Có sai sót trong bổ nhiệm cán bộ Trong tuần qua, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh đã có cuộc chia sẻ với báo chí về một số vấn đề "nóng" của ngành. Trong đó nổi bật là việc bổ nhiệm, luân chuyển ông Trịnh Xuân Thanh và ông Vũ Quang Hải, con trai nguyên Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng.
Đối với vụ việc ông Trịnh Xuân Thanh, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, qua kiểm tra sơ bộ ban đầu đã phát hiện nhiều dấu hiệu sai sót, vi phạm trong việc thực hiện chính sách quản lý cán bộ. Tuy nhiên phải đợi kết thúc quá trình kiểm tra đối với Ban cán sự Đảng Bộ Công Thương và nguyên Bí thư Ban Cán sự Đảng Bộ vẫn đang được Uỷ ban Kiểm tra Trung ương tiến hành, thời gian dự kiến là 60 ngày, lúc đó mới có thể kết luận chính thức. Đồng thời Bộ trưởng cũng Thừa nhận có sai sót trong tiếp nhận, bổ nhiệm, luân chuyển ông Vũ Quang Hải về làm thành viên Hội đồng quản trị, Phó tổng giám đốc Sabeco. Nhưng sai phạm thế nào thì cần phải tiếp tục làm rõ. Trước câu hỏi đặt ra về việc liệu khi trực tiếp xử lý những vấn đề bất cập trong công tác cán bộ, đặc biệt khi một trong số đó là con trai của nguyên Bộ trưởng, có làm ông Trần Tuấn Anh "khó xử" hay không? Bộ trưởng Bộ Công thương khẳng định: “Đối với bất kỳ ai, dù là người lãnh đạo cao nhất của một ngành, hay là cán bộ khác trong ngành, tôi nghĩ đều phải đặt nhận thức, ý thức trách nhiệm của mình trước luật pháp, trước Đảng, trước nhân dân lên cao nhất”. "Xóa sổ" 53 ngành nghề kinh doanh có điều kiện ? Trong ngày làm việc thứ nhất của phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7 vừa diễn ra, các thành viên Chính phủ đã bàn bạc về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về đầu tư, kinh doanh.
Được biết, dự án luật này dự kiến sẽ bãi bỏ 67 ngành nghề kinh doanh có điều kiện, chuẩn hóa tên gọi 25 ngành nghề, bổ sung 14 ngành nghề. Như vậy, Luật Đầu tư sẽ còn 214 ngành nghề kinh doanh có điều kiện, giảm 53 ngành nghề so với luật hiện hành. Đồng thời, sửa đổi một số khái niệm để làm cơ sở phân định điều kiện kinh doanh với các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, như sửa đổi khái niệm “đầu tư”, bổ sung khái niệm “điều kiện kinh doanh” và “điều kiện đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài” để làm rõ hơn nội hàm của các khái niệm này. Thời gian qua, việc phân định chưa rõ về điều kiện kinh doanh và quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật đã gây nhiều vướng mắc. Ngoài ra dự án luật cũng sẽ tiếp tục hoàn thiện chính sách bảo hộ và khuyến khích đầu tư; khắc phục những vướng mắc trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp. Giá xăng giảm lần thứ 4 liên tiếp Với đợt giảm giá hôm 4/8 vừa qua, giá xăng đã có 4 lần hạ liên tiếp tính từ tháng 6/2016. Nguyên nhân bắt nguồn từ giá nguyên liệu dạng này trên thế giới cũng đang trên đà giảm mạnh.
Sau đợt giảm này, giá xăng RON 92 còn 14.699 đồng/lít, xăng sinh học (E5) còn 14.250 đồng/lít, dầu diesel còn 11.661 đồng/lít, dầu hoả còn 10.296 đồng/lít và dầu mazut còn 8.623 đồng/kg. Theo quyết định của Liên Bộ, các mức trích lập Quỹ Bình ổn giá xăng dầu vẫn được giữ nguyên. Đồng thời, mức chi sử dụng Quỹ bình ổn đối các mặt hàng xăng dầu cũng được giảm về còn 0 đồng/lít. Moody’s: Vietcombank dẫn đầu ngân hàng Việt về độ tín nhiệm Trong tuần qua, hãng xếp hạng tín nhiệm quốc tế Moody's Investors Service (Moody's) đã công bố báo cáo xếp hạng tín nhiệm các ngân hàng tại Việt Nam, Theo đó, Vietcombank được xếp hạng tín nhiệm dẫn đầu.
Cụ thể, kết quả xếp hạng tín nhiệm của Vietcombank là B1 (với tư cách là nhà phát hành nội tệ, ngoại tệ; tiền gửi nội tệ) và B2 (đối với tiền gửi ngoại tệ). VieinBank, BIDV, MB và Sacombank lần lượt xếp ở các vị trí tiếp sau. Ngoài ra, trong phần đánh giá, Moody’s nhấn mạnh điểm khác biệt và có quan điểm tích cực về hoạt động kiểm soát chất lượng tài sản của Vietcombank so với các ngân hàng khác. “Các chỉ số về chất lượng tài sản của Vietcombank là vượt trội hơn hầu hết các ngân hàng còn lại trong ngành”, báo cáo xếp hạng tín nhiệm của Moody’s cho biết.
Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh |
Ảnh minh hoạ |
Ảnh minh hoạ |
Ảnh minh họa |