Điểm nhấn phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây

Quý Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau 2 tháng đi vào hoạt động, không gian phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây (thị xã Sơn Tây, TP Hà Nội) đã thật sự trở thành điểm nhấn văn hóa của xứ Đoài nói riêng và của Thủ đô Hà Nội nói chung.

Nhiều hoạt động đặc sắc tại không gian phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây. Ảnh: Phạm Hùng
Nhiều hoạt động đặc sắc tại không gian phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây. Ảnh: Phạm Hùng

Động lực phát triển kinh tế - xã hội

Không gian phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây chính thức đi vào hoạt động từ tối 30/4/2022 và trở thành một trong 4 tuyến phố đi bộ của TP Hà Nội. Lãnh đạo thị xã Sơn Tây cho biết, việc đưa phố đi bộ thành cổ vào hoạt động nhằm hướng tới mục tiêu phát huy lợi thế của di tích Thành cổ Sơn Tây.

Bên cạnh đó, sự ra đời của phố đi bộ thành cổ sẽ kết hợp với các tuyến phố nội thị, công trình văn hóa khu vực trung tâm sẽ tạo ra một không gian mang tính cộng đồng với âm hưởng hiện đại, nhịp điệu vui tươi, ấn tượng, mới lạ, sống động, hấp dẫn, đáp ứng nhu cầu thưởng thức, giao lưu sinh hoạt văn hóa, vui chơi, giải trí, mua sắm, khám phá ẩm thực của Nhân dân địa phương và du khách tham quan vào mỗi cuối tuần.

Thị xã Sơn Tây xác định, hoạt động tuyến phố đi bộ là điểm nhấn trong Năm du lịch Sơn Tây - xứ Đoài 2022 và sẽ là tiền đề bứt phá, khơi dậy tiềm lực to lớn cho sự phát triển của thị xã. Đặc biệt là phát triển kinh tế đêm gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa tiêu biểu cùng với phát huy tiềm năng khu du lịch địa phương.

Bí thư Thị ủy Sơn Tây Trần Anh Tuấn nhận định, tuyến phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây sẽ mang đến động lực thúc đẩy phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch, góp phần tăng trưởng kinh tế - xã hội của thị xã và bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa xứ Đoài.

Bên cạnh tuyến phố đi bộ thành cổ, trong thời gian qua, thị xã Sơn Tây cũng đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm khai thác và phát huy hiệu quả các tiềm năng về điều kiện tự nhiên, văn hóa - xã hội, lịch sử truyền thống và nguồn lực con người cho phát triển kinh tế - xã hội.

"Trong định hướng phát triển kinh tế - xã hội địa phương, thị xã Sơn Tây đặc biệt chú trọng đến phát triển kinh tế du lịch. Trong đó, điểm nhấn sẽ là các mô hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, gắn với du lịch tâm linh, văn hóa và trải nghiệm nhằm phát huy các giá trị văn hóa để phát triển du lịch, dịch vụ và kinh tế đô thị của thị xã" - ông Trần Anh Tuấn nhấn mạnh.

Phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây thu hút nhiều khách tham quan, từ trẻ em đến người cao tuổi. Ảnh: Công Hùng  
Phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây thu hút nhiều khách tham quan, từ trẻ em đến người cao tuổi. Ảnh: Công Hùng  

Nhiều hoạt động hấp dẫn trong thời gian tới

Thống kê mới nhất của Quản lý di tích Làng cổ Đường Lâm cho thấy, sau hơn một tháng đi vào hoạt động, tuyến phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây đã thu hút 90.000 lượt khách đến tham quan, trải nghiệm. Trung bình một tuần, tuyến phố thu hút từ 10.000 - 15.000 khách. Riêng trong tuần đầu mở cửa, phố đi bộ đã đón trên 35.000 lượt khách.

“Số lượng người dân và du khách tham gia các hoạt động tại không gian phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây ngày càng đông. Đây là tín hiệu đáng mừng, giúp Ban Tổ chức tuyến phố tiếp tục duy trì và thiết kế thêm các chương trình đặc sắc, hấp dẫn nhằm thu hút người dân, phát triển du lịch, kinh tế đêm” - Trưởng ban Quản lý di tích Làng cổ Đường Lâm Nguyễn Đăng Thạo nói.

Để thu hút được lượng lớn khách tham quan, trải nghiệm tại tuyến phố đi bộ thành cổ trong thời gian qua, thị xã Sơn Tây đã cho tổ chức hàng trăm buổi biểu diễn văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao tại 8 điểm sân khấu chính và các khu vực xung quanh.

Đặc biệt, tất cả các hoạt động được tổ chức rất đa dạng theo từng chủ đề, phù hợp với nhiều đối tượng từ thanh thiếu nhi cho đến người cao tuổi. Đơn cử như hội thi áo dài, thi đánh cờ, nông dân đua tài, chào mừng SEA Games 31, khiêu vũ, nhảy hiện đại. Tại đây cũng diễn ra các hoạt động văn hóa dân gian như: Nặn tò he, trò chơi dân gian, viết thư pháp, vẽ truyền thần, bóng bay nghệ thuật...

Những hoạt động này đã mang đến sức hút lớn cho không chỉ giới trẻ, các em thiếu nhi mà cả những người cao tuổi tìm về với không gian phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây. Trong suốt gần hai tháng qua, hình ảnh những cụ già ở tuổi “xưa nay hiếm” vui vẻ đi dạo trên tuyến phố đi bộ thành cổ cùng con, cháu hay những cháu nhỏ mới chập chững bước đi cũng vui vẻ dạo mát quanh thành cổ cùng cha mẹ, người thân đã trở thành những hình ảnh đẹp và ấn tượng.

Ông Nguyễn Đăng Thạo cho biết, trong thời gian tới, phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây sẽ còn được bổ sung thêm nhiều hoạt động mới và đặc sắc, hứa hẹn sẽ mang tới sức hút lớn cho du khách đến tham quan, trải nghiệm. Ngay trong tháng 7/2022, giải đua thuyền quanh hào thành cổ sẽ chính thức được diễn ra và hoạt động này sẽ được duy trì hàng tháng, hàng quý nhằm tạo thêm điểm nhấn cho không gian phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây.

“Hiện chúng tôi đã tham mưu lãnh đạo thị xã xây dựng kế hoạch, triển khai thêm chương trình văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao khá đặc sắc, hấp dẫn” - ông Nguyễn Đăng Thạo nói và cho biết thêm, ngoài giải đua thuyền quanh hào thành cổ, Ban Tổ chức tuyến phố đi bộ cũng sẽ phối hợp với Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt đưa các đoàn văn hóa văn nghệ của đơn vị đến giới thiệu, quảng bá về văn hóa các dân tộc tại phố đi bộ, tạo thêm nhiều màu sắc văn hóa hấp dẫn.

 

Phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây dài 820m, diện tích sử dụng 34.550m2, kéo dài từ cổng trụ sở UBND thị xã Sơn Tây trên đường Phó Đức Chính đến cầu Cửa Tiền, nằm tại ngã ba Quang Trung - Nguyễn Thái Học. Thời gian hoạt động của tuyến phố đi bộ là từ 19 giờ ngày thứ Bảy đến 12 giờ ngày Chủ nhật hàng tuần. Phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây là không gian phố đi bộ thứ 4 của TP Hà Nội sau không gian phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm, không gian phố đi bộ khu phố cổ Hà Nội và không gian phố đi bộ phố Trịnh Công Sơn.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần