Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Điểm nhấn kinh tế tuần qua: Brexit gây "chấn động" cả thế giới

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc người dân Anh lựa chọn rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) đã khiến nền kinh tế thế giới ảnh hưởng mạnh, ngay tức thì cũng như hứa hẹn nhiều hậu quả nghiêm trọng nếu như điều này thành sự thật.

Brexit tạo "chấn động" cho kinh tế thế giới

Theo kết quả của cuộc trưng cầu dân ý lịch sử diễn ra ngày 23/6 (giờ địa phương), 51,89% cử tri Anh đã ủng hộ Brexit so với chỉ 48,1% cử tri ủng hộ phương án ở lại EU. Như vậy, sau 40 năm gắn bó, người Anh đã lựa chọn việc rời bỏ EU.
Brexit được cho là sẽ không tạo ra tác động lớn tới Việt Nam
Brexit được cho là sẽ không tạo ra tác động lớn tới Việt Nam
Dự báo của nhiều tổ chức tài chính cho biết, nếu thực sự Anh rời khỏi EU sẽ tác động tiêu cực trực tiếp tới kinh tế Anh, EU và gián tiếp tới các nước khác. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) nhận định, Brexit không chỉ tác động nặng nề tới lòng tin người tiêu dùng và giới đầu tư mà còn làm tăng tính dễ tổn thương của thị trường tài chính. IMF cảnh báo, Anh rời khỏi EU sẽ làm gián đoạn và suy giảm các dòng chảy tài chính và thương mại song phương, thu hẹp lợi ích có được từ việc hội nhập và hợp tác kinh tế như những gì các nền kinh tế đang có được hiện nay.

Đó là tác động dài hạn, còn những tác động ngắn hạn đã được thể hiện rõ nét tại thị trường chứng khoán (TTCK) quốc tế ngay khi có kết quả sơ bộ của cuộc trưng cầu trên. Gần như toàn bộ các TTCK trên toàn cầu đều lao dốc. TTCK Nhật Bản thậm chí phải tạm đóng cửa sau khi chỉ số Nikkei có lúc giảm hơn 8%, mức giảm tồi tệ nhất trong 5 năm trở lại đây. Sàn Thượng Hải cũng đã có động thái tương tự. FTSE100 của Anh giảm hơn 5%.

Mở cửa phiên giao dịch sáng 24/6 trên thị trường châu Âu (đầu giờ chiều 24/6 giờ Việt Nam), bảng Anh (GBP) đã tụt xuống mức thấp nhất kể từ năm 1985, còn chưa đầy 1,35 USD đổi 1 GBP. Đây là mức giảm chưa từng có trong lịch sử của đồng tiền này, hơn cả thời điểm đen tối khi Ngân hàng Lehman Brothers của Mỹ phá sản gây ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu vào năm 2008.

Việt Nam cũng nằm ngoài cơn "chấn động" này khi TTCK cả hai sàn Hà Nội và TP.HCM đều rực lửa. Có thời điểm VN-Index mất hơn 34 điểm (-5,4%) khiến vốn hóa thị trường bốc hơi 3,5 tỷ USD. Tuy nhiên, lực cầu bắt đáy mạnh ở phiên chiều đã phần nào cứu vãn được một ngày thảm họa. Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm 11,5 điểm (1,82%) xuống 620,77 điểm; Hnx-Index giảm 1,71 điểm (2%) xuống 83,62 điểm.

Trong ngày 24/6, thị trường vàng Việt Nam cũng biến động không ngừng, có thời điểm giá mua - giá bán vàng miếng SJC đạt mức cao nhất kể từ 10 tháng trở lại đây, với giá từ 35,5 - 35,9 triệu đồng/lượng. Đến cuối ngày, giá mua - giá bán vàng miếng SJC đã tăng khoảng 1 triệu đồng/lượng so với ngày 23/6.

Theo các chuyên gia kinh tế nhận định, xét về lâu dài Brexit sẽ có tác động tới kinh tế Việt Nam nhưng chỉ là tối thiểu, bởi Anh chưa phải là đối tác thương mại quá lớn của nước ta.

Quyết bỏ 3.500 giấy phép con "cởi trói" cho DN

Tại phiên họp chuyên đề về xây dựng văn bản pháp luật ngày 23/6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh về việc kiên quyết loại bỏ 3.500 giấy phép con đang gây phiền nhiễu cho DN.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Thủ tướng nhấn mạnh, "Nhà nước pháp quyền không có nghĩa là xây dựng thật nhiều văn bản quy phạm pháp luật mà quan trọng là chất lượng văn bản; không phải chạy theo số lượng mà phải là chất lượng văn bản, làm sao tạo cơ chế quản lý tốt nhất, tạo điện kiện thuận lợi nhất cho người dân, DN, tạo động lực phát triển mới, thực hiện cho được mục tiêu phát triển DN trong thời gian tới".

