỉ nên thu thuế với các hàng hóa, dịch vụ khó xác định giá trị gia tăng như dịch vụ cấp tín dụng, kinh doanh chứng khoán, vũ khí, khí tài phục vụ quốc phòng, an ninh,...
Theo UBND TP Hồ Chí Minh, hiện Việt Nam có 25 nhóm hàng hóa, dịch vụ không thuộc diện chịu thuế giá trị gia tăng. So với thông lệ quốc tế (thường từ 4 đến 8 nhóm), số lượng hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế giá trị gia tăng như vậy theo thành phố là quá nhiều. Tuy vậy, cơ quan này cũng nhấn mạnh thêm, khi thu hẹp đối tượng không chịu thuế, cần sử dụng công cụ khác để thực hiện chính sách xã hội và điều tiết vĩ mô nền kinh tế.
Với thuế tài sản, UBND TP Hồ Chí Minh nhận định, dư địa mở rộng cơ sở sắc thuế này hiện nay ở Việt Nam chủ yếu nằm ở bất động sản. Theo đó, hiện Việt Nam mới đánh thuế sử dụng đất nông nghiệp và thuế sử dụng phi nông nghiệp mà chưa đánh thuế đối với nhà và công trình kiến trúc trên đất (bất động sản).
Cơ quan này cho rằng, nên xem xét mở rộng cơ sở đánh thuế tài sản, song cần nghiên cứu đánh thuế bất động sản với một ngưỡng miễn thuế nhất định để không ảnh hưởng người thu nhập thấp.
Riêng với thuế thu nhập cá nhân, UBND TP HCM đề xuất nghiên cứu giảm bớt một số khoản, điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh theo hướng mở rộng phạm vi điều tiết sang người có thu nhập trung bình gắn với điều chỉnh biểu thuế. Sự điều chỉnh này để gánh nặng thuế không dồn quá nhiều vào nhóm dân cư có thu nhập trung bình khá.

"Make in VietNam" và kiến nghị giao việc khó để doanh nghiệp trưởng thành nhanh hơn

Tại Diễn đàn quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam với chủ đề "Khát vọng, tầm nhìn và định hướng phát triển vì một Việt Nam hùng cường" do Bộ TT&TT tổ chức sáng 9/5, slogan "Make in Vietnam" thay vì "Made in Vietnam" đã thu hút sự chú ý của các đại biểu và giới truyền thông.

 Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng

Chia sẻ về ý nghĩa của thông điệp, bà Tô Thị Thu Hương - Phó Vụ trưởng Vụ Công nghệ thông tin cho biết, từ cuối 2018 Bộ TT&TT đã tính tới việc phải có một slogan cho ngành công nghiệp ICT (công nghệ thông tin và truyền thông) nước nhà. Khi đó, có nhiều phương án được đề xuất, như học tập của Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Đài Loan... Sau khi cân nhắc, Bộ mạnh dạn đề xuất thông điệp "Make in Vietnam".

"Make in Vietnam nếu lần đầu nghe sẽ khiến nhiều người có cảm giác có gì đó sai sai, nhưng cũng chính vì thế mà nó tạo hiệu ứng truyền thông. Vì cảm thấy sai, mọi người sẽ phải đọc lại và suy ngẫm", bà Hương giải thích.

Phát biểu tới báo giới bên lề diễn đàn sáng 9/5, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định: "Make in Vietnam" là một cách gọi sáng tạo, muốn nói đến sự sáng tạo, thiết kế và sản xuất đều thực hiện tại Việt Nam. "Làm tại Việt Nam" sẽ hàm nghĩa người Việt Nam chủ động, thiết kế, tích hợp sản phẩm tại Việt Nam và phát triển, đóng góp vào công nghệ, phát triển cộng đồng công nghệ.

