Điểm nhấn kinh tế tuần qua: “Nóng” vụ dọa khởi tố vì mua bán điện thoại cũ

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu UBND TP Hồ Chí Minh kiểm tra, làm rõ sự việc này và báo cáo trước ngày 30/8/2016 là sự kiện kinh tế nổi bật trong tuần vừa qua.

Bị dọa khởi tố vì mua bán điện thoại "cùi bắp"

Trong tháng 6/2016 vừa qua, anh Dương Trọng Tiến làm dịch vụ kinh doanh mua bán, sửa chữa những loại điện thoại cũ được sản xuất hơn 10 năm trước tại quận 10 (TP Hồ Chí Minh) bị công an khám xét khẩn cấp vì bị cho là kinh doanh trái phép.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Về việc này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu UBND TP Hồ Chí Minh khẩn trương kiểm tra, làm rõ sự việc trên và báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30/8/2016.

Đây không phải là vụ việc mang tính chất cụ thể đầu tiên người đứng đầu Chính phủ phải đích thân chỉ đạo yêu cầu làm rõ. Trước đó, vào hồi tháng 4, không lâu sau khi nhậm chức, Thủ tướng đã yêu cầu xem xét tạm dừng khởi tố vụ án hình sự đối với chủ quán cà phê Xin Chào và đích thân gọi điện yêu cầu Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh phải làm rõ vụ việc trên.

Bình luận về sự việc trên, ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nói: “Đấy là một ví dụ rất cụ thể về sự can thiệp của người đứng đầu Chính phủ. Một việc tưởng chừng như rất nhỏ nhưng trên thực tế lại có tầm vóc lớn vì nó mang ý nghĩa biểu trưng cho một quan niệm, một cách thức để xây dựng môi trường kinh doanh, bảo vệ người dân, DN”.

Đề xuất xóa 8.000 tỷ đồng cho người nộp thuế

Tổng cục Thuế đã có thông tin cho biết, Bộ Tài chính vừa có đề xuất xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt cho người nộp thuế 7.963 tỷ đồng.

Đồng thời, Bộ cũng đề xuất khoanh nợ cho những trường hợp thực tế đã giải thể, phá sản, bỏ kinh doanh 6.731 tỷ đồng. "Việc khoanh nợ là tạm thời không tính tiền chậm nộp để theo dõi do các đối tượng này gặp khó khăn chứ không phải là xóa nợ", Tổng cục Thuế cho hay.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Còn đối với các trường hợp chây ì, cố tình chiếm đoạt tiền thuế của Nhà nước, quan điểm của Bộ Tài chính là sẽ bị xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật.

Tổng cục Thuế cũng bác bỏ những nhận định cho rằng việc xóa nợ, khoanh nợ thuế chỉ hướng đến DNNN, không tác động gì cho DN, không đảm bảo công bằng.

Theo đó, đối tượng xóa nợ, khoanh nợ gồm tất cả các DN thuộc mọi thành phần kinh tế: DNNN, DN có vốn đầu tư nước ngoài, DN ngoài quốc doanh, hộ cá nhân kinh doanh, chứ không chỉ mỗi DNNN.

6 tháng mới xử lý được gần 60.000 tỷ đồng nợ xấu

Theo số liệu do các tổ chức tín dụng và Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) báo cáo tới Ngân hàng Nhà nước, tổng các khoản nợ xấu được xử lý trong 6 tháng đầu năm đạt 59,71 nghìn tỷ đồng, giảm 14,55% so với cùng kỳ năm trước.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Trong đó, bán nợ cho VAMC 8,88 nghìn tỷ đồng; khách trả nợ 30,98 nghìn tỷ đồng, sử dụng dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu 7,24 nghìn tỷ đồng.

Tuy nhiên, ông Đoàn Văn Thắng - Phó Tổng giám đốc VAMC khẳng định, vướng mắc lớn nhất trong xử lý nợ xấu của VAMC hiện nay nằm ở thị trường mua bán nợ xấu. Theo quy định, việc bán nợ xấu của các DNNN chỉ thực hiện bán nợ cho các đơn vị có chức năng kinh doanh nợ xấu. Điều này là một hạn chế cho VAMC.

Ông Thắng lý giải, hiện nay trên thị trường hoạt động kinh doanh nợ chủ yếu có VAMC, Công ty mua bán nợ Việt Nam (DATC) và khoảng 28 Công ty quản lý tài sản (AMC) của các ngân hàng thương mại. Tuy nhiên, các AMC của các tổ chức tín dụng hoạt động còn nhiều hạn chế. Như vậy, việc mua bán nợ xấu chủ yếu trên thị trường là VAMC và DATC.

Giá nhà đang cao gấp 25 lần thu nhập

Mới đây, Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh (HoREA) đã công bố một báo cáo cho hay, giá căn hộ bình dân, quy mô vừa và nhỏ ở Việt Nam đang cao gấp 20 - 25 lần thu nhập trung bình năm của người có thu nhập thấp. Ước tính, người có thu nhập trung bình và thấp phải tiết kiệm 17 năm thì mới có đủ tiền mua căn hộ loại bình dân.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Nói về điều này, TS Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu kinh tế T.Ư (CIEM) cho rằng, đây là “nghịch lý và cũng là bi kịch” khi mà trên thế giới, bình quân giá nhà chỉ gấp hơn 5 lần thu nhập của người dân. Ông Doanh đề nghị cần làm rõ hiệu quả quản lý Nhà nước trên cơ sở giảm thiểu mức thấp nhất chi phí thời gian, thủ tục hành chính... đang đẩy chi phí, giá nhà tăng cao.

Về phía DN kinh doanh bất động sản, ông Nguyễn Văn Đực - Phó giám đốc Công ty TNHH địa ốc Đất Lành lý giải nguyên nhân trên bắt nguồn từ việc xin các thủ tục đầu tư mất quá nhiều chi phí và số tiền này bị tính vào giá mua nhà. Nếu thực hiện đầy đủ các thủ tục thì giá bán sẽ bị đẩy từ mức ban đầu 5 triệu đồng/m2 lên trên 20 triệu đồng/m2 sau khi hoàn thành.

Để giải quyết "bi kịch" này, các chuyên gia cho rằng, một trong những việc cần thiết là làm rõ hiệu quả quản lý Nhà nước trên cơ sở giảm thiểu mức thấp nhất chi phí thời gian, thủ tục hành chính... đang đẩy chi phí, giá nhà tăng cao.