Đồng thời, người đứng đầu Chính phủ lưu ý Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cơ quan thường trực thi hành Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, nhất là Viện Quản lý kinh tế Trung ương, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cần "quyết liệt vào cuộc, cùng các bộ, ngành để rà soát những điều còn bất cập của luật, báo cáo Chính phủ trình Quốc hội xem xét."

5 công ty đa cấp bị phạt gần 1,4 tỷ đồng

Cục Quản lý cạnh tranh vừa ban hành quyết định xử phạt vi phạm đối với một số công ty bán hàng đa cấp, trong đó công ty bị xử phạt ít nhất là 190 triệu đồng và nhiều nhất là 430 triệu đồng.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Trong số này Công ty TNHH Phong cách sống kim cương Việt Nam bị phạt với số tiền cao nhất lên đến 430 triệu đồng do vi phạm hàng loạt các quy định về cấp và bổ sung giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp và các nghĩa vụ liên quan đến hoạt động đào tạo cơ bản cho người tham gia bán hàng đa cấp. Công ty này cũng đưa thông tin gây nhầm lẫn về công dụng của sản phẩm; kinh doanh theo phương thức đa cấp đối với hàng hóa chưa đăng ký.

Kế tiếp là Công ty Cổ phần Visi Việt Nam 280 triệu đồng do bán hàng đa cấp tại các tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương khi chưa có xác nhận tiếp nhận hồ sơ thông báo hoạt động của Sở Công Thương; không thực hiện thủ tục đề nghị cấp sửa đổi, bổ sung giấy chứng nhận đăng ký hoạt động...

Các DN bị phạt khác như công ty TNHH Total Swiss Việt Nam 220 triệu đồng, Công ty TNHH Nhượng quyền Toàn Thắng 270 triệu đồng và Công ty TNHH Nu Skin Enterprises Việt Nam 190 triệu đồng do các quy định liên quan tới Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động và đưa thông tin gây nhầm lẫn về công dụng của sản phẩm.

Điều 292, Bộ luật Hình sự mới: "Ác mộng" với cộng đồng Startup Việt

Bộ Luật Hình sự 2015 sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7 tới, trong đó Điều 292 về việc cung cấp dịch vụ trái phép trên mạng máy tính, mạng viễn thông đang gây nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận, đặc biệt là cộng đồng Startup của Việt Nam trong lĩnh vực công nghệ.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Cụ thể, Điều 292 quy định người nào cung cấp các dịch vụ như sàn giao dịch thương mại điện tử, trung gian thanh toán điện tử, trò chơi điện tử và các loại dịch vụ khác trên mạng máy tính, mạng viễn thông mà không có giấy phép hoặc không đúng nội dung được cấp phép có khả năng sẽ bị truy tố trách nhiệm hình sự.

Theo ý kiến của nhiều người đang hoạt động trong cộng đồng Startup Việt, quy định này chắc chắn sẽ gây cản trở cho việc phát triển của cộng đồng khởi nghiệp, bởi lẽ cộng đồng này vốn phát triển dựa trên những nền tảng thông tin và công nghệ của nước ngoài, gắn kết chặt chẽ với môi trường mạng internet, nguy cơ chuyển hóa chất xám là điều khó tránh khỏi. Hơn thế nữa các sản phẩm dạng này luôn có xu hướng đi trước Luật.

Còn theo phía luật sư, Điều 292 sẽ có tác động mạnh đến các nhà lập trình viên cá nhân. Có thể lấy ví dụ là trường hợp nổi tiếng của Nguyễn Hà Đông, người sáng tạo ra trò chơi Flappy Bird kiếm được tiền tỷ, có thể là đối tượng điều chỉnh của luật này. Bởi vì, nếu chỉ sáng tạo mang tính chất vụ lợi, hoặc tính vụ lợi không cao (chưa đến 50 triệu đồng thì không phải là hành vi nguy hiểm cho xã hội), nhưng thu nhập lên đến 50.000USD/ngày phải xin cấp giấy phép. Tuy nhiên, nếu quy định cứ "cứng nhắc" như vậy sẽ khiến cá nhân cũng như DN không dám khởi nghiệp vì sợ vi phạm pháp luật.

Chính vì vậy, để làm rõ hành vi vi phạm Điều 292, nhiều ý kiến cho rằng cơ quan chuyên môn cần ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể để xác định hành vi vi phạm.