Cũng theo Bộ trưởng, để thực sự "Make in Vietnam", Việt Nam cần có sự đóng góp của 3 nhóm doanh nghiệp công nghệ với vai trò khác nhau. Một là nhóm startup - tạo ra những sản phẩm giải pháp mới mẻ, bất ngờ và rất hữu dụng, thậm chí nếu thành công thì có thể mang tính toàn cầu.

Nhóm thứ hai là doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ. Họ dùng công nghệ có sẵn, vận dụng để phát triển sản phẩm, tạo ra giải pháp cho đơn vị khác.

Nhóm thứ ba là những doanh nghiệp công nghệ lớn, được chia làm 2 nhánh. Thứ nhất là những tên tuổi lớn, từ lâu trong lĩnh vực công nghệ như Tập đoàn FPT, VNG, CMC... Nhánh thứ hai là những doanh nghiệp trưởng thành từ thương mại, dịch vụ, bất động sản, viễn thông như Vingroup, Viettel, Phenikaa... và đang có hướng chuyển mình.

Bộ trưởng Bộ TT&TT kỳ vọng, "Make in VietNam" sẽ không chỉ giúp Việt Nam thịnh vượng mà còn giúp Việt Nam có hoà bình lâu dài và góp phần phát triển ngành công nghiệp quốc phòng hùng mạnh. "Chiếc nỏ thần Việt Nam" sẽ chỉ có thể do người Việt Nam làm ra. Trên thế giới, hầu hết các công ty công nghệ đều có mảng công nghiệp quốc phòng. Báo chí Việt Nam gần đây có nói đến một start-up công nghệ của Trung Quốc - Công ty LinkSpace - công ty tư nhân đầu tiên sản xuất tên lửa tái sử dụng. LinkSpace được thành lập năm 2014 bởi những kỹ sư trẻ dưới 30 tuổi. Tại sao các kỹ sư trẻ Việt Nam không thể làm điều tương tự?", Bộ trưởng đặt câu hỏi.

Phát biểu khai mạc diễn đàn sáng 9/5, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhận định, ngày nay bất kỳ công ty nào, dù là cung cấp sản phẩm hay dịch vụ, đều liên quan đến công nghệ. Các công ty sẽ không thể sản xuất và marketing hiệu quả nếu không sử dụng công nghệ, đặc biệt là công nghệ mới. Những công ty nào áp dụng công nghệ để thay đổi sản phẩm, thay đổi cách tạo ra sản phẩm, thay đổi mô hình kinh doanh sẽ góp phần định hình lại thế giới.

"Phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam được coi là ưu tiên số 1", Bộ trưởng khẳng định và chỉ rõ: Muốn có các doanh nghiệp công nghệ thì việc tạo ra thị trường có lẽ là quan trọng nhất. Chính phủ là hộ chi tiêu lớn nhất của một quốc gia, nếu Chính phủ mua sắm hướng vào các sản phẩm công nghệ thì sẽ góp phần đáng kể, nhất là cho giai đoạn đầu, để sinh ra các công ty công nghệ.

Theo Bộ trưởng, chuyển đổi số quốc gia đang diễn ra nhanh và trên phạm vi toàn quốc, trong mọi lĩnh vực, từ doanh nghiệp tới chính phủ và xã hội, cũng sẽ tạo ra thị trường vô cùng lớn cho các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam. Năm 2019 này, Việt Nam sẽ tuyên bố chiến lược chuyển đổi số quốc gia - Digital Vietnam, nhằm hướng tới một nền kinh tế và xã hội số. Đổi mới sáng tạo diễn ra thuận lợi nhất là trong môi trường số. Bởi vậy mà chuyển đổi số được coi là tiền đề cho đổi mới sáng tạo diễn ra rộng khắp.

Cũng tại diễn đàn, người đứng đầu ngành TT&TT đã đưa ra một vấn đề mới đó là, trong không ít trường hợp, khó khăn và thách thức lại là nhân tố chính tạo nên những doanh nghiệp hàng đầu.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần